Thursday, April 2, 2015

Mây vẫn bay như ngày xưa cũ

Chúng tôi đi một đoàn hàng dọc. Đi trên đường tàu hỏa chỉ một hàng còn dễ ,chứ đi hàng ngang dung dăng dung dẻ thì vướng chân nhau. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng phải vịn vai nhau, đứa trên đường ray, đứa dưới tà vẹt để rinh rích cười, để bá cổ nhau những trận tán phét. Con đường tàu hỏa ngược Lào Cai cứ dọc sông Hồng mà chạy. Lúc thườn thượt bên bãi sông, lúc chui tọt vào một khúc rừng cọ và tre nứa rồi bất thần ló ra ở một quãng đê dưới sông đầy bọt bồi băng táp vào bãi ngô. Bấy giờ là năm 1966 . Làng quê vừa qua một cơn vỡ đê tàn tệ. Từ Lệnh Khanh lên Đan Thượng, Đan Hà  rồi Liên Phương , Hậu Bổng nước sông đỏ quành quạch phủ kín lúa, kín vườn . Nước rút đi để lại cánh đồng lúa nát thum thủm , vườn tược cũng thum thủm những giun chết và thân cây nát vẫn. Thiên tai địch họa lại gắn liền với nhau, khiến xóm làng đã đói lại thêm căng thẳng vì máy bay Mỹ liên tục ném bom cầu cống, dọc đường tàu.  Những ngày ấy chúng tôi vào cấp 3 .

          Cả lũ đi sớm lắm. Í ới gọi nhau từ 3 giờ sáng suốt Đan Hà lên Hậu Bổng . Học cùng nhau ba năm cấp 2 bây giờ lại bìu ríu theo  nhau đi học  nhờ tỉnh ngoài . Giống như những kẻ cùng hội cùng thuyền, chúng tôi thương yêu nhau lắm. Mà thương nhau cũng phải , bố mẹ chúng tôi tuy làng trên xã  dưới nhưng biết nhau cả . Nghĩ lại, thấy lạ. Hồi ấy cứ tự kéo nhau đi nộp hồ sơ xin học, bố mẹ chả phải lo lắng gì. Quả đáng tội, bố mẹ quần nâu áo đụp, quanh năm chúi đầu ngoài đồng trong dộc biết sao việc học đến tận cấp ba của con cái. Thôi thì đẻ con ra nuôi cho lớn là được , sự học đến đâu hay đến đấy,  mỗi tuần ba bát gạo, còn vài cân khoai mang đi mà lo ăn lo học. Chúng tôi lủng lẳng chai lọ, tay nải túi tăng cùn cũn, đếm từng bước tà vẹt mà đến trường .
          Cuối thu , đêm về sáng trời thật nhiều sao . Đi tắt bãi tha ma gò mô lên Hậu Bổng chó sủa rinh rom . Kệ chó sủa , mấy đứa ríu rít toàn chuyện thằng này mang mấy bơ gạo, thằng kia mang mấy lọ tương. Thằng Vân dúi trêu chó nhà Kiên Cương khiến nhà ấy căm lắm, cứ rình lũ đi học về là chửi. Lên đến đê Cầu Lau, đã gặp những Chương, những Thuận, Mỹ Dung …léo nhéo đứng chờ. Trong đêm cái dáng  lừng lững là chị Hiền và Phượng lông mày rậm . Đi một đoạn , ngó đằng sau thấy một bóng ẻo lả vật vờ như ma trơi, thấy anh Khánh nhà mình đứng lại chờ . Thì ra là Trúc . Trúc xinh lắm nhưng mươn mướt như cây mía bầu còn non. Cả bọn cậm cạch bước thấp, bước cao trên đường tàu hỏa. Nước dưới sông réo ào ào . Về đêm nghe sông thì thào rõ thế. Hình như càng đêm sông càng có tâm sự giống  như người. Nó cứ rủ rỉ khúc này lại ồn ào khúc khác. Mặt nước , bờ đê, cả những vạt phù sa cũng vậy trong đêm phập phồng hít thở, hơi thở của quê hương âm ấm  nồng nồng . Có lẽ con người muốn hiểu quê hương mình phải thức một đêm trên đồng  hay trên bờ sông ,vạt đồi mà nghe hương quê nức nở đến thế nào. Chúng tôi đã sống và lớn lên với những âm thanh nghèo nhưng hiền hậu của quê mình.

