Wednesday, April 1, 2015

Quán Hai Bền



Quán Hai bền nằm dưới những tán lá bằng lăng. Lâu rồi, lúc mới nở, đầu những năm 90, con đường cũng nhỏ và dẫy bằng lăng cũng nhỏ nên có cảm giác dẫy quán lợp lá thật là gầy và dài, chạy treo trên mương y chang quán chợ. Mươi năm sau, bờ mương thành đường lớn, cây bằng lăng cũng lớ, quán xây tường bổ trụ và lợp ngói thế là quán Hai Bền xum xuê như nhà hàng.

Hai Bền xêm xêm tuổi tôi. Chuyến ghé quán đầu tiên là chúng tôi về Nhuận Đức tìm má Bẩy rồi lên An Nhơn Tây tìm danh sách anh em để qui tập về đây. Má Bẩy theo con về trên Tây Ninh, chỉ gặp được con Nhỡ, cháu gọi má bằng dì. Hồi chúng tôi về điều nghiên Đồng Dù, con Nhỡ mới tám tuổi. Bây giờ nó xổ ra, phụng phệ ngồi bán quán ngay đầu ngã rẽ xuống Phú Hòa. Con Nhỡ dắt chúng tôi ra cái quán nhà nó tùng tằng những chuối, những ổi và mấy chai xăng giấu sau gốc cây me. Nó bảo dì con đi rồi, đi mà khóc quá chừng, kêu mồ mả ông cha Mỹ nó cày lên xới xuống bây giờ ai trông. Dì con đi trển héo hon chú ơi. Thằng Thành chặn ngang:
-Con con cái gì, tao đẻ sao được mày. Em thôi. 
Con Nhỡ cười hì hì. Quen rồi chú ơi. Trưa ấy nắng quá. Con đường 15 chạy tuốt lên cầu bến Súc vàng hoe những hoa kèn, hoa đai vàng. Lục bình ở Củ Chi xanh se sắt, đầm đìa những châu chấu, cào cào. Trưa nắng. Nắng ở Củ Chi đến héo tóc mai thế mà có cái xe ngựa bánh gỗ cao lòng khòng đi qua. Mắt ngựa lim dim, trên xe, mắt của thằng đánh xe trông như một thiếu niên, gầy đen như điếu thuốc More cũng lim dim. Thằng Thành bạn tôi gọi giật:
-Đực! Stop.
Con ngựa giật mình sững lại, mõm hất ngược lên trời. Thằng tên Đực chòang mắt:
-Ủa, anh Thành. Đi đâu vậy anh?
-Đi thăm Củ Chi chứ đi đâu? Ngon không, đi với tụi anh về Hai Bền chơi.
Thằng Đực cười lóe hàm răng trắng:
-Đi liền, đi liền.
Cuộc nhậu quán Hai Bền hôm đó có hai thằng tôi, lính đánh Đồng Dù, Tân Phú Trung, vợ chồng con Nhỡ và thằng Đực. Hai Bền ngồi ghé, vừa đưa chuyện vừa hóng chuyện. Hai Bền mới mở quán vài năm, lại vướng cái gốc dân vệ, dân vẽo, nên bẽn lẽn cầm chừng.
-Dạ. Thưa anh Hai, cuộc sống khó quá, nhờ mấy anh trên xã, em mở cái quán này, thuế má môn bài đầy đủ, kiếm chút đỉnh nuôi cháu chớ lời lãi chi đâu. Cũng là có cái chỗ mấy anh qua lại, bà con sớm tối có chỗ qua lai rai.
Thành gật gật:
-Hai Bền tình nghĩa ngon ha. Môn bài đủ mua chục hột vịt chớ mấy!
-Dạ, anh Hai dưới truyền hình dạy thế chết thằng em đó. Thuế má nhà nước qui định chứ em đâu tự nghĩ ra. Hà hà! Rắn chuột con cháu bắt lấy, có mua chỉ mua đế của mấy nhỏ cùng xóm, rượu nhà cất. Các anh ủy ban ưng nhậu thì em mới đưa nhậu. Đang nhậu mấy anh xã kêu thôi, là em đóng cửa liền. Hai Bền lại lúc lắc cái đầu.
