Saturday, April 4, 2015

Về với những người lính Đồng Bằng trên vùng đất miền Đông.

Già rồi tôi lại đi tìm bạn. Tôi đã đi nhiều lần lên Tây Nguyên, nhiều lần lên vùng cao phía Bắc vào miền Nam, ra hải đảo và lần này tôi về miền Đông Nam Bộ. Nh74ng mảnh ghép đời lính Đại đòan Đồng Bằng cứ thúc giục chúng tôi về với nhau, duyên nợ đời lính theo suốt cuộc đời này như định mệnh. Những chuyện chúng tôi từng kể, từng viết với nhau cứ làm nhau khóc. Ấy thế mà những chuyện được viết thành truyện trên Văn nghệ quân đội chả bao giờ làm ai khóc. Kể cả được giải, đọc một lần nó tuột đi đâu mất. Ở văn nghệ quân đội họ bảo, truyện của chúng tôi không thể in được, vì nó không văn chương. À ra thế, văn chương đã xa rời xúc động thật mất rồi. Hay bộ đội ngày xưa không giống bộ đội bây giờ? Ngồi trên xe chạy ngược đường 13, con đường máu lửa một thời, con đường mà chỉ chừng ngót trăm cây số, vậy mà mùa hè 1972 quân lực Việt Nam công Hòa bó tay trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, để rồi Bình Long thất thủ. Cái thị xã bé tí teo mà có tới bao nhiêu phi vụ B52 được thực thi, cái thị xã mà lính Biệt cách dù 21 rúm ró lại trước những đòn chia cắt của quân giải phóng miền Nam. Trập trùng những nhà và khu công nghiệp, trập trùng những cao su và nương rẫy. Bình Long xanh veo nhẹ nhàng trong nắng. Khi xe qua thị trấn Chơn Thành, tôi cố tìm một dấu tích nơi chúng tôi đổ quân sáng 15/4/1975 trước khi về đánh Củ Chi. Chịu, không thể nhận ra. Thời gian khỏa lấp vết thương chiến tranh trên mặt đất, nhưng thời gian thì lại càng soi tỏ và trung thực vết thương chiến tranh trong lòng người.
Tôi tìm về nhà bạn tôi Trần Quốc Bình, cũng là lính trinh sát, nhưng thế hệ sau tôi. A mười giờ trưa, người chỉ đường cho tôi là bà bán bánh mì. Ông Bình hói hả? Ổng nhiều khách quá trời luôn. Ở đây gọi là Bình ong. Ông Bình ong. Ha ha, hóa ra cái tên tôi nghe từ Hà Nội là đúng. Thằng Bình hói đầu, thằng Bình nuôi ong, thằng Bình ngang tàng, thằng Bình tốt bụng. Viết đến đây tôi khựng lại, sao ta lại gọi thằng Bình nhỉ? Hơ hơ, nó là bạn mình mà. Nhưng bâng khuâng nhớ lại vào cái năm 1978, 1979 ác liệt ở mặt trận Tây Nam, Bình đã là một tiểu đòan trưởng. Một tiểu đòan trưởng xuất thân từ cán bộ đại đội trinh sát. Cái con người đánh nhau với Pol Pot hàng trăm trận, cái thằng gầm như sấm khi lâm trận, khôn như heo rừng lúc xung phong, bây giờ nuôi ong trong bạt ngàn rừng cao su, nơi những cánh rừng này vẫn hàng ngày tìm thấy hài cốt quân giải phóng khi xưa. Công hầu danh tướng không chia đều cho tất cả chiến binh. Chúa cũng là một sự đại diện cho bất bình đẳng mà thôi. Bình bảo thế, nhưng rồi Bình cũng bảo, Chúa là nhân từ, nhân từ đến nhu nhược. Ôi thằng bạn tôi đã sáu mươi tuổi nó vẫn như ngày nào. Chúng tôi yêu nó vì thế.
