Sunday, March 29, 2015

Lá Khộp


Trở về từ chiến trường Tây Nguyên . Vài chục năm sau nỗi ám ảnh mùa khô mùa mưa cứ như mặc định vào trí nhớ của tôi . Vào cữ tháng 10 mà có sụt sịt thì lại nói với vợ đổi mùa đấy mà ! chả sao đâu. Thế mới biết làm người lính thì ngắn nhưng đời lính thì dài . 

Ông và cháu nội tranh nhau cái ti vi . Ông xem phim bộ đội cháu xem BIBI. Nó bảo lúc nào ông cũng bộ đội, bộ đội. Bà nó nguýt :
- Người ta đại sĩ đại tá ông mày hạ sĩ trung sĩ mà cũng hới mưng … 
Cháu lại bênh ông , ông là bộ đội đánh Mỹ cô giáo con bảo phải yêu bộ đội, yêu người già . Nói rồi nó lại ngước lên TV. Trên màn hình nhập nhằng mấy cô cậu đang thi Tài năng Idol… xanh đỏ, ban giám khảo còn xanh đỏ hơn . Ông cháu chóng hết cả mặt .
Tôi dọn về ở Hoàng Cầu này đã hơn mười năm. Con phố yên tĩnh và sạch đẹp . Phải nói là VIP . Mình cũng là diện thơm lây . Đối diện nhà tôi là tay giám đốc Cty nhà ở HN . Hắn mua hai căn gộp một. Nhà đẹp. Con hai đứa, đứa học ở Mỹ đứa ở Anh. Tôi chỉ thích nhà hắn mỗi cây bàng . Cây bàng đứng bên vỉa hè nhà ấy choãi cành sang nhà tôi. Cuối năm, lá chuyển màu từ xanh sang loang lổ vàng rất nhanh . Từng cánh lá rơi quay quay sang vỉa hè bên này. Áp tết, lá vẫn nhiều nhưng đã có chiều yếu ớt . Những vết thâm như mụn ghẻ đỏ lan dần. Trăm ngàn cái búp như cái hoa ngọc lan màu xanh chỏng ngược lên trời trong khi vài cái lá đeo lơ lửng vẫn đọng lại. Tôi đứng trên ban công với tay ra là đến tán bàng. Cứ yên lặng, cố cách xa tán lá ấy để được nhìn và nghe lá rơi. Khi chiếc lá cuối cùng già cỗi buông uể oải xuống vỉa hè , tôi cảm thấy như đúng lúc các búp non kia bừng dậy và chỉ sáng hôm sau thôi cái búp non như bóng đèn quả nhót chổng ngược xòe ra hai ba cánh lá xanh mỡn thật hiên ngang . 
Tôi đi vào nhà , có cảm giác buồn buồn . Sự thay thế cái già cái trẻ cũng hối thúc như cái cành bàng kia ư? 
Cây bàng vô tư lớn và tôi cũng nhiều mùa đông ngắm nó. Mỗi mùa đông đứng trên ban công ngắm cây bàng thấy tiếng ho của mình lại dầy hơn. Chủ nhân nhà ấy chả bao giờ ra ban công cả. Hai vợ chồng hai doanh nghiệp cặm cụi đếm tiền. Nhà đó mỗi tuần có hai Osin lau dọn suốt một ngày và thành lệ cứ ngày 14 âm lịch và 29 âm lịch hàng tháng cả hai vợ chồng lên chùa. Nể ! mười mấy năm nay vẫn thế . Hương trầm thơm từ nhà ấy sang nhà bên cạnh. Có đận nếu không có mùi hương nhang của nhà ấy thì vợ chồng tôi quên mất cả ngày rằm. Công nhận nó ở hiền, năng hương khói , phật trên cao cứ vun đắp cho nó cũng là lẽ công bình . Chỉ khổ vợ tôi mỗi chiều quét lá bàng cho vào túi ni lông sách đi đổ rác. Riêng tôi cũng không lăn tăn gì lắm bởi tôi yêu cái việc dọn lá khô này từ xưa rồi .
Nhưng mỗi khi đắm đuối khi nhìn cây bàng đổ lá tôi lại nghĩ đến cây Khộp. Lính ở rừng Tây nguyên nên hay nhớ khộp. Cái thứ cây chả hoa chả quả cũng chả đi vào thơ văn tình ái chi hết. Ngay người sống ở Pơ lây cu có biết nó là cây gì đâu. Họa chăng biết cây Kơ nia mà cũng là do bài hát của ông nhạc sĩ gì gì ấy. Khổ thân Khộp , có tên có đất có quê hương bản quán hẳn hoi mà yếm thế quá . Bao nhiêu tên đẹp Hải Hồng Thanh Ngoc Li Liên … không mang lại mang cái tên Khộp. Chả trách con trẻ nứt mắt ra đã biết cây Diêu bông. Nghe Diêu Bông thấy hay hơn . Diêu bông là cái gì chả ai hiểu chả ai biết . 
