Tuesday, September 3, 2019

CHUYỆN CU CÚN NHÀ QUÊ

CHUYỆN CU CÚN NHÀ QUÊ
( viết chuyện quê xem cho đỡ đau đầu )

Mưa ầm ào, gió rung cây ngằn ngặt. Hai đứa chạy rẽ nước dọc con đường đất sỏi nước reo roe roe. Chúng nó chạy sang tận cổng nhà ông Thẽm.
Con Cún gào lên;
- Anh cu ơi chờ em với. Quần của em đâu? 
- Tao ném ở bờ rào rồi . Tí nữa quay lại lấy. Nhanh lên trám trôi hết không có đâu mà nhặt.
Thì ra chúng nó đi nhăt trám nhà ông Thẽm nhân lúc mưa to gió giật.

Cây trám nhà ông Thẽm to hai người ôm cao vun vút. Chả ai chèo được chỉ chờ mưa gió trám rụng xuống à nhặt thôi. Mưa tháng 7 cuốn những quả trám vàng ươm trôi xuống chân đồi, thằng cu con cún thích lắm. Trong mưa nghe thấy bầm thằng Cu réo lên :
- Về nga…ay Cu ơi. Mày không thấy sấm đẹ à…à. Tiếng à của mẹ thằng Cu chìm vào trong mưa.
Mưa tạnh. Gió ngừng. Thằng Cu và con Cún ôm cái lá khoai ráy mỗi đứa chừng hai chục quả trám. Chúng nó hí hửng khoe nhau xem đứa nào được nhiều trám hơn. Bỗng có tiếng bầm thằng Cu réo :
- Về đi Cu ơi.
- Dạ. Thằng Cu dạ rõ là to
- mày mang dạ về đây!
Thằng Cu con Cún giật mình nhìn nhau trần truồng. Con Cún bật khóc . Anh Cu ơi em mất quần rồi. Thằng Cu tái mặt. Tao để quần của mày ở chỗ nì mừ…
Hai đứa ôm mớ trám đi vào ngõ. Bầm thằng Cu dẫm chân bình bịch trên sân còn loang nước. 
- Trám với chả sung. Trần như nhộng lột kén thế kia à? Nói rồi bà bẻ cành râm bụt làm roi huơ lên. Con Cún rúm người nấp sau thằng Cu. Cái đít thằng Cu đen nhẻm. Con Cún chun mũi.
Bầm thằng Cu bẻ chót lá chuối bảo con Cún che bụng mà về. Thằng Cu đứng tồng ngồng trong sân nhìn con Cún ép cái lá chuối vào đằng trước đi tom tóp trên đường sâm sấp nước mưa. Thằng Cu nhớ mãi cái thân hình con Cún nửa xanh lá chuối đằng trước nửa cong cớn trắng phau phía sau.

Vài chục năm sau.
Con Cún đi học đại học rồi cư ngụ ở Sài Gòn. Thằng Cu đi lính rồi về lăn lộn ở nhà quê phía bắc. Con Cún bây giờ người ta gọi là bà Thanh Nga. Nhà có ô tô có cửa hiệu bán toàn đồ phụ tùng đàn bà có chữ TRIUMPH. Thằng Cu đi tìm mộ đồng đội ở K cầm cái địa chỉ trên tay đi tìm con Cún.
Bà Cún Thanh Nga một lần về quê không gặp ông Cu nhưng để lại cái danh thiếp và dặn bủ già lẫm cẫm mẹ thằng Cu là ;
- Bá cứ đưa cho anh ấy cái nì. Vô đó hỏi Thanh Nga “Tre ầm” là được bá nà.
Ông Cu đến con phố sầm uất hỏi thăm. Khốn khổ thân Cu, cái tên Thanh Nga thì quên phắt , cứ tre ầm mà hỏi. Tre vầu gì thì cũng dễ nhớ. Nhìn bộ dạng ông già người bắc đi tìm “tre ầm “ họ căng mắt rồi căng mồm cười hô hố. CU phẩy tay vào lũ người bất lịch sự mà bỏ đi.
Ông Cu tìm thấy bà Cún. TRước mắt ông Cu là người đàn bà ngoại ngũ tuần đẹp nần nẫn. Người bà Cún thơm như mùi nhựa trám ngày xưa. Cún nói, muốn dẫn Cu đi thăm Sè gòong. Nhưng Cu baỏ, thôi tao đi sang Căm đây. Tau đi tìm hài cốt đồng đội. Vừa nói ông Cu vừa lấm lét nhìn những con “ Canh” mặc su chiêng đứng phơi phơi trong tủ kính. Mưa tháng 7 nhà quê hiện về, lại hiện về con Cún trần truồng ép lá chuối hở đằng sau, cặp mông đít cong cớn. Bà Cún thấy ông Cu nhìn con Canh đơ đơ người bèn đập vào vai . Bố khỉ !