Đến nhà Bình đã thấy mấy thằng tuổi cỡ xấp xỉ sáu mươi ngồi đó. Thằng đầu bạc trắng, thằng cao lêu nghêu, thằng nào chũng nhìn thẳng vào mặt tôi từ cửa. Nắm tay nhau, bàn tay đứa nào cũng thô ráp sứt sẹo. Bình bảo, đây là thằng Sáng 64 từ Đắk Nông xuống, đây là thằng  Dõan 64 chạy từ Long Thành lên, đây là thằng Diễn 52 dân Bình Long. Lại thêm một ông khách sư 10 bên hàng xóm chạy sang. Ngồi uống nước, vo ve những chú ong mật và mùi thơm từ gần một trăm thùng mật đang chờ xuất đi còn đầy ắp sân nhà. Trưa Bình Long nắng thơm như mật. Chúng nó chả hỏi thăm tôi đi đứng thế nào mà hỏi ngay thủ trưởng ngòai Bắc. Hỏi thăm ông bà Khuất Duy Tiến có khỏe không? Chúng nó làm như tôi nắm rõ hết hoàn cảnh từng người cũ ngày xưa. Hỏi thăm đến đâu kí ức dồn lên tới đó, mỗi thằng một chuyện về ngày chiến đấu, về lúc bị thương, và kỉ niệm với Đại Từ, Lập Thạch. Chả đứa nào nói về minh, về những đận khốn khó tận cùng của mình. Hình như người lính chiến nào cũng giống nhau ở chỗ sinh ra để chịu đựng, để cọ xát với đời. Cuộc đời như cái sàng của mẹ. Nó lắc lư để những hạt sạn, hạt lép, hạt dị dạng lọt xuống, còn lại là những hạt gạo chắc mẩy óng ả. Người mẹ vun tay lên những hạt gạo trên sàng,mắt sáng long lanh. Ấy là người lính tồn tại và thử thách trọn một đời sau chiến tranh. Hay thế, đúng là chuyện của người lính chiến.
Biết tôi từ Hà Nội vào, mấy thằng klính sư đòan đi xe máy vượt hàng trăm cây số đến. Đến chỉ nhìn mặt người lính cùng sư đòan ngày xưa thôi, để thấy lại thời trai trẻ của mình. Doãn E 64 mang ba con cá quả từ ao nhà mình lên, Sáng khệ nệ ôm tấm bia đá nặng cả chục kí, khắc bài thơ nhớ thương đồng đội hi sinh bên Campuchia về, để mang sang Tây Ninh đặt lên khu mộ lính 320A. Còn vợ con Bình hói đang mướt mải trong bếp, nấu những món ăn mà ngày xưa lính thích. Ấy là rau khoai lang luộc, cà muối xổi chấm mắm tôm, canh ca rô rau má. Nắng nhễ nhại. Thị xã An Lộc này cũng dạt dào tiếng ve kêu. Nhìn nhau ăn, lại nhớ như ngày nào chia nhau cơm nắm trong hầm, chia nhau miếng nước trên đất bạn mùa khô. Người ta nói miếng ngon nhớ lâu, nhưng lính thì cứ day dứt nhớ nhựng miếng ăn nghẹn cổ bên xác bạn mới hi sinh. Bạn nằm đấy loang lổ màu, còn ta thì cố nuốt để rồi khiêng bạn trở về… để rối lại xuất kích. Có điện thọai, tôi đặt bát nghe điện. Thì ra là Trung tướng Khuất Duy Tiến gọi từ Hà Nội. Trung tướng hỏi: gặp nhau chưa? Tôi thưa, chúng em đang ăn cơm ở nhà Bình hói. Trung tướng lại hỏi: bao giờ đi sang nghĩa trang Tây Ninh? Nhớ thắp hộ tớ hương cho anh em. Thấy máy điện thọai nghèn nghẹn, rồi tiếp… Bên ấy anh em mình đông lắm Luân ơi, hơn hai nghìn đấy. Cả mâm cơm ngưng lại nhìn tôi, hỏi cụ Tiến bảo gì? Tôi bảo Cụ hỏi sang Tân Biên thắp hương chưa? Thế là ngay lập tức quyết định, cơm xong uống nước rồi đi Tân Biên ngay, phải đi ngay kẻo về tối. Nắng oi ói, mồ hôi nhớp nháp, tiếng ve rừng cao su Bình Long sao giống tiếng ve trên Tây Nguyên thế. Những người lính Đồng Bằng nôn nao về với đồng đội mình, nơi hội quân mang tên đồi 82 bất tử.
