Tuesday, September 3, 2019

LÊN CAO BẰNG

Lời tác giả : Đây là bài viết cash đây tròn 5 năm. Bài viết gồm 3 phần bắt đầu từ ngày 10/8/2014. Nay đăng lại . Dù vậy đây vẫn là môt câu chuyện không hề cũ về một người liệt sĩ chiến công rất đặc biệt .
************************** 
10/8/2014
LÊN CAO BẰNG VỚI ĐÀM VIỆT HÙNG.

Chuyến lên cao bằng đợt này lại là ba anh em chúng tôi, một là nguyên đại tá thạc sĩ ở Viện lịch sử quân sự , một là nguyên thượng tá cán bộ tuyên huấn sư đoàn và tôi trung sỹ năm 1975. Chúng tôi đã vào Tây nguyên tháng 4/ năm nay. Rồi tháng 5 Chúng tôi đi tìm và tìm được, rồi viết bài và đề nghị Sư đoàn cũ về tận nơi gia đình anh Nguyễn Quốc Doanh liệt sĩ tiểu đoàn trưởng D9 E64 người chỉ huy chiến đấu trên căn cứ 31 bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ tháng 2/71 và đã làm được thủ tục đề nghị NN xét truy tặng danh hiệu AHLLVT.
Lần này, sẽ khó khăn hơn gấp bội nhưng cầu xin vong linh đồng đội Đàm Việt HÙng khôn thiêng giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện.
Tôi có thể tóm tắt thế này để chia sẻ với các CCB và mọi người về anh Đàm Việt Hùng.
HÙng quê thị xã Cao bằng nhập ngũ năm 1971. Anh huấn luyện ở sư đoàn 304 B và vào chiến trường Tây nguyên bổ xung vào đơn vị tôi C9D9E64F320A. Đại đội 9 của Đàm Việt Hùng năm 1971 khi đánh đường 9 nam Lào đã nổi lên anh hùng Phùng Quang Thanh. Mùa xuân năm 1975 cũng lại ở C9 này xuất hiện anh hùng Nguyễn Vy Hợi một ngày bắn cháy 9 xe tăng và bọc thép. Trong trận đánh xe tăng hôm ấy ( 18/3/75 ) tại Cheo reo Đàm việt Hùng là trung đội trưởng . Đánh dọc đường 7 từ TN về tới Tuy Hòa. Ngày 1/4/75 Trung đội trưởng Đàm Việt HÙng đã chỉ huy trung đội đánh ra tận bờ cát biển Đông Tác và tại bãi biển này Hùng đã bắt sống chuẩn tướng Trần Văn Cẩm ( người chỉ huy cuộc rút chạy khỏi cao nguyên của Quân đoàn 2 VNCH)
Trận cuối cùng mà tôi gặp Hùng là trận đánh rạng sáng 29/4 Đại đội 9 của Hùng cùng với đặc công 198 đánh chiếm cầu Bông giữ được cây cầu huyết mạch cho đại quân tiến vào đô thành Sài gòn.
Từ bấy đến nay không thấy ai nhắc tới Đàm VIệt Hùng. Hóa ra anh đã ra bắc ngay những ngày đầu GP để đi học Sĩ quan. Và, tháng 2 năm 1979 anh là cán bộ tham mưu trung đoàn 246 sư 346.
Ngày 17/2/79 đoàn cán bộ trung đoàn đi tập huấn ở Sư đoàn trên đường gấp trở về trung đoàn thì quân TQ đánh vào thị xã. Chỉ bằng vũ khí cá nhân các anh đã đánh địch ngang đường. May mắn có một xe chở đạn từ tỉnh đội xuống huyện các anh đã dùng vũ khí cùng với dân quân và anh em tại chỗ bắn cháy xe tăng ở bản Sẩy. Sau đó con đường về Hà Quảng bị chặn cắt bởi quân TQ. Anh đã cùng số anh em công tác cùng nhân dân địa phương Hòa An chiến đấu. Ngày 25/2 /79 Đàm Hùng hi sinh, lúc ấy anh là cán bộ D phó . Đàm Việt hùng được truy tặng huân chương chiến công hạng ba. 
Còn nhiều điều bí ẩn về anh, về những trận đánh tháng 2/79 tại quê hương anh. Nhưng thành tích của Đàm Việt Hùng khi chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên thì vẫn còn đó và chiến công của anh trong sử của trung đoàn 64 F320A vẫn còn đây. 
Chưa biết chúng tôi sẽ làm được gì, nhưng nhiệm vụ trước mắt là chúng tôi phải tới trước mộ anh mà thay mặt cho đồng đội E64 thắp hương cho anh. Chúng tôi phải về thăm người mẹ già của anh còn đang sống với người em gái anh ở Thị xã Cao bằng. Chúng tôi phải viết được chiến công của anh người dày dạn kinh nghiệm bắn xe tăng đã lại bắn cháy xe tăng quân Trung quốc, chúng tôi phải tìm hiểu cái chết lẫm liệt của anh mà đồng đội anh đã gọi điện kể qua điện thoại với tôi. Khi hi sinh tay Hùng vẫn nắm chặt quả US đã ruỗi chốt.
Tôi đã nhiều lần lên với Cao bằng nhìn sông Bằng Giang buổi chiều sương khói và những bờ tre ngút ngát. Lần này, những con đường, những dẫy phố đơn sơ thị xã và con đường vào Nước Hai sẽ không phải là một cuộc rong chơi. Cao bằng – Tôi đang đi về với đồng đội của tôi

