Thursday, April 2, 2015

Kính thưa thân nhân gia đình Liệt sĩ tỉnh Nghệ An

Kính thưa thân nhân gia đình Liệt sĩ
Thưa các đồng chí Cựu chiến binh Nghi lộc Cửa lò của sư đoàn 320 QĐ 3
 Ba mươi năm bây giờ chúng ta mới được gặp nhau. Cảm ơn số phận may mắn. Cũng ba mươi tám năm trước từ nơi này 1200 đồng chí ra đi, hôm nay người còn người mất. Hôm nay Vui bao nhiêu thì ta lại càng nhớ đồng đội mình bấy nhiêu. Các đồng chí ngồi đây hôm nay đều là những người chiến sĩ dũng cảm của tôi ngày xưa trên chiến trường Tây Nam. Trong số 1000 chiến sĩ bổ sung vào QD3 ngày ấy nhiều đồng chí không về. Với tư cách một sư đoàn trưởng ngày ấy của các đồng chí tôi luôn day dứt trong lòng. Tôi bầy tỏ lòng biết ơn và vô cùng xin lỗi các ông bố bà mẹ đã gửi con đi chiến đấu bị hi sinh. Tôi cũng như các đồng chí và nhân dân luôn biết ơn các đồng chí đã ngã xuống vì cuộc chiến đấu cần thiết ấy để bảo vệ biên cương tổ quốc mình.
 Sư đoàn 320A nói riêng và QĐ 3 nói chung có nhiều con em tỉnh Nghệ An chiến đấu trong đội ngũ. Bao nhiêu tấm gương chiến đấu dũng cảm của con em tỉnh nhà làm rạng rỡ truyền thống Sư đoàn Đồng Bằng. Tháng 11/1977 Sư đoàn đón nhận một đợt quân đông của huyện Nghi Lộc và cấp tốc đưa về huấn luyện tại Dục Mỹ Ninh Hòa Phú Khánh. Các em còn trẻ măng vừa rời ghế nhà trường, vừa từ đồng ruộng nương đồi vào bộ đội với khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân. Lúc ấy tình hình đã căng thẳng ở biên giới tây Nam và sư đoàn ta đã lên đường chiến đấu. Biết là sẽ ra trận các chàng trai Nghi Lộc luôn an tâm và tập luyện ngày đêm đợi ngày lên đường. Tiểu đoàn 8 quân Nghi Lộc của đoàn huấn luyện 24 được đánh giá là loại giỏi và nghiêm túc.
Cuối tháng 3/1978 các đồng chí được bổ sung về đơn vị chiến đấu của Sư đoàn tại Tây Ninh lúc này chính là lúc Sư đoàn đang gặp khó khăn ta bắt đầu vào đợt chiến dịch A28. Không giống như các cuộc kháng chiến trước đây, kẻ thù của ta quỷ quyệt và ranh ma chúng gây cho ta rất nhiều khó khăn trong tác chiến. Nhưng bản chất anh bộ đội cụ Hồ là luôn biết vượt lên mọi khó khăn để mà chiến thắng, chúng ta đã tìm ra cách đánh và chúng ta đã đánh thắng giặc pôn pốt.
Chiến thắng nào cũng đánh đổi bằng sương máu, hạnh phúc nào cũng phải vượt lên khổ đau, ấy là qui luật không thể tránh được. Chỉ trong vòng hơn mười ngày sau khi bổ sung về đơn vị các chiến sĩ trẻ Nghi lộc đã chịu tổn thất không nhỏ nghĩa là chỉ sau năm tháng kể từ ngày nhập ngũ hàng chục đồng chí quê hương Nghi Lộc đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường. Nhưng không có các đồng chí thì chúng ta không thể nào chống được thế trận bu bám của địch không thể thắng lợi hết đợt A38, A48, A68 …v.v.
Trong cuộc chiến đấu 600 ngày của sư đoàn ta trên chiến trường Tây nam những cái tên lẫy lừng còn ghi sâu trong tâm trí chúng ta. Những Lò gò, Sa mát, suối Đà Ha, đường số 7 đường số 3 những Suông CHúp, những Đầm Be, Tà hiên, Phu sâm, V..v hay những Bản Đỏ, Vườn Chuối là những cái tên mãi mãi ta ghi nhớ. Chúng ta đã để lại những chiến công Phu sâm gan dạ kiên cường, để lại cho lịch sử quân sự Việt nam một trận vượt sông Kong Pông Chàm bằng sức mạnh có một không hai trong lịch sử quân đội. Cũng như khi xưa Sư đoàn đã làm một trận truy kích lớn nhất trong lịch sử quân đội ta trên đường số 7 Tây nguyên. Trên chiến trường Tây nam Sư đoàn lại có một trận đánh hành tiến bỏ qua những mục tiêu thứ yếu thọc sâu vào sở chỉ huy mặt trận đường 7 Suông –Chúp đánh sập sở chỉ huy quân khu 203 của pôn pốt chỉ trong một ngày với chiều dài tiến công gần 100 km. Bây giờ nghĩ lại thật là một kì tích. Chiến công ấy mãi mãi thuộc về những người lính vinh quang còn ngồi đây và những đồng chí đã hi sinh.
