Tuesday, September 3, 2019

QUÀ TẶNG NGÀY ÁP TẾT CỦA NGƯỜI LÍNH SẮP HI SINH

CHÙM BÀI VIẾT CHO THÁNG 7 TỪ 5 NĂM TRƯỚC.
********
QUÀ TẶNG NGÀY ÁP TẾT CỦA NGƯỜI LÍNH SẮP HI SINH.
( Chuyện kể)
Mấy năm trước vốn nghề Cơ Điện tôi lang thang đi kiếm công trình. Hết bắc lại vào nam, thời buổi càng khó khăn đâu đâu cũng khát dự án nên cánh làm kĩ thuật càng khốn khó hơn. May sao ăn theo một người bạn kĩ sư ra Phú Quốc làm điện dân dụng cho cảng mới. Quen một người cung cấp các thiết bị điện. Nghe anh bạn tôi bảo : 
- Nhà cung cấp này đặc biệt lắm đấy. Tôi hỏi lại :
- NHà này không cần hóa đơn à ? 
- Không ! không phải. Nghiêm túc và rõ ràng lắm, nhưng chị ấy cũng rất tình cảm và đặc biệt ưu tiên khách hàng từng là lính. 
À ra thế. Chắc gia đình có duyên nợ với lính. Bạn tôi bảo không phải đâu chính chị ấy đã từng là lính chiến đấu ở chiến trường K . Rồi bạn tôi kể về chuyện chị ấy đi lấy thương binh thân gái như cây lau cây sậy mà vác được thương binh lên xe rồi cũng nổ súng AK khi bị bọn Pot phục giữa đường . Làm ăn với nhau suốt gần một năm lúc nào cũng thấy cái giọng nhỏ nhẹ mỗi khi yêu cầu cung cấp vật tư . Dạ , dạ … anh khỏi lo em ráng hết sức cho kịp tiến độ. Chợt nghĩ tới những thượng đế miền bắc gắt như mắm tôm chợ Long Biên mà thốt lên sao có người nhẹ nhàng đến thế. Rồi gặp chị vào dịp trước tết năm 2011 để cám ơn khách hàng. Cánh công trình muốn có chút quà miền bắc cho tết phương nam. Tôi mua vài hộp ô mai từ Hà nội biếu chị . Lần đầu tiên tôi gặp khách hàng nhận quà mà khóc . 
CHả phải vì quà cáp to nhớn gì, chị bảo anh tặng quà tết làm tôi nhớ chuyện quà tết của chúng tôi khi xưa. CHị lặng im nhìn ra phố nườm nượp người xe hối hả. Chị kể .