Lên Cao Bằng ngày 1

Đã thu thế mà vẫn nóng. Đường lên Lạng sơn nay vắng xe hơn. Nếu trước đây nối đuôi nhau những chuyến xe từ phía nam ra những là trái cây và nông sản xếp hàng ở cửa khẩu thì nay chỉ còn lác đác. Những chuyến xe lên chợ Đông kinh, lên cửa khẩu của các bà các mợ đi mua đồ phụ nữ, đồ gia dụng nay cũng chẳng còn. Thành phố Lạng Sơn hiền hòa như xưa lắm. Chúng tôi nói chuyện cầm chừng bởi ai cũng nghĩ về việc còn dang phía trước.
Đã từng lên Cao bằng ba lần nhưng chả đọng lại trong tôi cái gì lớn lao. Hai lần trước đều vào mùa đông. Lần đầu vào năm 1970 tôi chỉ nhớ màu áo bông sám tái và con đường gập ghềnh bụi mù khô hanh. ấn tượng nhất là những cây cam quả nhỏ mà đỏ treo trên những thân cây trụi lá thấp thoáng bên đèo dốc với tiếng mõ lốc cốc của đàn trâu. Lần sau khi đã làm giám đốc đi cùng với anh em thăm một đồng nghiệp, chỉ nhớ là rất nhiều rượu với những người đón tiếp uống rượu vô cùng giỏi, rồi đó là một đêm khuya lắm chạy về tới thành phố Lạng sơn lăn ra ngủ ở một khách sạn nào đấy mà không thể nào nhớ ra, chỉ nhớ đêm ấy rét xuống 5 đo c 
Bây giờ. Con đường rộng hơn, nhẵn hơn, người đi trên đường ăn mặc sạch và đẹp hơn. Màu núi màu rừng màu ruộng thì vẫn thế không mới hơn được nữa. NHưng tôi đồ rằng tất cả những người nhìn thấy hôm nay xuy nghĩ khôn hơn những người ngày xưa cũng trên con đường này. Mùa thu in trên những tấm biển đề : Hồng không hột. Mùa thu lay phay trên má mấy chị bán hàng sén ven đường một màu hồng nhang nhác. Chỉ vài bữa nữa thôi má họ sẽ hồng hơn, môi thắm lại hơn, búi tóc sẽ có lấm tấm sương mỗi khi họ ra cửa tiễn khách. Xe qua Thất khê tôi nhớ một người bạn tôi là bác sĩ đã qua đời vì bệnh trọng. Người bạn chiến đấu của tôi ở Tây nguyên ấy bây giờ về nằm trên Đình Lập nhưng bạn ấy kể những ngôi trường bé xíu Thất khê đã từng nuôi tao lớn. THất khê cũng có những cây Mộc miên cổ thụ và dẫy phố nhỏ chạy dài từ thời Pháp. Nắng sớm nay ở Thất Khê than nhiên như chưa bao giờ nắng phải nhớ về thời trận mạc đường số 4. Những tấm bạt phơi ngô ven đường khiến cả một dẫy phố ươm màu lòng tôm lên những cư dân và cả không gian ở đó…( tiếp)
Mười hai giờ trưa, nắng oi ả chúng tôi lên tới TP Cao bằng. Một đồng đội của tôi cũ là Giám đốc sở Văn Hóa TT nay đã nghỉ hưu đón ở đầu cầu Sông Hiến. Bắt tay nhau rồi đi ngay vì mẹ của liệt sĩ Hùng và cả nhà đang chờ. Tôi hình dung ra một khung cảnh thật đau buồn cho người mẹ già 85 tuổi. Nhưng khi chúng tôi bước vào nhà, nhìn mẹ ngồi trên nền gạch dựa lưng vào tường mặt lạnh lùng như không có gì xẩy ra. Mẹ hỏi, các cháu đói không? Các em và cả nhà chờ cơm đấy. Rồi mẹ chỉ xuống căn nhà ngang nhỏ hơn nhưng đẹp đẽ. Nó ở đưới đấy, xuông với nó đi. Hóa ra mẹ chỉ có Đàm Việt Hùng là con trai duy nhất nay đã hi sinh. Mẹ làm căn nhà có hai gian một gian thờ Hùng một gian còn lại mẹ bảo mẹ sẽ về đấy sống những ngày cuối cùng. Bàn thờ Đàm Việt Hùng tinh tươm và gọn gàng. Tấm Huân chương kháng chiến và Tổ quốc ghi công treo hai bên. Tấm ảnh chụp ngày đi B rắn giỏi . Đàm Việt Hùng ngồi đó trẻ trung, như ngày nào bắt sống tướng Trần Văn Cẩm ở Tuy Hòa được gọi lên trung đoàn viết thành tích. Hùng hay cười nhưng nóng tính, thậm chí trong chiến đấu hay văng tục nữa. Tôi hỏi mấy người em , huân chương chiến công có không? Cô em gái hạ tấm bằng Tổ quốc ghi công tháo tấm ngăn sau, huân chương chiến công đánh quân Trung quốc của Hùng hiện ra. Chúng tôi bùi ngùi, máu của Hùng đây, đằng sau của huân chương là máu là đau đớn là li biệt, là nước mắt mẹ già…
( còn tiếp)

