Tuesday, September 3, 2019

NƠI CON TÀU KHÔNG TRỞ LẠI.


Lớn lên thấy trên gò đồng ốc có những hõm đào vách cao tới 5 mét. Cái vách đứng ấy toàn sỏi in hằn những vết xà - beng mầu nâu xỉn . Chân gò có một vườn mít và những cây chanh có gai khuất um tùm những là cỏ rác và bụi me chua thân gai như gai móng rồng. 
Chúng tôi đi học trên đỉnh gò. Cái gò đồng ốc ấy chỉ là mỏm đồi kề dưới trường làng. Con đường sắt Hà nội Lao kay chạy dưới chân gò ấy. Ngày xưa, tàu xuôi ngược rất đúng giờ. Ngồi trong lớp nghe tàu lên là biết 9 giờ, sắp ra chơi. Lúc đã mỏi mắt đói bụng nghe tàu bô bô từ phía bắc về là biết 11 giờ trưa sắp tan học. Ngày này qua ngày khác, chuyến tàu khách 7 giờ sáng xuôi, chuyến tàu 2 giờ chiều xuôi chúng tôi cứ đứng ven đường vẫy mỏi tay những chuyến tàu qua. Ngày ấy tôi hay có thói quen nhìn khách ngồi trên tàu rồi đoán người này làm gì người kia đi đâu. Tôi thèm một ngày nào đó được lên tàu rồi đi công tác. Ở quê tôi cứ ra khỏi làng họ đều cho là đi công tác. Ước mơ cứ theo con tàu chạy đi xa hút. 
Lớn lên mới biết những cái mà bố gọi là Ta-luy ở gò đồng ốc là chỗ ngày xưa phu hỏa xa họ đào đất đắp đường tàu. Cũng mới hiểu cái gò đồng ốc có một chỗ sẻ đôi ra để cho đường sắt chạy qua khúc cua để chạy về ga .Ở gần khúc quanh có cái cột “ ghi “ đuôi cá đèn đỏ đèn xanh cụp xuống ngỏng lên ấy là nhà cái Thành bạn tôi bán rượu và làm thợ máy khâu. 
Ngày mới hòa bình, ở quê tôi chỉ có một hàng rượu. Nhà bán rượu phải có giấy phép của chính quyền. Nhà bán rượu chính là nhà cái Thành Quì. Cái gian bán rượu là những giá để chai rượu khoét tròn từng lỗ. Rượu Văn điển. lúc đọc được chữ hồi 1958 tôi nhớ mãi cái dòng chũ Ty rượu Văn Điển. Chiều chiều, tôi chờ thằng Vân gọi thì đi theo nó. Thằng Vân mua 2 hào cho bố nó, tôi mua 1 hào cho ông nội. Từ nhà tôi và nhà thằng Vân xuống hàng rượu bà Quì mất 200 m đường sắt. Chúng tôi đi trên đường sắt qua khúc quanh gò đồng ốc. Qua đấy mắt nhớn nhác nhìn những cái bình vôi vất lăn lóc chỗ đường vào vườn mít mà lạnh tóc gáy. Họ bảo nhiều ma lắm. Cái chỗ ấy năm tàu cháy hàng trăm người bò lốm ngổm ra khỏi tàu rồi chết trên gò . 
Tôi còn bé và rồi hòa bình lập lại cuộc sống đổi công rồi HTX cuốn hút, chúng tôi được đi học yên bình, chả ai nhắc lại cái vụ tàu cháy vào năm 1947 ở cửa nhà tôi. Đó là một chuyến tàu chở vũ khí của ta lên ngược bị kẻ địch bí mật đốt cháy. Chuyến tàu đó rất nhiều người dân đi tàu chết cùng với bộ đội và nó dừng lại ngay cửa nhà tôi dưới chân gò nơi trường cấp 1 của tôi bây giờ. Chỉ duy nhất một lần nghe bố tôi nói, vài năm sau bắt được 2 thằng gián điệp xử bắn ở gốc gạo bờ sông Đan Thượng . Một thằng tên Kha , một thằng tên Tới. Chúng nó khái chính chúng nó đã đốt chuyến tàu chở thuốc, chơ đạn dược của bộ đôị ta lên mặt trận Lào Cai- Yên Bái.

