Saturday, June 6, 2015

ĐI NGHỆ AN ( phần 4 )


24/8/2014


Con đường Sào Nam ở thị xã Cửa Lò sớm nay xanh màu áo lính. Toàn lính tuổi 60 tóc bạc, tóc cua tóc hoa râm tay bắt mặt mừng. 

Rất nhiều các chị vợ CCB đi theo chồng hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Bỗng thấy chồng mình hôm nay như là người khác, ăn nói hoạt bát, vui tính hơn ngày thường lại còn cười lại còn kể bao nhiêu chuyện mà những người vợ chưa từng được nghe từ chồng mình. Khuôn viên khách sạn Hạ Long rộn rã nói cười nhưng rất nề nếp, người đón xe người đón khách, người xã này đi tìm bạn ở xã khác ấy mà không giống nhiều cuộc họp mặt CCb nhộn nhạo như trước rạp chiếu phim. Ngoài đường khách du lịch trầm trồ nhìn tấm khẩu hiêu đỏ rực rỡ “ Chào mừng các đại biểu và CCB Nghi Lộc Cửa Lò về dự lễ trao kỉ niệm chương Đại đoàn Đồng Bằng 320”. Xe cộ đi chậm lại, họ cố tránh đường cho các bác Lính, họ biết những người lính bình thường kia một thời oanh liệt trên chiến trường. Trong mắt mỗi người trên đường và các CCB về đây là nỗi niềm thương yêu tự hào rất bình dị. Ba mươi tám năm trước hơn một ngàn trai trẻ cũng tề tựu để ra đi, hôm nay còn lại một phần tư tề tựu trở về. Khoảng cách là thời gian khiến ta trẻ thành già. Nhưng những đồng đội nằm lại chiến trường thì vẫn trẻ. Các anh không thêm tuổi nào nữa không thêm một cấp chức nào nữa, gần bốn mươi năm nay nhiều người trở thành sĩ quan cao cấp trở thành lãnh đạo huyện lãnh đạo tỉnh còn các anh vẫn cứ binh nhất vẫn là chiến sĩ dằng dặc trong nỗi nhớ chúng tôi. Trong trang nghiêm chào quốc kì, trong nức nở tiếng Hồn Tử Sĩ ai cũng nghĩ về các bạn bè ra đi ngày ấy nay ở trên đồi 82 Tây Ninh hay vẫn lang thang trong những cánh rừng phum sóc phía Tây Nam.

Kỉ niệm chương không phải là huân huy chương, không có một khái niệm vật chất nào kèm theo. Kỉ niệm chương là vật lưu niệm màu máu mà tập thể những người lính cùng chung đội ngũ làm ra để tôn vinh quá khứ của mình, khẳng định một thời kì mình đã sống trong đội ngũ sư đoàn, một khoảng thời gian tính bằng sương máu. Khoảng thời gian đó cần được tôn trọng nếu thờ ơ với tấm kỉ niệm chương đơn sơ này tức là chúng ta đã tự tầm thường chúng ta.
Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến với anh em CCB như thế. Hôm nay, đứng trước anh em CCB Nghi Lộc ông xin lỗi nhiều ông bố bà mẹ Nghi Lộc rằng, nhân dân giao con trai cho chúng tôi mà chúng tôi không đưa họ lành lặn đông đúc trở về. Ông lau nước mắt nhìn xuống hội trường, sương máu các đồng chí góp lại cho chúng tôi lên tướng. Máu của các đồng chí viết cho tôi trở thành anh hùng.Ngàn lần biết ơn các đồng chí. Cả hội trường xúc động nhìn vị tướng già suốt đời trận mạc nay đang đứng trước chiến sĩ của mình chân thành tạ lỗi. Ngoài kia, nắng gió dàn dạt trong tiếng sóng. Biển Cửa Lò hôm nay xanh thế.
Tôi không nhớ nhiều chi tiết lời phát biểu của một lãnh đạo huyện tại buổi gặp mặt hôm nay, chỉ nhớ đồng chí đó cũng xúc động nghẹn ngào với tư cách là một CCB ra đi từ đây tháng 11 năm 77. Hầu như trong hội trường này không có khoảng cách đại biểu cấp trên hay đại biểu ở xa về. Taatsc cả là đồng đội. Đại tá sư đoàn trưởng sư 320 Nguyễn Thế Tân vừa nghỉ hưu chạy đi tìm bạn. Họ gặp nhau ôm nhau mi mi tau tau họ hẹn nhau lúc ăn cơm phải ngồi với nhau Tân nhé. Rồi đến lúc trao kỉ niệm chương . Ai cũng biết Trung tướng già yếu nhưng ai cũng lại muốn ông trao cho mình để nắm tay ông để đứng bên nhau chụp chung tấm ảnh với người chỉ huy của mình. Thế là phải 40 phút ông già cứ quanh quẩn trên sân khấu hết tặng hoa rồi chụp ảnh với cả hai trăm chiến sĩ cũ. Tôi nghe miên man những cái tên Nghi xướng lên từ ban tổ chức. Nghi Xá, Nghi Quang, Nghi Long, Nghi Phương Nghi Thọ….mỗi tên làng tên xã là một tập thể người mất người còn. Những đứa con đất Nghi đang tự ôn lại truyền thống đang kể về nhau về một cuộc đời đánh giặc của mình. Biết là phần trao kỉ niệm chương kéo dài tôi ra sân của hội trường. Thật may mắn tôi bắt gặp những cặp mắt ngời lên tự hào của những người phụ nữ đi cùng chồng. Các chị bảo, chúng em dậy từ tinh mơ đi mấy chục cây số tới đây, vui quá , phấn khởi quá anh à. Ông xã em bị thương cũng hay trái nết nhưng được cái thương vợ thương con. Rồi các chị cười lăn tăn giọt mồ hôi trên má. Niềm tự hào đi cùng chồng chứng kiến chồng mình gặp gỡ đồng đội đói với người vợ lính nó to nhớn biết nhường nào. Tôi lại gặp vợ chồng anh Hiệp cụt hai chân, hôm nay vợ Hiệp mặc rất đẹp, chị khệ nệ bê chồng bước lên tam cấp vào hội trường để liên hoan trưa. Hai vợ chồng cười rất tươi, mồ hôi chị rỏ xuống mặt chồng. Tôi chợt thấy cay cay khóe mắt.
Tạm biệt Cửa Lò, tạm biệt những người lính Nghi Lộc của Sư đoàn tôi. Chỉ một đêm một ngày mà các bạn đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc đến thế. Người Nghệ ở đâu cũng giống nhau, ân tình mộc mạc và quyết liệt. Các bạn đã khéo tổ chức một cuộc gặp mặt mà rất hiếm hoi tôi từng gặp. Xe qua ngã ba Yên Lý rẽ lên đường Hồ Chí Minh, chú lái xe bật nhạc. Chả biết vô tình hay hữu ý, tiếng hát cất lên… bài hát Tiếng hò trên đất Nghệ An của Tân Huyền. Trong tôi chợt nhớ ra một đêm hơn bốn mươi năm trước hành quân qua Bến Thủy đi chiến đấu trong phập phù pháo sáng nghe bài hát này từ cái đài đeo hông của chính trị viên. ..”ơ dù cho bão nổi mưa sa chừ Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An…”




Đường về


No comments:

Post a Comment