***
Năm trước ông Cu đi tìm mộ đồng đội tận CPC gặp được bà Cún ở “Sè gòn” thì năm sau bà Cún từ “Sè gòn” về quê.
Cữ này trăng sáng lắm. Gần đến rằm trung thu vườn đồi nhà ai cũng thơm thơm. Con đường làng chỉ những mùi nước đái mùi phân trâu cũng bỗng trở nên dễ ngửi. Hồng và bưởi ngoài chợ thì ê hề thế mà bưởi và hồng trong vườn nhà Cu vẫn chưa chín. Quả hồng treo như cái bánh sắn vụ đói cứng ngăng ngắc và trái bưởi thì đợi mãi chả rám má. Cu ra vườn rồi trở vào lẩm bẩm. Mẹ kiếp ngày xưa với ngày nay thế chó nào mà nó lại khác nhau? Bố ai chịu được.
Cún về làng chả còn ai ở làng, người nhà Cún ra tỉnh hết rồi. Cún sang nhà Cu ăn cơm, Cún ngủ ỏ nhà Cu một tối, mai Cún xuôi về Thủ đô.
Tháng tám trời trong. Cún nhớ là một bài học ngày xưa dậy thế. 
Gọi:
- Anh Cu ơi, liệu có mưa không? Trăng có sáng không? 
Cu đang kho nồi trám dưới bếp ngỏng đầu lên:
- Chịu chả thể biết, mưa nắng bây giờ không còn là mưa nắng ngày xưa nữa. 
Thằng con trai ông Cu đang quét sân bảo:
- Cô ơi bây giờ ô nhiễm môi trường , lại còn ô nhiễm cả thể chế thì làm sao mà giống ngày cô và bố cháu hát bài ‘ “ Tùng rinh rinh “ nữa.
- Sư bố nhà anh. Ai bảo là thể chế ô nhiễm. Các anh ăn cho lắm vào mà rửng mỡ mà nói xấu chúng tôi.
Trăng lên thật. Trăng chỉ ló sau ngọn mít nhà Cu mà Cún đã kêu lên:
- Anh Cu ơi! trăng kìa. 
Cu bê thức ăn ra hè cười khẩy: 
- Tưởng gì, trăng thì vẫn thế có gì mới đâu Cún à. Cún rưng rưng, anh ơi mấy chục năm nay em có nhìn thấy trăng đâu. 
- Thế cô nhìn thấy cái gì mỗi tối hả Cún? Cún im lặng . Ngoài vườn con “ nhanh nhanh” kêu . Tiếng kêu của nó cứ rối tít bòng bong.