Hai Bền trước 75 là lính dân vệ. Làm dân vệ để giữ cái gáo, chứ đánh đấm chi cái thứ lính thường dân đi dọa nạt thường dân ấy. Bọn dân vệ ở tại địa phương nên rất rành lí lịch dân cư. Đì đọp ở xóm nào, chúng thừa đóan súng đạn của con em nhà ai…
Thành nói lạnh tanh:
-Hồi đêm 28/4/75, tụi tao hành quân qua Tân Qui về Tân Phú Trung, cái đồn dân vệ ngã ba mày không biết à? Lúc ấy tụi bay vẫn bí tỉ như ngày trước à Bền?
-Đâu có anh, đêm đó tụi em biết hết, các anh đi rần rần lội đồng Phước Vĩnh An ra lộ 15. Biết mà sợ, sợ không dám động cái chân chứ nói chi bắn chác.
-He he, phải phải, cái đồn dân vệ ho cái xẹp liền. May cho mày hen, cố nội vải nhà mày phù hộ tốt đấy.
Hai Bền cười hi hi. Thành tiếp:
-Bấy nay vẫn làm ăn tiến bộ ngon nhỉ Bền?
-Em vẫn ở đây, chả đi ra khỏi Củ Chi. Cũng học tập về ít tháng rồi bán hàng tùng tằng kiếm ăn. Vậy mà buồn quá, buồn quá. Lâu lâu, mấy thằng bạn học cũ, giờ làm cán bộ xã ghé nhậu, rồi dạy dỗ, đừng có ăn bả bọn bóc lột, đừng làm tư sản nghe Bền… nghe thúi ruột luôn, những mong kiếm cơm cho con nên gật gật vui vui, ờ hỡ cho qua. Lâu lâu nó lại qua dạy bài tư bản. Được cái, chỗ bạn cũ lúc bé nên nó bảo gì em làm nấy, miết rồi cán bộ xã tin yêu. Hội họp gia đình em lo tuốt. Có bữa, xã họp luôn trong quán nhà em. Bền lại cười he he.
-À hai mươi năm nay, dịp 30/4 nào các ổng cũng nhậu mút mùa chỗ em. Rồi các anh cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa ồn ào ăn uống, tri âm tri kỉ, kiếm cũng đỡ. Hi hi, em cứ mong mỗi năm có hai lần 30.4 thì tốt quá.
-Thằng này bậy, cái thứ chúng mày kêu 30/4 quốc hận cò hận ngòai mồm, trong bụng lại mong nó đến, mày thật đồ dưa hấu Hai Bền ơi. – Hai Bền lại he he cười.
Có mấy đưa cháu Hai Bền nhòm vô:
-Cậu Hai, con mới bắt được cặp rắn nè.
-Ừa, ừa, kêu mợ con cân cho, có chuột không? Khách hồi này thích chuột nướng đó, mấy đứa nhất là mấy ông dự án khu công nghiệp Bắc Củ Chi.
Mấy đứa cháu đen đúa lui ra. Tôi ngó thấy vợ Hai Bền móc tiền cho mấy đứa nhỏ, rồi dí tay đầu một đứa bé gái chừng mươi tuổi, tóc hoe như đuôi bò cười hinh hích,
Cái bàn ăn đan bằng trúc thật khéo. Mấy cái ghế cũng bằng trúc. Đúng là trúc Củ Chi mát rượi, hệt như cái ngày xưa hai mươi năm trước, lính 320 tụi tôi được nằm những phên trúc này dưới hầm, bên trên hầm là bằng lăng hoa bung biêng tím. Ong rập rờn nhẫn nại và hoa bằng lăng cũng thật lạnh lùng. Trưa không có gió, mồ hôi rịn lưng áo lính của tôi.
Con Nhỡ bảo với Thành:
-Dì em lên Trảng Bàng, bỏ lại cái nhà dọc lộ đó. Xã lấy ngôi nhà dì làm trụ sở tuần tra. Em kêu dì ơi cho con mở quán nước kiếm ăn đi dì, tội chi cho họ làm nơi tụ tập nước trà. Dì mắng: Bậy nào, đó là nơi công an du kích làm việc, mày làm quán xá để tùm lum ngồi lê đôi mách. Không được, không được. Mấy anh mày hi sinh đâu có ưng cái vụ tụ tập nói xấu chính quyền. Vợ chồng em đành mướn chỗ ngồi bán qua ngày đó anh.
Thằng chồng con Nhỡ, ngồi im lặng ngó lơ lơ ngòai nắng. Con Nhỡ cũng uống được bia, mắt nó long lanh kể về thời đánh Đồng Dù, chúi trong hầm nghe đạn nổ mấy ngày đêm liền, rồi nó cười rõ thật là tươi: Hồi đó còn nhỏ quá chớ không chắc lấy chồng bộ đội quá. Cả mâm cười, Hai Bền cũng cười. Thằng chồng con Nhỡ không cười, lơ lơ gõ tay lên cái nút chai bia. Hai Bền ngó tôi và Thành:
-Ước gì quán Hai Bền tòan bộ đội về nhậu nhỉ? - Thằng Thành cười hi hi, bộ đội móc đâu ra tiền nộp cho thằng tư bản. Bền bá vai Thành:
-Bộ đội có thằng em tư bản, ha ha.
Nãy giờ thằng Đực ngồi tơ hơ uống bia và xé chuột nướng. Cái ngón tay khòng khòng của nó đen queo quắt nhựa lá khoai lang. Ai chuyện nó cũng cười hì cái rồi ngó lơ. Con Nhỡ quay chọc thằng Đực:
-Mày đánh xe ngựa, có mấy con trên bến Dược quá giang, sao không cho đi? Cứ chịu khó cho gái quá giang mà kiếm vợ chứ, Đực ơi.
Đực ngừng nhai:
-Chị ơi, nghèo rớt như chòi đồng lấy chi vợ. Đực này chỉ mong chiều có bát ăn, ngựa có cỏ, rồi ngủ tại bờ sông cho khỏe.
Nó cười, cái cười cũng yếm thế, ri rí nơi miệng. Nhà Đực chả còn ai. Ba má nó đều chết càn hồi 70. Hai anh trai đi bộ đội cũng hi sinh hết. Chòm vườn sót lại nó bán mua xe ngựa mà vẫn nghèo kiết cái đời phu xe. Nó đần đần như thế, bao nhiêu cái khổ cái đau cha mẹ, anh em dồn lên nó cả. Thành biết Đực là hồi 77, sư đòan cử C25 ra làm nhà cho Đực trong diện gia đình liệt sĩ neo đơn. Nhà hồi ấy nó bán hết rồi, nó lang thang trên đường… Thành rỉ tai tôi như vậy. Thằng Đực bỗng dừng nhai thịt chuột, nó nói với tụi tôi:
-Em đi xe chở đá bia cho mấy ổng làm bia liệt sĩ. Tùm lum à anh ơi. Cái giấy ghi tên tuổi để dưới chân các ông, đục đá bên cạnh, bụi nước tèm lem, nhòm vô không ra tên nữa. Mấy ông thợ đá dưới chợ em lạ gì, cũng đánh vần mới ra chữ như em đó thôi.
Hai Bền suỵt:
-Bậy nào mày, quán Hai Bền không có được nói xấu chính quyền nha! – Ngòai cổng lại tiếng còi xe máy toe toe. Hai Bền nhớm dậy, em xin phép. Khách quen, khách quen. Rồi biến mất.