Nhưng rồi chả thể sáng đi tối về được mãi. Lấy sức đâu mà học.  Chúng tôi kéo nhau đi ở trọ .  Bom đánh ì oàng dọc đường , có đận  nó thả cả bom nổ chậm trên cầu ngòi Sen . Tan học chạy ra đến gần cầu là đứng lại chờ nhau, rồi nín thở chạy qua cầu. Chạy thật nhanh , đứa nào có dép thì sách dép mà chạy. Lũ con gái thở hồng hộc mặt như tàu lá chuối hơ lửa. Chạy đến cổng nhà ba cốc thì dừng lại mồm miệng vẫn  còn tranh nhau thở đã hai ba : Cốc Cốc . Lão ba Cốc hích chó sủa ông ổng, thế là lại chạy chừng vài trăm mét coi như an toàn, ngồi bệt trên bãi ngô nhìn bạn gái ngực phập phồng , má hây hây . Hay thế . Mình nằm ngửa mặt nhìn lên trời , mây trắng thật đẹp bay ngang qua sông Hồng tít tắp lên tận dẫy Hoàng Liên Sơn. Mấy cái mảng nứa của dân Hậu Bổng  trôi vun vút ngoài sông, mấy đứa con gái Hậu Bổng nheo nhéo gọi , mấy người trên bè nứa cũng kêu váng lên : Chúng mày không đi về nhanh mà đi la…am àm . Cơn đói vẫn còn nguyên trong bụng từ trường về tới nhà đã lo ra ruộng giúp bố mẹ . Chúng tôi từ lúc nào chả biết, như đã thành một lao động chính trong nhà .
Rồi tất cả lại ở trọ cùng một xóm . Xóm Nhà Giát . Chịu chả biết sao lại là nhà Giát . Nhà gì thì nhà cứ có nhà đồng ý cho mình ở nhờ là tốt rồi . May ngày ấy không có kiểu thuê nhà như bây giờ. Nói dại nếu mà có trò thuê mướn như ngày nay  thì ngày xưa bọn tôi thất học . Sự ở trọ cứ như tự phân hóa vậy. Thích nhau thì ở với nhau . Ngoại trừ anh em họ hàng thôi, chứ còn thì mỗi nhà là một nhóm tâm đầu ý hợp. Ngày xưa tâm địa trong veo. Chả có chuyện con gái ở chung nhà với con trai . Nghĩ lại mà tiếc. Mình bảo anh Khánh, nhà mình ngày ấy mà cho ở chung với con gái thì anh ở với Mỹ Dung hay với Trúc ? Hắn cười, mày hỏi khó tao, mà có khi ở cùng cả hai. Hai thằng cười phớ lớ bên cốc bia hơi góc hồ Linh Đàm .  Một chiều hè Hà Nội ,hai anh em tôi ngồi nhớ Nhà Giát và những người bạn học thủa nào .