……Áp tết năm 1980 . Sau Giải phóng Nông pênh. Đây mới bắt đầu là chuỗi ngày gian khổ cho cuộc chiến ở đất Tây Nam này. Ác liệt, thiếu thốn, dai dẳng. Kẻ địch thì như ma quỉ khiến chiến trường đã ác liệt lại càng ác liệt dai dẳng hơn. Thôi thì về chuyện chiến đấu ác liệt đã có anh em tham chiến kể nhiều và đang tiếp tục kể. Anh đọc truyện Chiến tranh không phải trò đùa, đọc hồi kí của sư trưởng Hồng F339 đọc thơ Nguyễn Sĩ Sáu thì biết rõ hơn
Đội điều trị sư đoàn của tôi rất nhiều nữ y tá làm việc căng thẳng không kém ngoài trận địa. Thương binh nhiều. Nước nôi thiếu, thức ăn cho thương binh khan hiếm. Họ phải làm đủ mọi việc của người quân y chiến trường lại còn làm cả việc đi kiếm thức ăn, đào giếng, khiêng nước và đặc biệt là chăm sóc thương binh. Lính Pôn pốt luôn rình mò tập kích khiến những người lính quân y cũng luôn ở trong tình trạng chiến đấu. Những người y tá sư đoàn vừa làm em, vừa làm chị vừa là đồng chí của những chiến sĩ bị thương về đây. Có những hôm thương binh đưa về nằm chật sân khu phẫu. Nhiều người đã chết trên đường chuyển thương. Có người tắt thở mà vẫn còn hơi ấm. Mấy nữ y tá vừa khóc vừa đặt tay lên mũi thương binh hy vọng đồng đội mình vẫn thở, vẫn còn sống. Rồi cho dù biết là người đồng chí thân thể còn hơi ấm kia đã tắt thở họ vẫn đổ nước, bón thìa sữa, hà hơi hy vọng mong manh cho đồng đội mình sống lại. Đã có trường hợp bộ phận chính sách bị các nữ y tá níu lại không cho mang xác tử sĩ đi vì họ tin là những người đó sẽ sống. Mười tám, hai mươi tuổi vừa rời xa cha mẹ, vừa rời trường Phổ thông Trung học ở Sài Gòn, thế mà những người con gái kia đang làm thiên chức hai hay ba trong một.
Sống liên tục hàng mấy năm trời trong tình trạng chỉ tiếp xúc với đau đớn chết chóc, mổ xẻ máu me. Tiếp xúc và nhìn thấy hàng ngày đồng đội của mình sắp tắt thở. Với một nữ sinh Trung học như tôi cảnh tượng ấy là khủng khiếp. Hai ba năm trôi qua tôi đã 21 tuổi chưa từng về thăm nhà, chưa từng gửi được một món quà nào cho Ba má tôi mặc dù tôi muốn lắm. Tết lại sắp đến, mấy đứa Sài gòn cứ ôm nhau khóc nhớ má nhớ trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai của mình. Tôi hay khóc vụng vì thèm được như bè bạn đã được vào Đại học. Ở đây chúng tôi chỉ có thương binh và sự chết gần với nhau. Ngày lại ngày, đón và đưa trai trẻ về cõi chết khiến chúng tôi đờ đẫn thân thể, đau đớn về tinh thần. Chưa bao giờ suốt trong ba năm ấy tôi có một bữa cơm vui và ngon . Các anh lính thì bảo chúng tôi , các em xinh thật đấy nhưng tụi anh không muốn gặp các em đâu . Chúng tôi tủi thân mà ôm nhau khóc . Mà đúng thật, các anh ra trận gặp các em thì ấy là lúc các anh bị thương , gặp chúng tôi là các anh sẽ có thể lành lại nhưng cũng có thể chết . Tủi lắm ạnh ạ. Tôi chỉ ước tôi là người mang lại niềm vui cho ai đó thôi . Nhưng các anh lại bảo , chúng tôi là thiên thần áo trắng . Trời ơi áo quần lành lặn lúc ấy chúng tôi cũng thiếu huống hồ là áo trắng. Các anh lại bảo, áo gì thì áo các em vẫn là thiên thần áo trắng Nhiều hay ít tuổi các em vẫn là người em người chị người mẹ như người nhà của các anh . Chỉ có trong chiến trận tôi mới thấy tình cảm ấy anh ạ . Người nữ y tá bây giờ đã ngoài năm mươi tuổi nghẹn ngào lau nước mắt: 
Chiều hôm ấy, không khí đội điều trị im lặng thế. Tết đến nơi rồi… Một chiến sĩ chừng hai mươi lăm tuổi khe khẽ gọi tôi:
- Em ơi! 
Tôi ngạc nhiên vì qui định ở đội điều trị chỉ được gọi các thầy thuốc là đồng chí. Tôi bảo 
- sao lại là em? tôi là đồng chí.
Người thương binh ấy nhẹ nhàng: 
- Không. Tôi gọi em là em. Em lại đây anh nói với em điều hệ trọng. 
Trong ráng chiều cuối năm ở miền đất lạ này nghe như thế tôi bỗng giật mình, trong tôi như có một linh tính xấu. Tôi ngồi xuống bên người thương binh ấy.
- Anh không biết tên em. Cũng không biết quê em ở đâu. Nhưng tất cả các em gái y tá ở đây đều là người đáng yêu và khâm phục... Anh ở xa lắm, em không biết đâu, tận đồng bằng miền bắc kia. Anh sắp chết rồi... 
Tôi ngắt lời anh ấy: 
- Không đồng chí không chết! các bác sĩ sẽ cứu sống đồng chí. 
Anh ấy làm cử chỉ lắc đầu nhẹ nhàng :
- Anh tự biết anh sẽ chết. Anh có người yêu ở quê, anh đã chuẩn bị món quà tặng cho cô ấy vào tết này nhưng mà... bây giờ... Rồi anh như khỏe lại anh nói rất rõ ràng và say sưa :
- Người phụ nữ phải đẹp , có quyền đẹp . Đàn ông các anh làm gì thì làm cũng chỉ mong mang về cái đẹp cho các em . Anh lại nói rất nhỏ … dù khốn khó các em vẫn vẫn phải đẹp vì các em là phụ nữ
Anh nghẹn giọng nước mắt và cả mồ hôi lăn trên má. Tôi lau nước mắt cho anh vuốt mái tóc loà xoà trên trán dinh dính mồ hôi. Anh lại tiếp :
- Anh xắp vào Đại học thì có giấy gọi đi bộ đội… Người yêu anh ở làng ... Làng anh chỉ quần thâm áo cánh thôi.., anh ước những người con gái quê anh có áo đẹp …anh phải dừng lại nuốt khó nhọc nước mắt lăn vào miệng rồi tiếp. Con gái quê anh đẹp lắm nếu được mặc những bộ áo quần đẹp họ sẽ tuyệt vời lắm 
Tôi nắm tay anh :
- Vâng anh sẽ về và sẽ thấy chị ấy mặc áo đẹp đón anh . 
Anh lại chảy nước mắt, anh nấc . Tôi vội vuốt ngực cho anh . Anh nặng nề :
- Sẽ chẳng bao giờ trao được gói quà này cho người anh yêu, thì anh... anh phải trao được món quà cho một người con gái nào đó trên cõi đời này. Em là người con gái nhận quà cho anh, ... cho anh yên lòng mà nhắm mắt.
Trời ơi! tôi khóc lúc nào không hay. Anh nắm tay tôi:
- Em đừng khóc, các em có quyền sống hạnh phúc. 
- Không, anh ơi em không thể nhận quà của anh được. 
Anh nói như người anh trai của tôi:
- Ngoan nào! Em phải làm thế anh mới yên lòng. Gói quà anh đã để riêng cạnh ba lô đây. 
Tôi nức nở. Anh thiếp đi, mặt anh thật thanh thản.
Tôi day ngực tôi gào lên níu kéo, tôi quáng quàng gọi bác sĩ. Anh ấy không sống lại được nữa bác sĩ bóp mạnh vào vai tôi