ảnh 1 : Đường lên Cao Bằng. 
ảnh 2 Bàn thờ liệt sĩ Đàm Việt Hùng. 
ảnh 3 : Mẹ của Đàm Việt Hùng và Nguyễn Trọng.
ảnh 4 Huân chương chiến công đánh quân TQ của Hùng

(Tiếp LÊN CAO BẰNG ).
Lên Cao Bằng 2
Chúng tôi rời nhà của em gái Đàm Việt Hùng để lên Bộ chỉ huy quân sự Cao bằng lúc 14 giờ 30 . Pháo đài cao bằng nổi cao lên giữa thung lũng hai bên là sông Hiến sông Bằng bao bọc. Thật là một điểm cao quân sự hoàn hảo. Chả thế chuẩn bị chiến dịch Biên giới năm xưa ông Võ Nguyên Giáp khi đi thị sát thấy vậy đã cho thay đổi ý định đánh vào Cao Bằng bằng đánh vào Đông Khê . Đứng trên pháo đài này nhìn toàn bộ thị xã và khống chế được mọi sự tấn công vào thị xã từ mọi phía. Bây giờ Bộ Chỉ huy QS tỉnh ở đó khang trang mát mẻ. 

Tiếp chúng tôi gồm đủ Chính ủy, phó chính ủy, Chủ nhiệm phó Chủ nhiệm Chính trị, trưởng ban Tuyên huấn, ban chính sách và ban Khoa học qs. Nghe chúng tôi trình bày, chính ủy Linh người Trùng Khánh rất chân tình chia sẻ, và cử ngay một cán bộ là thượng tá Lê Hùng phụ trách ban Khoa học QS sáng ngày mai cùng chúng tôi đi về nơi mà Đàm Hùng đã hi sinh để gặp các nhân chứng đồng thời sẽ là người tháp tùng chúng tôi cho tới khi xong việc. THật là may mắn. Đêm ấy một giấc ngủ ở pháo đài Cao Bằng tưởng ngon mà lại thao thức. Thao thức vì ngày mai chúng tôi sẽ tìm đến nơi bạn tôi và bao người đồng đội khác đã hi sinh. Đêm ấy tôi cứ nằm để hình dung lại trận đánh 18/3/75 ở cầu Sông Bờ Cheo reo mà Đàm Việt Hùng cùng Nguyễn Vy Hợi và cả c9 D9 lao vào một rừng xe tăng địch. Hôm ấy C9 của Hùng đã diệt hơn ba mươi xe cả tăng và thiết giáp và cơ giói , diệt hàng chục xe chở lính làm tan rã toàn bộ quân địch tại thung lũng sông Bờ cuối thị xã Cheo Reo. Tôi hình dung ra Ngày 1/4/ 1975 khi dẫn đầu trung đội đánh ra tận bãi bể Đông tác Hùng xốc tên Chuẩn tướng Trần văn Cẩm nằm giả chết trên bãi biển dậy và nhận ra đây là một tên sĩ quan cao cấp. Thế là hắn bị bắt sống bởi một thanh niên Cao Bằng 23 tuổi tên Đàm Việt Hùng
