Tuesday, September 3, 2019

Nhà Lá


Tôi biết sẽ chả bao giờ mình được sống lại ở ngôi nhà lá cọ nữa. Kí ức về ngôi nhà lớp lá dần trôi vào quên lãng kể cả những người nghèo nhất ở quê tôi. 

Có một tiêu chí của đất nước tôi về đánh giá sự giàu nghèo tiến lên là cụm từ “ ngói hóa” . Rồi nay, ngói hóa đến bê tông hóa thì chả ai thấy vui vẻ tự hào gì nữa. Cụm từ bê tông hóa như một sự khủng khiếp đè nặng lên con người tiến bộ quê hương tôi. Từ ngói hóa đến nay là bê tông hóa, khoảng thời gian ấy có nhẽ đến 40 năm . Bốn nươi năm, lịch sử chớp mắt một cái mà đất nước tôi đã xóa sạch một nếp sống dưới mái nhà lá mấy ngàn năm tuổi thì quả thật là tài. Tài đến thế là cùng. 
Những năm đầu 80 thế kỉ trước, ở chợ Bưởi nơi đầu dốc ngã ba đường Hoàng Hoa Thám bây giờ là khu bán nứa tre và lá cọ. Đêm trước phiên chợ những xe bò chở tre hóp và nứa, lá từ ngoài bến Sù, bến Chèm về. Họ xếp gọn tre pheo nứa lá trong đêm và sáng sau người cứ đến mà mua. Mua nhiều thì thuê luôn xe bò chở về, mua ít thì tha lôi bằng xe đạp , xích lô. Ngày ấy những ngôi nhà cột tre cột gỗ lợp mái lá cọ đầy trong ngõ và cả ngoài mặt phố . Dân Hà Nội mặt đường cũng ngói hóa, bán lại gồi cọ cho dân trong ngõ. Dân trong ngõ cũng ngói hóa sau đó vài năm. Nhà lá mát nhưng hay dột. Người ta ra chợ mua vài tàu lá về dặm lại. Cái đòn tay yếu gẫy ra mua cây hóp về cài lên. Những đêm mưa tí tách, những mùa gió bấc thổi u u . Chỉ ở nhà lá mới biết thôi chứ nay nhà bê tông đâu còn thấy. Văn học sẽ đứng lại, sẽ sang một trang khác không còn thấy tiếng mưa tiếng gió nữa. Ít năm nữa thôi những tiến sĩ viết sách giáo khoa sẽ viết về mưa về nắng dạy cho con cháu theo một cách khác. Mưa, sẽ loang lổ trên mặt đường, mưa ồn ã chìm nghỉm xe cộ và giấy ni lông dâng kín phố phường. 
ở Phú Thọ, diện tích rừng cọ đã đến lúc thành nỗi buồn cho cán bộ cho người dân. Đất cọ chả trồng thêm được gì ngoài lấy lá làm chổi cọ quét sân. Có cái thằng “biệt phủ bán chổi đót “Yên Bái tôi đồ chừng chính nó cũng đã từng thu mua chổi cọ ở quê tôi. Đêm nằm trong nhà nghe mưa bao giờ cũng thấy rõ mưa từ xa mưa về. Gió vi vu rồi rầm rĩ, lá cọ khua vật vã rồi lép bép rồi lốp đốp và đến ào ào râm ran nghe như ngàn ngàn cây mía gặp bão lá khua vào nhau. Rừng cọ trong mưa lá cũng khua vào nhau và âm thanh của nó ròn rã, nghe vâm vu hơn nhiều. Rừng cọ không nghiêng ngả, nhưng gió mưa thì thổi tất cả lá cọ nghiêng về một phía. Rừng cọ quê tôi thành ngàn vạn cánh buồm . Hàng vạn cánh buồm đó đều bị ông trời té nước vào khiến rừng cọ rung động trong tiếng sấm đùng đoàng. 
Những đêm mưa như thế, tôi rất sợ mẹ nằm trong buồng hỏi vọng ra. Thằng Luân che chuồng trâu chưa? Lúc chiều dắt trâu vào chuồng thấy cơn mưa mà không kéo tấm phên lá cọ che chuồng trâu là bị mẹ mắng, bị bố quất cho mấy roi. Tôi dạ, con che rồi ạ. Rồi lẻn dậy hé cửa chui ra trong chớp đẹ nhoàng nhoàng. Tôi với cái nón mê ra chuồng trâu kéo tấm phên che. Trong ánh chớp con Dòng đứng vùng dậy. Nó thò đầu liếm tay tôi, nước rãi nó nóng hôi hổi. Trong đêm tôi thấy hai con mắt con Dòng loáng lên hai chấm đỏ. 
Ở quê tôi, nhà giàu làm nhà nhìn mái lá biết ngay. Hàng cọ mau chứ không thưa. Lớp này chồng lên lớp kia khiến mái lá dày cao lên đến rợp mắt. Hàng cọ dưới cùng sau lợp nhà phải có một nửa cây tre đè xuống, buộc gông xuống nửa cây tre bên dưới, để nước mưa không chảy ngược vào trong. Lợp nhà có nhiều cách, tùy theo khả năng gia chủ. Nhà giàu chọn cọ cây cao 10 mét trở lên mới lợp. Loại này lá dày và dài. Mỗi tàu lá nặng đến dăm kí chứ chả chơi. Nhà nghèo dùng lá cọ chặt ở cây thấp thì vừa ngắn vừa mỏng, lợp chóng cùn. Có nhà chỉ có rui thẳng mà không có mè . Mỗi đòn tay chỉ một mè khi lợp phanh chéo lá cọ rồi dùng lạt giang buộc lá cọ vào dui. Người ta gọi là nhà Ngoãm. Lợp nhà kiểu này ít tốn lá nhưng khó lợp lắm. Nhà nghèo thì phải chịu chứ ai cũng muốn ngôi nhà của mình rui mè bằng vầu ngâm , đòn tay tre ngâm 2 năm , nức đòn tay với các cây gộp bằng mây. Buộc rui với mè cũng bằng mây vót nhỏ nhẵn thín. Lúc bé tôi đi làm giúp, chỉ chọc lá đưa lên cho người lợp ngồi trên nóc nhà. Có nhà kiêng không cho các bà lên lợp, có nhà còn chọn người đàng hoàng chín chắn ngồi lợp gian giữa . Tôi thích nhất cái khoảng nhà tối dần khi nhũng hàng lá cọ đã lợp lên đến nóc nhà. Lúc ấy một cảm giác mát rượi xâm chiếm bình yên đến lạ. Chỉ đến lúc ấy con người mới có nỗi yên tâm trong ngôi nhà che mưa che nắng che mọi sự khổ đau bên ngoài đời. Đến lúc ấy mới cần đến các ông già có kinh nghiệm ngồi đánh nóc . Người ta nói “ nhà dột từ nóc” ấy là cái nóc nhà luôn hứng chịu nắng nôi mưa sối nhiều hơn cả. . Mọi thứ mưa gió dập vùi nóc nhà chịu đầu tiên. Dột mái chữa thì dễ, dột nóc chữa mới khó. Thường phải dỡ hẳn nóc ra làm lại. Mà cái sự làm lại nóc nhà diễn ra thường xuyên hơn chữa cái mái nhà. Có lúc tôi lẩm cẩm, nghĩ cái nóc như thượng tầng phải thay thường xuyên chứ cái mái nhà từng phiến lá rúc ráy vào nhau như là nhân dân vậy khiến nó vững bền hơn. Trong những ngày mưa rào nhìn máng nước chảy tràn trề vào chum nước góc hè , lũ trẻ chúng tôi cởi truồng tắm dưới hàng hiên môi thâm bẳn mà thích như tiên . 
Ngôi nhà ngày xưa nó giàng buộc dằng dịt thật đơn sơ mà cũng thật bền vững cao siêu. Nhà phải có cột. Cột phải có cột cái cột con. Có cột phải có kèo, phải có xà. Xà phải có trên có dưới rồi mới đến đòn tay rui mè. Cuối cùng là phải có thượng lương và cái nóc . Cái nóc là tên là tuổi là ý tứ nguồn gốc dòng họ. Thượng lương thể hiện ngôi nhà làm năm nào thuộc chính thể nào. Ngôi nhà có một cái thước . Nó là lịch sử là văn hóa cội rễ ngôi nhà. Ở trên cây thước mộc mạc đó gồm tất cả kích thước vị trí từng cột xà kèo ...từng dấu tích mộng mẹo. Mất cái thước mực ấy ngôi nhà vô hồn hệt như một quốc gia không lịch sử, nó là ngôi nhà không lí lịch. Ngôi nhà như thế là vô phúc có bán cũng không ai mua. AI đã từng nằm trên tấm phản giữa nhà nhìn lên mái nhà trong một ngày mưa một mình chưa? lúc ấy mới thấy kêt cấu ngôi nhà là một gia đình hoàn chỉnh . Con cái cha mẹ cháu chắt không thể rời bỏ nhau được bao giờ . Chỉ có chiến tranh hỏa hoạn là gia đình dòng họ tan hoang hết.