Truyền thống của sư đoàn ta là Đoàn kết nghiêm túc Dũng cảm chiến thắng. Hơn bao giờ hết người lính khi vào một đơn vị sẽ được truyền thống của đơn vị ấy tôi luyện dậy dỗ để mãi về sau nếp sống nếp nghĩ và ý chí chiến đấu in đậm truyền thống 320A.  Truyền thống ấy trở thành tình yêu đồng chí mang theo suốt đời mình. Các đồng chí là lính sư đoàn 320A Đồng Bằng, dù đi đâu các đồng chí cũng không lẫn vào ai. Dù ở đâu các đồng chí cũng luôn nhớ về Đại Đoàn Đồng Bằng với mối tình thủy chung son sắt.
Trên chiến trường K, Chúng ta đảm nhiệm một trong những hướng tấn công quan trọng trong đợt cuối cùng giải phóng Nong pênh. Ngày 6/1/79 cả Sư đoàn ta lại làm một nhiệm vụ truyền thống mở đường cho quân đoàn đánh trận quyết chiến. Giống như khi xưa, ngày 29/4/75 sư đoàn 320 đánh trận Đồng Dù vô cùng ác liệt để mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thì hôm nay 320 lại mở đường để cả quân đoàn vượt sông tiến vào giải phóng thị xã Kong pông Chàm. Một trận đánh mà chúng ta mãi mãi có quyền tự hào về ý chí sáng suốt quyết tâm chỉ huy của cán bộ chiến sĩ sư đoàn chúng ta.
 Giải phóng Nông pênh rồi nhưng tiếp sau đó là chuỗi ngày đầy gian khó, là những bi thương của dân tộc Khơ me gánh chịu và chúng ta những chiến sĩ quân tình nguyện Việt nam đang tiếp tục đổ xương máu giúp bạn. Đất nước chẳng bao giờ được bình yên, biên cương phía bắc lại bị kẻ thù xâm lăng, thế là sau 28 năm đánh giặc chưa một ngày ngơi nghỉ sư đoàn ta lại hành quân ra phía bắc. Chúng ta quay về đất mẹ chống giặc bắc phương để lại sau lưng ta nơi rừng sâu nơi đồng hoang heo hút Tây nam bao người bạn mình bao nhiêu cán bộ tài năng đang độ trưởng thành. Đau xót lắm, nhớ nhung lắm nhưng đất mẹ đang có họa người lính không có quyền ngơi nghỉ và cuộc hành quân này hào hùng mà cũng nhiều day dứt nhớ nhung.
Thưa các đồng chí, Sau ba mươi tám năm bây giờ những chàng trai Nghi Lộc khoác ba lô vào Sư đoàn 320 vào quân đoàn 3 cũng đã vào tuổi 60. Gặp lại nhau đây ai còn ai mất, nước mắt và niềm vui trong ngày gặp mặt  khiến chúng ta muôn nỗi bồi hồi. Tôi không quên gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí Lê Viết Khởi (Nghi Trung), Trần Tri Đức (Phúc Thọ). Tôi không quên đồng chí Nguyễn Ngọc Hoạch đã trưởng thành trong chiến đấu một cán bộ tiểu đoàn khi mới 21 tuổi.
Tôi vô cùng phấn khởi vì được biết nhiều đồng chí đã trưởng thành như: Đ/c Dung, Đ/c Khởi (Nghi Trung), Đ/c Trương (Nghi Kim); Đ/c Lan (Nghi Công); Đ/c Phúc, Đ/c Lâm (Phúc Thọ); Đ/c Phương (Nghi Xuân); Đ/c Thường..v.v
Tôi cũng vô cùng xúc động được biết đ/c Bá Đức một tấm gương kiên cường chiến đấu giỏi làm việc giỏi nay là Chủ tịch hội người mù của tỉnh Nghệ An.