Lúc chiều sau khi làm việc với Bộ Chỉ huy QS xong, một đồng đội Cao Bằng của tôi dẫn chúng tôi chạy vòng dọc theo sông Bằng vòng qua sông Hiến. Cao Bằng với tôi có cảm giác một thành phố có tre xanh bao bọc. Tre Cao Bằng thật sâm búi thật mướt lá. Hai bờ sông tre ngút ngàn soi bóng, tre bập bùng cả trên cánh đồng Cao Bình. Tre chạy mãi tới chân núi, khiến hoàng hôn Cao Bằng rớt vàng trên những lũy tre .

LÊN CAO BẰNG ( tiếp) 3

Chúng tôi dậy rất sớm. Chớm thu, bầu trời vùng biên ải bàng bạc từ pháo đài Cao Bằng nhìn xuống thành phố như tắm sương. Ba anh em ra quán ăn vội bát phở gà với thật nhiều măng ớt ngâm quả mắc mật. Thượng tá Hùng chờ ở ngã ba cầu sông Hiến với bó nhang to khuôn mặt người lính Cao Bằng hôm nay rất đăm chiêu. 
CHúng tôi lên Nghĩa trang Thanh Sơn lúc ấy mới hơn 6 giờ sáng. Cửa vào nghĩa trang khóa im ỉm. Mọi người nhìn nhau. 
Tôi bảo, tôi toàn phải chèo rào để vào nghĩa trang thôi. Có lần đi cùng với vợ bà ấy cũng chèo. Chèo đi lo gì. Quả cũng hơi gay cho hai vị đại tá kia bụng to hơn tôi . Nhưng rồi cũng yên ổn. Một vùng bạt ngàn liệt sĩ . Tuy không có người nhà liệt sĩ đi cùng, ấy nhưng không hiểu sao chân tôi cứ phăm phăm đi tới dẫy mộ của Đàm Việt Hùng trong khi mọi người đang đứng ngẩn ngơ nhìn ngó. Tôi gọi, lại đây Đàm Hùng nằm đây rồi. Cả đoàn kinh ngạc. Đại tá Trần tiến Hoạt e48 kêu lên, chắc thấy Luân vào Đàm Hùng gọi ngay lại đây lại đây mày ơi đấy mà. Hùng nằm bên bao nhiêu đồng đội tuổi trẻ hơn, hầu hết là D45 đặc công. Chúng tôi đốt nhang. Bó nhang cháy đùng đùng. Tôi gọi , Hùng ơi sống khôn chết thiêng hôm nay bạn run rủi cho chúng tao gặp được nhân chứng để hiểu thêm về trận đánh của mày. Chúng tao sẽ tìm về nơi mày ngã xuống . Sư đoàn cũ của Hùng và đồng đội không quên mày đâu.

Nghẹn ngào, run run một sơm mai Cao Bằng. Sáng sớm ở nghĩa trang này không một tiếng động , chỉ có tiếng gió và lửa bốc từ bó nhang lật phật. Hôm ấy tôi không hề thấy một con chim hót mặc dù quanh nghĩa trang rờm rợp rừng cây. Rời Nghĩa trang Thanh Sơn lúc 7 giờ. 

