Wednesday, April 1, 2015

Chuyện trong ngày họp mặt Trung đòan


Thành lệ, cứ cuối tháng 12 hàng năm là Trung đòan 64 F320 A của chúng tôi họp mặt. Trung đòn thành lập 22/1/1946. Bây giờ đã 67 tuổi. Lần nào cũng thế, các CCB áo quần sùm sụp đi tàu xe về Thủ đo trong cái giá lạnh cắt da cắt thịt. Năm kia năm kìa, lúc thằng Minh bạn tôi chưa ốm nặng, nó đã cởi cái áo rét to sù sụ của nó cho một thằng bạn tít Hà Giang về. Hôm ấy họp ở Bộ Tư lệnh Lăng Hồ Chí Minh, nhìn đồng đội người dân tôc cao có mét sáu, mặc cái áo bông của thằng Minh đi vào lăng viếng Bác trước giờ khai mạc mà thấy thương. Thương thằng bạn Hà Giang một, thương thằng Minh hai. Nó bảo mình rét đến mấy cũng không bằng chúng nó trên cái vùng tòan hơi lạnh của đá. Mày không nhớ là nó ở C25 sao? Tòan đi khiêng thương và tử sĩ, nó khiêng tao trận làng Dịt đấy, hì hì, mẹ kiếp! nó chửi thằng lày ăn cái téo gì mà ló lặng téo chịu tược.

