Wednesday, April 1, 2015

Hạ sĩ


Ông Bường chết đúng vào hôm tôi từ Hà Nội về quê. Cả xóm nhốn nháo. Nào có ốm lâu la gì đâu. Đùng cái là đi. Ông Bường khỏe vào lọai nhất làng tôi từ xưa. Mẹ tôi bảo ông ấy cảm có hai hôm. Cảm một cái là cấm khẩu ngay, may mà đang phơi lúa ở nhà. Đám ma ông Bường đơn sơ quá. Tôi chạnh lòng xót xa cho ông. Nhà tôi đỉnh đồi bên này, nhà ông dưới chân đồi bên kia, cách nhau hai trăm mét. Kèn đám ma não nuột. Tiếng than kèn sầu thảm đêm ấy cứ vọng nỉ non các triền đồi xóm tôi. Năm ấy mẹ tôi còn sống, bà làm chi hội người cao tuổi thôn, tất bật lo tiếp khách trầu nước cho nhà đám cả đêm ở dưới nhà ông Bường. Tôi khó ngủ quá.Khi còn bé, tôi phải đi chăn trâu sớm lắm. Bố tôi bảo cho đi theo ông Bường để nó dạn dĩ hơn. Ông cho tôi cưỡi trâu còn ông đi bộ bênh cạnh dắt trâu nhà ông. Ông chỉ cho tôi cách trèo lên lưng trâu, cách đằm cho trâu, cách gỡ đĩa trong kẻ móng. Nghĩ lại, kiến thức chăn trâu của tôi, hiểu con trâu của tôi bắt đầu từ ông Bường. Ông là thấy dạy tôi vào nghề mục đồng chất đầy kỉ niệm đến tận bây giờ. Ông gọi tôi là thằng cu. Chả bao giờ gọi tên tôi là Luấn sất. Ông bảo thằng cu mày học sáng là nhà có phúc đấy. Học sáng như mày có mà mấy mẫu chè cũng chẳng bằng. Nói rồi ông nhủ, thằng cu gãi lưng cho bác rồi bác đi đuổi trâu cho.
Nhà ông nghèo. Khỏe và làm cứ hùng hục mà vẫn nghèo. cứ lao lên rừng bóc măng nứa, đào măng vầu, kiếm mây, kiếm vỏ khoai ăn trầu, đến phiên chợ, gánh è cổ ra chợ chỉ đủ tiền lọ mắm tôm và hai cút rượu. Ông nội tôi bảo: Bố Bường mày cổ cầy vai bừa quá. “Thứ nhất sơn tràng, thứ nhì vác vã”  chả nứt mắt ra được đâu. Ông Bường cười hề hề, số con nó thế cụ ạ. Số cái con khỉ, làm gì cũng có đường đi nước bước mới nên được. Ông Bường dạ, con biết ạ. Nhưng rồi ông vẫn nghèo. Bà vợ ông bé lon chon, chỉ giỏi mỗi một nghề lên rừng đào củ hà thủ ô đem bán. Thuốc nam đấy mà rẻ như bèo. Hai vợ chồng cả đời đầu đâm vào đít chổng ra khắp vùng rừng quê tôi mà nghèo vẫn hòan nghèo. Ấy thế nhưng chưa bao giờ thấy ông ca thán xin xỏ láng giềng cái gì. Bố tôi quí ông lắm. Có hôm nào đánh được mẻ cá ngon, nướng cháy lên, cho thằng em tôi gọi ông lên uống chén rượu. Ông uống im thin thít. Uống nhiều chỉ thở dài rồi bảo bố tôi: Cậu ạ, tôi lo cho con Xuân nhà tôi lắm, học có lớp 6 thì chả theo được nữa, bây giờ theo đít trâu, lại chả được khá gái như con nhà người ta, nay mai thì … Bố tôi ngắt lời: Bác cứ lo xa, nó chăm ngoan thế, để em đưa nó vào ban chỉ huy đội sản xuất rồi nó khắc khôn ra. Ông nghèn nghẹn được thế thì quí quá…