Mươi năm sau, lại một mùa hè tôi và Thành lên thắp hương cho anh em ở An Nhơn Tây. Trên đường trở về lại ghé quán Hai Bền. Từ xa, dẫy nhà hàng mang tên Hai Bền bề thế cả hai phía con đường. Mấy chân dài đứng dưới nắng, mồ hôi ngân ngấn nách áo. Xe ô tô xếp hàng nhộn nhạo. Quạt gió hơi nước khiến như thấy mình đang ở một quán bia hơi trên đường Hà Nội. Chúng tôi lại muốn ăn chuột nướng. Bạn tôi vội ngăn lại. Chuột cống đấy! Chúng tôi đành gọi món hệt như ở Sài Gòn. Tôi ra ghé lên cái võng dù treo ngòai gốc bằng lăng cuối vườn, đợi Thành đi đón con Nhỡ và thằng Đực.
Hai Bền đi ra ngó võng lơ lơ. Nó không nhận ra tôi. Trong dẫy phòng VIP đang có hội nghị. Có mấy người áo thắt cà vạt lách ra. Hai Bền khóat tay, ông không lo, vụ đó tôi tính, dự án nào cũng vậy thôi, tôi đã bàn bạc hết với đối tác, các ông cứ nhậu tưng bừng đi. – Hai Bền đã thành thằng tư bản rồi, nó đang điều hành hội nghị, chứ không phải là anh chủ quán chuột rắn ngày xưa nữa. Hay thật. Ngon quá rồi, tiến bộ quá, Hai Bền ơi.
Lát sau thằng Thành đèo xe máy về một người đàn bà phốp pháp môi đỏ chót. Nó bảo, thằng Đực chết rồi, nó say rượu, chết trong cái xe ngựa bên bờ sông Sài Gòn vào một đêm trăng rất đẹp trên bến Đình.
Con Nhỡ béo và đẹp hơn ngày xưa quá. 50 tuổi mà cứ như gần 50 thôi. Nó bảo, em bỏ cái thằng chồng ăn hại đó rồi, em mở quán trên du lịch bến Đình. Hai đứa con học đại học dưới Sài Gòn. Mình em điều hành bao nhiêu nhân công chân ngắn, chân dài, khỏe ra. Bọn anh ghé em rồi mình sang bến Súc nhậu anh há. Nó nghiêng người sang tôi. Cái ngực áo trễ nghiêng nghiêng thũng thẵng nhễ nhại:
-Ở lại đi anh à, mốt là 30.4, mình lên bến Dược thắp hương mấy anh rồi đi công viên nước. Ở lại đi, em mong hòai mà anh. Đã ba mươi cái 30/4 rồi đấy, sao nhanh quá há anh?
Trưa nắng. Nắng Củ Chi đẹp hơn bất kì nơi nào khác tôi từng gặp. Hoa bằng lăng bông bênh hắt tím lên giời. Mùi bùn đất Củ Chi cứ hanh hanh vào mủi, vào da thịt người. Hai Bền bụng bự cười tươi với dẫy khách này, lại mang nguyên nụ cười ấy sang mâm khách khác. Hai Bền điều hành cán bộ địa phương. Còn Hai Bền dân vệ thì đã biến mất rồi. Cũng là phải, ai mà nhớ được thực khách rắn chuột của cuộc đời đã ba chục năm làm nghề chuột rắn. Cái má bóng nhẫy của con Nhỡ và tấm áo Nhỡ mặc mới long lanh làm sao. Nhìn nó cứ nhấp nhóa những cười và nói. Bỗng con Nhỡ dừng nụ cười bóng nhoang phấn son lại bảo rằng, dì Bẩy em mất lâu rồi, căn nhà của dì xã vẫn trưng dụng làm trụ sở tuần tra. Nó gục vào vai tôi, nó khóc. Cặp vú nó núng nính, rung rung nơi lưng đang đổ mồ hôi.

Đột nhiên tôi lại nhớ quán Hai Bền hồi những năm 90. Nhớ con Nhỡ vô tư và thằng Đực đen đúa. Nhớ dẫy bằng lăng còn non đã có những chùm hoa tím mỡ. Nhớ những tấm bia liệt sĩ đục dở trên An Nhơn Tây bụi nước tèm lem.


30/4/2013

No comments:

Post a Comment