Wednesday, April 1, 2015

Măng lồ ô


“Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa…”
(lời bài hát Tiếng chày trên Sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng)

Với lính ta, lời hát trên có mấy ai mà không nhớ. Nhưng tôi, chỉ đấn khi vào chiến trường Tây nguyên thì mới biết cây lồ ô. Chúng tôi hành quân vào mùa khô, đến chiến trường sắp vào mùa mưa và thế là Tây Nguyên in ngay vào trong đầu là muỗi rừng sốt rét, đất bazan bê bết suốt 6 tháng trời thùm thũm. Khi vào đến Kon Tum gặp rừng le. Rừng le cứ khô rang lên dười nắng tháng Ba. Le còng rạp, phơ phếch lá khô, gầy tong teo. Chỗ nào le mọc là đất lôm nhôm sỏi và những vạt đá gập ghềnh. Ấy thế mà măng của nó bé như cái sừng hươu mới nhú mà giòn và thơm. Qua Kon Tum vào Gia Lai vượt qua những cánh khộp là bạt ngàn đồi cỏ tranh và gai xấu hổ và triền miên những vạt rừng lúp xúp. Nghĩ sợ, đóng quân nơi này, giấu kín làm sao đây. Nhưng đến lúc về đến kiềng trú quân thì rừng xanh mướt mát. Lồ ô đấy, than như nứa, to như vầu, mọc cao hơn chục mét. Rừng lồ ô thành từng vạt, từng vùng. Xanh ngắt cả hai mùa. Lồ ô trùm kín những con suối, reo xạc xào lúc cơn gió trườn trên cao nguyên.

Ở đâu có nó đất mềm hơn, đỏ hơn. Tôi đã từng xuống suối mà ở đó lồ ô che kín, tha hồ khỏa thân vùng vẫy. Có lần xuống suối tắm, gặp trung đoàn phó 64 Trần Biền cũng đang khỏa thân, thở phì phò với thác nước. Thác nước được che kín bởi rừng lồ ô thì thào, thì thào.

Lồ ô xanh. Lồ ô cứng và thẳng. Lồ ô đứng chen lẫn với Pơ lang trên các lối đi vào cổng làng buôn. Lồ ô phanh thân ra óng vàng trên sàn nhà. Lồ ô mềm mại kết thành gùi hôn chặt trên vai trần gái Tây Nguyên…

Với chúng tôi, lồ ô là toàn bộ ngôi nhà nửa chìm nửa nổi của lính. Cột kéo rui mè lồ ô đã đành, mái lợp cũng lại là lồ ô chẻ đôi úp 1 trên 2. Thứ ngói âm dương dài thường thượt. Bàn ăn cũng bằng lồ o. Bàn tác chiến, bàn mổ, giường bệnh nhân của các viện 211, đội điều trị 17, các viện sư đoàn, trung đoàn ở Tây Nguyên, thậm chí máng nước từ lán này sang lán khác ở bệnh viện cũng là thân lồ ô chẻ đôi.

Tôi đã từng làm giá viết giống như giá sung ngoài Bắc bằng ống lồ ô. Làm thơ lên cái ống lồ ô đã cạo hết phần vỏ xanh, rồi xoay tròn mà viết mà đọc. Viết hết một vòng tròn thì tháo ống ra, thay vào ống khác như tat hay giấy vậy. Suốt từ Kon Tum về Gia Lai xuống Buôn Hồ… tôi đều gặp lồ ô.

Mùa mưa 1973. Tháng 8 năm ấy, chúng tôi đói lắm. Ngày 1 lạng gạo thôi. Sắn thì khá hơn: được 2kg. Thức ăn chỉ có mắm kem. Con đường từ stung Treng về Tây Nguyên mưa lũ… khiến mỗi người mỗi tháng 2 lạng cá khô. Không thuốc lá, không mì chính… Chúng tôi sống bằng hái lượm là chính. Lồ ô thì cứ xanh và đâm măng. Tuy rằng thân nứa nhưng măng lồ ô như măng vầu, mọc thưa và to. Nếu chỉ lấy măng trên mặt đất thì thật là phí phạm. Nhưng đào măng và tìm măng tai còn hổng thì là một nghệ thuật. Đó là những ngọn măng chìm dưới đất, nó đặc và ngọt. Tôi vốn sống ở thượng du nên đào măng vầu, bóc măng nứa là nghề sinh nhai từ bé. Vào Tây Nguyên, tôi trở lại đúng là thằng bé nhà quê đi đào măng.

