Tuesday, September 3, 2019

Cháu Nội

Bài viết tháng 8/2013
CHÁU NỘI
Chắc những ông già có cháu rồi ai cũng giống nhau thôi . Thương cháu , chăm sóc cháu bao giờ cũng hơn khi xưa thương chăm sóc con mình . Có người bảo đến cháu tức là đã qua một nấc trung gian ( bố mẹ nó ) nên trách nhiệm ít đi . Ừ thì nghe vừa định tính vừa định lượng . NHưng sao thế nhỉ , nhìn cháu vẫn thấy thương hơn .
Đứa cháu nội đầu tiên của tôi lại là cháu gái . Đích tôn đánh nhau bằng dép . Đẻ nó ra lúc tôi đi công tác ( kí hợp đồng mua thép bên Vũ Hán ) . Gọi về bảo vợ , bao giờ nó khóc mở máy điện thoại cho anh nghe . Đây không phải lần đầu tiên nghe trẻ sơ sinh khóc . Ấy vậy mà người cứ run lên , giữa một thành phố lạ lẫm đứng dưới gốc cây phong lá đỏ đầu mùa đông mà nước mắt cứ ràn rụa . Mãi mãi tôi không quên cái ngày hôm ấy , cái lúc nghe tiếng khóc của đứa cháu nội đầu , thế là mình đã sống sau chiến tranh đã trở về , mà về lại còn có những hậu duệ tiếp theo .
Đời chả nói trước điều gì , bố mẹ chúng nó chỉ sau hơn một năm là trục trặc . Vừa được hai năm rưỡi cưới nhau đã hai đứa con gái cách nhau một năm ra đời. Đứa lớn để lại cho vợ chồng tôi nuôi còn mẹ nó mang đứa bé đi luôn. Cháu tôi lớn lên trên tay bà nội bi bô tập nói trên bụng ông nội . Nó gọi bà nội là mẹ . Mẹ bà ơi ! sao tí bà to hơn tí ông ? Bà nội quát hư nào ? Nó nói giọng líu lo , bố con làm công an là đi bắt kẻ trộm hả mẹ ? nó có to không ? con thích bố bắt về cho con chơi . Chịu ! bà nội cười sún răng, vừa tuốt rau ngót vừa ngó sang ông. Đấy ông đi mà giải thích cho cháu . Tôi cũng chỉ biết cười.

Ngày đầu tiên cháu vào lớp mẫu giáo, cả nhà đi theo cháu đến trường. Khi nó vào lớp rồi ông bà đi bộ về nhà rõ là vui mà không cầm được nước mắt. Ngó sang, thấy bà nội cũng đang lau mắt. Chiều ấy đi đón cháu, cô giáo tô tô, ới bà ơi cháu bé nhà bà nó chửi cháu . Thôi chết, sao lại thế. Cháu bắt nó đi ngủ trưa . Nó không chịu ngủ , nó bảo "sư bố cô nhé cháu không thích ngủ với cô". Tối về, nó bảo mai mẹ bà đi học với con con ứ thích cô giáo
THế mà chỉ vài tháng sau nó ngoan thế . Đi học về , chạy ào vào ôm lấy ông. Nó hỏi con đi học ông nhớ con không ? Nhiều khi nó ngồi chơi xếp hình và búp bê lẩm bẩm.." đây là ông... đây là bà và đây là bố.. . Sao không có mẹ nhỉ? Ngồi bên cạnh cháu mà thấy cổ họng tắc buốt lên mắt .
Nó có thú thích vẽ. Ngồi đâu cũng vẽ , vẽ cả lên tường nhà cả lên phiếu bé ngoan bé ti ti vẽ cả vào sổ liên lạc . Một hôm nghe cháu bảo , lớn lên ông cho con làm họa sĩ. Sao con thích họa sĩ ? nó bảo cô giáo con nói các con chịu khó học vẽ rồi vẽ đẹp bán được tranh có nhiều tiền. Tôi ngơ ngác như mình vừa mới được dậy một điều mới mẻ trong đời. Thì ra cái bộ não trắng như tờ giấy của cháu tôi đã được cô giáo vạch một đường chì thăm thẳm. Hỏi cháu, con đi thi đồ rê mí không? Nó lắc đầu. Con chỉ thích vẽ và xem hoạt hình thôi . Ông thì lúc nào cũng chỉ xem bộ đội bắn nhau . Nhiều khi đành phải nhường cháu khiến ông bà cũng chỉ xem toàn là Tom và jeri đến phát ốm lên được . Rồi có ngày mẹ nó đến thăm mẹ nó mua cho nó lọ kẹo và áo váy. Mỗi ngày đi mẫu giáo nó chỉ đòi mặc bộ đồ mẹ nó mua . Cả nhà chả ai nỡ cấm hay bắt nó thay ra dù bộ váy đã mặc hai hôm rồi. Đêm, cháu ôm cái lọ kẹo mẹ nó mua vào lòng chùm chăn im thin thít. Nó không ngủ nó hít hà cái lọ không . Bà nội nằm bên cạnh, bà nằm im mà khóc .
THế mà thoắt cái năm nay cháu sắp vào lớp một. Nó hát bài …lớp một ơi lớp một líu lo . Nó đòi mua mũ bảo hiểm màu đỏ, đòi có giá vẽ và hộp màu . Nó hỏi ngày xưa ông đi học cô giáo ông có mắng ông không ? cô giáo ông có đẹp không ? Tôi bảo có có. Giở cái an bum ngày xưa ra chỉ cho cháu đây là ông, đây là cô giáo. Nó bảo cô giáo ông giống bà lao công ở trường Minh Hải con lắm, còn ông thì giống bố con. Chả biết vui hay buồn nữa .
Năm nay tôi đi Tây nguyên. Bà nội bảo ông đi Tây nguyên đấy con bảo ông đừng uống nhiều rượu . Nó bảo ông đi Tây nguyên với bạn ông à ? sao bạn ông toàn là bộ đội ? ở Tây nguyên có nhiều thằng giặc không ? sao bạn ông lại phải thắp hương ? Tôi hỏi ai bảo con thế? Nó trả lời bà nói với con thế. Mùng tám tháng ba năm nay, chiều về thấy cháu hí hoáy rồi nó vào bếp với bà nội.
" Mẹ bà ơi con tặng mẹ bà này" .
Bà nội xem bức tranh có đứa trẻ tặng hoa cho bà những bên cạnh bà còn một đứa bé tí bám gấu váy bà nữa. Bà hỏi đây là ai ? nó bảo em Chĩn con đòi bà bế đấy. Thế là bà lại khóc, nhớ đứa cháu gái thứ 2 mà mẹ nó đang nuôi. Cháu tôi lẳng lặng ra ngồi ngoài ban công một mình .