Xóm Nhà Giát hay lắm,  họ ăn cơm sáng và cơm trưa, còn tối thì nhịn chỉ làm củ khoai rồi đi ngủ . Họ bảo, ăn như thế thì hai buổi đi làm đều no. Chịu chả tiêu hóa nổi cái lý sự ấy . Ngày đó xóm này, sắn khoai chỉ để chăn nuôi . Còn chúng tôi thì ăn sắn ăn khoai đi học cả tuần . Chị chủ nhà tôi bảo , khổ thân chúng nó ăn như lợn mà học cao ra phết. Anh em tôi nghe thấy mà rưng rưng. Nhưng rồi chị thương, chị bảo sang “ gò Sóm “ mà nhổ sắn của chị về mà ăn. Không biết bao tháng ngày tôi và anh Khánh sống bằng sắn gò Sóm. Năm ngoái đi về nhìn gò Sóm đã san thành khu công nghiệp, bồi hồi nhớ  cái quả đồi thân thuộc ngày xưa  đang  lở loét những bê tông cây cọc.
 Ở Nhà Giát có hai loại học trò ở trọ. Một loại là con nhà nông, một loại là con nhà Thị Xã. Trông là biết ngay không cần phải đoán mò đứa nào nhà nông đứa nào ở Thị Xã. Chả bù bây giờ ra đường Hà Nội mấy cô bé Yên Bái  Tuyên Quang mắt xanh mỏ đỏ eo éo ; Cái lày bao nhiêu tiền ? Quít lày ngọt không ? Cho em lếm nhé .
 Trong bọn tôi có mấy đứa con gái xinh xinh nhưng không dám mặc áo Hồng Kông , mặc quần âu bó vào đít nên vẫn chịu kém xa chúng nó. Nghĩ cũng tức. Hồi ấy cái Trúc , Mỹ Dung hay Hiền Thuận Phượng cứ mặc quần bó đít áo ngắn pha lon xem bọn thị xã chả lác mắt. Thật ấy chứ ! Sau này nghĩ lại, tôi cứ nhớ mấy đứa bạn gái quê tôi, nở nang cong quéo ra phết. Nước da lại trắng , cái nở nang dậy thì của gái quê nó mặn mà lắm, không như mấy con bé ngoài tỉnh Yên Bái, cứ tai tái điêu điêu làm sao. Lại nhớ thằng Vân với thằng Hưng Hỗ, chiều thứ bẩy đi về dọc đường cứ tụt lại dằng sau nhấm nháy rinh rích cười. Thì ra chúng nó đùn lại đằng sau chỉ để ngắm mông chị Hiền và cái Phượng . Cái Thành Quì đã có lần nói phớ ra cho thằng Vân dúi nghe : Tao biết thừa đấy nhá ! Thằng Vân sợ Thành Quì ra phết
Anh em tôi ở nhà anh Loan đội trưởng sản xuất. Tối tối họp đội, nghe các ông bà chủ nói chuyện về các chú học sinh mà vui buồn lẫn lộn. Một hôm anh Thái chủ nhà thằng Vân thằng Gia nói:  Bên nhà tôi toàn mấy chú học thì ít chơi thì nhiều , nhoáng cái về nhà mất rồi, nghe đâu học kém hơn bên nhà ông Phương. Nhà ông Phương toàn bọn thị xã ở trọ chúng nó học chổng mông đêm ngày, trong khi bọn tôi hở cái là sang Lem sang Dóc đào măng, rồi xúc tép bẫy chim, rồi lõng nứa  rồi vào nhà Hiền Chén xin khế về kho tép , đêm đêm cò dò đi soi cá ngủ . Ấy vậy mà còn í ới hát chèo diễn kịch. Nhớ lại mà buồn cười. Tội vạ nhiều nhất là thằng Hưng Hỗ. Cả xóm họ kêu ca. Nó nghịch, Nó quậy . Nó phá . Mà quậy một một mình thì còn đỡ, đằng này nó rủ cả thằng Thành con nhà ông Huề đi nhòm ngó con gái trọ ở các nhà khác, chị Hiển nó đánh cứ bùm bụp mà chả ăn thua gì. Một lần nó chửi nhau với bộ đội Trung Quốc . Mấy thằng Tàu hửn ra tận xóm báo cáo với chính quyền . Thằng Hưng khai thằng Luân thằng Khánh chửi, chứ không phải nó. Anh Loan chủ nhà tôi lại là đội trưởng liền cãi lại: hai đứa nhà này ngoan và học giỏi không có lí nó chửi nhau với ai. Tôi có nghe chúng nó  la má nỉ ai bao giờ. Mấy thằng tầu séo về rồi,  thằng Hưng lại bị chị Hiển nó đập bằng cái chổi cọ kêu váng cả xóm .
Tôi và thằng Lợi nhà Đức Sáo hay đi với nhau. Thằng Lợi học khá. Nó hoạt ngôn và lại xinh trai . Một hồi nó luôn được thầy cô yêu quí. Phải nói dạo ấy nó học toán tốt , láu táu nói năng  rõ nhanh, cách giải bài của nó cũng rõ nhanh. Suốt dọc đường, hai đứa chỉ nói với nhau bằng tiếng tàu. Tôi và nó tiếng tàu khá lắm. Đại để xin bánh bao , xin pin đèn và huy hiệu Mao Trạch Đông thì khỏi chê. Nói một phát mấy thằng tàu hiểu ngay không cần ra hiệu. Thằng Lợi lại luôn xin nhanh hơn mình thế nên bao giờ nó cũng được phần hơn. Thằng Lợi ở với Bùi Tiến,  Bùi Quang . Bùi Quang do hồi ấy đã lớn tuổi hơn nên kín đáo, có việc gì cứ xúi Lợi ra mặt. Lợi tả xung hữu đột từ nhà ra xóm đến trường khiếp lên được. Tôi và anh Khánh nhà tôi nhiều khi cũng phải lép với nó . Năm sau nó ở với cả thằng Thành, em họ tôi bên Thanh Hùng. Thằng Thành hiền lành ngoan ngoãn mặc kệ thằng Lợi chống chọi nội ngoại giao cứ rủ rỉ cung cúc học bài, trong khi thằng Lợi hết cô Lan Hương gọi hỏi bài, lại đến cô Trần Phương mượn vở . Hồi ấy tôi biết Lợi thích Trần Phương lắm, nhưng đếch dám ngỏ nhời. Mà cái Trần Phương nó cũng khôn như rận chả để Lợi ta tiếp cận đâu. Lợi luôn làm gac đờ co cho thằng Thạch lớp tôi tán cái Thái thọt. Đến bây giờ già rồi nói chuyện đến Thái thọt Lợi sướng cứ như vừa trẻ lại. Dù bây giờ chúng tôi ít chơi với Thái thọt chả phải vì nó thọt, mà là nó làm tới gần mười năm cục phó Cục Điện ảnh gặp bọn tôi, nó cứ giả vờ như không nhận ra.