Con Xuân là con gái đầu, nó kém tôi 2 tuổi vẫn mày tao với nhau. Ở nhà quê cà lẵm cà lũi nên cổ thì ngẳng, chân thì đen như chân cuốc. Được cái chăm làm và khỏe. Gánh củi của nó tôi cũng ngán, chả lê được. Học dốt nên cứ ngồi cuối lớp. Tháng nào cũng đội sổ. Bà Bường réo váng lên dưới chân đồi, ối Xuân ôi là Xuân ôi, cũng đóng tiền đóng gạo mà tháng nào mày cũng đội sổ, lớn bằng cái bồ vẫn học cùng với mấy đứa oắt con. Con Xuân ngượng lắm, thút thít đứng ở gốc cọ không dám vào nhà, tôi đứng trên vườn sắn nghe bà Bường chửi mà thương nó.
Tôi đi học đại học, năm hai lần về nhà thấy nó lớn nghều nghều. Không gọi nhau mày tao nữa, gọi nhau là anh em đàng hòang. Nó làm chấp hành thanh niên nghe đâu tiến bộ lắm.
Bẵng vài năm tôi đi bộ đội, cuối năm 75 tôi về. Ngày trở về từ miền Nam nghe mẹ tôi hỏi: con gặp con Xuân nhà ông Bường không? Nó viết thư về đấy, nó bảo nó vào Gia Lai tìm con suốt tháng 5 vừa rồi. Ô, thế nó đi đâu mà vào đó? Mẹ tôi bảo nó đi bộ đội năm ngóai, tòan là con gái thôi, kéo nhau vào Tây Nguyên, viết thư về cho nhà mình hỏi thăm con ở đâu. Khổ thế! Thân gái vào Tây Nguyên thì có mà… tiệt đẻ. Tôi chợt nghĩ những trận sốt trọc đầu phụ nữ ở chiến trường mình đã qua. Năm 79 nó về. Đeo cái ba lô to sù sũ mà lưng nó vẫn thẳng. Thì ra trung đòan con gái nay chuyển sang làm nông trường cao su, cà phê. Xuân nhớ cha mẹ, lại thương cha me cặm cụi ruộng nương một mình nên xin về. Được bao tiền cửa rừng, nó mua cái ruột chăn bông cho mẹ nó. Nó bảo mẹ nó cả một đời chưa bao giờ được đắp chăn bông. Hai lăm tuổi. Tóc rụng phất phơ và bãi, da xỉn xèn xẹt trông nó tội quá. Nó bảo khai hoang trồng cao su ở Đức Cơ, Lệ Thanh, Chư Pả, Chư Pông chết vô khối vì bom mìn sót lại. Người ta lập nông trường, người ta bảo chúng em biên chế thành binh đòan mười lăm mười sáu gì ấy. Binh đòan một trăm thì em cũng về. Thế là về, về lại theo đít trâu. Ngót ba mươi rời. Chồng chả có. Cán bộ thôn bây giờ phải có văn hóa. Con Xuân chữ nghĩa đã ít lại rơi rụng ở Tây Nguyên, đành chỉ làm xã viên mà thôi. Mấy năm quần quật cày bừa tuổi lên băm mà chưa có anh nào dạm hỏi. Nó buồn héo hắt. Bà Bường rin rít mày định làm bà cô hay sao hả Xuân ơi? Nó khóc, nó cay đắng mà trả lời mẹ - rồi con sẽ có chồng, ai sứt môi, lồi rốn, dở người hỏi, con cũng lấy cho mẹ xem. Mà có thật, một anh dở người, chân lại không đều nhau ở làng dưới được người nhà dẫn lên hỏi cái Xuân. Nó chả nhìn vào ai cả, nó gật đầu đồng ý. Thế là đám cưới cái Xuân nhà ông Bường diễn ra. Nhà trai gánh đến dăm con gà, hai yến gạo, buồng cau và mấy chai rượu sắn. Ông Bường ngồi bó gối nhìn lũ trẻ con hàng xóm ăn cỗ vây xung quanh cái nong lót lá chuối làm mâm mà thở dài. Ông thương con cái Xuân, thương lắm. Nhưng mà cái số nó vậy.