Tôi đi Sài gòn họp kỉ niệm bốn mươi năm lớp Đại học, bà nội bảo, ông lại đi thắp hương cho bạn ở Củ Chi đấy. Hôm tôi về, nó ôm chầm lấy tôi . Con tặng ông bức tranh ông là bộ đội này . Ôi cháu tôi vẽ tôi đội mũ tai bèo, có râu có cả súng nữa và đi trên đá . Tôi hỏi sao không vẽ ông đi trên đường ? Nó bảo, bà nội nói là ông đi bộ đội khổ lắm đi trong rừng, đi trên toàn lá khô và đá thôi .
Nước mắt lại ứa ra . Hạnh phúc và thương yêu đau đớn trộn lẫn trong nước mắt .

tháng 8/2013/ NTL
***************
BÀI VIẾT NĂM 2019

Và đây , 6 năm sau. KHi tôi đi Tây Nguyên về tháng 3 năm nay cháu viết cho tôi bằng tiếng Anh. Tạm dịch như sau:
" Chào các bạn,
Tôi tên là Bảo Anh. Hôm nay tôi sẽ nói về gia đình của tôi. Trước hết, tôi sinh ra trong năm con lợn . Ông nội tôi đã cho tôi hạnh phúc và giúp tôi học tốt, nhưng đây không phải là vấn đề. Mẹ của tôi đã bỏ tôi khi tôi tám tháng tuổi và không biết gì. Sau đó cha tôi đã cưới vợ mới. Cô ấy rất xinh đẹp và hiền lành. Cô ấy đối xử tốt với tôi như là con của cô ấy. Năm 2014, mẹ tôi sinh ra một đứa em gái. Năm 2016, mẹ tôi lại sinh ra một em gái khác. Hai em tôi rất nghịch ngợm và đáng yêu. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng, tôi cũng bực mình hoặc có cảm xúc khác. Hai em bé nhỏ này cũng rất dễ thương và quỉ quái với tôi. Cha tôi luôn bận việc và không có thời gian chơi với tôi và em tôi. Ông bà nội tôi đã cố gắng kiếm tiền để nuôi tôi. Ông Nội tôi là một người làm việc vất vả nhất, những điều tối ông bà đều dành cho tôi. Từ khi toàn bộ gia đình tôi chuyển về ở chung một căn hộ và bán căn nhà cũ, tôi nhận ra rằng gia đình tôi hạnh phúc ở trong ngôi nhà mới. Nếu tôi hạnh phúc nhưng toàn bộ gia đình tôi không thích điều này, vậy điều gì là hạnh phúc? Nếu như vậy thì tôi sẽ từ chối hạnh phúc để có thể đổi lấy hạnh phúc của toàn gia đình. Tôi hy vọng tình yêu gia đình này có thể kéo dài và không bao giờ tàn phai. Tôi yêu gia đình tôi rất nhiều."

No comments:

Post a Comment