Chúng tôi đi chiến đấu. Trong rừng Trường sơn vẫn tháp thoáng ngôi nhà lá. Ngôi nhà âm một nửa dưới đất và lá trung quân. Ở Tây Nguyên những ngôi nhà lợp bằng nửa cây lồ ô theo kiểu ngói âm dương. Trong những ngôi nhà ấy là hàng triệu cuộc đời người lính ở thế kỉ hai mươi đánh giặc. Trong những ngôi nhà ấy những con người mơ đến ngày về ở trong một ngôi nhà lá bình yên có tiếng đưa nôi. 

Chúng tôi trở về và đát nước thay da đổi thịt. Nhà lá được thay dần bằng nhà ngói nhà bê tông. Những chung cư chọc trời dột không cách chữa . Con người hồng hộc nồng nặc dưới vòm nóng bê tông mà tự mình làm ra để giết dần con cháu mình sau này . Họ lại tìm đến những “ rì sọt “ lợp lá như ngày xưa. Tìm đến những chỗ khe nước nóng ngày xưa đầy dẫy trong những bản làng miền tây bắc hay cả vùng Phú Thọ quê tôi. Đã có thời có những người muốn phá rừng cọ đi để trồng bạch đàn, Thứ đầu óc tiên tiến a dua của cán bộ ngày nay đã khai tử hết những vùng bờ xôi ruộng mật đồi gò tươi tốt thành khu công nghiệp và dự án tội ác đến bại hoại cả một thòi lịch sử đất nước tôi. 
Đi về tìm ngôi nhà lá ngày xưa chỉ để cho mình bình yên trong tâm tưởng . Nhưng khó rồi. Đến cả những vùng nghèo nhất rất xa xôi, người Việt cũng đã cõng tấm pờ rô độc hại để về làm nhà, họ vẫn hứng nước mưa từ những tấm pờ rô ấy. mặc dù lá cọ ngay ở trên nương nhà mình xanh ngời ngợi. Chỉ có bốn mươi năm thôi mà những ngôi nhà, ngôi làng của tôi yêu thương bình yên là thế đã mất hút. Chỉ để lại nỗi niềm đau xót mang tên đổi mới. Bạn tôi bảo rõ là tôi lẩm cẩm, không thể tiến bộ.

Ngày 1/8/2019 NTL

No comments:

Post a Comment