Tuesday, September 3, 2019

BẠN HỌC TRỌ

BẠN HỌC TRỌ .
( một )

Mùa hè năm 1966 khi máy bay Mĩ đang liên tục ném bom xuống Yên Bái - một tỉnh bé và nghèo . Người Yên Bái sơ tán và đánh Mỹ khắp nơi “ Từ Khau Cọ đến Thác Bà “ . Lúc ấy lứa chúng tôi tuổi tù 13 đến 15 vào học lớp 8 trường cấp 3A. 
Tôi xin vào học cấp 3 A Yên bái cùng với Lê Khánh và Trần Tiến Lợi với lời hứa phải là học sinh giỏi và nộp mỗi đứa 50 lá cọ lợp nhà . Vì nhập trường muộn nên chúng tôi không phải đi đào hầm trú ẩn ở dốc Ót ( một trọng điểm máy bay Mĩ tập trung thả bom ) . 
Tôi nghe kể lại. 
Vào tháng 9/1966 học sinh trường cấp 3A Yên bái sơ tán về xã Văn Tiến huyện Trấn Yên phải đi đào các hầm trú máy bay dọc các con đường trong xã . Việc này rất có lợi trong suốt những năm đánh trả máy bay giặc Mĩ . Trên mọi nẻo đường làng đường lên huyện lên tỉnh chỗ nào cũng hầm trú ẩn để mọi người đi đường nghe thấy tàu bay Mĩ đến mà xuống hầm.

Một đêm học sinh đi đào hầm ở dốc Ót trên 3 quanh đèo . Đường ngoằn ngoeò cây cối rậm rạp, ngót trăm học sinh làm một đêm được 5 chục cái hầm hàm ếch trên đèo. Trời khuya, có một học sinh chui vào bụi đi vệ sinh lôi ra một cái xe đạp favorite. Cái xe ấy được trả lên tỉnh và Ty Thương Nghiệp cho bán đấu giá để lấy tiền sung công quĩ. 
Người mua được cái xe ấy là bố thằng Hưng Hỗ bạn tôi. 
Từ ấy trong lớp tôi người oách nhất là Hưng Hỗ. Chính anh em tôi Luân và Khánh biết đi xe đạp là nhờ cái xe Favorite của Hưng. 
Có một lần anh Khánh tôi mượn xe Hưng để tập . Chúng tôi đi từ cổng nhà ông Lương xóm Giát qua cầu bềnh . Lúc ấy đường xuống cầu Bềnh là dốc sỏi qua một cái lò rèn của bộ đội Trung quốc . Khánh phóng thẳng xuống khe. Cái vành xe méo vênh lên . Chân tay xưng tím. Thằng Hưng chả thèm bắt đền hỏng xe gì cả . Nó cười như ra vẻ đàn anh. Mày không chết là tốt rồi. Anh em tôi nhìn Hưng nể nể. 
Trong lớp tôi, tuy nó học kém nhưng lại nghịch ngợm và giảo hoạt. Tôi lên Lớp 9 nó nhuận lại . Thi thoảng cũng xuống nhà anh em tôi ở trọ mà hỏi bài. Hỏi bài thì ít, rủ nhau đi móc trộm khoai lang của xóm thì nhiều.

Tôi không biết Hưng Hỗ đi bộ đội năm nào. Chỉ nhớ là tháng 11/ 1975 khi từ miền nam ra quân về học tiếp đại học, tôi gặp Hưng. Hôm ấy, chiều muộn xe chúng tôi đổ quân ở một sân kho ở xã Quảng Thuận bên bờ sông Gianh. Gặp Hưng đeo ba lô móp mép và đội mũ lá cọ . Nhìn nhau, gọi nhau cười he he. Hỏi nó, sao lại đội mũ lá? Nó bảo bán hết mẹ nó rồi, lấy tiền ăn quán. Rồi lại cười . Tiếng cười y hệt ngày xưa mỗi lần chúng tôi hoàn thành một phi vụ lấy trộm quýt trong đồn điền Tanh Bua ở Yên Bái . 
Sau chiến tranh, đói kém khổ sở và nhiễu nhương làm lũ chúng tôi chúi đầu vào lo cho tồn tại của mình. Rồi lấy vợ sinh con trong một giai đoan bản lề. Chả biết cái “ Bản Lề” của các dân tộc khác thế nào chứ cái này ở nước ta nó thật dã man. Thế rồi chúng tôi vẫn sống và ra người tử tế , tử tế ngay khi còn trẻ cho đến về già. 
Nhớ lớp nhớ trường, lại nhớ các bạn đã thăng tiến trưởng thành, càng nhớ yêu những bạn khốn khó ở nơi thôn dã . Đời chả ai nói hơn ai cái gì. Chức tước tiền tài không thể có chỗ đứng trong lòng bạn học. Nhất là bạn với nhau từ tấm bé. 
Có một ngày mấy bạn chúng tôi về thăm xóm nhà Giát . Vào thăm bạn Hoàng Tiến Chung . Nơi đây chính là ngôi nhà mà chị em nhà Hưng Hỗ ở trọ 3 năm trời. Gia đình này đã coi chị em Hưng như một thành viên trong gia đình , yêu quí Hưng như con. Anh em nhà thằng Hoàng Tiến Chung với thằng Hưng gán bó với nhau biết bao phi vụ ăn trộm và rình gái thật li kì . 
Hôm ấy thằng Chung ốm, thế mà mấy đứa bạn học từ Hà nội lên dựng dậy tán phét rồi chụp ảnh với nhau. Ôi cái ngày xưa và cái bây giờ thiếu hụt nhau, xa cách nhau , để trống trải như gió rít qua làm răng đã gẫy . Nghĩ mà thương.