Ngồi ở hiên nhà ăn cơm tối nhưng Cu chỉ bật một bóng đèn soắn ruột gà loại tiết kiệm điện. Ánh sáng chỉ hơn đèn dầu ngày xưa tí chút. Cún bảo, anh ơi ngày xưa có trăng là nhà ai cũng tắt đèn để khỏi mất tiền mua dầu anh nhỉ. Ông Cu sới cơm cho bà Cún. Giục, ăn đi ăn cho nóng. Cu gắp thịt chó nhựa mận cho Cún. Bà giãy lên, anh Cu ơi em không ăn được món nì. Em bị tiểu đường. Cu sững lại. Cún bị … gì hở Cún? Cún nói kiểu xưa, em đái đường mà Cu. 
Cu giật thót người. À nhớ rồi, nhớ rồi. Cái bệnh đái đến đâu ruồi bâu đến đấy. Ông Cu nhớ lại ngày xưa bố mẹ kể chuyện các bà vợ quan Huyện quan Tỉnh hay bị bệnh này. Bệnh nhà giàu. Chợt Cu nhớ hôm đi lấy mộ đồng đội, vào nhà Cún trong Sè gòn. Cún giàu lắm . Người cứ phôm phôm pháp pháp ăn uống toàn cao lương mĩ vị, rắm đánh thối um vậy nên mắc bệnh này là phải. Cu gắp trám kho cá diếc cho Cún. Bà Cún cười :
- Anh Cu nì, trám là kho với cá diếc mới ngon hỉ ?
- Đúng quá Cún à. Cái gì cũng có đôi của nó . Âm thì dương mà dương thì âm . hì hì
Bên đồi trẻ nhà ai hát ríu ran
« … ông trăng xuống chơi với thày.
.thì thày cho mõ
Xuống chơi với chõ

Thì chõ cho xôi/ xuống chơi hàng nồi
hàng nồi cho vung/

….Rồi đến cái đoạn :
.. xuống chơi đàn ông 
đàn ông cho vợ
xuống chơi với chợ 
thì chợ cho vua 
xuống chơi với chùa
thì chùa cho phật … thì bà Cún đặt cơm xuống. Bà ngước lên nhìn ông Cu cóc cáy. 
- Anh Cu ơi sao mà người ta cứ cho hết cái người ta không thể thiếu … thể anh nhỉ. Về quê em mới thấy cái chuyện này. Ở thành phố chả ai dạy con mình thế đâu anh Cu à ?
Ông CU nhìn trăng mon men đến ngọn cây trám đầu ngõ. Tâm trí Cu sáng láng ra. Cu bảo. Cún nghe mà không nhớ đoạn cuối của bài hát ngày xưa của chúng mình này ư Cún ? đó đó, chúng nó hát đến đó … đó.
Tiếng lũ trẻ nhà bên réo rắt :
« … giả phật cho chùa 
giả vua kẻ chợ…
giả vợ đàn ông ,
giả chồng con gái, 
giả trái cây cà,
giả hoa cây bưởi…
.giả lưỡi cần câu….
Giả bầu chợ Giác 
Giả bạc bà quan 
Giả loan con ngựa
giả nhựa cây sung 
………
giả mõ ông thày … 
ba hồi chín cốc mà bay lên giời » 
Ông Cu bảo bà Cún :
- Con người ta yêu nhau đến nỗi không tiếc nhau cả thứ quí nhất trên đời. Nhưng không ai nỡ lại lấy đi cái quí ấy nên họ đều mang giả lại đó Cún ơi . Giả lại rồi vui quá sướng quá yêu quá lại bay về giời. Ông trăng yêu nhà quê mình là thế Cún nà.

