Tuesday, March 2, 2021

Nhà thơ Lý Hữu Lương

Nhà thơ Lý Hữu Lương:
Chỉ còn vài giờ là bước sang năm 2021, tôi được cầm trên tay cuốn “Chuyện làng” của Nguyễn Trọng Luân, đây là cuốn sách thứ 2 sau “Bản thánh ca vọng mãi” mà Nguyễn Trọng Luân xuất bản trong năm 2020 đầy biến động với loài người này. Nếu nói “Bản thánh ca vọng mãi” là những gạn lọc lại một cuộc đời lính tráng – một sự ngợi ca, nhớ thương những người đồng đội của mình, thì ở “Chuyện làng” lại mở ra một vùng tâm thức khác của tác giả: Quê hương!
Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi… (Đỗ Trung Quân)
Hai chữ quê hương thôi đã đủ thao thiết với mỗi người, ai cũng có một quê hương, một nơi để về, để được chở che sau bao giông bão cuộc người. Quê hương = tuổi thơ + mẹ + xóm làng. Đó là một định nghĩa không hàm hồ, một công thức không hề cứng nhắc cho những con tim run lên mỗi khi nhớ về nó.
Chuyện làng không bao hàm những câu chuyện ám ảnh, những câu chuyện giật gân, ám thị, câu khách để có hình dung khác về làng. Chuyện làng được thể hiện một cách bình dị, nhẹ nhàng, an yên với những đoạn hồi ức về một khung cảnh vùng quê trung du: Nơi có con tàu chạy qua làng, có triền đê hút hắt, triền đồi, tràn ruộng, thung sau bao bí hiểm… rồi cái đói, cái nghèo, những chuyện đơm đó, xem phim, hót phân trâu nộp công điểm… đến chuyện đi học, chơi bao trò chơi con trẻ mà thời hiện đại đã không còn tìm thấy, nhìn thấy. Ở đó, bao đời nay vẫn những con người vẫn lam lũ lầm lũi đi cùng sự chuyển động của làng, nhưng khi bước vào thế giới của họ sẽ khiến mình ngạc nhiên, lạ lẫm trước cái bóng của họ…
Chuyện làng trầm tĩnh đi vào tâm hồn người đọc qua giọng văn có văn, hiển thị những giá trị nhân bản ấy hết sẽ khiến người đọc ngạc nhiên khi thấy mình trong đó… để mà hồi tưởng, để mà thao thức, để mà biết yêu và trân quý cho giá trị trường tồn – hai chữ: Quê hương!
Ôi: Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người (Đỗ Trung Quân)
LHL.
Trân trọng cám ơn nhà thơ Lý Hữu Lương
1/1/2021

No comments:

Post a Comment