Tuesday, March 2, 2021

ĐÁNH DẬM CHUỒNG ( Chuyện Làng).

ĐÁNH DẬM CHUỒNG
( Chuyện Làng).
Bây giờ làng hết đầm rồi, nên vĩnh viễn không còn thấy cảnh đánh dậm chuồng, hay úp Nơm úp Rập cả làng rộn rã vào tháng 5 tháng 6 âm lịch nữa. Đầm Hà quê tôi thành nhà chia lô thành ruộng cạn hết cả rồi, sinh thái làng hoàn toàn biến đổi đến là tiếc nuối.
Ngày xưa, chắc từ lâu lắm rồi người làng Đan Hà hay đánh dậm. Ngoài Đan Thương hay làng Trà, Hậu Bổng họ cũng đánh dậm nhưng đánh dậm chuồng thì chỉ có làng Đan Hà thôi. Sau gặt lúa vụ Chiêm tháng 5 chừng 1 tháng, các cuống rạ mềm ra gục dưới nước, ấy là lúc có thể đánh dậm úp nơm bắt cá cua dưới đồng Đầm Hà, đầm Đồng Gianh hay đầm Cả. Chỉ riêng đầm Hà thôi đánh dậm chuồng thì có mà hàng vài chục chuồng. Hết lượt đi rồi lượt quay về cua cá lại nhiều như cũ, thích thế. Làng tôi có lệ không biết từ bao giờ. Trưa, vừa ăn cơm xong còn đang tăm răng súc miệng đã nghe tiếng hú từ một nhà lão nông có uy tín nào đó. Ông nội tôi thường là người khơi mào các trận đánh dậm chuồng úp rập hoặc đi săn lợn rừng. Tôi thấy ông ra cổng bắc tay làm loa hú dài qua xóm dậm. Chỉ sau 1 đôi phút là có những tiếng hú đáp lại. Tiếng hú lan sang các xóm khác, nó lan lên gò lem, lan sang xóm hàng, xuống xóm cầu đất … và chỉ 30 phút sau ngót trăm người vác dậm vác nơm ra bờ đầm Hà. Họ thắt lại dây giỏ , buộc lại cái hom hay cài lại bàn dẵm. Tôi đã từng bắt chước ông nội hú mà không hú to được. Tiếng hú của tôi như tiếng con chích chòe chua loét nhỏ xíu bay chưa ra đến cổng . Tiếng hú của các ông nông dân quê tôi âm âm và vang xa, nó gọi nhau thắm thiết và có hồn người lan đi trong đó. Tiếng hú lúc đi rừng, hú gọi nhau đi săn , hú gọi nhau họp xóm ,,,,
Việc đầu tiên là chọn chuồng. Chuồng là khoảng đồng mà đoàn người sẽ quây tròn lại bằng đánh dậm vây cá trong vòng tròn đó. Bắt đầu họ đi thành vòng rộng. Đường kính vòng tròn có nhẽ đến 3, 4 chục mét tùy theo số dậm hôm đó nhiều hay ít. Dàn đỗ chuồng xong bắt đầu đánh dậm theo vòng tròn ngược kim đồng hồ. Những người đánh dậm đánh theo chiều xoáy trôn ốc để thít dần vòng chuồng hẹp lại. Cho đến khi dậm người này xít vào dậm người kia thì người ta đặt dậm đo cửa dậm vào phía trong chuồng. Lúc này bao nhiêu cá nằm trong cái chuồng hẹp ấy mà phía ngoài là mấy chục cái dậm quay tròn đo hứng sẵn. Bây giờ đến giai đoạn phá chuồng. Phá chuồng là hơn chục thằng trẻ con úp nơm như bọn tôi lội vào trong chuồng mà úp mà nô đùa. Cá bắt đầu chạy loạn xạ. Các dậm thấy cá vào là vội nhác dậm lên . Chỗ này được cá gáy chỗ kia cá chuối ầm ĩ náo loạn hỉ hả. Lũ trẻ con phá chuồng hò hét bắt cá trong nơm. Sau một hồi, người được kẻ không nhưng ai cũng hớn hở lại tiếp tục đi quây chuồng khác.
Lúc bé nhấc cái dậm rõ là vất vả nhưng mà thích lắm. Qua mỗi đỗ chuồng tôi dần khôn ra. Tôi tránh đi gần những người nôn nóng hay rung cán dậm. Phải thật nhẹ nhàng lặng im khi đợi phá chuồng cá mới đi vào dậm mình. Bố tôi dặn, thấy cá vào dậm thì lật ngửa ngay dậm lên cho nhanh cá mới không kịp chạy ra. Những lúc lật dậm ngửa ra rồi nhấc lên có con cá trắng bụng nhảy lóc đóc trong dậm mình sao mà sướng thế. Tiếng reo hò xung quanh khiến mình cũng vui lây kể cả khi con cá của mình bé bằng ngón chân cái. Có hôm một đôi vịt le bị quay lại trong chuồng , bọ trẻ con lao vào bắt hò reo náo động. Bỗng một con lặn rúc vào quần đùi một thằng úp nơm nó vội tụt quần ra kêu oái oái hở hết cả chim cò. Cả đồng nước phá lên cười. Ngày ấy sao mà thích thế.
Người đi đánh dậm chuồng thường là đeo hai cái giỏ. Một giỏ đựng cua, một giỏ đựng cá. Tôi vì người bé nên chỉ đeo nổi một cái giỏ thôi, Có hôm về đến nhà những con các diếc bị cua móc hết cả mắt, cụt cả đuôi. Đi đánh dậm chuồng đầm Hà tôi thích nhất là bắt được con thừng mực. Con thừng mực hệt như con cánh cam nhưng nó bơi và sống cả dưới nước và cũng bay vù vù trên mặt đầm. Có vài con thừng mực vặn cánh cứng đi rồi đun với tương cùng quả dọc ăn ngon không kém gì cà cuống. Cánh đồng rạ sau vụ gặt chỉ vài trận dánh dậm chuồng là ra đã nát. Những ngày sau đánh nhẹ nhàng hơn. Mặt đầm trông phẳng ra. Có hôm xuống đánh ở cửa đình làng là chuồng đầu tiên thì chuồng cuối cùng để lên bờ ra về tận xóm gần ga. Cả đoàn vác dậm đi ra cống bà Bảy rồi đi về làng. Mấy thằng úp nơm nắm tay nhau đi trên đường ray tàu hỏa. Những vết bùn như hoa 5 cánh in trên mặt ray. Những cánh hoa đất của người làng tôi in nỗi nhọc nhằn theo về trong xóm.
7/9/2020

No comments:

Post a Comment