Tuesday, September 3, 2019

Báo và Chí




Tôi vào bộ đội năm 1972 khi học xong năm thứ 3 ở đại học Cơ Điện Bắc Thái. 
Lứa chúng tôi toàn là sinh viên các trường Y khoa , Sư phạm , Nông Lâm, Cơ Điện và ngót hai chục trường Trung cấp kĩ thuật , kinh tế Ngân hàng. Sau hơn một năm chiến đấu , lứa chúng tôi cũng đã hi sinh một số . Hi sinh trên đường hành quân, vì sốt rét vì dính bom mìn và những trận đánh ở dọc đường 19 Gia Lai. Tháng 3/1974 Mặt trận đường 19 kéo dài ( bao gồm F320, các trung đoàn của mặt trận, các bộ phận binh trạm trung, vận tải đường dây ) chọn một số người có khả năng viết lách về *chiến khu " RỪNG SOÀI Đức Cơ học viết Tin viết gương người tốt.
Nguyên si là như thế . 
Có lẽ cấp trên thừa hiểu viết báo nó cao cấp hơn. Ngữ chúng tôi chỉ viết tin vắn, viết gương người tốt , những trận đánh hay những người đánh giỏi, viết cho lính ở tại trận, đọc tại trận mà thôi. 
Làm gì có thầy bà nào ở Bắc vào đâu. Người biết nhiều dạy người biết ít. Ấy thế mà nghe nhau, nuốt từng lời của nhau. Người dậy chúng tôi lớp học 3 tuần đó là Khuất Quang Thụy. ( sau này là nhà văn ) là anh Tỉnh Tuyên huấn người phố Gia Ngư Hà nội. Lúc này các anh đã có truyện ngắn in trên báo Tây Nguyên, có thơ được giải thưởng VNGP . Chỉ đạo lớp là thiếu tá "Vinh tồ" người Ninh Bình. Sáng học , chiều chúng tôi đi tát suối, đào măng. Kiếm rau rừng , kiếm củ sắn củ mài . Đêm đọc bài mới viết. cho nhau nghe . Đọc rồi bình rồi nuốt từng lời của nhau. Hồi ấy viết cả thơ cả chèo và cả ca khúc. Đến bây giờ tôi vẫn thuộc làu các cách viết làn điệu chèo ứng cho vui hay buồn hay mỉa mai cay đắng. Trong lớp học có cả bọn đặc công D19. Cả bọn D631, cả bọn 593 pháo cao xạ và cả anh em binh trạm Trung. Tôi nhớ mãi “Tổ khúc “ NHỮNG NGƯỜI GIỮ ĐẤT mà Khuất Quang Thụy viết lời cho thằng Quang D16 viết nhạc. Nó viết bằng ghi ta. Cây ghi ta duy nhất của Sư đoàn 320 được hội Phụ nữ huyện 5 Gia Lai gửi tặng. ( Du kích huyện 5 lấy được hồi đánh Đức Cơ 11/1972)

Sau 3 tuần chúng tôi về đơn vị chiến đấu. Chia tay ở "lớp báo chí " cũng giống như ngày vĩnh biệt nhau . ( đây là lời thằng Ngô Thịnh nói. Sau này thằng Ngô Thịnh là phó ban Tổ chức ĐH Thái Nguyên) . Riêng e64 chúng tôi có tin ở nhà lên , khẩn trương về để đánh căn cứ Lệ Ngọc. Ngày gần cuối ra về có anh Sơn tép tuyên huấn sư đoàn 329 ra chụp ảnh thì rủi thay 2 thằng Ngô Thịnh và Chử Lương Thanh của trung đoàn tôi đi kiếm rau rừng cải thiện thế là không có mặt trong tấm ảnh này. Chỉ mươi ngày sau thằng Chử Lương Thanh ( quê Tứ Xã Lâm Thao ) một cây viết khá của d9 e64 hi sinh trên cửa mở căn cứ Lệ Ngọc. - Hôm ấy nhằm ngày 10/4/1974 . Mộ của thằng Chử Lương Thanh ở nghĩa trang Chư pơ rông. Gialai.
Chỉ hết mùa khô 1974 trong lớp viết của tôi đã khối thằng hi sinh. Người hi sinh gần lúc giải phóng mà tôi biết là Đào Hưởng quê Hà Tĩnh. Thằng Đào Hưởng này nhập ngũ cùng tôi khi nó là sinh viên cao đẳng Xây dựng ở Phổ Yên. Đêm 30/3/1975 tiểu đoàn 9/e64 hành quân tiếp cận thị xã Tuy Hòa lot vào một ổ phục kích của địch. Hưởng đã vật nhau với tên địch và đâm nó bằng dao găm. Quả lựu đạn trên tay tên địch phát nổ. Hưởng và thằng địch chịu trọn vẹn quả US ấy mà mũi tiếp cận không bị dừng lại.
Chúng tôi không trở thành nhà báo. Nhưng những bài viết của chúng tôi trên tờ tin Sư đoàn 320 mang tên " Đồng Bằng " và tờ tin Trung đoàn 64 và 48 mang tên “Dũng cảm Đánh Hăng,” và " Thăng Long " thì chúng tôi mãi ghi nhớ và tự hào. Chúng tôi nhớ vì những bài “ báo” đó là máu và nước mắt của chúng tôi và đồng đội.
Ngày kia là ngày báo chí CMVN. Tôi cứ liều mà gọi các bạn tôi trong tấm ảnh này là các " nhà báo trung đoàn, nhà báo đồng đội." Các Bạn của tôi ơi! nếu đứa nào còn sống có nhớ ngày chúng mình đi học viết tin ở Tây Nguyên không? Tôi gọi những cái tên nay đã thành nhà văn như Khuất Quang Thụy, Hoàng Dân, Vũ Công Chiến, ..những họa sĩ như Hữu Thảnh , Hữu Quý, những Kĩ sư Ngô Thịnh, Vũ đình Khang HP và hầu hết ai sống trở về đều là Kĩ sư Bác sĩ thầy giáo vì thế hệ chúng tôi đều là sinh viện đại học vào lính, những người yêu nước và chiến đấu dũng cảm. 
Chúng tôi không làm báo nhưng chúng tôi đã là đồng chí của nhau.

19/6/2016 NTL
- Ảnh chụp ở bãi khách sư đoàn 320 - Đức Cơ Gia Lai 3/1974
ảnh : lớp viết tin mặt trận đường 19 kéo dài - 1974 
-Tác giả Nguyễn Trọng (Hàng trước) thứ 3 từ trái sang
- Khuất Quang Thụy ( hàng trước ) thứ 4 từ trái sang
- Liệt sĩ Đào Hưởng thứ 2 từ phải sang( hàng trước)

No comments:

Post a Comment