Wednesday, April 1, 2015

Ước muốn làm phi công


Thời bé đi chăn trâu. Cả lũ nhổ trộm sắn của dân, đốt lửa nướng lên gặm nhem nhuốc thú vị lằm. Vừa ăn sắn lùi vưa thao thao mơ ước lớn lên làm gì. Nhớ lại sao mà thấy mọi thứ nó vận vào đời người in như nó có từ thủa bé. Trong đám tôi có tới bẩy, tám thằng tuổi sàn sàn như nhau. Thằng nào cũng hung hăng thích làm sĩ quan quân đội. Chỉ có hai thằng chưa hề thấy nó mơ làm sĩ quan bao giờ. Hai thằng ấy hiền, ngoan và yếm thế. Nó bảo chỉ thích làm nong dân thôi, thích có xe đạp, có đài nghe hát xẩm xoan (hát chèo). Cả lũ cười ồ. Nó không cười, nó nhẫn nhịn đi dắt trâu hộ chúng tô, còn chúng tôi thì thả hồn mơ ước sau này làm sĩ quan, làm bác sĩ, làm phi công.

Cái thằng ước làm phi công là thằng học lớp trên và học giỏi nhất trong đám chăn trâu nhưng lùn tè tè. Chúng tôi bảo phi công cao to lắm chứ, mày sao mà làm được phi công, lùn bỏ mẹ, quét rác ở sân bay cho xong. Nó lạnh tanh khuôn mặt. Lùn mà làm phi công cho máy bay khỏi phải cao lêu nghêu càng bay nhanh. Hơ hơ! Nó học lớ[ 8, nó nói khí động học nghe hay quá. Ừ nhỉ máy bay bé đỡ bị ăn đạn. Năm ấy, làng tôi đã bị máy bay Mĩ ném bom. Ném bom vào làng chả phải để giết dân, chỉ vì làng tôi có tới hai cây cầu và một ga tàu hỏa, chứ dân làng tôi thì nguy hiểm gì với thằng giặc Mĩ. Cái thằng ước làm phi công nấp trên đồi chè với chúng tôi nhìn máy bay vút lên cao rồi bổ nhào xuống nó hét: Nó pick kê rồi, sắp thả bom rồi! Nó thả bom cầu Tây rồi! Chúng tôi hé mắt nhìn trong tiếng gầm rú của thần sấm cổ ngỗng thấy lũng lẵng hai chấm đen vun vút lao xuống nổ ùynh ùynh khói bốc lên đen ngòm cả xóm. Nể thật. Sao nó lại nói là pich kê? Pích kê là gì nhỉ? Tối về hỏi bố, bố bảo thằng Long nó nghe bố nó nói tiếng Pháp đấy. Tôi cứ nhớ cái câu pích kê  ấy mãi tới bây giờ. Cứ nói lại cái từ ấy là tôi lại thấy những quả bom đen trũi rơi xuống làng tôi mà vẫn chả hiểu pích kê pích queo là gì.
Gần làng tôi có một đơn vị cao xạ Trung Quốc. Có 4 khẩu 14,5 li bảo vệ cây cầu đường sắt. Họ hét inh om những câu gì nghe chẳng hiểu. Không có máy bay hét đã to, có máy bay đến, hét váng lên đến khiếp. Súng bắn thường khi máy bay đã vút qua. Rồi sau lúc ấy họ lại hát, hát đến khỏe, ở dưới ruộng vẫn nghe thấy tiếng họ lủng sủng lỏang sỏang trên đồi. Chúng tôi khóai nhất là xem họ làm máy bay bằng mảnh duya ra nung chảy. Họ đổ huy hiệu bác Mao bằng khuôn cát, nhân tiện họ đổ luôn máy bay. Thôi thì đủ lọai từ cổ ngỗng đến vỉ ruồi đến cả trực thăng. Chả đứa nào thích xin máy bay trực thăng, thích nhất vẫn là cổ ngỗng. Cái anh này ném bom hàng ngày dọc đường sắt nhà ga trông quen mắt mà cũng thấy nó hung tợn hơn cả các lọai máy bay của giặc. Thi thỏang họ đúc cả máy bay cổ rụt của ta. Lúc ấy, chúng tôi đâu biết là Mig 17, chỉ thấy bộ đội Trung Quốc bảo nó là “Duê nán phây chi” (phi cơ Việt Nam) rồi ra hiệu bắn vào cổ ngỗng thế là thích lắm. Dần dà tụi chăn trâu gọt máy bay bằng gốc sắn. Thằng Long lùn gọt đẹp lắm. Nó say sưa cầm cái gốc sắn hình thù phi cơ uốn éo lượn vòng, mồm ù ù vi vu, lúc căng thẳng lúc giận dữ nổ ùng ùng ra chiều ném bom dữ dội.
Chiều tối, thằng Bình nhẫn nại đi đuổi trâu về cho nó, để nó cho cái máy bay gọt rõ đẹp buộc thêm sợi dây rừng khỏi rơi. Nó cười phơ phơ, mai lại đuổi trâu cho tao, tao lại sản xuất cho máy bay Liên Xô, của Trung Quốc nhá, nhá, Thằng Bình cười gật gật.