Ở gò đồng ốc những ruộng mạ bậc thang chi chít những nấm mả bé như cái nón không bao giờ có ai viếng thăm và thắp nhang. Chiến tranh nó thản nhiên với mạng người đến thế. Chiến tranh nó cũng vô tình với nỗi nhớ người đời đến thế.
Lại trở về chuyện mua rượu . Có một lần tôi và thằng Vân đi mua rượu thấy cái Thành nó đang hát, tay tiên chuốc chén rượu đào/ đổ đi thì tiếc uống vào thì say. Bạn anh Tâm gốc nhà nó là an Đỗ Minh, anh Thành Biện Nghệ đang múa quạt hát tuồng. Thành Quì bé tí nhưng hát hay lại múa dẻo nữa, nó hát mà tôi và thằng Vân há mồm ra nghe. Nó thuộc nhiều câu cải lương mỗi lần xem gánh hát của xã nhà. Nó thuộc và hay hát tích tuồng Tiết Đinh San - Tiết Nhân Quí. Nó hát mà chả hiểu gì, nhưng cứ hát. Bà ngoại nó bán rượu mắt lòa nhưng rót rượu không sai chút nào, không đổ ra ngoài bao giờ. Bà hỏi, bao nhiêu? Tôi bảo một hào. ( tiền mới đổi 1958 ) Bà cầm chai rót vào cái chai của tôi mang theo đúng đến cái vạch vôi 1 hào ông tôi vạch từ trước là dừng lại. Bà cầm từng chai rượu đua lên lắc lắc biết ngay con Thành và lũ bạn anh Tâm gốc đã uống rượu lúc diễn kịch.
Vài năm sau, lúc HTX nông nghiệp mở ra, cũng là lúc cải tạo công thương nghiệp ở quê tôi . những nhà bán hàng khô , những ông thợ may thợ lò rèn hàng nước mắm hàng phở đều phải vào HTX. Hàng rượu của nhà ông Quỳ biến đi từ lúc nào nhẹ nhàng không ai rõ.
Cũng từ ấy, các ông già quê tôi ít uống rượu. Họ nấu lấy những mẻ rượu rồi cất đi trong buồng nút lá chuối lại để cho những ngày giỗ ngày tết. Thế mà tôi lại thuộc cái câu : Tay tiên chuốc chén rượu đào / đổ đi thì tiếc uống vào thì say từ lúc mới tập tọng chữ I chữ tờ. rồi đến lớn lên đọc thuộc mà chả nhớ là học ở đâu những câu như thế này :

Tay tiên rót chén rượu đào,
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say.
Chẳng chè chẳng chén sao say,
Chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm.
Tìm em như thể tìm chim,
Chim ăn bể Bắc, để tìm bể Đông

Có những cái nhớ không cắt nghĩa được vì sao mà nhớ. Đời người mà nhớ và biết rằng vì sao mà nhớ tức là không phải mình đang nhớ.
Tôi trở về quê, mỗi lần đi qua cái khúc quanh dưới gò đồng ốc ra nhà thằng Vân là qua miếng đất khi xưa nhà cái Thành Quì đã ở . Già rồi mà vẫn cứ thấy cái cảm giác gai gai người khi nghĩ đến những lọ bình vôi lăn lóc ở chỗ tàu cháy xa xưa. Nhớ những buổi chiều cầm chai đi mua rượu cho ông để được ngồi chơi bi với lũ bạn trong xóm. Cầm chai rượu đứng ven đường sắt quần trễ rốn vẫy tàu hỏa thèm thuồng mơ ước. Ngước lên ngọn đồi trường cấp 1 nhà xây ngói đỏ nấp dưới vòm xanh thấy như mình đang vào lớp có cả thằng Vân với con Thành và bao đứa bạn ngày xưa vẫn còn nằm lại ở chiến trường.
Lại có con tàu chạy qua khúc cua có cây tín hiệu đèn xanh đỏ. Chỗ ấy người ta đã làm con đường mới cho giảm độ cong . Cái chân cột tín hiệu, nơi con đường tàu cũ gai xấu hổ mọc đầy. 
Nơi ấy con tàu không trở lại.

24/5/2019 

No comments:

Post a Comment