8 giờ sáng chúng tôi đã đến Bế Triều. Cái đoạn đường qua xóm đông đúc những vườn cây ăn quả khi xưa có những chiếc xe tăng TQ cháy nay trông như phố. Tôi hỏi tấm bia cũ ghi tội ác quân TQ và ghi chiến công quân ta ở chỗ nào? Mọi người dân ồ lên, không còn đâu không còn, ngày xưa nó ở chỗ kia kìa. Buồn quá , chúng tôi hỏi vào một nhà ven đường. Chủ nhà là bác Nguyễn Xuân Phúc 77 tuổi. Bác Phúc mời nước và kể :
- Tôi là dân quân bản Sẩy. Ngày 17/2 đại bác TQ đã bắn rồi, chúng tôi chốt phía tây cầu Bản Sẩy 1km, hôm ấy không có bộ đội chỉ ở Lãng Phìa có một kho vũ khí và ở Đà lán có D19 vận tải nhưng bộ đội D19 cũng không biết gì về địch hành quân. Xe tăng chạy từ phía Thông Nông xuống qua Bản sẩy 3 cây số giáp cao bình thì chạy quay lại, hôm ấy dân quân mới được phát súng còn chưa thông nòng nên dân quân không thể đánh địch được. 
9 giờ kém 15. Rời nhà bác Phúc chúng tôi đi sang nhà ông Đinh Văn Tuất ở thị trấn Nước Hai. Ông Bà Tuất đều ở nhà, năm nay ông đã 82 tuổi và bà thì 74, cả hai ông bà nhanh nhẹn hồ hởi tiếp chúng tôi. Ông Tuất nói:
- Thằng Hùng con anh Nghĩa Công an thì nhà tôi có quen biết đấy quen từ xưa cơ mà. Hồi ấy tôi là Xã đội phó, tối 18/2 thằng Hùng và một anh nữa vào nhà tôi, tối ấy tôi mổ gà nấu cơm cho nó ăn tôi gọi mấy chú dân quân cùng trực chiến cạnh nhà sang ăn cơm.
Nói rồi ông bảo bà gọi anh cũng tên Hùng bên cạnh sang , anh này nói năm nay 53 tuổi, lúc tàu đánh em là dân quân , tối hôm 18/2 cùng ăn cơm ở đây có anh Hùng gọi ông Tuất là chú xưng cháu nói chuyện sáng nay vừa đánh dưới Bản Sẩy với xe tăng về đây. Anh Đàm Hùng nói là đi dưới thị xã lên gặp giặc TQ thì đánh, em chỉ nhớ có thế . Ấy vậy mà chuyện ông Tuất mổ gà cho anh Đàm Hùng và chúng em ăn tối 18/2 họ lại bảo là gián điệp TQ ăn cơm nhà ông Tuất để sau này điều tra mãi đến nỗi con ông tuất không được đi đại học.
Ông kể tiếp, ăn cơm xong Đàm Hùng chào ông Tuất nói là đi về sở chỉ huy ở Nam Tuấn, thế là nó đi. Ông bà Tuất mặt buồn rười rượi. Dân chạy sơ tán hết rồi, cả nhà tôi cũng đi. Hơn tháng sau trở về nghe tin thằng Hùng con anh Nghĩa đã chết rồi ,nghe đâu chết trên Cốc Chủ.

Chúng tôi lên Cốc chủ 10giờ 15 phút

ở đây nghe ông Thiện ( nguyên là cán bộ huyện Hòa An )và anh Nguyên người làng Cốc Chủ kể :
Tối 22/2/79 bộ phận anh Hùng chừng một trung đội đến Cốc Chủ bố trí chăn địch . Sáng 23/2 nhà anh Nguyên tính mổ lợn ăn không để TQ vào thì phí. Bộ đội cử một anh lính trẻ cũng tên Hùng ra cảnh giới ngoài đường. Lúc ăn một người dân ra gọi anh Hùng này vào ăn cơm thì thấy giặc tàu đông quá mà anh Hùng này không thấy đâu liền chạy vào báo. Anh Đàm Hùng nói bà con sơ tán ngay để bộ đội chặn địch. Bộ đội chạy lên dãy núi Khau Đốn còn dân chạy tứ tán. Quân Trung quốc đông lắm nó cứ ở ngoài đồng bắn cối suốt cả ngày đến chiều thì ngưng. Chả biết bộ đội ta hi sinh bao nhiêu và quân TQ chết bao nhiêu. Người ta chỉ nhớ anh Hùng bé bị TQ giết ngoài đường nhựa, anh Hùng lớn sĩ quan chết trên Khau Đốn dân không kịp chôn chỉ lấp đất qua loa hai chân vẫn thò lên.
Trưa nắng, tôi ra đứng nhìn lên ngọn Khau Đốn một màu xanh rười rượi cỏ cây và đá sám. ĐÀm Việt Hùng bạn tôi đã đi suốt chiến trường Tây Nguyên, đường 7,Tuy Hòa, về Củ Chi Sài Gòn , sang Tây nam rồi về nằm lại đây. Ba mươi lăm năm rồi Hùng nhỉ, máu sương Hùng tan vào đất vào cỏ cây Hòa an. Bây giờ ai đi lê thăm hang Cố Pó thăm suối Lê Nin núi Các Mác đều sẽ đi qua chỗ HÙng đã hi sinh đã bắn đến viên đạn cuối cùng và mở chốt lựu đạn. Cao Bằng thì thay da đổi thịt, thị xã của Hùng nay lên Thành phố và mẹ Hùng vẫn tựa lưng vào tường đăm đắm nhìn ra cổng. Cổng nhà Hùng vẫn chỉ có nắng và xa xa vẫn núi đá chập chùng.

