Sunday, March 29, 2015

Giáo sư Hồ Tú Bảo.


Hôm nay sinh nhật bạn, ở xa nhau nhớ nhau chúc nhau khỏe để gặp nhau được nhiều. 
Chiến tranh mang bao nhiêu bạn bè và chúng mình ra trận. Mình nói nhìn ảnh Bảo giống Thạc ( Nguyễn Văn Thạc ) ra phết , Bảo cười tớ và Thạc đều là dân sống ở Bưởi mà. Mình cũng cười "tớ thì cũng ở Bưởi nhưng lại là nằm gầm Chạn". Nếu Bảo không bị thương ở Quảng Trị chắc Bảo còn hát hay hơn. Cái quai hàm gẫy lìa năm ấy nay gia công lại làm Bảo mất đi khả năng rung vòm. 
Mình đọc thơ Bảo viết trong những năm chiến tranh. Bài thơ Bữa cơm chiều ba mươi tết của Bảo xúc động cho người lính, hơn thế nữa nó làm cho người ngoài cuộc hiểu về một thế hệ tài hoa ra trận đã yêu đã sống đã chiến đấu thế nào. Bảo học giỏi cả Văn và Toán.Sau chiến tranh Bảo trở thành một nhà Toán học có tầm cỡ VN nhưng lại là một tâm hồn Văn chương đích thực. Tôi đã từng nghe Bảo vừa đàn vừa hát, được xem những bản dịch thơ nước ngoài của bạn mình không hề kém một dịch giả chuyên nghiệp. Mới tháng trước, Bảo từ Nhật về qua Hà Nội để đi mở hội nghị Toán học ở Đài Loan, ba đứa tôi đều là lính trinh sát gọi nhau ngồi uống bia trên đường Trần Duy Hưng chả ai nói về mình, chỉ nhắc tên những đứa bạn lính sinh viên Quảng Trị ngày ấy không về


Tôi đưa bài viết viết dưới đây của một người con gái học từ nước ngoài viết về Bảo.Nếu ai đó chưa biết về người lính SV một thời máu và hoa thì có thể hiểu thêm những ngày chúng tôi đã sống

Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giảng đường vẫn tươi nguyên ký ức chiến trường
Thứ ba - 06/11/2012 15:15 -


Giáo sư Hồ Tú Bảo.
Tôi biết anh đã từ những ngày chiến tranh ác liệt nhất năm 1972. Ngày ấy, tôi bước chân đến một đất nước xa xôi có tên là Moldavi, một nước cộng hòa nhỏ bé trong Liên bang Xô-viết, để học đại học.
Ôi ra đi mùa thu năm 1972, khi bạn bè tôi, cùng bạn bè anh, những học sinh sinh viên Ðại học Hà Nội năm đầu, đi vào Quảng Trị. Hồi ấy rất nhiều học sinh xuất sắc và cực kỳ xuất sắc đã vào chiến trường, đặc biệt là Quảng Trị. Sau này khi viết "Những chuyến tàu ngược chiều về hai đầu đất nước" là lúc tôi nhớ về những chuyến ra đi đặc biệt của lứa học sinh chúng tôi năm ấy. Hình như chẳng có ai trong đám chúng tôi, lũ học trò Hà Nội mộng mơ, trong sáng, lũ học trò "vào đời" năm 1972 ấy lại không có bạn, giờ phút ấy, đang qua sông Thạch Hãn dưới mưa bom. Bạn có thể thấy rõ điều đó ở Nghĩa trang Trường Sơn, ở Thành cổ Quảng Trị. Ở đấy rất nhiều bia mộ ghi rằng quê quán: Hà Nội- Năm sinh 1954 hay 1955.