Xe chạy dọc theo biên giới Tây Ninh và Campuchia. Những cái tên K.tum Xa Mát trên biển chỉ đường với tôi xa lạ, còn với anh em trên xe thì là một kỉ niệm. Nắng chói chang những lùm hoa giấy ven đường, nắng chập chờn trên ngút ngàn sắn và cao su. Bạn tôi bảo con đường này xưa chỉ là đường đất, xe bò đi và những địa danh trên đường tôi thấy là những bước hành quân của lính ta trong những năm bảo vệ biên giới Tây Nam. Cái tên Sa mát, Lò Gò, Đà Ha, Suối Dây… rồi Tà NỐt, Tà Âm như đánh thức những người lính da cháy nắng đang vật vã với đời thường. Cả xe im lặng, tôi nhìn sang thấy Bình hói, thấy Doãn 64, thấy Sáng    64, thấy Diễm 52, đang đăm chiêu, cặp mắt nào cũng đỏ hoe. Tôi biết bạn tôi đang nhớ về những năm 78,79 máu lửa, nơi có những cái tên gọi là đợt họat động. Bắt đầu A8 rồi nó cứ liên miên A28, A68, A88, A788, A782… kéo dài theo những cái tên A, A đó là con số những người trai trẻ hi sinh. Mặt trời xuống ngang má, chúng tôi đến Tân Biên. Mọi người nãy giờ im lặng bỗng rộn rực lên. Tôi nhìn cái ngã ba chỉ đường lên Xa Mát, bạn tôi bảo bao nhiêu quân ta khi đến đây nuốt nước mắt vào trong để đi tiếp hơn chục cây số sang mặt trận. Ngày ấy, đến đây là thấy hàng đoàn xe đưa xác bộ đội ta về. Xe này nối xe khác, máu mủ nước rỉ ra từ thùng xe nh734ng thân xác trẻ trung con em từ mọi miền quê, lại hội quân về đồi 82 lặng lẽ. Ngững người lính đã từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam, đều nhìn thấy những cảnh tượng bi thương ấy. Ấy vậy mà họ vẫn đi, đi biết là vào nơi sẽ phải hi sinh. Tôi cứ hình dung ở nơi này, ngã ba Tân Biên này, có một bộ phim bi tráng vô cùng suốt 10 năm dòng ở đất nước tôi.
Ở phía bên kia đường, ngòai cổng nghĩa trang, bạn tôi bảo nơi đó là một xưởng mộc, xẻ gỗ miệt mài đóng quan tài. Tôi nhìn sang đó, bây giờ là vườn cây trái xanh tươi và một nhà hàng. Tôi chợt nhận ra chiến tranh cứ ri rỉ máu đến muôn đời sau, máu chiến tranh ngấm lên màu xanh của lá, màu hồng của hoa, nơi biên giới Tây Ninh ngợp nắng.
Chúng tôi đặt hoa, đặt quả và tấm bia khắc bài thơ của Sáng Đắk Nông lên tượng đài. Hơn hai ngàn ngôi mộ người lính Đồng Bằng 320 quây quần ở đây. Người ta xếp những ngôi mộ hình tròn như từng đại đội với nhau. Mắt tôi hoa lên nhòe nước, hầu hết là những lứa tuổi sinh 1958, 1959. Dưới mồ kia là những thân thể trai tân, là những linh hồn học trò, là những khuôn mặt hiền như hạt lúa, củ khoai của làng quê đất Việt. Ôi, một cuộc chiến tranh bắt buộc, một nỗi đau nhức nhối trong lòng chúng ta bao năm qua. Nơi đây, mười hai ngàn linh hồn. Còn bao nghĩa trang khác nữa, bao nhiêu linh hồn không im lặng. Họ vẫn theo dõi chúng tôi, họ vẫn nhìn xem chúng tôi đã sống thế nào, họ vẫn mong chờ một Tổ quốc Việt Nam công bằng, văn minh, tươi đẹp. Thưa các đồng đội, nếu các anh không phải chết, đất nước ta có một đội ngũ hùng hậu những người con ưu tú dựng xây. Chúng tôi kính cẩn thắp nén nhang này, gửi tấm lòng của đồng đội cùng Sư đòan 320 Đồng Bằng tới các anh. Chiều Tân Biên nắng đỏ, chúng tôi ngồi dưới gốc cây phi lao nhìn lên ngọn tháp trắng trên đỉnh là một ngôi sao màu đỏ. Cây tháp tựa vào rừng xanh. Một cánh rừng bâng khuâng là hoa tĩnh lặng.
Trở về đến Bình Long đã chập tối. con đường về vẫn thế, nắng sà xuống đằng sau xe, ngọn sông Tha La của hồ Dầu Tiếng leo lét nước. Bụi đỏ ngàu trên lưng những con bò kéo củi rừng ra. Những thằng lính tuổi 60 ngồi im, tôi biết họ đang nghĩ về những ngôi mộ trên đồi 82 Tây Ninh.
Bữa cơm tối hôm ấy thêm mấy ông khách cũng là lính miền Đông, người Bắc, nay cư ngụ luôn lại vùng này. Hầu như tối nay ít uống hơn, ai cũng nghĩ đến lúc chia tay nhau. Tôi hỏi Sáng Đắk Nông, chú còn phải lo đứa nào học hành nữa không? Sáng bảo, các cháu học xong, đi làm hết dưới thành phố Sài Gòn, ở nhà chỉ có hai vợ chồng trông nom mấy sào vuờn, anh ạ. Thôi thì, mỗi năm hai đứa già cũng có hơn trăm triệu nuôi mồm. Các con vài ba tháng về vui tí rồi lại vắng teo. Những lúc ấy em nhớ đất Hưng Yên, nhớ ngày ở lính, nhớ đồng đội lắm.
