Monday, March 30, 2015

Mùa xây mộ



Người ta hay nói mùa hoa , mùa lễ hội , mùa xuân hạ thu đông hay rầu lòng vì khí hậu thời tiết thì nói mùa gió bấc mùa gió chướng mùa lũ mùa bão . Văn thơ nhạc họa thì hay nói đến mùa con ong đi lấy mật , mùa hoa sữa thơm nồng mùa uyên ương xây tổ …cán bộ công chức thì hay nhớ mùa tổng kết mùa liên hoan mùa đại hội vân vân và vân vân . Tôi nghỉ hưu rồi , mùa gì cũng chả lạ với tôi . Tịnh không bao giờ nhớ mùa liên hoan tổng kết nữa mà có chợt phải nhớ thì đều thấy người nó gai lên dọc sống lưng xuống tận đít. Quái lạ , mình đã từng làm cho nhà nước cả một đời mà hễ nghĩ lại cái mùa tổng kết mùa đại hội sao nó cứ như xúc phạm. chả rõ mình xúc phạm nó hay nó xúc phạm mình ? Cái mùa ấy nó tốn kém bao nhiêu thì nó giả tạo bấy nhiêu . Làm cha mẹ lại lo cái mùa cưới. Hai thằng con trai lo hai phát ấy cũng già đi dăm tuổi. Ấy nhưng mà hân hoan và mong muốn được lao lên cái mặt trận đầy tốn kém nhiễu sự này.
Bây giờ tôi hay nhớ mùa khô mùa mưa . Tôi hay nhớ cái mùa lính tráng ngày xưa gọi là mùa chiến dịch . Mùa chiến dịch thường là mùa khô . Không khô thì đi lại vận chuyển vũ khí lương thực làm sao , đánh đấm thế nào . Thời ấy làm lính , trẻ măng biết gì đâu . Chỉ biết phải giữ vững lập trường quyết tâm chiến đấu hi sinh vì lí tưởng cộng sản . Lí tưởng và cộng sản là gì chịu cũng chả hiểu . Chỉ thấy mấy anh cán bộ đi trước xông lên thời ta cũng xông lên . Nay già rồi , học hành nhiều hơn nói chuyện về đánh nhau thì gọi là tác chiến , đọc sách nhiều hơn nên gọi cách đánh là chiến lệ , rồi biết là trận ấy trận nọ gọi là hiệp đồng binh chủng . Chứ thật ra cũng chả biết hiệp đồng ở chỗ nào , cái gì gọi là binh chủng . Cũng vì già rồi hỏi mấy thằng bạn làm cũng to to Lí tưởng Cộng sản là gì ? nó trợn mắt , mày hâm à mà hỏi câu ấy ! Mình ngớ người . Chả trách có thằng Tổng giám đốc ranh con ngành thép tôi làm ngày xưa nó dậy đạo đức làm ông làm bà cho nhân viên ở TCT nó cứ vanh vách trong khi bên dưới ngồi nghe có cả chú ruột nó , cậu ruột nó . Nó lẩm bẩm , mẹ kiếp xin cho họ hàng vào cơ quan chính là tự bóp mồm bóp miệng mình.
Tôi nhớ . Ở đơn vị tôi mùa khô thì đánh nhau mùa mưa thì đi qui tập liệt sĩ . Lúc đánh nhau vội lắm , sau một trận là chạy thục mạng . Chôn cất đồng đội cũng vội vàng . Nói phải tội, anh em chết rồi mà vẫn khổ . THằng sống lôi thằng chết sềnh sệch . Quấn vội vàng trong tấm tăng cái võng rồi chôn . May mắn những ai được c25 khiêng ra thì còn tươm hơn tí chút . Đào sâu hơn một tí , cuốn gọn hơn một tí và vài đồng chí nằm cùng nhau một nơi . Vài tháng sau mùa mưa đến , hai bên ít choảng nhau hơn . Địch thì co vào căn cứ nghe mưa sối , lũ rừng réo mà bắn pháo về phía quân ta . Quân ta thì tranh thủ xuống cắm ở bản ở dân gây dựng phong trào du kích và tăng gia . Lúc này là lúc các đơn vị đi thu thập hài cốt liệt sĩ của mình . Khỏi nói sự này khổ đến đâu . Thân xác anh em mới chôn vài tháng nay đang kì phân hủy , thương lắm . Đồng đội nhìn thấy nhau những đống thịt thối rữa , đồng hương nhìn nhau rồi về quê kể với gia đình làm sao ? NHững cuộc qui tập ấy ở đơn vị tôi bao giờ cũng theo sát là cán bộ cấp đại đội , những anh có trách nhiệm ý chí rất cao đi chỉ huy . Sau một đợt qui tập về những chiến sĩ gày hốc hác thất thần . Tôi có một người bạn thân nay ở Hà nội là Viện trưởng viện Lao và bệnh phổi mùa mưa năm 1973 đi qui tập ở dọc đường 19 . Nó bảo , chúng tao đào lên bó lại người vẫn là người nhưng co ngắn lại chỉ chừng hơn một mét . Hai thằng khiêng một tồng tênh đi 5 tiếng ra Đức Cơ . Tài sản của liệt sĩ mình toàn là bật lửa Tàu , bút máy Trường sơn có thằng có đèn pin cổ ngoéo … tất cả cái đồ di vật ấy ( mãi sau này tôi mới hiểu gọi đó là đồ tùy táng ) là đồ con nhà nghèo . Ừ nhỉ lính nghèo nhất trên đời rồi thì cái mồ mả của lính chả là thứ mồ mả nghèo nhất thì sao . Nó mang về hai đôi dép còn mới . Nó bảo xin các bạn ấy rồi về cho mấy thằng không có dép đeo mà đi đánh nhau . Thằng có xin dép từ dưới mồ thằng chết vài tháng sau vào mùa khô lại chết . Đôi dép lại liệt sĩ một lần nữa . Đau lòng quá . 
