Wednesday, April 1, 2015

Tôi gặp những thương binh trên Trường sơn


Cũng giống như hầu hết những người lính thời chống Mỹ , chúng tôi đi đến chiến trường bằng đôi chân dép cao su của mình . Cũng giống như bao người đã viết về Trường sơn , về con đường huyền thoại của dân tộc mình , chúng tôi luôn tự hào trân trọng kí ức về 100 ngày vượt Trường sơn của mình . Trên con đường ấy bây giờ chỉ cắt khúc ra mà các công ty lữ hành đến được hẳn sẽ là những điểm đến đắt giá . Khốn nỗi , Trường sơn là con đường hành quân rồi không bao giờ trở lại . Bây giờ có trở lại là trở lại cái chỗ mô phỏng gần đúng đó mà thôi còn những lối mòn mà người lính bộ binh đã đi qua thi thoảng gần với những bản người Lào heo hút . Ngay bản thân những người dân trong bộ tộc Lào cũng thấy heo hút rồi .
Thế mà ngày ấy con đường chúng tôi qua đông như hội . Người vào người ra nói nói cười cười rồi cả những giọt nước mắt những tiếng khóc bật ra khi gặp người làng , khi đồng đội mình nhắm mắt hi sinh . Trên con đường ấy có cả trai và gái . Trên con đường ấy đủ những lứa tuổi đi đánh giặc , trên con đường ấy có cả cha con vợ chồng gặp nhau . Trường sơn thật kì diệu thật là linh thiêng .
Tôi đã gặp rất nhiều  người lính bị thương đi trở ra cũng trên Trường sơn  ,  đi bằng xe ô tô , đi bộ theo binh trạm nhưng có lẽ đi bằng đường bộ vẫn nhiều hơn cả . Chúng tôi lành lặn leo dốc núi vượt sông vượt suối đã khó vậy mà những thương binh đã mất một phần thân thể đã teo tóp bởi thời gian chiến đấu mà đi bộ thì đó là phi thường . Suốt đường Trường sơn cứ vào giữa buổi sáng thế nào chúng tôi cũng gặp những cáng thương binh đi ngược đường chúng tôi . Ở mỗi trạm giao liên có những đội cáng thương . Nhìn cáng là đoán biết thương binh là lính ở chiến trường nào ra . Nhìn cáng là biết thương binh nặng hay nhẹ . Lên dốc xuống dốc những cái cáng thương vẫn chạy . Giao liên họ bảo cáng mà đi chậm là không leo nổi dốc ,  phải chạy thật nhanh mệt thì nghỉ đi chậm là nó cứ chĩu xuống chân cứ díu lại . Có hôm thấy mấy cáng ra chúng tôi ngồi nghỉ thấy mấy anh lính giao liên đầm đìa mồ hôi kêu họ nghỉ . Họ chiều lòng ghêch hai đầu võng lên mỏm đá rồi ngồi hút thuốc với lính mới đi vào . Ngó vào cáng thấy anh thương binh mất cả hai chân . Chúng tôi cười bảo giao liên , thảo nào hai ông chạy nhanh thế . Người thương binh cũng cười lẽ ra mấy cha này phải cáng thêm một thằng nữa cho nằm theo kiểu J, Q, K mới đủ tiêu chuẩn . Rồi anh thương binh lại cười và bảo các cậu cho xin điếu Tam đảo , nhớ quá . Chúng tôi lại tiếp tục hành quân , từ lúc ấy ắng lặng . Người thương binh bình thản đón sự trở về như thế sao ? Chắc không phải , đau đớn mất mát sẽ còn ở phía trước với anh ấy và cả chúng tôi nữa .

Cũng có những lần gặp những nhóm nhỏ ca cóng ngang đường không vào binh trạm . Họ đi lẻ  quay ra . Không lương thực và vũ khí . Giao liên bảo , đấy là các ông tuột nõ  ( quả mít chín tụt nõ ) . Họ không nhìn vào ai hết lầm lũi tránh những cung đường đông và vòng qua trạm . Chiến tranh không thiếu gì những người như thế .


Một sáng , trời đẹp lắm chúng tôi leo một ngọn núi ở bình độ cao toàn là thông già . Lên đỉnh núi nắng chan hòa nhìn mây bay ngay dưới chân . Có hai người lính bá vai nhau đi ra . Chợt nghĩ , hay chưa , bá vai bá cổ nhau đi trên trường Sơn kìa ! Thì ra , hai người lính đi ra từ Bình long . Tổng cộng hai anh có ; 4 chân , ba tay và hai mắt . Anh đủ chân tay thì mất hai mắt . Anh có đủ hai mắt thì mất một tay . Thế là binh trạm họ biên chế hai đồng chí này làm một dìu nhau đi ra . Tât nhiên hai người này vẫn là hai chiến sĩ , mặc dù  khi hành quân thì hai anh này tính cho một .
Ngồi nghỉ với nhau trên đỉnh núi thông hai người thương binh cười thật hiền . Anh mất mắt kể chuyện nằm trong ấp chiến lược nhiều tháng trời , dưới hầm của một chị có chồng là du kích đã mất . Khoe với chúng tôi gái một con cứ nần nẫn như múi mít mật ngoài mình . Tao bị thương lòi mắt cô ấy khóc quá trời  , cứ sờ sờ lên má lên tóc lên ngực cô . Sờ đến đâu cô ấy khóc đến đấy . Một thằng hỏi , anh sờ đến chỗ nga ba thì  chị ấy khóc thế nào . Anh thương binh không có mắt quay về phía thằng hỏi mà lạnh lùng , tao chưa có vợ  nhưng rõ ràng là chỗ ấy khóc ác hơn . Anh cụt một tay gắt , thằng cố đỉn mày đã hữu khuynh tư tưởng lại còn kể lể . Rồi quay sang chúng tôi các đồng chí đừng cười lính đặc công hay bộc tuệch ấy mà . Anh mù mắt bảo tao quê Thanh Miện tao có thuốc rê trạm họ ưu tiên đây cho chúng mày , vào trạm sau tao lại xin . Anh cụt một tay cũng bảo , ừ trạm sau bọn mình lại xin . Các ông đi nhé , cẩn thận vẫn là hơn các ông ạ .
Rồi sau này trong chiến đấu , những lần cáng thương về phía sau lại là những máu rơi rớt trên đường và tiếng rên tiếng khóc .   Tôi vẫn luôn thấy lính ta chạy khi cáng thương  . Những người lính vận tải gầy sốt leo heo vẫn cố chạy , chạy đến run rẩy . Tôi lại nhớ anh giao liên trên Trường sơn nói là phải chạy để khỏi nặng . Nhưng chắc chắn những người cáng thương đang chạy để sự sống cho đồng đội mình đến gần . Vài năm nay tôi vẫn gặp ở đường Hà nội những người cụt tay cụt chân đưa con ra thi Đại học . Họ ngồi ngoài hè đường nhễ nhại mồ hôi lặng ngắt nhìn phố phường náo nhiệt vẻ dửng dưng . Cái áo lính cũ rích đẫm mồ hôi đẫm lo lắng cho thế hệ con cái mình . Liệu có phải họ là những người thương binh tôi đã gặp ngày nào trên Trường không ?






No comments:

Post a Comment