Monday, June 29, 2015

Ở bãi biển Thiên Cầm

Người đàn bà cỡ tuổi tôi tay túm cái bao vỏ cám CON CÒ đi dọc bãi biển.
Đêm xuống, biển thẫm lại rồi vụt sáng lên những ngọn đèn từ mấy con tàu ngoài xa. Lúc ấy, bờ kè trên bãi đèn nến sáng trưng. Các quán ăn hối hả chèo kéo khách du lịch. Tôi ngồi bên bờ kè đợi món ghẹ hấp bia nhìn ra phía ngọn núi có hang Thiên Cầm. Chịu không thể kiếm đâu ra cái âm thanh đàn trời như người ta từng ca ngợi. Chỉ thấy rộn rã thập thình tiếng nhạc và nườm nượp váy áo đẹp bên những bàn bia rượu và cặp mắt nào cũng sáng long lanh.
Người đàn bà ghé sát vào một đám đông đang dzô dzô quyết liệt, họ vứt lon bia xuống cát, họ quăng những lon nước ngọt ra mép nước rồi hứng chí lấy một cái lon bia trên cát làm mục tiêu, đố nhau chọi như chọi đáo. Thế là, lia lịa những lon bia tới tấp ném ra công cốc bùm bụp. Họ ném cả lon còn đầy bia, họ cười hơ hớ. Cuộc chọi bia chỉ bỗng ngừng lại khi người đàn bà lao ra nhặt những cái lon nhét vội vào bao. Cốc! một cái lon bia va lên lưng bà. Bà nhặt vội, ngoái lại, bà cười. Nụ cười người đàn bà hiền lành chịu đựng lại có vẻ biết ơn.  Bóng của bà khô gầy đổ trên cát nhấp nhóa. 
             -Bà Ánh ơi, để lát nữa bà vô lượm lon, 
             chừ bà vô bể chốc đó.
Chủ hàng nơi tôi ngồi gọi với xuống bãi. Người đàn bà ngẩng lên gật đầu rồi kéo cái bao cám CON CÒ đựng những vỏ bia vỏ hộp ra kè biển ngồi xuống. Sóng thủy triều lên dập vào thân kè tung bọt lân tinh nơi bà. Biển phả mùi tanh tanh lên tóc chúng tôi, đêm ở bãi biển lồng ngực như giãn ra tinh khiết                           
Chị chủ nhà hàng nơi chúng tôi ngồi vừa làm vừa kể. Câu chuyện của chị đủ để giữ khách uống thêm bia gọi thêm đồ biển.
..” Bà nớ người làng ni, tuổi Nhâm Thin đó mấy chú. Nhâm Thìn con gái sao khổ như ri chú à. Bà đi xung phong từ tuổi 16 cơ. Hết Hà tĩnh rồi vô Quảng Bình rồi đi lên cả Trường Sơn. “..
Tôi chợt nhớ những ngày hành quân qua Đồng Lộc, bom Mỹ đánh vào đội hình, đánh vào làng vào đường Tám. Những ngày hè nóng hừng hực, bộ đội chạy, xe chạy, bom rơi và tơi tả là áo quần con gái. Những người lính còn kịp nhận ra trong khói bom là tiếng gọi nhau í á của con gái. Những cái nón lá cài chùm lá Mua ngụy trang héo quắt ,rách toang còn vương cả cánh hoa mua tím ngoét.
..” Bà vô Quảng Bình làm xung phong đoạn từ đèo Ngang trở vô cả năm trời. Yêu một anh cũng xung phong quê trong nớ. Nghe bảo họ yêu nhau lắm đó. Cả hai ông bà đều chiến sĩ gì đó..” Tôi hiểu ra là chiến sĩ Thi Đua. Ừ cả hai là chiến sĩ thi đua.
Trong đầu tôi chợt nhớ chuyện tôi hành quân qua Quảng Bình vào một đêm cuối năm.
Đêm ấy chừng hơn 12 giờ đêm. Đoàn quân đã qua đèo Ngang  quãng một tiếng đồng hồ. Đường đầy những hố bom lở lói, đầy những cành cây tung tóe. Chúng tôi gà gật ngả nghiêng, còn xe vẫn nhấp nhổm rì rì trong đêm. Lúc nãy còn nhập nhòe mấy tàn pháo sáng máy bay địch thả, bây giờ thì đêm yên tĩnh hơn, qua đèo Ngang lúc lính ngủ chập chờn . Tôi vạch lá ngụy trang nhòm ra đường. Chỉ thấy vùn vụt lóang nhoáng những gốc cây đổ ,những ruộng bãi loe loét không một đốm lửa hay ánh đèn. Đêm khuya , ở hỏa tuyến cứ như người nằm thao thức lặng yên mà lúc nào cũng lo lắng không sao ngủ được. Cả đoàn xe gầm gừ bỗng chựng lại. Trung đội à lên như một tiếng thở dài. Đến rồi hả ? Rồi lại lặng im. Cả ngày hành quân hết đi bộ rồi lại đi xe, hết pháo biển lại máy bay gầm rú, người  mỏi cứ như giần. Đêm cuối năm lạnh. Ở cái vùng tuyến lửa này mùa đông như nấp sau chiến tranh. Chiến tranh chùm lên con người cái tấm áo mưa bức bối , lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi và nước mắt lẫn máu. Xóm xa , chó sủa óc óc. Trong mịt mù đêm, bỗng nghe tiếng chó sủa thấy ấm lòng, thấy sự sống yên bình lạ. Xe lại chạy gầm gừ. Thì ra đoạn đường bom đánh, sửa chưa xong, có người gác yêu cầu xe đi thật chậm. Người gác là một đàn ông TNXP, tay cầm cái đèn pin, nhưng chỉ thấy khua khua mà không bật đèn. Chúng tôi tỉnh hẳn dậy vạch lá, nhìn ra đường cố căng mắt trong đêm để như đề phòng xe tụt xuống hố. Ngồi cạnh tôi là cậu Hoa,thợ lái xe ở mỏ Khánh Hòa thì thào : mình đạp phanh cứng cả bàn chân ông ạ. Cả xe cười hinh hích. Bàn chân Hoa đạp dúi  vào đít thằng ngồi trước .
Xe lắc lư bò. Anh TNXP bảo cứ yên trí theo cọc tiêu trắng mà đi. Chúng tôi nhìn trong đêm, hai bên xe là những vệt trắng đứt đoạn, những vệt trắng song song nối dài. Xe khựng lại, lái xe ngó ra bật vội đèn pin rồi tắt ngay. Ồ ! gần như chúng tôi bật kêu lên một lúc. Những người con gái nằm ngủ gối đầu lên cuốc sẻng , mặt đậy áo mưa và những tấm khăn đen. Chân quần họ sắn lên tận đùi.  Những bắp chân con gái trắng lấp lóa  dưới sương đêm. Thì ra những người nữ TNXP, tranh thủ nằm ngủ hai mép đường và sắn quần lấy cặp đùi mình duỗi dọc mép đường làm cọc tiêu .
Từ lúc ấy chúng tôi thao thức . Xe này nối tiếp xe kia hầu như lính không buồn ngủ nữa. Những  cọc tiêu nằm cứ nối dài hết đoạn đường bom đánh lúc chiều. Những cặp chân trần con gái trắng phau ám ảnh mãi . Những cọc tiêu đang nằm ngủ.
Tôi nhớ đêm ấy  là đêm chúng tôi qua Quảng Trạch Quảng Bình.

