Thursday, April 2, 2015

ĐỔI HỌ


Chàng nay đã già, chúng tôi không gọi chàng là anh, là đồng chí nữa. Tôi vẫn gọi người ấy là chàng bởi chàng vẫn phong lưu, dễ nhìn như người ta nhìn một trai trẻ vậy. Chàng ngồi ở bến đò lên Đông Bắc. Gió rít từng hồi u u từ ngoài bãi cọc thánh nhân. Gió như xé ruột bào gan, dàn dạt ngọn lúa mùa thì đỏ đuôi còng lưng trước ngọn gió. Gió cũng từ phía Bắc tới nó đi chênh chếch hướng Đông nên gọi là gió mùa Đông Bắc. Chàng hứng ngọn gió hít khoan khoái cái lạnh đầu mùa, nhìn con phà ủ dột cập bến. Vài chục năm trước, con phà này vẫn vậy, oàm oạp đè sóng đưa người ngợm xe cộ qua sông để lũ lượt lên Thủ Đô, lên ngược lăn lộn với đời. Đời lăn lộn thế này chứ thế nữa cũng chả là chi với chàng. Bởi chàng ngấm lời dậy của ông nội của bố mình, dòng họ nhà mình bươn chải cả dăm trăm nay chưa hết bươn chải. Nhưng dòng họ nhà chàng luôn tự hào thông kinh bác sử, tinh y thuần địa. Ngồi dựa lưng vào cột bê tông nhà phà, tay ôm cái ba lô lộn chàng nghe trong tim dấm dứt nỗi nhớ vừa buồn vừa oán trách .