Miếng trám bùi trong miệng bà Cún như đọng lại keo lại cả chùm nhời bài hát lũ trẻ con nhà quê ngấm màu trăng rất cũ. Bà Cún ngước lên ngọn cây ngoài vườn . Mặt trăng vàng múm mím. Ô hay, trăng ở quê không toe toét anh Cu nhể. Từ ngày xưa vẫn thế. Đến lúc này bà mới ngửi thấy mùi nhựa trám đốt thay nến của những chiếc đèn ông sao vụng về từ sân có lũ trẻ nhà bên đưa lại .
****
Bà cún rời quê một ngày, bà ở Thủ đô một ngày nữa rồi bà bay đi Sè Gòn. Mấy nhà buôn đồ “tre ầm” cùng ngạch với bà giữ mấy bà cũng không ở. Ở lại bà nhớ cửa hàng nhà bà với những con Canh trần trụi cô đơn. ở lại bà ngửi thấy mùi mùa thu Hà Nội giống mùi bà nhớ bà thương từ nảo nào tới giờ. Người già, người cô đơn sợ nhất là dư âm. Mà dư âm của bà thì toàn là mùi vườn mùi ruộng và có cả anh Cu nữa. Sao mà cái khíu giác người già nó tồn tại lâu hơn thính giác thị giác nhể? Mắt mờ, tai điếc mà mũi vẫn ngửi tốt . Rõ là con người ta già cục bộ.
Bà lên xe ra sân bay. Con đường nắng hanh hanh mùi rơm rạ . Bà bảo chú Grab hạ cửa kính. Gió lùa vào xe cả mạt rơm. Bà bỏ kiếng mát, bà dòm ra xa. Ngay ỏ nách thủ đô mà bà vẫn nhìn thấy đàn bò hiền như bò quê . bà chợt nhớ anh Cu vẫn đi chăn bò. Hôm kia hôm kìa bà về quê thấy anh Cu mặc quần đùi đuổi bò về tay mắm một nắm sỏi cuội trắng. Bà hỏi, Cu làm gì mà nhặt sỏi về thế hở anh? Cu bảo, nhặt về cho Cún mang đi Sè gòn mà chơi ô ăn quan. Lúc Cu đuổi bò vào chuồng ngoái lại còn nói:
- Cún ơi, có nhớ ngày xưa mình hay nói “ hết quan hoàn dân, thu quân kéo về “ không? 
Bà Cún giật mình. Bà quên từ lâu rồi, bà quên hết mình từng là con gái nhà quê, bà quên nhiều thứ lắm, bà quên cả những cái mụn trên bắp chân mình mà anh Cu đã từng nhá lá cỏ đắp lên cho bà. Cái bọng chân trắng nhễ trắng nhại vẫn còn vết mờ hồng hào như hột quả hồng mùa thu. Đó đó… đó đó …bà nhớ ra rồi. Và bất giác bà nhớ bài que mốt que mai. 
Bà cún cất tiếng như hát bô lê rô:
- « Que mốt que mai
Cái Chai cái hến 
Con nhện giăng tơ
Quả mơ quả táo
Cán gáo lên bàn đôi. »
Bà lau mắt rồi hát tiếp :
- « đôi tôi đôi chị
đôi cành thị đôi cành na
đôi lên ba.
Ba ta ba mày
Ba lưỡi cày
Một sang tư »
Bà Cún nức nở. Anh tài xế Grab vội hỏi, bà ơi bà có cần dừng lại không ? Không không ! anh chạy nhanh cho tôi đến sân bay…

Chuyến bay lúc gần trưa nắng cũng như mật trên đồng nhà bà ngày xưa. Bà biết bà sẽ chả bao giờ trở về làng cũ nữa. Nơi chốn ấy đầy những là kỉ niệm mà từ ngày bà đi lấy chồng bà đã quên lịm nó rồi. Bà nhìn qua cửa sổ lúc tàu bay lăn bánh trên đường băng thứ nắng vàng mùa thu mà phương nam không có. Bà nhớ mùa chim ngói . Nhớ trái trám những cữ mưa rào. Bà thương ơi là thương những đứa cháu bà bây giờ không có tuổi thơ như bà và ông Cu ngày xưa. Bà nhớ cửa hàng « tre ầm « của bà và những đứa cháu vùi đầu vào ai phôn máy tính. Thương chúng nó nứt mắt ra đã làm người lớn. 
Tiếng cô tiếp viên làm bà giật mình :
- Bác uống gì ạ ? 
Bà nhớ tối hôm nọ ở quê anh Cu bảo Cún ơi mày uống nước Vối không ? 
Bà lắc đầu với cô tiếp viên lông mi cong bôi keo nhọ nồi. Cô tiếp viên nhìn bà cứ nghĩ bà già đang khóc.

Hà nội 2017 NTL

No comments:

Post a Comment