Friday, April 3, 2015

Một mùa nắng có màu nắng 40 năm trước ( giải nhì cuộc thi kí 2012)


Viết trong chuyến đi của Cựu Chiến Binh sinh viên vào Quảng 
Trị tháng 4/2012

Tôi cứ tưởng viết về Quảng Trị như lâu nay chúng ta đã đọc đã thấy nó phải hùng tráng bi luỵ , ác liệt ... nó mới ra một mùa hè máu và hoa , một năm 1972 nhiệt độ Quảng Trị tăng vọt lên bất thường . Ấy thế mà chiến tranh lùi xa tròn 40 năm kể từ ngày phát đại bác bắt đầu giót xuống ái tử , xuống cao điểm 241 ...Mở đầu cho chiến dịch giải phóng QT thì tôi người lính Sinh viên 1972 lại bỗng run run nhớ về muà hè năm ấy bằng một tiếng gọi khẽ khàng , những lời tâm sự của người cựu chiến binh với vợ mình trong chuyến đi về Quảng trị lần này .

          Đoàn chúng tôi gồm hầu hết các sinh viên nhập ngũ và chiến đấu ở QT năm 1972 . Chuyến xe xuất phát từ cổng ĐH BK Hà Nội lúc 5 giờ sáng 28/4. Có ba người phụ nữ luống tuổi cùng lên đó là vợ của CCB đi cùng . Nắng đến hoa mắt trên con đường vào miền Trung , nắng đến nỗi những chùm hoa giấy như sắp bốc cháy trên đường qua Thanh Hoá  . Hồi ức về ngày tháng đã qua 40 năm cứ như sôi lên trong xe . Chúng tôi đang đi trở ngược về tuổi trẻ . Những người lính năm xưa càng gần đến QT càng trẻ lại . Chúng tôi càng trẻ lại thì nắng lại càng giống như màu nắng năm nào , tiếng ve kêu bên đường cũng lại giống hệt như tiếng ve ngày ấy trong mỗi trận bom pháo . Ngày ấy bên bờ Thạch Hãn cứ ngừng tiếng pháo là tiếng ve lại bùng lên . Trong bom trong pháo những cánh hoa màu đỏ trên đôi bờ Thạch Hãn tung lên trời những đốm tàn như lửa . Bây giờ mươn mướt xanh , cây trái xanh , con đường cũng xanh , dòng sông cũng xanh đến như không thể xanh hơn nữa . Quảng Trị có màu xanh chẳng giống nơi nào , chúng tôi trở về Quảng Trị  mà lòng chúng tôi bồn chồn , chúng tôi như đứa con xa quê xắp về tới ngõ .
Sáng nay 29/4 chúng tôi đã viếng hang Tám Cô trên đường 20 . Chúng tôi lứa bạn của của các cô một thời , ngày chúng tôi hành quân qua đây con đường 20 chỉ có đất đá và đỏ lòm màu bom lửa . Con đường bụi mịt mù lẫn vào tiếng bom toạ độ , có bao các trai gái sống và bám đường bên những hố bom ngày ấy . Bây giờ rừng xanh núi ngàn ngăn ngắt xanh . Trước cửa hang rập rờn hàng ngàn con bướm trắng , hàng ngàn tiếng ve bùng bình như thật như mơ . Dâng tới các chị cái gì đây , bởi ngày ấy các chị cái gì cũng thiếu , những ước muốn nhỏ nhoi nhất của đời sống con gái các chị vẫn ước ao mà không có . Có một nỗi đau nhoi nhói trong lòng tôi khi nghĩ về những người con gái ra trận ngày xưa . Nỗi đau ấy lịm vào màu khói và mùi hương trầm len lỏi theo vào lèn khô vách núi .