Ngày ấy ở xóm tôi trọ học kề với một bãi soi. Soi này là do con ngòi chảy từ chân dốc Tam Gianh ( bây giờ là km 19 Yên Bái – trên đường 70 ) chảy qua Thịnh Hưng - Văn Lãng (qua một phần đất Đại Phạm) đến xã Văn Tiến rồi ra sông Hồng. Tôi nhớ là quãng tháng 10/1966 anh em tôi phải lội qua bến Làng Trung đi đường Văn Lãng đến trường, xa lăng lắc. 

Mùa cạn, ngòi chỉ là con suối chừng mười mét sâu đến ngang thắt lưng. Nhưng mùa lũ thì thôi rồi, sâu cả hai mét nước và lũ tràn vào đồng và chìm cả tre pheo ngô lúa. Bãi bồi do con ngòi sinh ra là những triền ngô, mía, lau sậy ngút ngát màu mỡ cho những làng mạc quanh nó. 
Ơ xóm trọ, có hai con đường để ra đường tàu hỏa rồi từ đó đi xuôi ngót chục km về làng tôi. 
Một đường đi qua nhà của thầy giáo già tên là Phan Kế Viễn ( Thày Viễn là em trai cụ Phan Kế Toại - Một ngôi nhà rất to và đẹp có tới gần trăm cây cau quanh nhà ) . rồi ra đồn điền quýt cam bên trên cầu ngòi Sen chừng một cây số . 
Một đường lội tắt đồng ngô ra dốc Bò Lăn rồi ra ngày đầu cầu . Đường đi tắt qua bãi ngô hễ mưa thì khó đi vì đất phù sa rất trơn. Đổi lại, đi trong đồng ngô bãi mía thú vị lắm . Chỉ hai bắp ngô đút trong áo là ấm bụng đến chiều. Cứ mỗi chiều thứ 7 HTX Ngòi Sen lại mất vài chục bắp ngô. Sự bất thường ấy buộc các xã viên phải lập đội trông coi. Họ bố trí 3 lão nông cứ thứ 7 là ngồi trên cây sung ở dốc bò lăn. Đây là điểm chốt duy nhất mà lũ học trò bố láo kia phải đi qua sau khi đã làm đủ trò dưới cánh đòng ngô và mía. Ngồi đấy nhòm hết thảy lũ học trò bẻ ngô . Những chúng tôi thì không biết là các lão nông đang rình mình. Và thế là sau rất nhiều trận thắng chúng tôi bị thất bại và bị bắt quả tang . Các laõ nông rất nhân văn, bắt từng đứa lôi ngô trong quần áo ra và tự khai tên tuổi con nhà ai học lớp mấy và ríu rít xin lỗi bà con xóm Ngòi Sen yêu quí. . Thằng Vân rúi sau khi tụt quần rơi ra vài bắp ngô còn chưa kịp bóc bẹ râu ngô đen rầm khiến cả người bắt trộm và đương sự cùng phá lên cười. Lúc qua cầu đường sắt thằng Vân bảo, cho bọn nó đi trước đi, mày đợi tao tí tao gãi đã, ngứa bỏ mẹ . Nó tụt quần ra gãi một hồi . Tay gãi mồm nói, râu ngô dính thế nhỉ. 
Từ ấy con đường qua bãi ngô lũ học trò vẫn đi nhưng chỉ ngửi mùi phấn hoa và nở nụ cười với các ông bà anh chị đang nhấp nhô làm cỏ ngô , làm cỏ mía. 
Cho đến khi đi bộ đội hành quân đi chiến đấu qua miền trung. Ở trong đó cũng có dốc "Bò lăn ". Lại có cả khe "Bò đái." 
NHớ lại , tôi không biết tại sao nơi tôi học trọ ở Văn Tiến Trấn Yên Yên Bái cũng có dốc “ bò lăn “ mà lại không có khe "bò đái ". .. Lạ nhỉ !
20/5/2019 

No comments:

Post a Comment