Thursday, April 2, 2015

Bát phở trâu

   
        Hè năm 72. Tôi nghỉ hè xong rồi lên trường . Nước sông Hồng to ù ù . Khắp nơi là trống kẻng hộ đê rối ruột. Ra đi mà tâm tưởng cứ ở lại nhà . Tôi nhờ bà chị họ bơi thuyền dọc đường tàu chừng mười cây số rồi đi bộ ba chục cây nữa mới tới thị xã Phú thọ. Lặn lội hai hôm sau cũng lên đến Đại Từ nơi trường sơ tán . Rồi chỉ hơn tuần sau cầm tờ giấy nhập ngũ lại mượn cái xe đạp của bạn đạp về Hà nội, lại ngược đê sông Hồng về quê. Chiều nắng đỏ ối cánh đồng tôi vào ngõ. Nhìn thấy tôi về bố tôi đoán ngay là tôi đi bộ đội. Cũng định im lặng trước khi đi sẽ nói cho cha mẹ vui nhưng không được bởi tôi chỉ ở nhà hai ngày thôi . Lúc binh lửa gia đình nào có con ra trận mà chả buồn chả lo. Ngay chiều hôm sau bố mẹ tôi làm cơm liên hoan. Chắc trong thâm tâm bố tôi muốn cho tôi bữa cơm ngon trước ngày đi vào nơi khói lửa. Nhà nghèo quá , lại giữa lúc giặc giã mang 2 kí đậu tương đi đổi đậu phụ, mổ con ngỗng thế là được bữa cơm mà cả năm mơ cũng không được . 

           Chiều tối ngày thứ hai tôi đi. Nước sông đã rút nên lại có tàu hoả. Ra khỏi ngõ thấy bố mẹ giục ba đứa em chạy theo. Đứa lớn nhất 15, đứa bé nhất lên tám. Bám vào anh các em tôi đưa tiễn tôi lên đường . Con đường làng vào chập chiều đã vắng người thi thoảng gặp người làng lại những lời dặn dò : cháu đi nhé, đi cho may mắn. Vào trong ấy gặp thằng  A ... con bác bảo bố mẹ ở nhà vẫn khoẻ cố gắng mà giết giặc rồi về nhé. Sống mũi cay cay.  Vâng ạ . Dù  biết cả miền nam rộng lớn thế quân trùng điệp thế gặp thằng A làm sao được . Trăng lên , lúa sắp chín khiến cánh đồng vàng lờ mờ và mùi khói bếp như níu chân .

         Ngồi ở sân ga , mà sân ga sâu hoắm hố bom , người ta san bớt đất xuống cho phẳng người ngồi xung quanh như cái vòng tròn người lổm nhổm . Ba đứa em đứa thì hỏi anh có đi vào miền nam không ? đứa thì bảo giá mà anh làm không quân nhỉ , tôi thì dặn dò các em ở nhà lo học lo giúp đỡ bố bầm ... Rồi buồn quá tôi nói chuyện vui với các em : Nếu bây giờ anh cho mỗi đứa một điều ước thì các em ước gì ( giống như môn kể chuyện vẫn học ở trường ) . Đứa lớn nhất mười lăm tuổi thì ước học hết lớp mười được đi thoát li ( đi công tác ra khỏi làng ) ở nhà khổ lắm . Đứa thứ hai mười hai tuổi thì bảo : em chỉ ước anh sống mà về với bố bầm và chúng em . Đứa thứ ba mới tám tuổi thì rất ngắn gọn : em ước gì được một bát phở trâu . Cả mấy anh em cùng cười . Tôi hỏi em thấy phở bao giờ ? nó bảo em đi theo ông Hộ xóm nhà mình mang quả cọ lên thị xã Yên bái bán ,  thấy họ ăn phở trâu thèm lắm nhưng không đủ tiền . 

           Tàu đến . Tôi rời các em lên toa . Đứng ở bậc lên xuống xoa đầu từng đứa . Đến thằng bé tôi bảo bao giờ anh về anh sẽ cho em ăn phở trâu . Tôi đứng mãi ở bậc tàu nhìn những cái bóng ba đứa em xa dần chìm dần vào dêm trăng loang lổ. Nước mắt chảy từ lúc nào không biết .

                Chỉ có thế thôi, lời hứa một bát phở với đứa em cứ thỉnh thoảng lại trở về trong tôi những năm chiến trường. Những đêm mắc võng trên Trường sơn tôi hay nghĩ về quê về cha mẹ và đàn em lóc nhóc ở nhà mỗi năm hai  lần tháng ba ngày tám. Lúc ấy tôi lại nhớ lời ước một bát phở trâu của thằng em còi cọc . Quê tôi đói kém, quê tôi nghèo thật .
Thế mà tôi không chết, trở về như lời ước thằng em mười hai tuổi năm ấy . 

            Ngày tôi trở về xuống tàu ở ga nhà cũng một đêm mùa đông. Cái hố bom đã biến mất. Cây bàng cụt bây giờ thấy có lá, trong đêm cái bóng của nó như người già cầm ô đứng bất động . Đeo ba lô đi trên bờ đê ngửi cái mùi bùn ruộng, mùi nước đái trâu trên đường làng, hít thật sâu cái mùi quen thuộc từ nhỏ ấy chợt nghĩ chả gặp thằng A cùng làng lần nào để trả lời người làng xóm đã gửi nhời năm trước . Rồi vẫn là chuỗi ngày đói kém sau hoà bình . Bố mẹ tôi gồng mình nuôi tám anh em chúng tôi . Tôi học thêm hai năm ra trường lại ghé vai với cha mẹ lại gồng mình nuôi em ăn học . Thằng mười hai tuổi lặn lội đi công an tít trên Tuyên quang rồi đi học đại học , rồi lao đầu học tiếp bây giờ cũng làm Phó khoa Học viện CS . Đứa lớn mười lăm tuổi cũng toại nguyện thoát li khỏi làng, mặc dù chả làm nên vương tướng gì nhưng vẫn là cán bộ thoát li . Cái thằng bát phở trâu ngày ấy làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân cũng có bát ăn bát để . Anh cả nay già yếu mỗi tuần một lần các chú gọi đi nhậu . Lúc nhận lời lúc không .  Có lúc ba anh em uống tây tây rồi lại nhắc đến chuyện bát phở , hai đứa em trầm ngâm mà bảo Hà nội họ không ăn phở trâu anh ạ . Có lẽ hôm nào đánh xe về quê mà ăn thôi .  

No comments:

Post a Comment