Đêm 29/4 . Chúng tôi không ai ngủ , nghỉ lại một khách sạn ở cuối Thành phố Đông Hà  nơi có con đường tắt nối đường số 9 ra đường số 1 . Thành cổ đằng kia , Cửa Việt  phía ngoài kia , phía ấy quầng sáng lung linh trong đêm thanh bình êm ả . Lúc chiều nóng là thế , giờ gió từ cửa Việt thổi vào mơn man .  Bốn mươi năm trước cũng mùa hè này bạn bè tôi chết vùi trong cát , bây giờ bạn nằm đâu ? Bốn mươi năm trước những người sinh viên Miền Bắc cùng với bao đồng đội chìm trên sông Thạch Hãn bây giờ mộ chí neo dưới lòng sông . Tôi và Lê Minh tiến sĩ vật lí, cán bộ giảng dạy ĐH Giao thông Vận Tải Hà Nội lặng im hút thuốc bên nhau . Minh bảo : mình nhỏ bé làm sao bạn nhỉ ? Ừ , tôi hiểu anh bạn lính trinh sát sư đoàn 325 nay là tiến sĩ vật lí nói rằng chúng tôi là hạt vật chất bé bỏng trong vũ trụ này . Nhưng mà Lê Minh ơi , cái bé bỏng của mình làm nên sự vận động vật chất trong trường “ Quảng Trị với Việt Nam “ đấy chứ ?.

Trong cái nắng xiên khoai chói chang chiều 29/4 chúng tôi thắp hương ở nghĩa trang đường Chín . Mười ngàn ngôi mộ trắng xoá trong nắng hướng về phía bắc . Ngọn đồi nóng như nung , rừng cây xung quanh đang độ trưởng thành . Bao nhiêu ngôi mộ không tên , có tên , hàng ngang hàng dọc , lặng lẽ . Nắng thì vàng mà mộ các anh thì trắng . Mặt đất nơi đây nóng ngùn ngụt mà các anh chỉ có bia mộ lạnh lùng . Nhớ quá , những người bạn cùng quê cùng lớp khi xưa có mặt nơi này . Nói gì với nhau đây hỡi các bạn . Trong chúng tôi đây có nhiều người trở về đã thăng tiến đề huề còn các anh mãi vẫn thế , vẫn chỉ binh nhất binh nhì . Nắng hôm nay cũng vàng như thế , hừng hực như thế , như bốn mươi năm qua rang khô đất đá cổ thành  .
Sáng 30/4 Chúng tôi vào thành cổ thật sớm . Mặt trời cũng dậy thật sớm tràn nắng xuống tượng đài . Chúng tôi lẫn vào bát ngát cựu chiến binh cả nước nôn nao đi theo đội ngũ với một lá cờ giải phóng . Từng bậc lên đài cao mà mỗi bước đi tưởng như mình đang vịn vào sương cốt bạn bè tôi mà đi lên . Chúng tôi nói những lời với đồng đội trong rưng rưng nước mắt . Khói hương nhoà đi , ngàn bông hoa tươi phơi vào nắng , hàng ngàn con người lần sờ vào những tờ lịch đẫm máu một thời . 26/6/1972 .....16/9/1972 . Mỗi một ngày ghi trên tượng đài là mỗi ngày có bao nhiêu tiếng gọi vọng về . Mỗi tờ lịch kia là bao nhiêu linh hồn trẻ trung thông minh trai tráng . Mỗi tờ lịch kia là bao nhiêu mái trường , bao nhiêu vùng quê hoá thân vào đó . Đâu chỉ có 81 ngày đêm mà có tới hàng mấy trăm ngày đêm cả trong thành cổ và khắp vùng Quảng trị máu đổ . Đâu chỉ có bộ đội chủ lực mà hàng ngàn du kích , hàng ngàn người dân Quảng trị tham gia trong suốt một thời kháng chiến đổ máu hi sinh .

Nắng lại vàng thế , trời thì xanh thế . Tượng đài sinh viên khiêm nhường trẻ trung mở những trang sách trong nắng . Những trang sách bỏ quên . Những trang sách dở dang . Tôi cứ ngỡ như  những đồ án dở dang của bạn tôi trải xanh cả thành cổ . Chúng tôi những mái đầu hoa râm xếp hàng cùng các cháu học sinh trường PT CS Thành Cổ cùng thắp hương cho bạn bè sinh viên . Thưa các bạn , chúng tôi về đây nhận trường nhận lớp cùng các anh , về đây để soi vào các anh để thấy mình cần phải yêu cuộc sống biết bao . Về đây với bạn bè để thấy được mình còn bao nhiêu khiếm khuyết trước những người đã hi sinh . Các bạn đã nằm xuống để chúng tôi được trở về , các bạn mãi mãi tuổi hai mươi trong tâm tưởng chúng tôi . Dẫu còn nhiều bạn chưa có dịp về thăm các anh  , mong các anh tin là tất cả những sinh viên ra đi ngày ấy được trở về luôn nhớ tới các anh , tên các anh luôn gặp trong những câu chuyện hồi ức của chúng tôi . Các anh luôn có mặt trong những ngày hội lớp hội trường . Có tiếng chim cu thật hiền gù trên lùm cây sau tượng đài , nắng cứ phóng khoáng trải trên cỏ , trên những chùm phượng vĩ đầu mùa , thành cổ đẹp như khuôn viên của một trường đại học . Và nắng , nắng giống hệt như nắng những mùa thi cử của chúng tôi ngày nào .

