Monday, March 30, 2015

Nhật ký tháng 3/1975



Hôm nay , ngồi nhìn những dòng nhật kí ngắn  ngủi về những ngày tháng ba năm 1975 . Những ngày mà cách đây đã 37 năm , thế mà nó cứ hiện về rõ mồn một . Muốn viết thật vui thật hóm hỉnh về chuyện sống chết mà lại cứ đưa mình về cái mạch xuy nghĩ khác , tệ thế . Mình đa cảm ngay từ xưa bé nhỏ , cái gì nhớ thì day dứt , cái gì yêu thì đến đớn đau . 

Mới ngẫm lời xưa kẻ đa đoan thì đừng kêu ca sướng khổ . Muốn thăng tiến thì đừng đa đoan , biết dẫm đạp cũng là sự tích cực . 
Mà thôi , mình kể chuyện ở đây là với bạn bè chiến đấu thôi cơ mà . Xin kể :
Cai ngày 28/3/75 trong nhât kí có vẻn vẹn một dòng . Nhưng sự thật thì không phải . Nó dài lắm , dài đến tận bây giờ .

Tôi trích nhật kí " 28/3/75 . hành quân tới ven một bãi lầy Phú yên . ở đây dọc sông máng , bộ đội địa phương đánh một đoàn xe - hành quân đêm trên bờ máng đầu tiên . nghỉ lại đây một ngày ."


Gọi là hành quân thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi , còn đơn vị vẫn ở đằng sau . Khi chúng tôi đánh địch trên Củng Sơn Phú Túc thì có một đoàn xe đã vượt qua rồi . Về tới khúc sông máng , đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh . Việc đó đã diến ra ngày hôm trước . Phía xa , làng mạc miền nam đầy những vườn dừa , những đồng lúa xanh ngút ngát , chiều nắng vàng sau lưng , chúng tôi hít căng lồng ngực cái hương đồng miền nam mà xưa nay vẫn hát "...Miền nam em dừa nhiều , miền nam em dứa nhiều .."

Không có quân địch , không thấy có súng nổ , chiều hôm ấy thật lạ . 5 thằng chúng tôi ngồi trên mép sông máng , dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà . Bỗng từ dưới ruộng có tiếng  động , nhỏm dậy ! bờ ruộng bùng nhùng , thằng Luật nổ mấy viên đạn lên tròi . ( may thế , nó không bắn xuống ruộng ) Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính ngụy , người bê bết bùn nước , tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông , run rẩy : Thưa ông , con xin các ông ...

Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng . Nhìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí . Không .. Không có vũ khí nào hết mà là : một hài nhi , hai tay hươ hươ mắt ti hí ... Người lính xụp xuống ..Thưa các ông con đưa vợ con chạy từ quân khu 2 , vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn . Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này ...cho nó làm... làm ...người .


Người lính VNCH gục đầu nức nở . Năm  đứa tôi nhìn nhau ,  rồi vội nhìn đi chỗ khác , bởi vì chả thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mình khóc . Có tiếng đạn pháo vút qua đầu , người lính ngụy ôm chặt cái làn đỏ vào ngực : ới  con ơi !

 Chúng tôi cũng xà xuống che người xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về , và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng . 

     Thằng Luật là đứa cục cằn nhất lên tiếng : thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi . Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin . Còn thằng nào có cái gì đưa ra . 

Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa ở đó có hai hộp sữa rồi , bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra một hộp nữa , tôi có mấy tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho người lính , thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho người bố tội nghiệp kia . 

NGười lính ngụy ngồi đờ đẫn cám ơn , chúng tôi dục : thôi đi ngay vào làng đi , anh không nuôi được cháu đâu , gửi dân họ nuôi thôi . Chúng tôi cảnh giới cho mà đi ... Tôi nhìn người lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn , bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng rồi chúng tôi mới hành quân .
 Chiến tranh lùi lại phía sau còn kí ức thì lại nhao về phía trước mắt những người già . 


Ba mươi bẩy năm rồi . Người lính ngụy ấy còn sống ở đâu ? anh có tìm về Một làng ven con sông máng đường 5 Phú Yên tìm đứa con gái     tội nghiệp của anh không ?


Ba mươi bẩy năm rồi , cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu ? Trong hàng đêm ngần ấy năm trời tôi luôn cầu mong cháu sống và làm người nhân hậu . 


Tôi cũng đã già , cũng đã trở lại con đường máu lửa ngày ây , tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem chương trình kí ức đường 7 của Thu Uyên , bởi hơn ai hết chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh .

No comments:

Post a Comment