Monday, March 30, 2015

Kí ức Tháng Tư ( Phần 3)


 Nhưng chuyện lạ của ngày hôm nay lại chưa phải là đôi giầy mà là chuyện tôi bỗng nhận được một lá thư . Không thể hiểu vì sao cánh quân bưu lại vẫn nghĩ tới chuyện đưa những lá thư thế này đuổi theo bọn lính ra trận ? Dĩ nhiên là lá thư cũng đến khá chậm . Đó là lá thư của một cô bạn từ miền Bắc . 

Bạn thôi , không phải người yêu người iếc gì . Cô ấy kể về nỗi vất vả của những ngày đi thực tập kĩ sư . Bạn bè cùng lớp họ đã ra trường và đi nhận công việc . Bất giác tôi thấy tủi thân . Bao giờ thì được về , liệu có sống sót mà về hay không , nếu có về thì học hành ra sao ...Đang miên man nghĩ ngợi thì chúng nó gọi sang giảng bản đồ địa hình cho mấy thằng lính mới . Tiểu đội trinh sát vừa được bổ xung hai chú lính Lào cai và cũng chia tay hai thằng “ Hoà chọi “ , “ Nết răng vàng “ xuống bộ binh làm cán bộ trung đội tăng cường cho mũi chủ công c7 . Ngày 19/4 có lệnh nhận bản đồ mới . Mấy thằng tranh nhau tìm đường ngắn nhất vào Sài gòn . Sao có vẻ ngon lành quá vậy ? Nhưng dẫu sao thì cũng chuẩn bị vào trận rồi . Lần này thì Sài gòn sẽ là hướng chính diện . Tối hành quân . Mang khá nặng vì mới được phát thêm bộ quần áo mới . Ai thiếu dép nhận dép , ai thiếu khăn nhận khăn . Thậm chí lại còn cả mũ cối mới bổ xung cho cán bộ . Súng đạn , vũ khí nhiều , có vẻ còn thừa thãi chẳng bù cho các chiến dịch trước đây ? Hôm ấy trăng sáng lắm . Hành quân chừng 4 tiếng thì tới sông sài gòn . Đội hình ùn lại tới 3 giờ sáng mới sang sông . Thuỷ triều đã rút ra xa , cầu phao tụt ra ngoài mép nước khiến bộ đội phải ì ạch lội bùn một đoạn khá dài mới có cầu . Người mệt lử , áo đẫm sương và mồ hôi . Mải miết đi tới sáng thì tới Củ Chi . Lúc sang sông chúng tôi thấy nhiều đơn vị ngủ la liệt ven đường . Họ ngủ ngay trên bùn ướt , thế mà cứ ngáy như sấm , hay thật . Trời sáng dần . Một vùng đồi hoang sỏi đá lau sậy cằn cỗi . Củ Chi đây ư ? Nhìn xuống dưới chân chỉ toàn là mảnh đạn và cát tút . Khắp vùng là hố bom và xác xe tăng hoen rỉ . Tịnh không một bóng người , không một tiếng chim . Chao ôi ! vùng đất đất này không còn gì để gọi là làng mạc được nữa mà là tử địa . Ngày còn ở ngoài Bắc , tôi đã đọc nhiều bài viết về đất thép Củ Chi , được nghe nhiều bài hát ca ngợi con người nơi đây và cả những bài báo người nước ngoài viết về vùng tam giác sắt . Nhưng hôm nay , một sáng tháng tư đẹp trời , đứng trên đất Hố Bò Nhuận Đức tôi mới hiểu thế nào là mảnh đất sắt gang của những con người thép . Họ đã giữ mảnh đất đầu cầu này để cho những sư đoàn chủ lực đứng chân chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng . Cái giá trị của hàng ngàn ngày bám trụ mảnh đất này chính là ở chỗ đó .