Trong những ngôi mộ lính ở chiến trường chả bao giờ có thứ đồ gì có giá trị . Cao nhất là cái đồng hồ poljot , cái bút máy Trường sơn 3 đồng tư, cái ví Cty nhựa Tiền phong , vài cái khuy áo dự trữ đút trong túi áo lính. Thế nhưng , trong đám đất đen mủn kia có khi người ta moi lên cả những tấm ảnh mà phần nhiều là ảnh thiếu nữ nhà quê. Những người phụ nữ Việt nam được chôn theo chiến binh chết trẻ . Việt nam là thế , các cuộc chiến tranh chắc cũng đều giống như thế. Một chiến sĩ hi sinh là bao nhiêu cuộc đời chết theo.
Chiến tranh qua lâu rồi . Đất nước mình đã có biết bao nhiêu đội qui tập liệt sĩ . Những đội này toàn mang tên K này K nọ (? ). Họ lại lên đường vào mùa khô để đi tìm hài cốt liệt sĩ thủa xưa . Ờ nhỉ , cũng mừng cho họ không phải như bọn tôi ngày xưa đi vào mùa mưa . Đồ “ tùy táng “ nay đã mục nát , đến như cái bi đông rách cái dép cao su cũng đã gần mủn ra rồi xương cốt anh em còn lại làm sao . Rừng Trường sơn mối kiến nhung nhúc như thế xương cốt nào cho lại với côn trùng mưa lũ . 
Đời người ai mà chả lo đến việc mồ mả cha mẹ tổ tiên . Tháng 10 , 11 âm lịch đến . Khắp cả xuôi ngược , thành phố , nông thôn , giàu , nghèo đều lo cải táng bốc mộ xây mộ cho người thân . Tháng này về quê đi qua những nghĩa địa vào đêm tối thấy đèn điện sáng như sao giăng . Sương lạnh , mưa phùn cũng chả là gì, con cháu từ trời tây từ thành phố về ùn ùn những xe cộ đứng che ô rồi nhà nhà góp tiền bốc mộ xây nhà mồ xanh đỏ thật to thật bề thế . Chỉ sau một đêm , nghĩa địa làng thêm bao nhiêu ngôi mộ mới bằng bê tông hoặc đá Granits lừng lững . Tháng này mà về quê là chỉ thấy mời cỗ là cỗ. Toàn cỗ bốc mộ. Mà nghĩa cử này nhớn lắm không coi thường được. Phải đi phải có lễ phải đàng hoàng . Mùa bốc mộ kéo dài đến gần tết . Nhà nào cũng phải cố lo cho tổ tiên cha mẹ có nhà mới ăn tết . Những ngôi mộ xây sau cố cao to hơn mộ xây trước. Thế là nghĩa địa lại hệt như nhà chia lô. Họ phải cố sao cho không đụng hàng , phải cố khác cái nhà bên cạnh một tí . Mồ mả nhà mình phải cố cao hơn nhà bên cạnh một tí . Nhà nó đỏ thì nhà mình phải xanh , nhà nó câu đối chữ quốc ngữ thì nhà mình chơi hẳn chữ nho cho oách. Những ngôi mộ vì thế dần cũng phức tạp lên , phức tạp ngay cả cho sự bàn bạc thời gian qui mô trong một gia đình. Phức tạp cho phân bổ đóng góp cho anh em nội ngoại chi trên chi dưới. Mộ càng to càng phức tạp bao nhiêu thì sự đoàn kết anh em trong gia đình càng kém đi bấy nhiêu. 
Tôi về quê, nghe làng bên có tay đi học bên tây về làm luật bên công an rồi mả bố nó kết phát nay lên đến tướng công an dù anh ta chưa hề biết đến một ngày làm chiến sĩ công an nay về xây mồ mả rầm rầm . Tường đá , bia đá , quách đá , chở hàng chục xe tải , đánh hẳn một con đường vào làng , xóm làng rậm rịch như có đại hội xã viên ngày xưa chỉ vì mả bố tay công an. Giữa cuộc rượu mừng tay tướng công an vỗ ngực khoe Cái tường đá của công an tỉnh này biếu cụ , cái lô đá khắc chữ nho là công an thành phố kia tôn vinh cụ , cây cảnh cổ thụ này là công an tận trong miền trung chở ra . Hắn nói , thành tích to nhất của đời tôi là đưa được hơn bốn mươi người làng mạc họ hàng vào công an . Chao ôi chả trách ngành công an càng ngày càng tệ hại , chí ít là về đạo đức.

Tháng này về quê , nhìn những nhà nghèo xây mộ cho bố mẹ rõ là hiu quạnh nhưng êm ấm . Họ chả thuê thợ ngoài họ cặm cụi vợ chồng con cái gánh gạch chở cát đắp ngôi mộ của cha mẹ mình trong giá lạnh mưa phùn cuối năm . Tôi chợt nhớ mùa qui tập đồng đội mình xa lắc đã mấy chục năm dầm dề mưa và đau xót

No comments:

Post a Comment