Tôi ngó ra nhìn người đàn bà nhặt lon bia ngồi trên bãi biển. Trước màn đêm như nhung của biển đêm, bà lặng lẽ như cái chấm, gió lồng làm tóc bà rối bung, bà nhìn vào đêm và sau lưng bà là những cuộc hỉ hoan vui vầy của gia đình bạn bè, những người từ thành phố đi nghỉ mát. Người đàn bà kia liệu có là một trong những cô gái vén cao ống quần nằm ngủ ven đường hôm ấy?
Chị chủ quán thủng thẳng:
         -Đời chả biết thế nào mà nói trước các bác ạ. Bà ấy lại vào tận Trường Sơn. Nghe nói bà ấy suýt nữa cũng chôn vùi trong hang với tám cô người Thanh Hóa đó. Anh người yêu thì lại vào tận Tây Nguyên làm giao liên. May mắn hết chiến tranh về quê, mần mò tìm nhau rồi lấy nhau. À mà này các bác, sao làm xung phong vất vả mà chả có chế độ chi rứa? Mãi sau này mới có chút phụ cấp vài trăm chứ bà nớ nghèo như ri lại thêm ông chồng da cam chết sớm.
         - Bà ấy không có con hả chị? Tôi hỏi chủ quán.
       - Cha trời . Có mà chết rồi, rứa là còn may cho bà nớ. Nó khùng khoèo lồi mắt nằm đâu ỉa đó bà chả mần ăn chi chỉ ôm con mà khóc. Tội rứa! Từ ngày chồng chết, đứa con khùng khoèo chết, bà âm thầm sống bằng nghề mót khoai. Vài năm nay bãi biển ni đông khách thập phương, bà đi nhặt vỏ lon ngày cũng được đôi chục ngàn. Bà sống âm thầm rứa mà có đêm người ta nghe bà hát trong nhà. Bà ấy hát câu chi nghe lũ trẻ ka ra hay hát đó. À à …đi giữa trời khuya. Phải rồi bài hát Đi giữa trời khuya sao đêm nhấp nhánh…hì hì

Tôi lại chợt nhớ những ngày hành quân trên Trường Sơn, những cô gái thanh niên xung phong ngồi âm thầm đỉnh dốc trạm 5, nhìn chúng tôi hành quân qua. Các cô cười vẫy mãi đoàn quân và khi đoàn quân khuất rồi mới òa lên khóc. Bỗng dưng trong tôi chợt  hiện ra …