Năm nay thằng Minh nằm bẹp rồi, chả đến được. Thằng Lù Hà Giang cũng không về, nhưng nó từ Yên Minh xuống Hàm Yên, gửi thằng Bình bò cũng C25 một can rượu ngô vầ cho anh em. 200 người uống rượu Vodka Hà Nội, chả mấy ai biết can rượu ngô rót lẫn vào bữa tiệc. Tôi biết, tôi ghé vào bàn mấy thằng Tuyên Quang. Chúng nó bảo, lấy chai vodka rót rượu của thằng Lù C25, mỗi thằng mang về một chai. Ngòai trời lạnh hun hút. Ngó qua cửa kính sang Trung tâm hội nghị Quốc gia bề thế, cứ nghĩ thằng Lù hôm nay mà có mặt nhỉ, nó sẽ mang cái ảnh chụp chung ở khuôn viên trên đường Phạm Hùng về bản nó. Lại nhớ thằng Minh nằm lạnh lẽo trong phòng chạy thận. Những cựu chiến binh chúng tôi ngày càng yếu dần, khuôn mắt mốc thếch, mỗi mùa gió bấc về lại càng thêm nhăn nheo, mốc thếch. Chiến trang lùi xa, những người dấn thân vào binh lửa vẻ vang ngày xưa ấy rơi rụng dần. Thời của cuộc sống tốt đẹp càng gần bao nhiêu thì những người lính chiến càng đi xa bấy nhiêu.
Vẫn thế, gặp nhau tay bắt mặt mùng, thao thao ôn chuyện cũ, thằng này tìm th8àng kia hỏi han những thằng không đến, nhắc tới những đồng đội không về, báo tin cho nhau tìm được mộ của ai. Ban Liên lạc thông báo những chuyến đi tìm đồng đội nơi chiến trường xưa, rồi lệ phí, rồi mừng thọ thăm hỏi, rồi sau cùng là liên hoan.
Khi Ban tổ chức giới thiệu thân nhân liệt sĩ từ xa về dự, tôi cố ngó lên phía trên, có hai người đàn bà gầy gò, nhỏ thó, lọt trong cái ghế bọc nhung của hội trường Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Mọi người sau mỗi lượt đại biểu phát biểu thì vỗ tay. Hai người đàn bà vẫn ngồi im. Có lẽ họ không quen vỗ tay bao giờ. Ngồi phía sau nên không nhìn thấy mặt họ, tôi chỉ thấy họ cúi đầu, thỉnh thỏang thấy xung quanh cười rộn thì mới ngẩng lên rồi lại cuối xuống.
Bữa tiệc liên hoan trưa hôm ấy thịnh sọan lắm. Mấy nhà tài trợ là lính cũ của Trung đòan đã góp tới dăm chục triệu, rồi tướng lĩnh cũng gửi quà, rồi anh em đóng góp. Cơm gần Tết nên có không khí Tết, những là bánh chưng và dưa hành. Rượu nhiều nhưng CCB già hết rồi, kham không hết rượu. Tôi cố tình tới ngồi với hai người phụ nữ thân nhân liệt sĩ. Thì ra họ từ Phú Thọ về, trông người con tiều tụy chả kém chi người mẹ. Tóc cả hai đều bạc, người con thì bạc ít hơn vì chị mới có 42 tuổi. Đó là vợ và con gái liệt sĩ Đinh Xuân Sắc ở huyện Thanh Sơn. Tôi hỏi, chị ơi gia đình thấy mộ của anh chưa? Chị bảo, nhờ ơn giời tôi đưa được cốt của anh về rồi, cả chú Nhu nữa. Trời ơi, thì ra hai anh em trai, anh Sắc và Nhu, đều là lính Ễ và đều hi sinh năm 72 ơ Kon Tum. Người con gái bảo, phúc nhà cháu còn lớn nên đưa được bố và chú cháu về. Năm 71 đánh xong Nam Lào, bố cháu về phép thì có cháu vào năm 72. Cháu bị thần kinh và rồ mất mấy năm. Cháu đi lang thang ở Việt Trì, người ta lại dắt về. Từ ngày đưa hài cốt bố cháu và chú cháu về, tự nhiên cháu khỏi rồ. Bây giờ mẹ cháu ở với cháu và hai đứa cháu ngọai Chồng cháu bỏ cháu khi cháu đi lang thang, thế là ở nhà bà cháu rau cháo nuôi nhau. May mà bây giờ cháu khỏi bệnh… Người mẹ bê cái bát mãi mà chả biết gắp thức ăn gì. Cái bàn ăn có cái mặt kính xoay cứ chập chờn những đồ ăn mà ở nhà chỉ thấy thóang qua vào ba ngày Tết. Chị lại ngước lên nhìn những người đồng đội của chồng mình đang ồn ào phấn khởi nói cười, cụng li dô dô hớn hở. Giọt nước mắt lăn khe khe trên góc mũi người nông dân thật chậm. Đột nhiên chị ngước lên nhìn tôi, nghe nói chú cũng người trên Phú Thọ ta? Chú biết anh Sắc nhà tôi chứ. Tôi nói dối, vâng em có biết, anh ấy tốt với chúng em lắm. Chị ừ ừ… à vâng, chồng tôi hiền lắm…cái đũa rớt xuống nền nhà. Người con cúi nhặt cái đũa cho mẹ, tranh thủ quệt ngang mắt.
Thấy mấy chú lính Phú Thọ ngồi mâm bên, tôi vẫy sang giới thiệu với chị. Chị ơi, đây tòan là lính Phú Thọ, đàn em của anh Sắc và anh Nhu đây. Chị tươi lên. Thế à, thế à. Bên chú năm nay lúa khá không? Các cụ còn khỏe cả không? Tôi thưa: chị ơi em biếu chị 2 trăm, hai mê con đi xe về. Chị giẫy lên. Hội cựu chiến binh xã cho tiền tàu xe về rồi chú ạ. Thằng Trung, thằng Liên D8 mỗi đưa biếu một trăm cứ ấn vào túi cho chị. Thằng Tính điếc lôi thằng Trung ra ngòai thì thầm, ông cho tôi mượn một trăm về nhà tôi giả. Rồi nó bảo chị, có trăm đây chị mua thẻ nhang, bông hoa thắp hương cho anh giùm em. Thế là hai người đàn bà òa khóc, mấy thằng lính già cũng khóc. Tiếng nhạc du dương bài hát Úp mặt vào sông quê nghe câu nđược câu chăng. Phòng ăn la liệt chai bia và rượu và người ta bắt tay nhau lia lịa.

Chia tay mẹ con chị. Trong gió bấc tháng chạp, bóng hai mẹ con người đàn bà đều không còn chồng, gầy gò, xiêu xiêu ven đường đấy bụi. Tôi ngóai lại. Tiếng còi xe ben chở cát làm tôi giật bắn người.

No comments:

Post a Comment