Nhưng anh không phải là bạn học của tôi. Anh là bạn của một người bạn tôi kết thân khi sang học xứ người. Chúng tôi đọc lại những câu thơ của anh, nỗi niềm của anh gửi cho bạn bè đang du học ở nước ngoài:
Khi nào em trở về
Hãy lắng nghe cơn mưa rào mùa hạ
Hãy lắng nghe tiếng thì thầm hoa lá
Hãy lắng nghe tiếng đất hát đêm đêm
Ðấy là lời anh gửi đến cho em...
Những câu thơ tôi không còn nhớ anh viết lúc nào. Có thể đó là tiếng thì thầm hoa lá trong một đêm tối trời trên đường hành quân hay là lúc anh chợt nghe được tiếng hát của đất mẹ trong một phút lặng dưới công sự trong Thành Cổ...
Nếu một ngày nào đó bạn vào internet, gõ ba chữ "Tu Bao Ho", bạn sẽ thấy hiện lên nhiều trang web giới thiệu một giáo sư ngành Trí tuệ nhân tạo tại một đại học của Nhật Bản. Chỉ cần đọc tiểu sử tóm tắt bạn cũng nhận ra ngay đây là một giáo sư có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình, là người đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, người đã tham gia và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo, biên tập cho nhiều tạp chí quốc tế, tham gia đào tạo nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Bạn có thể sẽ nghĩ đây là một Việt kiều có cơ hội được học tập đào tạo từ lúc nhỏ tại Nhật hoặc một nước phát triển nào đó như đa phần các giáo sư gốc Việt có tiếng tăm hiện nay.
Không đúng đâu, đó chính là GS.TS Hồ Tú Bảo, một chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo, người lính trinh sát sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và được thưởng một huân chương chiến công hạng hai; người thương binh trở về học hết đại học và rồi tiếp tục theo đuổi con đường khoa học. Trong giới hàn lâm, giữa bè bạn, học trò, tôi ít thấy anh nhắc về những năm tháng đó. Bài viết về Quảng Trị, anh cũng dùng bút danh khác. Có lẽ chỉ có duy nhất gần đây, trong bài viết của anh đăng ở báo Toán học tuổi trẻ nhân kỷ niệm 40 năm hệ chuyên Toán, anh mới viết chút ít về những gì đã làm. Như một báo cáo, như một lời tạ ơn với các thầy, với mái trường...


Phân đội trinh sát Sư đoàn 325 tại làng Trà Liên Tây,
Triệu Phong, Quảng Trị ngày 5-1-1974 trước khi
đi làm nhiệm vụ, Hồ Tú Bảo mặc áo sáng mầu.


Với tôi, anh cũng ít nhắc về năm tháng ấy. Biết anh rất bận tôi cũng ít khi viết thư nhưng hầu như không năm nào tôi quên gửi anh vài dòng vào ngày 30-4 và 27-7. Trong những dòng thư ngắn ngủi gửi vào những ngày đáng nhớ ấy, tôi cũng chẳng mấy khi nhắc về Quảng Trị nhưng tôi tin là anh biết tôi đang cùng anh nhớ về dòng Thạch Hãn 1972. Cũng như tôi đã nhớ về Thạch Hãn khi cùng anh dịch những lời thơ từ bài hát Nga "Ðàn sếu".

Tôi như thấy những người lính ấy
Không trở về từ chiến trường xa
Cũng không nằm nơi đất lành đâu đó
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay qua
Giã từ những ngày xa đó
Ðàn sếu vẫn bay và cất tiếng gửi ta
Phải vậy chăng lòng tôi thường se lại
Mỗi khi nhìn trời biếc bao la
Bay bay mãi những mũi tên mệt mỏi
Trong sương mờ khi chiều lặng dần trôi
Khoảng trống nhỏ nơi đội hình xa đó
Phải chăng còn một chỗ cho tôi
Rồi sẽ một ngày cùng đàn sếu trắng
Tôi bay vào mịt mù trời xanh
Cũng cất lên tiếng kêu người lính
Gửi những ai còn trên mặt đất mông mênh.

Dịch không phải để đăng đâu đó mà để cho người dịch, cho bè bạn và những người đã không còn trở lại. Thi thoảng anh gửi vội cho tôi vài dòng: "Thử vào VTV3 xem đi" hay "Ở Tuổi trẻ có bài đấy". Thế là tôi biết đang có chương trình về Quảng Trị. Quảng Trị mùa hè 1972, Quảng Trị của anh năm 20 tuổi.
Năm trước, trong chương trình kỷ niệm về Thành cổ Quảng Trị, ban tổ chức có mời một số cựu chiến binh thành đạt sau chiến tranh, một số thương gia, cán bộ lãnh đạo, và nhiều sĩ quan quân đội, nhưng không thấy có anh, một cựu chiến binh Thành cổ trở thành một nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Tôi nói với anh điều đó, và anh trả lời nhẹ nhàng: "Thì có rất nhiều lính chiến đấu ở Quảng Trị mà...".
Hồ Tú Bảo sinh năm 1952, quê quán Hà Nội. Cựu sinh viên Toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Nhập ngũ 6-9-1971, chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 325 (C20, F325) chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị 1972 - 1974.
Xuất ngũ tháng 9-1974. Tốt nghiệp ngành Toán, khoa Toán - Lý, Ðại học Bách khoa Hà Nội (1978), tiến sĩ tin học Ðại học Paris 6 (1987), tiến sĩ khoa học về tin học tại Ðại học Paris 9 (1998). Ðược nhận chức vụ phó giáo sư tại Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 1991, giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology) năm 1998.

No comments:

Post a Comment