Tôi cũng thực sự vui mừng thấy nhiều đồng chí trở về đời thường làm ăn giỏi xây dựng kinh tế gia đình mình vẫn nhớ và cùng giúp đỡ những đồng đội còn cơ nhỡ. Nhiều đồng chí đã góp phần ủng hộ cho những cuộc gặp mặt tình nghĩa như ngày hôm nay. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí sau này đã chuyển ngành đi học và nay đang làm tốt trách nhiệm công dân trên cương vị công tác của mình.
Tôi rất hiểu và thương cảm với những đồng chí trở về ruộng đồng quê hương mà cuộc sống còn vất vả vì thương tật, vì sức khỏe mai một ở chiến trường.
Tôi mong ở đâu, lúc nào các đồng đội cùng sư đoàn hãy luôn yêu thương đùm bọc lấy nhau như ngày xưa ta đã cùng chia lửa cùng sẵn sàng nhận sự hi sinh với đồng đội mình. Trở về đây nhìn thấy nhau là vui rồi. Trở về đây cùng gọi lên những cái tên : ,Nghi Yên,  Nghi Tiến,  Nghi Thiết,  Nghi Hưng,  Nghi Đồng, Nghi Công nam, Nghi Công bắc, Nghi Mỹ, Nghi Phương, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Trung, Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Phong, Nghi Trường, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Quang, Nghi Hợp, Nghi Hoa, Nghi Thịnh, Nghi Khánh, Nghi Thạch, Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Xuân.
Bởi những tên làng tên xã là tên đồng đội. Bởi những cái tên NGHI ấy làm nên hồn cốt con người các đồng chí, làm nên chiến công của Sư đoàn, bởi những cái tên Nghi ấy là niềm tự hào của mỗi chiến sĩ Nghi Lộc Của Lò hôm nay.
            Thưa các đồng chí:
 Là người con Nghi Lộc các đồng chí cũng tự hào bởi đất này đã sinh ra các người con ưu tú:
Về Khoa bảng: như  Bảng nhãn Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du,  song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Ngọc, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Chính, Tiến sỹ Phạm Huy, Tiến sỹ Nguyễn Khuê, Tiến sỹ Đinh Văn Phác, Tiến sỹ Đinh Văn Chất, Phó bảng Phạm huy thuyến  
·     Nhà giáo: Nguyễn Thức Tự.
·     Nhà cách mạng: Trương Văn Lĩnh, Nguyễn Thức Canh; Nguyễn Thức Đường;Trần Văn Cung,.
·    Danh tướng: Nguyễn Xí,  Trần Văn QuangHoàng ĐanNguyễn Quốc ThướcNguyễn Mạnh ĐẩuNguyễn Bá Tuấn, Phạm Hồng Minh, Võ Văn Việt,
·    Nhà ngoại giao: Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh
·    Văn nhân:  Nhà phê bình văn học Hoài ThanhHoài Chân, Giáo sư Nguyễn Đình Chú.
·   Gần đây là Đậu Hải Đăng, học sinh chuyên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội, giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2012.
Truyền thống quí báu đó là tổ tiên để lại cho các đồng chí, dù ta là cán bộ hay dân thường bây giờ chúng ta đều có quyền bình đẳng như nhau với lịch sử quê hương.
Đứng trước quân kì chúng ta đều bình đẳng như nhau, bởi máu xương chúng ta đều của mẹ Nghi Lộc sinh ra. Không có lí gì chúng ta không thương yêu nhau. Không có lẽ gì chúng ta không coi nhau như một nhà, bởi chúng ta đều là lính của sư đoàn 320A Đại Đoàn Đồng Bằng Anh Hùng.
Tôi gửi lời kính chúc sức khỏe và tri ân tới các gia đình liệt sĩ , thương binh sư đoàn 320A tại Nghi lộc Cửa Lò 
Tôi gửi lời thăm hỏi tới các anh em vì điều kiện nào đó mà không đến dự hôm nay. Tôi tỏ lòng khâm phục sự chu đáo và dầy công tổ chức cuộc gặp mặt này của các đồng chí. Xin chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Tôi:  Sư đoàn trưởng sư đoàn 320A  Khuất Duy Tiến chào các đồng chí!

      4/2013



No comments:

Post a Comment