 Chúng tôi khoái nhất là cái trò ăn trộm hoa quả. Chỉ để cho vui chứ no béo gì quả quít, buồng chuối cây mía dọc đường. Rét căm căm, cả trai gái hẹn nhau đi từ ba giờ sáng chui vào vườn quít đầu cầu Ngòi Sen, hái đầy bao đựng gạo. Có đận anh em tôi lấy quít ngòi Sen biếu anh chị chủ nhà. Anh Loan khen ngon ngon ! Ngon giống quít hợp tác xã Ngòi Sen quá . Tôi và anh Khánh giật thót người . Vụ ăn trộm quít  nghĩ lại thấy thương con Thành quì sương ướt bết quần lụa dính vào mông  run lập cập vì quít Ngòi Sen. Dần dần ba năm sau lớn lên chiến tranh cũng vào hồi quyết liệt. Lũ học trò đi học nhờ cũng rơi vãi vô khối. Tháng ba năm sáu bẩy, đi bộ đội mất thằng Long thằng Hiến. Thằng Nguyễn Tường Cư thì bỏ giữa chừng . Đến lớp chín thì một loạt đứa nhuận lại lớp sau. Chúng nó lớn phổng phao lên còn tôi vẫn còi cọc, vẫn đi chân đất, muốn tán phét với bạn gái cũng thiếu tự tin . Bây giờ thưa dần những sáng đi hái rau sếu, rau sam ngoài bãi ngô, thưa dần mày mày tao tao mà thay vào đấy mình mình tớ tớ . Lũ con gái nhớn nhanh hơn lũ con trai , phổng phao cong ỏng má đầy lông tơ hồng phơn phớt. Có hôm trời nắng đi trên đường tàu hỏa nhìn cái Phượng Hậu Bổng lông tơ trên hai thái dương bết đẫm mồ hôi, hai cặp lông mày to như lá ổi phừng phừng thằng Vân rúi thích lắm.
 Vẫn con đường quen như bàn tay mình mà sao càng  ngày sau này càng thấy gần lại . Thì ra chúng tôi càng lớn lên, càng gắn bó với nhau thì càng  muốn đường dài ra , chả muốn chia tay. Chỉ có hàng chuối bãi ngô, rặng nhãn con đê lở lói vẫn bình thản vô tình chứng kiến đám  học trò nghèo đang tuổi dậy thì và trên đầu chúng tôi những đụn mây vẫn bay ngang qua sông, ùa lên xa hút tới đỉnh Hoàng Liên Sơn. Chả đứa nào thành vợ thành chồng trong  lũ chúng tôi ngày ấy, cho dù cái rung động đầu đời của chúng tôi về gái trai lại thuộc về nhau lúc học chung trường chung lớp . Vài chục năm sau gặp lại nhau, nhìn nhau nói cười phơi phới để dấu đi sự nuối tiếc. Nuối tiếc bao nhiêu lại thấy cái nghĩa bạn bè thủa học trò nghèo  thêm đẹp bấy nhiêu . Ngày ấy chúng tôi trong sáng đến tận cùng, thật thà đến tận cùng và nhớ nhung đến tận cùng những điều vặt vãnh nhất của một thời , vậy mà  chả đứa nào mảy may tí ti so bì hơn kém bây giờ. Đứa về xuôi, đứa lên ngược , đứa ở lại quê hương ,  đứa sang tít tận trời Âu và có cả những đứa đi chiến đấu không về . Tôi cũng nhiều năm chiến đấu ở Trường Sơn. Trong hành trang lính chiến của mình ăm ắp kỉ niệm về những ngày đi học cấp ba A Yên Bái. Nhớ một thời đong gạo nấu cơm bằng bóng đèn dầu. Nhớ mùi tương chan cơm nguội, nhớ vị sôi sắn và cặp mắt lung liếng bạn gái thủa nào trên đường Nhà Giát Văn Tiến, Yên bái, nhớ những vì sao rơi trên sông Hồng mùa nước, nhớ bếp lửa ngồi hơ chân học bài hun hút gió bấc suốt mùa đông, nhớ một thời những người dân củ mỉ cù mì cưu mang mình. Chúng tôi nhớ những thầy cô tận tình thương yêu dậy dỗ học trò như con. Tôi cứ hình dung con đường mà chúng tôi đã đi qua, con đường dậy thì của chúng tôi ngày ấy. Trên con đường ấy chúng tôi đã từng mơ, từng ước về tương lai, trên con đường ấy bạn tôi đã từng nhìn tôi, yêu mến tôi và tôi cũng đã từng bồi hồi vấn vương nhìn những người bạn gái vô tư hồn nhiên khi tan lớp về trong xanh mướt bãi sông Hồng .
Gần nửa thế kỉ trôi qua. Tôi trở về .
Đường tàu hỏa vẫn thế, già nua cũ kĩ .
Dòng sông quê tôi vẫn thế, xanh ngút ngát ngô lau .

