Tuesday, March 2, 2021

ĐÊM VĂN NGHỆ GIỮA RỪNG TRƯỜNG SƠN

ĐÊM VĂN NGHỆ GIỮA RỪNG TRƯỜNG SƠN
( ccb NTL)
Tôi là người ở tỉnh Phú Thọ và vào bộ đội từ trường đại học Cơ Điện Bắc Thái. Cuối năm 1972 chúng tôi đi B. Trên đường Trường Sơn tiểu đoàn tôi đa số là sinh viên và công nhân các nhà máy, mang phiên hiệu đoàn 3002.
Ngày ấy lứa học sinh chúng tôi ai cũng được học thơ Tố Hữu . Thơ Tố Hữu đến với chúng tôi như một nguồn dẫn tuổi trẻ đi vào cuộc sống. Lịch sử lúc ấy là đấu tranh để hòa bình và thống nhất đất nước. Những người trai chúng tôi làm thiên chức ấy, làm người lính chiến đấu để bảo vệ và thống nhật đất nước. Bất kì người học sinh nào, bất kì người dân nào ở làng quê hay thị thành ngày ấy ít nhất cũng thuộc một vài bài hay một vài câu thơ Tố Hữu. Làm thơ mà được như thế là hạnh phúc vô cùng. Thậm chí thơ ông mà nhân dân đọc tưởng là cao dao trong đời sống.
Với tôi, là người lính, thơ Tố Hữu có vị trí vô cùng đặc biệt. Ngày ấy khi chúng tôi lên đường ai cũng có cuốn sổ tay ghi nhật kí. Nhiều lắm những đồng đội tôi, họ đều ghi những câu thơ Tố Hữu vào trong cuốn nhật kí đó. TRên đường Hành quân Trường Sơn đã không ít lần, những lúc mệt mỏi tưởng chừng không qua nổi là nhớ đến những câu thơ của ông. Nhớ đến tuổi 17 của ông đã dấn thân đi làm cách mạng. Chúng tôi từng vịn vào những câu thơ của Tố Hữu hay sau này là của Phạm Tiến Duật, của những nhà thơ lính Trường sơn mà đi về hướng tiền phương.
Trong cuộc hành quân trên Trường sơn ,Tiểu đoàn chúng tôi cứ 10 ngày hành quân thì được nghỉ 2 ngày. Trước đó cứ tối tối các trung đội tập hát và tập ngâm thơ để ngày nghỉ sẽ tổ chức văn nghệ đại đội. Đêm văn nghệ tối om om ở giứa rừng , lính ta hát , lính ta ngâm thơ , thậm chí hát chèo tấu hài cho nhau nghe để ngày mai lên đường,
Một tối , tôi nhớ khi gần đến lối rẽ đi về Quảng Nam chúng tôi lại văn nghệ. Hôm ấy tôi đảm nhận tiết mục ngâm thơ. Mùa khô rừng Trường Sơn đầy những tiếng ve. Nhưng khi có tiếng bộ đội hát hay tiếng nói của con người là ve ngừng bặt. Chả ai nhìn thấy ai trong đêm. Tôi cất tiếng thì lập tức cả ngàn con ve tắt lặng. Tôi ngâm :
- Ai về thăm mẹ quê ta
- Chiều nay có đứa con xa nhớ Bầm.
Tôi thấy hiện lên bầm tôi ở quê, tôi nghẹn giọng đứng im. Cả cánh rừng im lặng nghe rõ tiếng lá khô rơi trên tóc. Bỗng nhiên ở dưới hàng quân anh em đồng thanh cất tiếng đọc tiếp đoạn thơ mà tôi ngâm dở dang:
- Bầm ơi có rét không bầm
- Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
- Bầm ra ruộng cấy bầm run
- Chận dưới bùn tay cấy mạ non.
Rồi thì ào ào tiếng vỗ tay của lính. Hơn một trăm con người rưng rưng nhớ mẹ. Ôm vai nhau trong trong đêm trường sơn vang tiếng thơ giữa rừng:
- Con đi xa cũng như gần
- Anh em đồng chí quay quần là con
Đêm ấy trời Trường sơn nhiều ngôi sao li ti. Tôi thao thức nhìn về phía chòm Đại Hùng Tinh, nhớ về miền Bắc, nhớ quê, nhớ bầm tôi dặn lúc tôi lên đường: Con đi cố mà bằng anh bằng em.
(Sắp đến kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu.)
30/9/2020

No comments:

Post a Comment