Sunday, March 29, 2015

Mấn



Mùa đông 1969. Lần đầu tiên tôi biết rét Thái nguyên. Thật ra thì cũng như rét Yên bái, Phú thọ thôi nhưng cứ ấn tượng bởi câu thơ Tố Hữu nên ai cũng thấy Thái Nguyên rét hơn. Phải nói cụ Tố Hữu giỏi. Cụ cho nhiệt độ vùng chiến khu Việt bắc giảm đi 1, 2 độ C dễ ợt. Mà có cái rất nhớ, nhớ như đóng đanh vào đầu là cái màu sám sỉn của Thái nguyên. Cỏ úa đến tái oằn oặt khiến cả quả đồi cứ một màu giống như đuôi chuột chết. Đồi bạch đàn gầy xác xơ vật vờ trong gió bấc. Đến cả những lùm cây sim chịu kham khổ là thế mà cũng úa vàng những mảnh lá nhỏ như cái mai cua chết nắng. Chuyện hôm nay tôi không kể về rét mà là chuyện khác. Chuyện về cái váy đàn bà mà lần đầu tiên tôi được nghe gọi là cái Mấn. Nhờ cái rét năm ấy mà cái Mấn ấn tượng mãi tới giờ.

Khóa tôi tập trung từ tháng 8, 9 năm ấy. Hết cắt tranh chặt nứa, dựng nhà, dứng tường, học chính trị tới cuối tháng 11 thì khai giảng. Vào học một cái là như con lợn thả lã ngoài rừng nay cho vào chuồng bí chân bí cẳng, đói ăn, sống kỉ luật khiến anh nào cũng thấy mình chuyển trạng thái một cách khắc nghiệt. Khắc nghiệt nhất là đói.
Đã đến khóa thứ 5. Dân địa phương quanh trường Đại học Cơ Điện cũng đã 5 mùa kinh nghiệm sống cùng sinh viên. Hễ khóa nào mới vào trường thì ấy là lớp người còn rủng rỉnh tiền. Tiền cha mẹ anh em cô bác cho nên sẽ rất vung tay. Lại nữa, mới ở nhà ra đi đói lắm nên máu ăn quà tợn. Khốn nạn, quà cáp chi cho cam. Toàn bánh sắn, sắn luộc. Chờ mãi tới chủ nhật đi bộ 5 cây số xuống cây số 11đường số 3 có cái cửa hàng ăn uống mua cái bánh rán bèn bẹt ăn xong rồi đi bộ về. Cao cấp nhất là mì không người lái bà Bút người HN sơ tán lên. Loại ấy chỉ mấy anh cán bộ đi học dám xài còn học sinh phổ thông không mon men vào nhà bà Bút. Sáng sớm, sương chưa tan lớp phó đời sống gõ kẻng dậy thể dục đã thấp thoáng mấy bà gánh bánh sắn đứng ngoài sân. Ôi chao đời tôi sau này nhìn bao nhiêu quán sá, nhà hàng không có cái thèm nhỏ rãi như ngày xưa nhìn mấy chị nạ dòng, mấy bà quê mùa gánh bánh sắn vào khu đồi tôi ở mùa đông 1969. Thế rồi nhoáng cái lũ trò xúm đông xúm đỏ quanh cái rổ lót lá chuối nghi ngút khói. Đứa xoàng thì làm một hào khúc sắn, đứa khá hơn làm hai hào hai khúc. Vài cô người thành phố thập thò xúi nhau mua bánh vào cái ca có lá cờ Ba nhất rồi chạy vù về. Cái bánh bé như quả bóng bàn trong có đậu xanh thơm ưng ửng. Tôi ít tiền mỗi tuần liều một hôm sắn luộc còn thì đứng nhìn. Khói ở mấy cái rổ sắn luộc thơm lâu thế, thơm đến tận lúc cắp sách vào lớp.
Vài hôm sau. Một sáng bửng mù tinh cửa lớp tôi có một bà già chừng gần bẩy mươi (có thể chưa đến nhưng chắc vì bà ăn mặc không giống mấy bà trong xóm nên già hơn tuổi) trùm khăn mỏ quạ, áo bông đen, mặc váy đen. Lúc bé tôi đã thấy các cụ già quê tôi mặc váy như thế. Đi làm đồng lúc cần tè các bà chỉ cần doãng chân ra là tồ thẳng xuống ruộng, sủi bọt lên thật tự nhiên. Mấy đứa con gái lớp tôi cười hinh hích nhìn bà già rét run cầm cập đứng bên gánh bánh sắn. Này! Bánh của bà gói lá chuối rất to làm bằng sắn tươi sát bột. Hai hào mà ăn no. Đông lắm, chúng nó nhao vào loáng cái hết. Ngày hôm sau lại thế bà cũng đến sớm. Rồi cũng nhoáng cái gánh bánh của bà mặc váy đụp hết veo. Vài ngày sau đấy bà vẫn gánh hai rổ bánh nhưng giờ thì lá chuối nhiều lên bánh thì bé đi nhưng vẫn hết. Bà già vất vả để trông chừng đám học trò kẻo bỏ sót cô cậu nào chưa trả tiền, bà gạt bà hét: chú ni cậu nì trả chưa? Hóa ra bà là người miền trong. Một bà già miền trong bán bánh ở Thái nguyên chắc là ra ở với con? Con làm công nhân Gang thép? hay bà là công nhân về hưu? Chịu chả ai biết. Nhìn bà cứ thương thương, bỗng dưng nhớ mẹ nhớ bà nội ở quê quá. Rồi có một ngày đám học trò đã quen bà hay trêu vui bà, có đứa cắm cái đũa mỗi đầu một cái bánh gánh ra ngoài bà la lên lại bỏ một cái xuống. Chả hiểu có ai kéo lật cái rổ thế là bánh lăn ra bãi cỏ. Bà hét toáng lên the thé. Bà nói rất nhanh giọng quê miền trong . Chả hiểu bà nói gì. Thằng Tăng Tiến người Hà Tĩnh cười phá lên. Tôi hỏi: bà ấy nói gì thế? Nó bảo bà kêu: Mua bán thế này thì có mà ăn hết cả mấn. Mấn là gì? Nó bảo Mấn là váy của bà ấy. Mấy đứa đang cười chợt im bặt. Bà già rơm rớm nước mắt miệng phù phù phủi mấy tấm bánh dính đất và lá bạch đàn khô. Rồi bà gánh vội rổ bánh còn dở ra về. Cuối tháng chạp rét càng đậm. Sương muối buốt thon thót. Những ngọn đồi bạch đàn nơi trường tôi càng xơ xác. Mấy tuần nay không thấy bà già mặc Mấn bán bánh nữa. Bà ấy ốm rồi hay sao? Hay cháu con không cho bà phải đi làm cái việc vừa vất vả vừa rét mướt? Tự nhiên chúng tôi thấy nhớ bà già khu bốn áo bông cũ mặc váy đụp mỗi sáng trước cửa lớp.

Tôi đi bộ đội. Những ngày hành quân qua khu bốn đầy bom đạn tôi lại gặp những người mẹ mặc váy đụp như thế. Trên đồng lúa cái áo tơi choàng lên người các mẹ che không kín cái váy nhiều mảng vá ố thâm . Các mẹ hái cho mớ rau, cho các chú vài cành củi rồi khoác áo tơi đi ra đồng trong cái rét mùa đông thời đạn bom giặc giã. Tôi chợt nhớ bà già mặc Mấn trên Thái Nguyên đứng bên rổ bánh sắn nghi ngút khói năm tôi mới vào đại học.

2013

No comments:

Post a Comment