Mười giờ sáng cả sư đoàn phải ổn định xong chỗ trú quân . Ở đây không có rừng , chỉ còn những chòm cao su xót lại . Đồi đất trọc lúp xúp những vạt cỏ lau . Đơn vị nằm dọc sông Sài gòn . Khoét hầm vào những bờ cỏ ven sông . Những vạt rừng thưa thớt đông nghịt người , ngồn ngộn vũ khí . Nhiều trung đội chui vào trong cỏ , dẹp ra từng cái ổ nằm xuống mà sinh hoạt họp hành . Quân đông như kiến , xen lẫn chủ lực là những đơn vị biệt động . Tưởng biệt động thành ra sao hoá ra toàn các cô cậu học sinh trẻ măng , mười tám đôi mươi. Họ hăm hở và nhiệt tình đến khó tin . Trong số ấy nhiều người từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa đô thị mà dấn thân vào kháng chiến .

   Trong lúc nằm lại khu vực Hố Bò , họp hành , đợi chờ giờ nổ súng thì các đơn vị pháo binh lại nhiều việc . Đào hầm pháo , tải đạn , trinh sát và bắn thăm dò . Từ ngày 24/4 pháo binh bắt đầu bắn cầm chừng vào Đồng Dù , Hóc Môn và Tân Sơn Nhất . Cứ sau mỗi loạt đạn của ta chừng 5 phút sau thì địch lại phản pháo . Suốt ngày đêm đại bác rít qua đầu buốt óc , thỉnh thoảng có loạt rơi gần chỗ trú quân mảnh văng sèo sèo trên đầu . Nhưng mệnh lệnh là tuyệt đối bí mật . Cấm khói lửa , nổ súng , đi lại và bơi ra sông . Dù lệnh trên là như vậy , nhưng 4 năm không được đằm nước bây giờ nằm ngay bờ sông Sài gòn , mấy thằng trinh sát đội lục bình trên đầu bơi ra sông tắm .