Mấy chục năm trước. Chàng đỗ vào đại học lúc cả nước đang gồng lưng đánh Mỹ. Người ta đi tàu hỏa, hết tàu thì đi bộ, gặp ô tô hàng, ô tô tải vẫy được nhờ đoạn nào hay đoạn ấy. Từ nhà lên chỗ chàng cần đến có cái tên Quán Triều chừng trăm rưởi cây số, chàng đi hai ngày. Người ta đi thì vui, chàng đi mà vẫn ấm ức buồn. Buồn chẳng phải vì mình, vì nhà chức trách không thấy nguyện vọng của chàng là chính đáng. Xa cha mẹ từ bé, chàng học được những đức tính tự lập và kỉ luật ở các trường nội trú của con em cán bộ, một cái nôi cho người quyết đoán sau này .  Chàng ưa khoa học công nghệ, nhà chức trách xếp chàng đi học khoa học nông nghệ. Con tàu toàn là toa đen chạy lanh phanh lên xứ Thái. Chàng mong nhìn thấy khói trắng lò cao mà khi đến tận nơi chỗ ngổn ngang gang và sỉ lò xếp chung nhau, chàng chỉ thấy ống khói đùn lên toàn khói đen . Chàng thất vọng. Hóa ra họ nói khói trắng chỉ là cho vui.
 Chỗ chàng đến có dăm cái nhà tầng, cái cao nhất bốn tầng cái nhà nào cũng xây kiểu tốn gạch, cái nhà nào cũng một kiểu hành lang rộng và dài hun hút. Chả biết họ trồng cây từ thủa nào mà rừng thông cao đến nóc nhà . Gió mùa đông hun hút , những cô cậu sinh viên bó cổ áo đứng ở hành lang, ríu rít nói cười. Chàng thấy lác đác những bộ váy dân tộc. Chàng thấy những gò má màu đào chín của gái vùng cao. Họ nhìn chàng, nhìn chăm chăm vào mơ tóc xoăn bồng bềnh lãng tử . Chàng bỏ về sau hai ngày ăn bánh mì luộc và canh rau muống đen như nước cống .
            Năm sau chàng lại thi đại học. Sức chàng thi trường nào chả đỗ. Lại con đường lên ngược năm trước, chàng đến một vùng đầy cỏ gà và guột mọc phủ dưới bạch đàn. Chàng mang tên sinh viên từ đây. Sinh viên rặt những trai gái Hà Nội. Chàng lững thững đút tay túi áo đại cán có bốn túi xuống bếp. Gái Hà Nội hay ra phết. Chàng lẩm bẩm. Ấy thế mà suốt bao năm học, chàng chả vừa mắt cô nào và cũng chả cô nào vừa mắt chàng. Cứ thế, chàng đi lững thững bên bao nhiêu tâm hồn, vừa mộng mơ, vừa thực dụng tinh quái của nữ sinh Hà Nội ở ngôi trường này. Có hồi chàng còn làm cả cán sự môn học nữa. Dù làm gì, căng tai nhức đầu với toán lí cơ, chàng vẫn yêu văn chương. Chàng đọc thơ Nguyễn Bính thì tuyệt. Chàng thương ông Bính, chàng thương những cô gái quê. Chàng đọc cho mấy anh bạn cùng lớp chép vào sổ tay những bài thơ dài đến khiếp. Chàng bảo, chúng mày cứ tưởng học máy móc học điện là có thể tự hào không cần đến văn học hay sao? Văn học nó biểu hiện cả lên thiết kế và cả khi chế tạo máy móc đấy. Cái máy cũng như con người, nó cần ăn, cần uống, cần đẹp và cần làm việc. Từ văn học đến văn hóa là một chiều dài lịch sử thấm máu. Khối anh bạn nghe chả vào còn cười cười.  Một lần chàng bảo với bạn bè tỉnh lẻ, mày có nhìn mấy thằng hoạt ngôn Tỉnh Thành kia không ? Rất có thể nó rỗng tuếch như cái quân cờ đúc bằng nhựa trên bàn cờ tướng. Chàng thì thầm, quân cờ đúc rỗng bên trong đấy, họ tiết kiệm nhựa đấy. Lúc ấy tôi nhìn chàng như một người ở đẳng cấp khác. Chàng học rất khá về máy móc và vẫn đọc sách văn chương. Mà chàng có trí nhớ lạ, nhớ văn học phương Tây, nhớ lịch sử phương Đông. Chàng bảo đọc văn học và lịch sử lí thú như làm bài tập họa hình vậy. Vài chục năm sau lí giải về cái sự am tường văn chương của chàng, tôi thấy chàng đúng. Bọn tôi cứ thao thao láo nháo nói về Hạ Long, Bái Tử Long bằng cái mớ kiến thức đọc và nghe lỏm nhau và chủ yếu là qua sách giaó khoa. Chàng chỉ cười , chưa bao giờ chàng tham gia cái trò cãi nhau tôm hay là tép ấy

Con phà ra giữa sông. Gió hun hút. Gió như ngàn năm nay vẫn gió thế ở khúc sông này. Ngay phía đông kia có bãi cọc. Chuyện ấy chàng chả lạ bởi bao năm nay, chàng vẫn đi về con phà này , bao năm nay chàng vẫn thấy những cuộc mở hội tưởng nhớ vĩ nhân đóng cọc đánh kẻ thù nơi này . Chàng lẩm bẩm đánh nhau ở đây mà dấu cọc mãi tít ngoài Hạ Long ? Thánh nhân có nhầm nhỡ gì không ? Hay người đời nay, con cháu cha ông chúng ta nhầm lẫn, hoặc phù phép để kho vũ khí quá xa mặt trận để gán cho thần tượng của mình có phép thần thông. Chàng cười. Chàng nhớ một hồi mình là người lính ở chiến trường khu Năm. Sự đi lính khi đang học đại học cũng là nhẽ thường với cuộc đời này nhưng mỗi tâm hồn người sinh viên ở trong lính thì là sự không phải bình thường. Chàng nghĩ thế. Chàng bảo cái cách đeo ba lô của bọn sinh viên cũng khác . Cách tán gái của nó cũng khác. Chàng nhớ những đêm ở con sông Máng, nơi chàng trú quân khối chuyện hủ hóa dưới trăng vằng vằng vặc mà sản phẩm là sự khổ đau sau khi tiếng súng đã tan và hòa bình về rưng rưng năm 75. Bốn năm trong chiến trường là bốn năm để chàng chiêm nghiệm mồm mép và chân tay có mối liên hệ biện chứng thế nào. Cứ loay hoay nói về biện chứng với duy vật , vậy thì nếu bom nổ cái anh biện chứng có bị hi sinh hay không? Chàng bật cười một mình, con phà giảm động cơ đẩy xắp vào bến, mấy cô gái áng chừng là sinh viên ngoài Phòng về nhìn chàng rồi bấm vai nhau cười hí hí .