       Chúng tôi rời Cự Nẫm được 4 ngày. Bốn ngày ấy đi trong mưa. Mưa trường sơn cứ ri rỉ không ngớt. Ba lô nặng chịch càng chĩu xuống vì mệt mỏi. Quần áo ẩm xì xì. Đoàn quân chùm áo mưa cúi rạp người lên dốc. Đứng trên đỉnh núi nhìn quay lại trong cái dáng trời thum thủm màu mắm tôm, đội hình trông như một đàn gà Tây . Ngày thứ tư đi từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều chưa được nghỉ vì không có chỗ trú quân . Uể oải , lo lắng.Thỉnh thoảng tôi ngửa mặt liếm những giọt nước mưa chảy tràn vào khóe miệng. Trời gần tối , đang lên dốc cán bộ bảo sắp tới chỗ nghỉ. Ai cũng thấy khỏe hẳn lên. Cả hàng quân râm ran trò chuyện. Bỗng  có tiếng cười lanh lảnh ngay trên đầu dốc. Trong mưa rì rầm, tiếng cười trong veo, hệt như tiếng cười trên cánh đồng làng mùa gặt cong eo những thôn nữ quê tôi. Chúng tôi ngước lên . Một cô gái . Một thím bộ đội ôm một chú khỉ con ngồi vẫy vẫy đoàn quân 

    -  Em ơi …
    - Thím bộ đội ơi … 
    - Đồng chí ơi …đồng chí gì ấy ….ơi
Tiếng gọi ùa vào nhau, tiếng cười ríu vào nhau. Bỗng chốc cái mệt đi đâu hết. Anh nào cũng cố gọi to hơn. Cô gái ngồi dưới mưa nhìn đoàn quân và chỉ cười, chỉ vẫy ,  vẫy rối rít cười líu ríu. Cô ướt run lên mà vẫn long lanh mắt. Trời xâm xẩm, chỉ có mắt cô và nụ cười thì vẫn sáng. Chúng tôi rẽ vào một khu rừng tan hoang bom B52 mới đánh. Đó là một khu vực kho hậu cần lớn của quân ta. Vương vãi đây đó những gạo mốc , nhà đổ , sung đạn văng đầy rừng, nồi niêu méo mó và áo quần mắc lủng lẳng trên cành cây . 
Đêm ấy chúng tôi ngủ lại đây. Chập chờn. Phấp phỏng. Mệt nhọc. Chính trị viên bảo , đơn vị trông kho có một tiểu đội nữ mới hi sinh mất ba người. Chúng tôi nặng nề qua một đêm râm rỉ mưa, tâm hồn người lính chưa giáp trận lung mung khó tả. Sáng hôm sau hành quân sớm. Ở chỗ ngã ba rẽ ra đường chính, lại có ba nữ bộ đội ngồi chờ sẵn. Ba khuôn mặt thẫn thờ nhìn chúng tôi đi về phía trước. Qua chỗ các em ngồi chúng tôi ai cũng xốc lại ba lô gọn gang, vươn thẳng người lên chào các em. Có anh còn bỏ mũ ra vẫy lại.  Những người con gái ngồi đấy với nụ cười méo mó để  chia tay. Suốt cuộc hành quân hôm ấy chúng tôi cứ nói chuyên với nhau về họ, về nước da xanh tái xám ngoét của họ, mà chúng tôi chưa từng được nhìn thấy nước da ấy khi còn ở miền Bắc.

Tôi ngó người đàn bà ngồi gò lưng nhìn ra biển, cái bao cám Con Cò nằm kề bên nhàu nhẽo. Thủy triều đang lên, bà đang nhìn con sóng miên man dưới chân mình. Chả biết bà đang nghĩ gì còn chúng tôi trong ngàn ngạt những rượu bia du hí. Ngay bên cạnh tôi có người đồng đội đang ngồi kiên trì chờ chúng tôi vứt ra mấy vỏ lon để kiếm sống.Thực ra, lúc ấy tôi cũng chả nghĩ được như thế, mà tôi đang nghĩ liệu bà có là một trong số các cô gái tôi gặp không hôm ấy ở Trường Sơn không?

Khách ăn đã vãn, chúng tôi những lính già còn ngồi lại sau cùng.  Ngòai xa  đèn của thuyền câu mực giăng giăng. Người đàn bà lom khom buộc cái vỏ bao rồi vắt lên vai đi xuôi về cuối bãi cát. Bà đi xa thì cái bóng của bà càng co lại gầy guộc. Đến một lúc cái bóng người và cái vỏ bao cám Con Cò thu lại thành một cục xẫm đen, hun hút.

Đêm ở biển Thiên Cầm, tôi cố lắng nghe tiếng đàn trời khua trên núi mà không thấy. Chỉ thấy tiếng sóng miên man buồn buồn.

27/6/2015











No comments:

Post a Comment