   Trời ở đây thật kì lạ . Ngày nắng và nhiều gió nhưng chập tối là đổ mưa . Mưa ngắn mà to . Những cơn mưa không thèm doạ dẫm sấm chớp cũng chẳng cần dây dưa lâu la . Ngạc nhiên nhiều nhất khi thấy phụ nữ không thèm trú mưa . Kệ cho ướt , áo bà ba bó chặt thân người cong ỏng . ướt rồi lại khô , thật đơn giản . Gái Củ Chi cô nào cô nấy chắc như củ khoai sọ . Nước da nâu thật là duyên , tóc gọn gàng bằng cặp ba lá . Hỏi các cô có cần gì không thì các cô nói chỉ thích lựu đạn và dép đúc Trung Quốc . Cô nào cũng khoái dép đúc của chủ lực , vì dép của du kích thường bằng vỏ ô tô đi đau chân lắm . Còn lựu đạn dùng làm gì thì mấy anh rành quá rồi còn gì ?
   Sáng 27/4 có lệnh : Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải khâu một miếng vải trắng trên ngực ghi vào đó phiên hiệu đơn vị . Mỗi chú một mảnh vải đỏ đeo vào tay áo như băng đội trưởng trong đấu bóng đá . Có một yêu cầu khá thú vị đặt ra : trận này tất cả phải mặc quần áo mới , phải quán triệt thái độ đối xử với đồng bào trong thành phố giải phóng . Chiều ấy trong cái nóng nực Củ Chi chúng tôi từng người đăng kí danh hiệu “ Dũng sĩ thành đô trên đất thành đồng “. Trong phương án tác chiến mà trung đoàn phổ biến thì hướng của đơn vị tôi sẽ nhằm tới tận bộ chỉ huy đầu não của nguỵ quyền Sài Gòn . Cán bộ từ trung đội trở lên phải chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng cắm lên các cơ quan đầu não các công sở nguỵ quyền . Cả sáng hôm ấy chộn rộn , hối hả , tôi có cảm giác cứ ngứa râm ran cả người . Trưa , tôi quyết định xuống thăm lại đại đội 7 . Đại đội cũ của tôi nay quá nửa là lính mới . Số lính cũ sứt mẻ sau hơn một tháng trời chiến đấu nhiều quá . Thằng Luật B trưởng lên C trưởng thay Kế lên làm tiểu đoàn trưởng . Thằng Chấn lên chính trị viên phó , chiến sĩ cũ hầu hết trở thành cán bộ cả . Trung đội của tôi nằm quanh mấy bụi tre cụt . Chúng nó đang cắt tóc cho nhau . Thấy tôi đến chúng nó reo lên : nhờ anh Luân giải quyết mấy cái đầu của bọn Cao bằng đi . Thì ra khi vào Chơn Thành có đợt tân binh Cao bằng bổ xung về trung đoàn . Tiểu đội trinh sát cũng có hai chú đó thôi . Cả hai đều là người dân tộc , rất ngoan , dễ thương , nhưng chậm lắm . Tôi rất lo khi vào trận mấy chú này sẽ lớ ngớ hỏng việc hoặc lại phơi ngực hứng đạn thì khổ . Linh cảm ấy có phần đúng . Ba đứa người Cao Bằng được tôi cắt tóc cho hôm ấy chẳng có đứa nào trở về trong trận đánh hôm sau . 
    Chiều xuống , tôi và Sỹ kêu anh Thuỷ chụp ảnh . Tuy không dám nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng nghĩ thầm : Nói dại nếu có chết ngày mai thì còn cái ảnh mà thờ .
   Tôi chợt nhìn lên tường . Bức ảnh tôi chụp chung với Sỹ hôm đó thì vẫn còn , hiện hai đứa đều đem đi mông má , rồi treo lên tường như một thứ “hàng truyền thống “ của gia đình . Nhưng , tôi không dám nhìn lên những bức ảnh chụp chung với bạn bè chiều hôm ấy . Vì , trong số đó có nhiều đứa không về . Nụ cười trên môi họ còn nguyên vẹn đến hôm nay       
   ...Đêm qua và cả sáng nay pháo binh ta bắn dữ dội . Hầu như các đơn vị pháo đều đã vượt sang phía nam sông sài gòn , để sẵn sàng cơ động vào sâu hơn . Kể từ ngày váo chiến trường , đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy pháo ta có vẻ dư dả đạn . Từng loạt đại bác rít soàn soạt qua đầu bộ binh , tiếng nổ trái phá ầm ầm từ phía Đồng Dù vọng lại . Pháo địch cũng bắn trả nhưng không mấy hiệu quả . Trung đoàn đã lệnh bộ binh gói buộc ba lô đợi giờ xuất kích . Suốt ngày 27/4 chú nào cũng chỉ chừa cái võng bên ngoài , còn thì nai nịt gọn gàng . Đêm 27/4 qua đi nặng nề  . Vẫn chưa hành quân ...
Ngày 28/4 , qua làn sóng đài BBC thấy quân ta đã chọc thủng Xuân Lộc đang tiến đánh Biên Hoà , Nước Trong . Cả trung đoàn bồn chồn sôi sục . 5 giờ chiều , vào đúng lúc trung đoàn được lệnh lên đường thì phía Đồng Dù nổ dữ dội . Khói đen bốc lên ngùn ngụt , rồi những tiếng nổ liên hoàn kéo theo . Cách xa 12 cây số mà vẫn thấy ngọn lửa vàng rực một góc trời . Sau này mới biết kho xăng Đồng Dù bị pháo ta thiêu cháy . Bốn năm qua những cuộc hành quân xuất kích đối với chúng tôi không còn mới mẻ gì . Nhưng chiều nay bước chân bồi hồi đến lạ . Đội hình đi xít lại nhau , mặt đứa đi sau gối vào ba lô đứa đi trước .
   