Lấy chồng rồi nhà cửa chả có, nó bảo ông Bường: Bố làm cho con cái lều trong dộc, con tự sống. Ông Bường bỏ ra mươi ngày dựng cái lều trên cái nương sắn đã bỏ hoang heo hút cho con gái. Trưởng thôn cũng ủng hộ bằng cách làm ngơ. Ngày chuyển về nhà mới có cả mẹ tôi đi giúp. Xuân gánh hai cái thúng là hết đồ đạc nồi niêu bát đũa áo quần tồng tênh ra đi, đầu cúi gằm lí nhí chào bố mẹ, buông từng giọt nước mắt. Bà Bường bám gióng cửa nhìn con lặng thinh. Cái gióng cửa bà ngắn như cái vại tương mốc thếch dưới gốc cọ.
Cái lều của con Xuân cô đơn trong vạt rừng hẻo lánh. Thi thỏang mấy đứa chăn trâu đi tìm trâu lạc ghé vào xin gáo nước. Phần ruộng của nó thôn ưu tiên chia lại cho tòan ruộng trong dộc để gần nhà. Nó chả phải ra đến làng ngòai. Tháng một lần nó ra chợ mua muối mắm. Người đi cứ nghiêng nghiêng. Hai ba năm vẫn chả có con. Nghe đâu cái anh chồng dở người không biết làm cái việc nối dõi tông đường. Cái Xuân cặm cụi bổ hố chôn hom sắn, trồng chuối tiêu kiếm sống. Nó bảo nó chôm hom sắn đến khi nào người ta chôn nó thì thôi. Nó chỉ trồng chuối tiêu thôi, biết sống đến lúc nào mà cây trái những là mít mận. Ở xa, tôi chỉ nghe họ bảo, nó khổ mọi bề với nhà chồng. Có buồng chuối nào cứng quả là mấy đứa em chồng chặt biến. Sắn còn non chúng nó cũng nhổ, khoại sọ rễ còn trắng ởn mà nó cũng bứng lên nấu canh cho mát. Thằng chồng dở hơi lại ốm như người hậu sản. Còn cái Xuân không được phép ốm, ốm là chết cả hai cái mạng vật vờ nơi góc rừng.
Lũ trẻ chăn trâu về bảo, trong nhà cô ấy có cả huân chương nhé, hạ sĩ hẳn hoi. Cô ấy treo ở cột nhà, cô ấy sợ cái khung kính rơi nên lấy lạt buộc vào thân cột. Hơn bốn năm quân ngũ mà lại đi chiến trường trước 75, hạ sĩ là phải. Cô Xuân hạ sỹ của xóm tôi một thời đấy chứ.
Lại nhớ hôm đám tang ông Bường, tôi thấy Xuân mặc áo bộ đội cũ rích, chòang khăn sô. Tối về hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo, ừ mẹ quên không nói với con, cái hôm đó ra ở riêng, thấy chả có áo quần chăn chiếu gì, mẹ lấy hai bộ quần áo bộ đội con mang về từ la7u vẫn để ở nhà cho nó. Nó khóc bảo mẹ, thế là cháu lại mặc quân phục lính Tây Nguyên lần nữa à.



Ông Bường đi rồi, con gái ông vẫn khổ. Quả thật ông Bường nhìn xa đấy chứ, chắc ông thương cái Xuân lắm, lúc tắt thở họ bảo mắt ông không nhắm được.

No comments:

Post a Comment