. Tôi báo cáo việc này với tổ y tá và lãnh đạo. Cả tổ ai cũng run run khi mở cái gói quà của người liệt sĩ. Hai bộ đồ lót phụ nữ mới tinh được gói buộc thật kĩ lưỡng. Tất cả chúng tôi oà lên khóc. Chúng tôi không thể tưởng tượng ra được người con gái ở một vùng quê miền bắc ấy lúc này ra sao, có biết là anh ấy vừa hy sinh không? Hi sinh vào chiều Ba mươi tết và trước khi tắt thở người lính ấy nghĩ về chị ấy rất nhiều hay không?
Bữa cơm chiều ba mươi tết có chút thịt hộp và rau rừng. Lán quân y cũng có bàn thờ bằng vài tấm ván gẫy có cành hoa dại đòn bánh tét bên công binh gửi sang. Chúng tôi đặt gói quà của anh bên cạnh. Chúng tôi muốn gửi theo khói nhang về miền bắc quê của người trai trẻ đã hi sinh vào chiều ba mươi tết ở đất miền Tây nam
Ba mươi năm rồi, lại đến tết. Người yêu anh ấy chắc đã lên bà ? Cúng đã ba mươi năm cứ tết đến là tôi lại nghĩ ngợi lại tự hỏi hài cốt của anh đã được đưa về quê hương chưa?
Hà nội 2012.

No comments:

Post a Comment