Nắng trên bờ Thạch hãn gọi nhớ về những ngày vượt sông 40 năm trước . Nỗi buồn má ảnh trên gương mặt người lính chúng tôi . Hoàng Ngọc Tần – Phó Giáo sư , tiến sĩ trường ĐH XD mặt thuỗn ra khi nhắc lại những ngày trực bên bờ sông để vận chuyển thương binh liệt sĩ . Tần nói nghẹn lời : lính mình đưa về bờ bắc nằm dàn dạt những máu là máu . Vượt qua những ngày ấy là một sự kì diệu của sức chịu đựng con người . Chúng tôi nhìn xuống sông , vẫn dàn dạt những cây rong đuôi chó mà ngày xưa lính mình rất ghét thứ rong này nó cứ quấn chặt lấy chân mình trong khi cuống cuồng vận động lên bờ chiến đấu . Chúng tôi thả hoa trong nắng , chúng tôi áp mặt mình xuống nước , chúng tôi cắm nén nhang trên bờ nước . Khói trắng bay xoà mặt sông , bạn tôi nằm dưới sông nhìn thấy chúng tôi khôg ? khói nhang có thơm tới các bạn nơi đáy sông này không ? Các bạn còn đó hay đã trôi ra cửa bể hoà vào trùng dương bao la của đất Việt ?
Chúng tôi vào ăn trưa một quán cơm ngay bến vượt phía nam . Ngột ngạt trưa tháng năm dù quạt điện chaỵ vù vù . Bát canh chua Thành Cổ gợi nhớ nơi này 40 năm xưa lính chúng tôi trệu trạo nhai cơm nắm trong nắng lửa và đạn pháo  . Ngoài đường từng đoàn xe CCB cũng hối hả đi tìm quán ăn . Cái quán nhỏ bỗng ồn lên khi đoàn của các bạn ĐH Bách khoa ào vào , thế là bia , thế là thằng này thằng nọ hiện về . Trưa Quảng Trị với chúng tôi chỉ những bạn cũ là bạn cũ . Các bà vợ đi theo hết nhìn bên này lại ngó bên kia , nhìn chồng rồi nhìn bạn của chồng mặt đã nhàu , tóc đã bạc , bỗng thấy thương chồng mình hơn . Thì ra người chồng củ mỉ hiền lành của mình lại có một thời hào hùng đến thế , mà lâu nay các bà đâu có hiểu .
Chúng tôi không nghỉ , giữa trưa đi thẳng một vạt xuống Triệu Phong . Qua Triệu Vân , Triệu Long , Triệu hải , Triệu Thành . Dòng Thạch Hãn xanh ngắt nhìn mà muốn nhào xuống tắm quá . Ngày xưa vượt Thạch Hãn thấy nước sôi sùng sục , cái ý nghĩ muốn tắm sông Thạch Hãn bỗng trào ra nước mắt . Bấy nhiêu nghĩa trang chúng tôi qua là bấy nhiêu màu nắng giống nhau . Bấy nhiêu cánh đồng xanh như nhau . Mồ hôi ướt đẫm trên tóc hoa râm , mồ hôi dòng dòng vào mắt cay nồng . Lê Xuân Tường thay mặt cả đoàn tới nghĩa trang nào cũng kính cẩn nói lời khẩn cầu của chúng tôi , thế mà nghĩa trang nào Tường cũng khóc . Bao nhiêu nghĩa trang đã qua là bấy nhiêu lần những người lính già khóc.
 Người ta bảo về già hay khóc ! phải thế chăng đúng với những người lính chúng tôi ?