Con phà ấy lâu rồi chàng không đi qua nữa. Người ta làm cầu làm đường cao tốc khiến đoạn đường xưa như gần lại mà hóa như xa. Lần thì Chàng qua cầu Bính sang Thủy Nguyên, lần thì chạy thẳng theo đường 18 về thành phố của chàng, cái thành phố rõ là già mà người ta bây giờ gọi là Thành Phố trẻ . Cây cầu nối qua eo biển sang trung tâm sắp xong, nó thòi lòi vươn nhịp từ hai phía, mong ngày hợp long. Hai cái thanh công son khổng lồ in thành cái hình rẻ quạt  xuống mặt biển sám ngắt. Gió ràn rạt ngoài vịnh thổi vào bến phà cổ kính nơi chàng ngồi chờ phà. Ngồi bên bến nhìn những hàng cây bàng cổ thụ, chàng lẩm nhẩm tính tuổi của nó. Chà, tính làm sao được nhỉ ?  Khi người Pháp vào đây họ đã trồng cây này chưa ? Làm gì có chuyện ấy! Thứ cây của người Việt ắt là người Việt trồng. Có nhẽ nó dư trăm tuổi, nó gộc ghệch hiền lành nhẫn nhịn . Chàng nhủ, sao có thứ cây hiền thế . Bỗng dưng chàng bật cười vì sự tính toán đánh giá nết na của loài thực vật. Ngẫm nghĩ rằng, con vật có tính nết đã đành vì nó biết ăn uống, biết hò hét phát ra âm thanh biết sinh sản hữu tính và di động có chi hay không có chi mà nó chiến đấu sinh tồn . Động vật nó yêu, nó thương, nó tán tỉnh khác giới rõ rệt ai mà chẳng biết. Vì thế nó mang tính tình hệt như loài người thôi. Cũng hỉ nộ ái ố đó thôi. Nhưng những cây Bàng kia, nó cứ phăng phắc thế thôi nhưng đâu có im lìm. Nó nhẫn nại năm này qua năm khác, trút lá đỏ và đơm quả thơm vàng. Quả của nó chả ai mang làm hàng hóa, chả ai mang ra đóng nhãn đặc sản. Chỉ có tuổi thơ yêu, chỉ có tuổi thơ nhớ, mà những gì được tuổi thơ yêu quí, nhớ nhung cũng đều hiền dịu đáng yêu cho đời con người. Hơ hơ, giá mà cây Bàng biết nói, khối học trò và cả những người lớn cũng xấu hổ với nó, bởi nó chững kiến bao sự dối gian của con người đã từng sinh ra rồi trưởng thành nơi đây, cả những công sở đầu não nơi đây, nơi những cây bàng cổ kính đứng bên những tòa nhà thâm nghiêm.  