Tôi và Khuất Duy Hoan cùng C7 đi kiếm măng. Thật dễ dàng, bởi lồ ô mọc rất suông. Măng nhìn thấy thật dễ. Chán lấy những măng tai xanh (trên mặt đất), tôi chỉ cho Hoan những kẽ đất lùm lùm nổi lên và có vết nứt: mày đào xuống đấy sẽ có măng. Thế là Hoan hăm hở theo chỗ tôi chỉ mà đào nmăng thật đẹp và hồng đỏ. Mang về bóc ra và thái dọc thân măng. Lấy bao ni lông bọc  bao gạo màu xanh lét của Trung quốc buộc 4 cái tai bốn góc rồi buộc lên bốn đầu cọc ngoài trời thành một cái vại. Thái măng đổ vào đấy, rắc muối lên thành một chum măng chua ăn dần.

Chúng tôi ăn cả mấy tháng mùa mưa những măng rau môn thục, rau tàu bay. Lúc đầu thì ngon, ăn nhiều thì bụng sôi èo èo. Cứ sắn luộc ăn với măng xào. Có hôm đi đánh nhau, anh nuôi mang lên trận địa toàn là rau tàu bay muối và sắn luộc. Cứ ăn miết miết như thế người bủng ra, sốt rét ập đến. Chúng nó bảo tại vì ăn măng nhiều mà sốt. Chả phải. Đói, nên yếu. yếu thì anh vi trùng quật được thằng người. Thế thôi.

Tôi và Hoan và Tạ Cư người cẩm Khê vẫn đi lấy măng. Lần này lùi ra xa bớt phía sau cho yên tâm, không sợ thám báo. Khu rừng lồ ô ấy gần C24 quân y. Rậm rạp và lồ ô đan ríu vào nhau. Chiều ấy mưa. Rừng thâm đen, muỗi ù ù. Mà cái giống muỗi khi đứng bóc măng nó ùa về ngay tắp lụ. Muỗi bu b1m trên tay, bám đầy chân mà đốt. Cứ được một ngọn là lại chạy chỗ khác. Chúng tôi lúi húi trong mưa. Măng được vài ngọn, muỗi đốt vài mũi, người ướt dượt.

Bỗng thằng Hoan kêu lên: chúng mày ơi lại đây. Tôi và Tạ Cư vội nhao lại. Trong chiều âm u rừng lồ ô sũng ướt mưa, chúng tôi nhìn thấy những nấm mồ giữa cánh lồ ô. Những nấm mồ đã cũ phủ đầy những lá lồ ô khô như những lưỡi mác hoen gỉ. Nhưng có một ngôi mộ mới. Lá lồ ô chưa kịp rắc dầy. Một cái ống lồ ô chẻ đôi viết bằng sơn trên mặt lõm: Đặng Văn Thống – Xuân Lũng – Lâm Thao, Phú Thọ.  Thằng Hoan mếu máo. Ôi thằng Thống trường tao đấy mày ơi, nó mới chết được hai tuần. Chúng tôi cả ba thằng chả còn bụng dạ nào mà nghĩ đến măng, đứa nào cũng thuỗn ra, kệ cho muỗi mùa mưa đang bu trên cổ, trên tay vương đầy đất đỏ. Thằng Hoan cúi gạt đám lá khô ra khỏi ngôi mộ thì từ trên cao mấy lá lồ ô lại rơi xuống đáp nhẹ nhàng lên mộ thằng Thống. Chúng tôi về. Măng hôm ấy được ít lắm. Rồi những ngày sau, năm sau, hễ cứ ăn măng lồ ô là tôi lại nhớ tới thằng Thống, cái thằng da trắng đá bong hay, quê nó ở một làng rất nhiều tiến sĩ của đất học Lâm Thao, Phú Thọ.

Lâu rồi. Bốn mươi năm nay, lồ ô Tây Nguyên vẫn xanh mướt núi rừng. Có phá rừng, có khai hoang thì lồ ô vẫn cứ sống. Cho tới những ngày tham gia chiến dịch Giải phóng miền Nam, chúng tôi hành quân qua Gia Nghĩa về Lộc Ninh, suốt chiến dịch, tôi lại vẫn nhìn thấy những cánh rừng lồ ô trên con đường đuổi giặc. Ở Hà Nội, tôi vẫn có cái thú ăn măng vầu ngọt, măng vầu đắng vào tháng 2, tháng 3. Ra ngã ba Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng là mua được ngay. Chỉ có măng lồ ô là tít tắp xa. Chả biết ở Plâycu, bạn tôi Khuất Duy Hoan kiếm được mà ăn không?

“Lửa bập bùng… cum cụp cum… đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa…”


Với người lính Tây Nguyên, lồ ô cứ xanh mãi.

No comments:

Post a Comment