      Bám sát vào nhau , hàng ngàn chiến sĩ lầm lũi tiến về phía Sài Gòn , nơi quầng sáng lung linh một góc trời . Trong lồng ngực có cái gì nghèn nghẹn . Cái cảm giác không giống bất kì một trận đánh nào mà tôi đã trải qua . Mũi tiểu đoàn 8 do tiểu đội tôi dẫn đường vòng phía đông quận lị Củ Chi , vượt qua đường 15 rồi men theo tỉnh lộ 8 vào chiếm lĩnh trận địa Tân Phú Trung . Nhiệm vụ được giao rất nặng nề . Phải đột kích tiêu diệt một tiểu đoàn ở ấp Chợ Tân phú Trung và Cầu Bông ( Bây giờ gọi là cầu An Hạ ) . Lô cốt ấp Chợ cách cầu Bông gần km . Cây cầu dài ba chục mét có 2 đại đội cảnh sát và lính dù chiếm giữ . Điều cốt tử là đánh tan địch nhưng lại phải giữ được cầu , không cho địch nổ khối bộc phá 200kg để huỷ cầu . Nếu cầu Bông bị phá huỷ thì hướng tấn công tây bắc vào Sài gòn coi như thất bại . Đi cùng tiểu đội trinh sát chúng tôi là một cô biệt động còn rất trẻ , có cái tên khá đẹp - Mỹ Hạnh . Sở dĩ cô này được đi với chúng tôi vì cô ta quê Tân Phú Trung . Hạnh chừng 20 tuổi . Vóc người đậm , rắn chắc , da ngăm đen . Nghe gới thiệu cô ta rất giỏi võ . Võ thì chưa biết nhưng bơi lội thì tài . Lúc 9 giờ đêm khi đơn vị lội qua một con mương rộng chừng 15 mét nước quá đầu . Mấy chú tân binh vùng cao không biết bơi nhưng lại không dám kêu vì sợ lộ nên cứ giã gạo giữa dòng . Một mình Mỹ hạnh lôi hai chú vào bờ lại còn mắng cho một trận làm bộ đội Bắc Việt vừa ngượng vừa khoái . Trung đoàn đã đi vượt qua căn cứ Đồng Dù rồi tiến sâu về phía Sài Gòn . Cả trung đoàn lội trên cánh đồng lúa đang kì trổ đòng . Bờ ruộng rất nhỏ . Lính ta ngã ì ụp , vì vậy tốt hơn cả là cứ giữa ruộng mà lội . Mỹ Hạnh luôn mồm than thở thương ruộng lúa nát nhừ vì hàng ngàn bàn chân dẫm đạp . Đêm ấy , những làng mạc vùng ven này không giống như mọi đêm khác . Tiếng lao xao í ới , tiếng chó sủa , tiếng động cơ xe máy xe ô tô chộn rộn . Mọi người đang hồi hộp chờ đợi một điều gì thật lớn lao xảy ra . 
          