Quay trở lại Nghĩa trang thị xã . Nắng như đổ lửa trên ngọn đồi lối đi về làng Tích Tường . Đã mấy CCB lấy thuốc hạ huyết áp ra uống . Nhưng không hề một người nào dừng bước . Lê Minh ngồi xụp xuống ngôi mộ tập thể của lính c20 F325 châm bốn điếu thuốc cho các bạn . Minh khóc trong nắng lửa , chúng tôi nhìn Minh mà không cầm nổi nước mắt . Những người bạn gặp nhau trong nắng lửa Quảng Trị nhoè nhoẹt mắt vì ngày ấy , 40 năm cũ lại về . Đúng lúc ấy tôi nhận được điện thoại của các bạn từ Hà nội : Luân ơi thắp hộ mình nén nhang cho các bạn , thế là lại nấc lên vì cảm động . Các bạn ơi , Chiến ơi , Thân , Lộc ơi bọn mình đang thắp nhang cho đồng đội đây , tất cả chúng mình đều hướng về đồng đội trong mùa nắng này , chúng mình đâu có quên mùa nắng nơi đây , mùa nắng có mầu của 40 năm trước .
          Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi ngược dòng Thạch hãn về Tích Tường . Con dường cứ bám dọc sông . Chỉ 7 km thôi mà chuyện kể thì dài mãi không cùng . Làng xóm về đông hơn , chẳng thể tìm ra lối xe tăng địch ngày xưa đã cầy xé nơi này , chẳng tìm ra lối cũ lên bờ nơi bến vượt Tích Tường của bạn tôi C17 công binh . Cây trái mướt xanh phủ lấp không gian nhưng kỉ niệm thì cứ cònổoi rói mới . Dân làng Tích Tường nhìn chúng tôi thật thiện cảm còn chúng tôi hình dung những người dân kia trong chiến tranh họ đã từng chịu khổ đến nhường nào . Đây rồi đồi chè . Đây rồi bãi mít . Người nhao xuống xe đầu tiên là Hữu Luân - một kĩ sư điện . Anh hớt hải đi về cây cầu ngóng về bờ sông bên kia , nơi đây hàng tháng trời anh cùng tiểu đội lập bến vượt cho bộ binh , nơi đây anh để lại cả máu của mình , đưa bộ đội , vũ khí qua sông rồi đưa thương binh liệt sĩ trở sang Như lệ . Tít xa kia là làng Thượng Phước người lính 325 , 304  một thời gắn bó . Trong một buổi sáng thanh bình nhưng người lính cũ thì đang trở lại với kí ức đạn lửa với Tích Tường , Như Lệ , Thượng phước , Đá đứng năm xưa . Chúng tôi đang trở lại đúng là mình , người của một thời máu và hoa .
          Tôi đứng lại ven đường ngắm nhìn đồng đội tôi đang túm tụm ngó về Như Lệ . Bỗng tôi nghe ngay sau mình : Em ơi đây rồi , đây rồi em ơi . Tôi quay lại hoá ra là Tuy chàng lính d5E95 đang kéo vợ mình nhao xuống bãi khoai lang . Người vợ ngoài năm mươi tuổi luýnh quýnh chạy theo . Tuy nói khẽ thôi mà như reo : đấy em thấy không ? anh lên bờ chỗ này và ngôi miếu kia là bọn anh bị xe tăng quần xới . Bạn anh nằm lại chỗ này nhiều lắm . Hai vợ chồng người lính già nép vào nhau . Người vợ tựa vào vai chồng , khuôn mặt Tuy nhợt nhạt nhớ thương đồng đội còn người vợ - cô y tá xắp về hưu thì rưng rưng nước mắt thương chồng . Chiến tranh lùi xa thế mà nước mắt thì tươi nguyên . Thì ra Quảng trị là thế , Quảng Trị in vào kí ức bi hùng của người dân , Quảng Trị ngấm vào cả tình yêu người lính , ngấm thật sâu và bất diệt .

Chúng tôi về với Quảng trị  . Những ngày qua chúng tôi tắm nắng Quảng trị . Những ngày qua chúng tôi sống cùng đồng đội và với tuổi trẻ của đời mình . Chúng tôi trở lại đây vào một mùa nắng . Mùa nắng có màu nắng của bốn mươi năm về trước.



No comments:

Post a Comment