Quay sang thằng Doãn Đồng Nai nó giơ cái ngón tay thâm tím lên mà bảo, thau cái đống đồ ở ao cá mà bị kẹt, nhẽ mất ngón tay. Rồi nó cười, bác mà xuống nhà ngồi nhậu, trong nhà vẫn ngửi thấy mùi nước đái heo. Vợ thằng Bình kêu lên. Khiếp đang ăn mà cái chú này… Cả lũ cười hì hì. Doãn khoe, cứ 6 tháng em xuất 250 con heo thịt. Mỗi năm cũng được vài ba tấn cá. Em vẫn chạy xe Honda mặc dù có thể mua được ô tô. Nhưng suốt ngày ao chuồng, lên ô tô mà làm gì, với lại mỗi lần lên với bạn bè là em phải ở lại, đâu có về ngay. Ấy hôm nay mà gặp thằng Tuấn, thằng Thịnh thì còn vui nữa. cái thằng Thịnh ngày xưa ở D8 E64 bây giờ ở tít hút trên Đức Trọng, mỗi lần nó về họp mặt với chúng em là nó xin vợ đi hẳn 5 ngày.
Tôi nhìn những người lính đơn vị tôi nay vào tuổi 60, ai cũng rắn giỏi, phong sương. Ấy thế mà đứa nào cũng một điều vợ em thế này, hai điều vợ em thế khác. Thì ra trong cái sự hiển hiện lên tình đồng đội máu xương chinh chiến một thời là có gương mặt phụ nữ. Những người đàn bà gắn bó khổ đau, hạnh phúc cả đời mình cho lính. Không có họ, tôi và các bạn tôi đâu dễ có ngày như hôm nay. Hơn mười anh em ở miền Đông lập ra cái hội góp họ để giúp nhau. Họ của lính Bình Phước này có cả Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đòan trưởng 320. Vài năm nay cũng nhờ có cái họ cuốn chiếu này mà giúp đỡ nhau được khối chuyện. Nào lo cưới vợ gả chồng cho con, lo mua thêm tí rẫy, lo mua thêm con giống. Tôi lại ngồi hình dung ra mấy trăm đõ ong của Bình hói trong vạt rừng cao su An Lộc, tôi nhớ mãi cái hình ảnh lúc Bình nhấc cái tầng ong vàng ễnh cho tôi xem. Hàng triệu con ong đang cần mẫn hút nhụy hoa về làm mật, nó vo ve trên tóc, ong đậu cả lên vai áo đẫm mồ hôi của Bình. Trưa nắng loang lổ trên vòm lá, những đàn ong ngặng xị lên xuống và mùi mật loang loang khắp cánh rừng.
Mấy chục năm nay mới gặp lại nhau. Bạn lính nhìn nhau là đã ồn ào ùa về kí ức, nhưng còn những người vợ lính thì khiêm nhường quá đỗi, dù nghèo khó hay dư dật đủ đầy. Trong cái ồn ào oang oang của chúng tôi, họ vẫn nhẹ nhàng nép phía sau chồng đầy âu yếm. Người đàn bà lấy chồng lính chiến, ra quân không một người nào hi vọng sẽ là bà này bà nọ. Người đàn bà lấy lính trận trở về là ở cái tình thương đằm thắm, át hết mọi sự đắn đo ở đời. chả thế những người lính Đồng Bằng hết đánh giặc ở Tây Nguyên lại sang Campuchia, ra về hai bàn tay trắng mà những cô gái xinh xẻo kia lại đi theo, hết Bắc rồi xuôi Nam qua muôn trùng khốn khó. Tôi hỏi cô giáo Nga, vợ của Bình hói: Em có vui khi bạn của Bình từ xa về tụ họp ở nhà mình không? Nga bảo, một thời khốn khó, trôi nổi mãi mới tìm được nhau anh ạ. Hồi lính 320 các anh tụ họp được mươi năm nay thôi. Nhưng khi đã tìm được nhau rồi, em thấy chồng em và cả em nữa, trẻ ra được mười tuổi.
Chúng tôi im lặng. Ngòai đường lóng lánh đèn và tiếng người ríu rít nói cười. Đêm ở Bình Long không gian nhẹ bẫng như đêm cao nguyên. Những người lính Đồng Bằng ngồi bên nhau trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, bỗng chợt nhớ về những mùa khô và những căn hầm nơi cánh rừng tan hoang bom đạn.

Bình Long – Hà Nội 28/4/2014

No comments:

Post a Comment