Khộp mọc thưa, mã xấu chả đẹp đẽ gì. Sù sì và cộc cỡn là khác. Chỉ được cái lá to và mơn mởn xanh vào mùa mưa . Mùa mưa chúng tôi đi dưới rừng khộp nghe râm ran mưa đổ trên lá. Những phiến lá to như cái bánh đa, có thằng bảo trông như lá sen. Búp non của khộp thì cảm thấy như ăn được nó mầm mẫm như cái dải khoai nước. Lính ta bảo có lẽ búp khộp nấu canh được. Nhưng chúng tôi chả ăn bao giờ. Lạ một cái rừng khộp rất thưa cỏ. Khộp sống cả ở trên kẽ đá, nó tích nước ở vỏ cây. Lấy dao đẽo lên vỏ cây phải sâu đến hơn một cen-ti-met mới vào đến thân gỗ. Cái lớp vỏ ấy thầm thẫm nước và ứa ra cái màu vàng kiểu gạch cua. Mùa khô, lá khộp cong vênh lên đầy những mụn ghẻ vàng xuộm rồi rơi xuống. Trong đêm chúng tôi nghe lá rơi xuống đánh phạp. Chợt nhớ Trần Đăng Khoa nói lá rơi khe khẽ như là rơi nghiêng. Khộp không rơi nghiêng nó rơi phẹt cái xuống rất thật thà. Ở rừng , mọi thứ rất tự nhiên . Khộp cũng thế, ngay cái tên của nó cũng đã thấy thô thiển thật thà quá rồi. Lá khô của nó dẫm lên nghe lộp khộp , hay thật. Chả nhẽ tên nó mang tượng thanh từ cái chuyện dẫm lên lá nó ?
Lính Tây nguyên thích khộp lắm. Vì rón rén đi bắn hoẵng ở những cánh rừng ngoài phía Lệ Thanh vào mùa khô. Cuối mùa khô hoẵng đi ăn đêm , trời trong đến nỗi đêm cũng cảm thấy màu xanh. Lúc ấy hay được hoẵng lắm . Nhưng lá khô rải đầy trên cỏ kẻ đi săn phải khéo léo đừng dẫm lên lá khộp. Nó vỡ tung và kêu to như ta đập cái bánh đa vừng sẽ là cú báo động hữu hiệu nhất cho con thú . Đã có lần chúng tôi phát hiện ra thám báo địch vì tiếng lá khộp vỡ rôm rốp ấy . 
Mùa khô 1974 ở chân đồi Chi Bồ trên đường 19 chúng tôi chôn những đồng đội hi sinh trong vạt rừng khộp. Xong xuôi rồi chợt nhớ đất mới còn đỏ thế này lính địch dễ phát hiện bèn lấy lá khộp rải kín mộ bạn mình. Chúng nó nằm lặng lẽ dưới thảm lá khộp hiền từ . Những ngôi mộ chết trẻ khoác tấm áo vá bằng lá cây khộp, những tấm áo vụng về tức tưởi. Trên cao mấy trắng lương vương vài sợi, trời mùa khô Tây nguyên thăm thẳm cao .
Khoác súng đi rồi ngoái lại thì thấy những cái lá khộp khô trên mộ bạn mình động đậy . Gió cao nguyên làm lá khô xô xuống cỏ. Chả biết tại gió hay mấy thằng nằm đó có điều gì không an tâm ?.
Mấy chục năm sau tôi vẫn nghĩ chắc có gì đó chúng tôi khiếm khuyết , có cái gì đó mà bạn tôi còn nức nở dưới mồ đỏ quạch ba zan. Đồng đội ơi, chúng tôi rồi sẽ trở lại . Gió xào xạc trên rừng khộp rừng le khô rang. Pháo địch đuổi phía sau. Chúng tôi chạy . Chạy thoát ra khỏi vùng pháo kích. Chạy thoát khỏi cái rừng Khộp vừa chôn bạn mình. Chúng tôi thoát về , sau lưng còn đồng đội vùi mình dưới thảm lá rừng khô lốp đốp, dưới miên man hoa Dã quì vàng đến rợn lòng. Những nấm mồ bạn tôi mấy chục năm vẫn cựa quậy những cánh lá khô rừng khộp. Bây giờ những nấm mồ ấy đã về nơi qui tập chưa ? và liệu có còn không?

Chả biết lá bàng tím biếc văn thơ kia hằng được người đời yêu quí có hiểu mỗi khi tôi nhìn nó tôi lại nghĩ đến lá Khộp cong vênh nứt nẻ trong rừng Tây nguyên hay không ? 




No comments:

Post a Comment