Vạt rừng ngày xưa chở che mái trường ấu thơ của tôi không còn. Nó lở loét như mọc da non của một thời đất nước thay da đổi thịt. Tôi dừng xe trên đầu cầu Ngòi Sen gần ga Văn Phú. Dòng nước chảy thật hiền  như được chắt lọc ra từ trong kí ức. Bỗng nghe đâu đây tiếng cười rúc rích của bạn tôi 50 năm trước vọng về . Tiếng thằng Vân dúi, tiếng thằng Lợi Đức Sáo. Tiếng cười khúc khích của Hiền, của Thuận của Phượng,Hoan, Hậu ,Trúc và Túy Vụ … tiếng lanh lảnh của cái Thành Quì , tôi lại ngửi thấy  hương tóc của các bạn tôi thân thuộc như mùi đòng đòng lúa . Một ngàn ngày bàn chân chúng tôi ươm lên con đường này. Bàn chân đất học trò nghèo xòe năm ngón hướng về phía ước mơ. Bất giác nhìn xuống chân mình, đất đồi Yên Bái vẫn đỏ .

Một chuyến tàu chạy qua. Tiếng còi tàu gọi tôi từ quá khứ.Tôi ngước lên nhìn trời, lại những đám mây bay sang sông.Mây vẫn bay như ngày xưa cũ .

Hà Nội 12/2012




No comments:

Post a Comment