Có tiếng còi tàu tu tu u..u ngoài vịnh, chàng nhìn vết dầu loang có sắc cầu vồng dưới chân kè . Chàng tự bảo với mình chỉ có nơi này mới có những cây bàng nhiều tuổi đến thế . Chàng nghĩ đến chuyện học trò sao cứ gắn với tán lá bàng? Cái gì bao bọc chở che cho tuổi thơ tất thẩy là hiền hậu. Ờ đúng thế,  đến khi phát triển mới nảy sinh những xuy nghĩ khác nhau để rồi mới ác thiện khác nhau . Sự thiện ác ban đầu cũng đều dưới túp nhà và dưới tán cây bàng hiền dịu đầy yêu thương cả thôi . Chàng nhìn ra cửa sông, thấp thoáng những cái thuyền nhấp nhô nhỏ bé, phía bên kia giáp ven bờ là một khu cư dân nghèo khó làm nghề biển tá túc . Chả biết tự bao giờ họ gọi là lán bè . Chàng đã từng đi qua nhiều thành phố biển , thành phố nào cũng có lán bè. Thành phố nào bên cạnh cái sự ồn ào hào phóng của nó cũng là những quần thể của những mảnh đời vất vưởng. Sự vất vưởng trên cạn và dưới nước khác nhau. Sự tủi hèn cũng không giống nhau. Những cư dân lán bè dù hèn đến mấy cũng không sợ chết, cuộc đời bão táp với sóng nước dập vùi dậy họ tự vượt qua họ. Người ta xóa đi bao nhiêu lán bè nhưng máu của con những người sống chết với nước mặn với bão tố thì vẫn loang loang nồng nàn . Nơi chàng đã sống từng biết bao con người lên cạn như thế , những bạn lính chiến trường của chàng ngày xưa, biết bao những người lính ra đi từ bãi sông vạt biển như thế .
       Mấy cặp vợ chồng thồ rất nhiều đồ đoàn về quê cũng ngồi chờ phà . Họ vừa hân hoan cũng lại vừa lo âu cho chuyến hồi hương. Chàng cũng đang trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhưng chàng mơ hồ nghĩ về quê quán. Quê ư? Chàng bỗng mỉm cười. Có một ông nhà thơ khả kính mà từ thuở sinh viên chàng thích đã viết  ..Khi ta ở đất chỉ nơi đất ở / khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn . Chàng thì thấy khi chàng ở, đất đã là tâm hồn chàng rồi, mà đã là tâm hồn thì đó đã là quê của chàng.  Con gái của chàng vừa nháy điện thoại, chàng ốp cái máy NOKIA lên tai. Ờ ờ mai bố về, bố ra Cẩm Phả viếng một người bạn . Ờ trên đường bố về sẽ mua luôn những thứ thuốc đó. Bảo mẹ cứ an tâm. Sóng dàn dạt óc ách, có những vạt lá như lá đước từ đâu long đong áp mạn kè. Đại dương bao la thế nhưng cái gì rồi cũng trở về với bờ. Con tàu than đứng ngoài xa xếp lốt rực rỡ lên trong chói nắng chiều. Nó lừng lững lúc này để ngày mai ra khơi, nó lại trở nên mong manh nhỏ bé, thậm chí có lúc nhỏ bé đến thương hại. Vẳng bên tai tiếng gọi gấp gáp của mấy anh kĩ sư trong phòng kĩ thuật của chàng từ xa xăm. Để tất cả đấy, đi thôi anh! chúng em đã chuẩn bị tất cả rồi, ta phải làm lại cuộc đời bị đánh mất này rồi anh sẽ đưa được chị ấy sang sau . Đi thôi đi thôi ! Chàng ngồi lặng, căn phòng đầy những bản vẽ thiết kế, đầy những giấy tờ và văn bản vô lí. Chàng biết nó vô lí mà vẫn cứ chúi đầu với nó hi vọng rồi đến ngày nó có lí. Thôi , chúng mày đi đi. Anh không thể đi khỏi xứ này. Ngoài biển lập lòa lom dom đèn câu. Chàng nghĩ trong đêm nay, mấy cái tàu máy 36 Sơ Vô sẽ đưa họ đi, sẽ vượt sóng may rủi tới bến nào ?  Ở Công Ty chàng và  khu phố nơi chàng ở  đã bao nhiêu chuyến đi như thế, vùng đất hứa hú gọi về vùng đất sống đang dẫy dụa này thao thiết quá, khiến những cuộc ra đi ngày càng nhiều . Chàng lan man nghĩ những thằng bỏ quê hương bản quán mà ra đi ấy thiếu gì những đứa đã qua lính, lính biết bao nhiêu đường lính ! . Chợt nhớ Bảo Ninh đã viết ở cuốn Thân phận tình yêu người lính trước lúc vào trận còn bảo nhau tếu táo mang theo bộ bài tu lơ khơ nhỡ có ngoẻo thì xuống dưới ấy còn có bộ bài mà bù khú với nhau. Thản nhiên thế chua xót thế , thế mới là con người của đất này .