Đoạn kết:

Chúng tôi về xuôi vào sáng hôm sau. Cao Bằng lùi lại sau lưng những người lính cựu sư đoàn 320. Sau lưng chúng tôi là sông Bằng, sông Hiến, là vườn cam , phố cũ, nước hai và cánh đồng Cao Bình xanh ngắt thẳng cánh cò bay. Chúng tôi để lại sau lưng những cái tên thật đẹp đèo Gió đèo Giàng Cao Bắc, Tài Hồ Sìn, Mã phục,i Trùng Khánh, Hà Quảng, Thach An , Quảng Uyên ..... Chúng tôi để lại sau lưng ngọn Khau Đốn và Làng Cốc Chủ nơi Hùng nằm chơi vơi hơn một tháng rồi mới được chôn cất trên đất quê mình. Sáng hôm ấy trở về xuôi chúng tôi bồng bềnh giữa mây và sương giăng. Trên con đường số 3 một sớm mùa thu lúc bình minh cả ba chúng tôi cùng xuy nghĩ nhớ nhung về một người đồng đội dũng cảm thân yêu Đàm Việt Hùng của mình. 
Tôi bỗng nhận ra một điều, ở Cao Bằng tên núi tên đèo tên sông và cả tên người nữa đều rất đẹp. Hai mươi bẩy tuổi Đàm Việt Hùng đi qua 3 cuộc chiến tranh và hi sinh với vòng hoa trắng.

ảnh 1 ; Mộ Đàm Việt Hùng ở NT liệt sĩ Cao Bằng.

ảnh 2 . Gặp và hỏi chuyện ông Tuất ở Cốc Chủ ,
ảnh 3 ; Gặp nghe anh Nguyên kể chuyện anh Hùng hi sinh ở Kháu đốn 
ảnh 4 : ngọn Khau đốn nới Hùng chỉ huy bộ đội chặn tiêu diệt hơn 100 tên giặc TQ và hi sinh .
ảnh 5 : Đường về qua Cao Bắc .
ảnh 6 : Nơi bãi chuối ven đường này trước kia đã từng có một cái bia căm thù giặc TQ

p/s : Trở về , chúng tôi rời Cao Bằng từ 5 giờ sáng .Gần trưa hôm ấy chúng tôi vào Sư đoàn 346 ở Phú Lương. Tiếp chúng tôi là Phó CN chính trị sư đoàn. Đồng chí tỏ ra hơi buồn vì mình là thế hệ sinh ra lúc cùng lúc chiến tranh biên giới phía bắc nên không hề biết những chuyện xảy ra như trường hợp Đàm Việt Hùng. Theo đc đó thì những lưu trữ về đánh quân Trung Quốc của e246 là hầu như không có gì vì 246 bị quân TQ đánh vỡ trận vỡ đội hình. Tôi cảm giác họ (346) không mặn mà với câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi đành ra về . 

Đơn vị chủ quản khi hi sinh của Hùng là sư đoàn 346 mà không quan tâm xem xét thì rất khó khăn. Chúng tôi chỉ hi vọng nếu Bộ chỉ huy QS Cao Bằng mà đứng ra đề nghị xem xét trường hợp của Hùng thì sư đoàn 320 sẽ cung cấp những chiến công khi còn ở sư đoàn 320 thôi.

No comments:

Post a Comment