Năm sau, lũ chúng tôi chả đứa nào còn chăn trâu nữa. Vào học cấp ba theo thằng Long lùn đi tán gái làng bên. Nó vẫn không cao lên mấy nhưng khỏe và họat ngôn. Nó học giỏi có tiếng ở cấp ba nhưng bây giờ không thấy nói mơ làm phi công nữa. Chắc cu cậu nung nấu trong lòng điều gì đó khác rồi. Chúng tôi đi bộ chục cây số từ trường về nhà dọc bờ sông Hồng. Mùa tựu trường cũng là mùa lũ sông. Thằng Long dẫn tụi tôi vớt củi bán cho dân phố chợ lấy tiền mua truyện kiếm hiệp. Suốt dọc đường đi học về chỉ nói chuyện về Hồ Mộng Điệp, về Long hình quái khách. Thằng nào cũng tranh nhau khen nữ bá vương Hồng Hòai Châu xinh đẹp rồi thì chỉ yêu thích Tam anh hùng trong Hồng Sa Chu tiên kiếm. Thằng Vân nói như ngâm thơ: Sơn Đông Ngũ Triều Dương, Hà Bắc Triệu Phi Hùng, Hàng Châu Ngô Quốc Ân. Thằng Long lẩm bẩm, thế mới là anh hùng, thế mới là kiếm khách. Cả lũ quên chuyện tán gái làng bên mà đắm chìm vào  những anh hùng đẹp trai võ nghệ cao cường, đang hiện ra trong mắt, trong tâm trí mấy đứa học trò.
Những câu chuyện học trò, những cuộc vui học trò nhanh đánh vèo cái là đi mất. Thằng Long nhập ngũ 3/67. Nó vừa đi thi giỏi tóan tỉnh Yên Bái. Nó bảo nó đi thi với con bé tên Kim Thuần bên Bảo Hưng. Con bé ấy đẹp dã man mà học cũng óach. Ngày nó nhập ngũ, xã tọi có tới chục người. Cái sê ri 3/67 này nổi tiếng cả một thời kháng chiến chống Mĩ. Lính 3/67 hầu hết đánh Mậu Thân và đi tới ngày cuối cùng giải phóng miền Nam.
Thằng Long vù một mạch tận B2 rồi xuống Rạch Giá. Chúng tôi nối nhau vào chiến trường, thi thỏang gặp người làng còn riêng thằng Long biệt tích không ai biết. Cuối năm 75, nó lù lù về nghỉ phép. Nó chẳng được đi phi công như nó hằng mơ, nó đi làm lính bộ binh rồi vào U Minh làm lính địa phương. Oái oăm thật. Ước mơ thì cao siêu mà gần mười năm mặc áo dân miền Tây, đánh giặc lội sình, lội ruộng miết, lên cạn cũng khó, chứ chả nói đến bay trên giời. Chả biết những đêm nằm trong rừng U Minh muỗi vắt, rắn rết có lúc nào nó mơ bay trên giời nữa hay không? Chỉ có thằng Bình nó cứ nhẩn nha nhẫn nhịn ấy vậy mà tươm. Nó đi bộ đội, hai tháng sau nó về vì yếu sức. Nó về làm thương nghiệp tỉnh, tòan thị xã, rồi thị xã sau này lên thành phố, nó là dân thành phố chính hiệu. Những thửo đói kém, nó ăn gạo bông, tem phiếu đàng hòang, nhà tập thể của nhà nước. Sướng. Thằng Vân đi bộ đội về xuống tỉnh, nhờ thằng Bình xin cho làm chân bảo vệ cơ quan, mất chục con gà và hai cân chè mới xong. Nghe thằng Vân kể lại, thằng Bình ghét nhất cái tội thằng Vân hay kể chuyện hồi bé đi chăn trâu. Có lần Vân ta lỡ mồm nói rằng ngày xưa đi chăn trâu với thằng Bình, thế là vợ thằng Bình té tát cho một bài về ngọai giao. Vân buồn tê tái viết thư cho tôi. Tôi cũng buồn, mà cũng thấy đúng chứ chả sai. Sự chăn trâu không ăn nhập vào một anh cán bộ tổ chức.
Hơn bốn chục năm sau, mỗi khi về quê gặp mấy thằng chăn trâu ngày trước nay về hưu, về mất sức, thương tật đầy mình khề khà chén rượu cạnh bếp lửa kể ước mơ làm sĩ quan, làm phi công, cười nhe hàm răng thiếu huếch thiếu hoác, đến vợ con và đàn cháu cũng giật mình. Chúng nó nhìn ông nội cóc cáy tri điền, thế mà đã có hồi ước mơ làm phi công. Ôi giời ôi, ông tao mơ làm phi công! Rõ chuyện lạ, chuyện không thể tin với chúng nó. Có một năm nào đấy thằng Long về. Nó nói nó ở thị xã Rạch Giá. Lấy vợ là con gái một người mẹ Việt Nam anh hùng có bốn con trai hi sinh cả. Nó bảo thương bà già vỡ đã từng cưu mang mình những năm đánh giặc trong bưng biền, nên ở lại, rồi phục viên, rồi làm giám đốc xí nghiệp đánh cá của tỉnh Kiên Giang. Ô, thế là nó lại làm hải quân. Mùng cho nó, chả lái máy bay trên giời thì veo veo rẽ sóng lái tàu ra khơi. Chả bắn nhau với ai, chỉ đánh cá mà sinh sống.
 Vẫn oang oang như ngày xưa gặp mình ở quê, nó nói rõ nhanh “Duê nán phây chi tá mẩy quớ phây chi. Hơ hơ!” (Máy bay Việt Nam đánh máy bay Mỹ). Hóa ra nó vẫn nhớ, nó vẫn mơ cái ước mơ làm phi công. Giời ạ, tao phục mày quá Long ơi!




No comments:

Post a Comment