       Vào lúc 2 giờ sáng , trăng bỗng sáng hẳn lên . Chúng tôi dẫn bộ binh tới giữa cánh đồng cách chợ Tân phú Trung chừng 2 cây số . Bộ đội nằm lại ngoài đồng chờ trinh sát lên bám địch lại lần nữa ... Trời đã bàng bạc đằng đông , đúng lúc ấy, phía Đồng Dù tấn công thì đồng loạt DKZ, cối 82 , cối 120 ở đồng Tân Phú phát hoả . Ngay loạt DK đầu tiên , 8 khẩu cùng bắn , đồn cảnh sát cầu Bông sập hoàn toàn . Bộ binh D9 và đặc công 198 vận động dưới tầm pháo xông lên đánh cầu . Cho tới bẩy giờ sáng thì cầu Bông đã về tay quân giải phóng . Phía ấp Chợ các lô cốt kiên cố bắn trả dữ dội . Quân ta không tiến lên được . Bộ binh nằm trên đồng trống bị thương vong hơn hai mươi người . Tình hình trở nên căng thẳng . Tiểu đoàn lệnh trinh sát và thông tin xuất kích .Từ phía chợ thằng Thuận ( người Đông Lao ,Hoài Đức ) bị đạn thẳng vào cổ đang bò ra cánh đồng . Tôi châm điếu thuốc Rubi cài vào mồm cho nó rồi bò ra trận địa .Đạn từ ba lô cốt táng dữ dội vào trận địa 12,7 của C16 . Mấy thằng C16 dạt ra . Thằng Khuất Duy Hoan C7 chồm lên , ôm 12, 7 li vừa bắn vừa chửi . Được củng cố tinh thần , thằng Hoà người Cao Bang thị xã phú thọ bật dậy bắn liền 2 phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay một liệt sĩ bắn xối xả . Đúng lúc ấy nó trúng đạn , gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng . Đại dội 7 xung phong ra phía chợ , chui vào ngóc ngách nhà dân ném lựu đạn ra đường . Trận đánh giằng dai tới 11 giờ trưa thì có tiếng xe tăng chạy ầm ầm từ phía Củ Chi về Sài Gòn . Bộ binh quay ra bắn xe tăng , ba chiếc bốc cháy đâm sầm vào trường tiểu học Tân Phú . Đúng lúc ấy xe tăng quân ta đuổi tới nơi . Bộ binh ta thấy xe tăng cờ đỏ sướng quá rối rít chỉ lô cốt cho họ bắn . Thế là hàng chục thằng Nguỵ cố thủ trong ba lô cốt trở thành đống thịt nướng . Ngót trăm thằng từ trận địa bên kia đường bấy giờ mới kéo ra hàng . Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 29/4. 
        Không còn đường nào chạy thoát , tàn quân địch chừng ba chục xe tăng thiết giáp không dám lên cầu Bông , bổ nhào xuống đồng lúa Tân phú Trung ngay phía sở chỉ huy tiểu đoàn tôi . Lập tức tiểu đoàn cho c9 đánh thẳng vào cụm xe tăng địch ( c9 hôm ấy đi phối thuộc với D8 ). Trên đường số 1 , pháo ta hạ nòng bắn thẳng . Cả đồng lúa biến thành biển lửa . Sau này vào năm 1988 tôi có quay trở lại đi trên bờ ruộng lúa năm xưa lòng bồi hồi nhớ về vùng lửa khói ngày ấy , cái ngưỡng cửa bình minh của những người sống sót như tôi . Cứ điểm án ngữ cuối cùng của thành phố đã mở thông . Xe tăng , pháo binh , bộ binh của cả sư đoàn 10 , E593, E232, E234 và rất nhiều đơn vị ào ào xông vào thành phố  . Trời oi nồng vì nắng , vì bom , vì lửa . Tiểu đoàn phải để lại hơn ba chục tử sĩ và năm chục thương binh . Các mẹ các chị trong làng đổ ra lo khâm liệm và chôn cất những người hi sinh ngay phía trong chợ Tân Phú Trung . Cho tới đầu những năm 90 họ đã được quy tập về An Nhơn Tây . Trong số những người hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối cùng của trận đánh là trợ lí tham mưu tên Măng người Thái bình . Măng chết lúc đang giương khẩu chống tăng của địch để bắn xe tăng địch .Cũng ở trận địa này , trong Mậu Thân 1968 sư đoàn 9 đã hi sinh hàng chục người mà hồi đó người dân Củ chi đã lập miếu thờ ven đường . Trong miếu thờ đó , ba chiến sĩ C6 của chúng tôi hôm nay cũng nằm lại .
   Mười hai giờ khuya chúng tôi tạt vào làng Tân sơn nhì ngủ lại . Năm giờ sáng đang nấu cơm chưa kịp ăn thì có lệnh : Tất cả mọi đơn vị , bằng mọi giá , bằng mọi phương tiện , xốc thẳng vào Dinh Độc lập . Thế là lao ra đường , chặn xe của dân, huy động cả máy cầy , xe lam,xe đò mạnh đại đội nào đại đội nấy tìm đường đánh vào dinh.

No comments:

Post a Comment