…Tối ấy, chàng ngồi ở cơ quan nhưng đang nghĩ tới cha mình, nghĩ tới gia đình đang chịu đè nén bởi cái tên  họ của mình. Chàng thương người cha già, lặn lội bao nhiêu năm chiến khu, bao nhiêu năm xây dựng vùng đất này. Tên tuổi ông gắn bó với bao nhiêu nông trường, bao nhiêu vùng đất sỏi đá. Chàng luôn hãnh diện về tấm ảnh cha chàng đeo súng ngắn trong đội quân duyệt binh ngày 2/9/45 ở quảng trường Ba Đình. Chưa bao giờ chàng khoe với chúng bạn Hà Nội về người mẹ là con gái Hà Thành, với một ngôi nhà rất đẹp ở gần hồ Ha Le, đã từ bỏ cuộc sống kinh thành đi theo cha chàng kháng chiến. Ấy thế mà những lá thư nặc danh, những cái nhìn soi mói của người đời trong những tháng ngày đen tối ấy cứ làm tóc cha đã bạc lại thêm bạc thêm. Chàng nghe cha thở dài, nghe thấy cha trả lời giận dữ những ai đó gọi là cán bộ ở Huyện ở Thị. Bỏ quê hương, bỏ dân tộc mà đi là đồ hèn. Đừng có ngụy biện về dân tộc, về nhân dân . Các anh đang làm tan nát cái gọi là nhân dân đấy. Tôi sinh ra ở đây, tôi và gia đình đổ máu để giữ đất này, vậy đây là quê hương tôi . Các anh không thích họ của tôi thì tôi đổi họ, còn ý chí của tôi không thay đổi. Mấy trăm năm trước tổ tiên tôi không có lỗi vì đã đến đây cùng những người dân tộc khai sơn lập bản , tôi tự hào vì đã phụng sự nhân dân  nơi chúng tôi sinh ra chả có gì mà phải lẩn tránh các anh. Con cái tôi, cháu chắt tôi sẽ phụng sự đất nước này. Cha chàng suy sụp, nhưng rồi một buổi ông cụ cười rất tươi, gọi anh em chàng vào và nói chuyện.  Cha chàng tươi lên vì các anh em chàng cũng nhất nhất ở lại không đi đâu hết, không có một cuộc di tản nào cả, dù cả nhà đều biết ở lại thì phía trước sẽ bao nhiêu là đau khổ. Chàng nói với cha, rồi đến một lúc nào đó, những kẻ vượt biên sẽ tìm đường về, những kẻ đã tự lột bỏ cái tên dân tộc mình sẽ day dứt đến cả đời con cháu . Nhưng cũng có những đêm khuya chàng mất ngủ, nguồn cội ư? Sao ta phải khước từ nguồn cội . Không , họ của chàng vẫn thế . Ta vẫn nguyên là dòng họ của cụ kị mình . Nguồn cội của tổ tiên ta là học chữ và làm thuốc cứu  người …

 Là bạn của chàng từ thời còn là sinh viên, chúng tôi từng có mươi năm kể cả thời đi lính chiến trường và học hành cùng nhau . Tôi cũng đã từng được chàng yêu và có nhiều lúc chàng  ghét. Có lúc tôi cho là chàng cực đoan. Còn chàng có lúc cho là tôi hời hợt không sâu sắc. Nếu một lần bạn nhìn thấy chàng giải toán lí hóa, dạy con cháu thi đại học, nếu một lần bạn thấy chàng trong những trang viết, những truyện ngắn những bài thơ. Nếu một lần bạn nghe chàng tâm sự về thầy cô bạn hữu,  bạn sẽ thấy lời thề Hypocrats trong sử thế của chàng nhất quán đến thế nào. Bây giờ chàng lại làm cái việc mà tổ tiên chàng vẫn làm. Cái nghề không chỉ cần có tài năng, mà cần phải có một tấm lòng thương yêu đồng loại mới làm được   

10/2013 



No comments:

Post a Comment