Sunday, March 29, 2015

Lẩn thẩn nhớ đến Cầu Giấy


Suốt một khoảng đời lặn lội kiếm sống lại ở Hà nội . Cái dân tỉnh lẻ như tôi bươn chải hết ngoại nội rồi lại từ nội ra ngoại . Tôi lấy vợ ở Bưởi khiến con đường mà gọi là đường Thành từ Bưởi về Cầu giấy ám ảnh đi về . Ngày ấy U tôi bảo anh đi đường Thành từ đây xuống Thủ lệ rồi vòng chớm làng GIảng võ là đến chỗ vợ anh làm. Mình đi quả thấy con đường cao như cái đê áp theo sông Tô lịch cứ ngấn ngơ nghĩ sao lại là đường thành ? Bố vợ bảo người ta đắp nên con Thành đất ấy để bảo vệ kinh đô . nghe hai cụ già chả học vấn gì nói vậy mà kinh . Bố mẹ vợ người Hà nội cũng có khác nói gì cũng có lí .

Con đường Thành từ Bưởi xuống Thủ Lệ rười rượi mát mùa hè và lạnh tái tê mùa đông . Những năm đầu 80 đoạn dốc tập lái bạt ngàn lau . Bông lau to lắm , đẹp phất phơ . Sông Tô Lịch vẫn thấy người bên NGhĩa Đô , bên Quan Hoa đi thuyền vớt rau muống bè . Tôi cứ chiều chiều đi đón vợ dựa xe gốc cây Xà cừ ngã ba Cầu Giấy chỗ có cái hàng bán thực phẩm nhìn xuống dốc cầu . Họ bảo là Cầu Giấy mình chả hiểu sao lại gọi thế . Cây cầu bê tông chừng 20 mét dài khiến khúc sông này thắt lại . Dưới sông nước vẫn sâu nhưng đen ngầu . Có lần tôi chui xuống gầm cầu nhòm thử thì ra bên trên là xe cộ người ngợm hối hả còn dưới gầm là một xã hội hối hả bức xúc không kém . Nơi này có nhẽ tới hai chục hộ trú ngụ . Trong bóng tối lờ nhờ có những cặp mắt cú vọ lườm tôi . Chỉ nhoáng cái tôi phải nhao lên ngay kịp ghi lại trong đầu những nồi niêu đen nhẻm , những mái đầu bù sù và những bọc áo quần mốc thếch bọc lấy vài đứa trẻ con . Từ ấy Cầu Giấy với tôi bí ẩn dưới chân mình như sự ủ bệnh mà đố ai biết được . Tôi có Bà Dì lấy chồng ở Dịch Vọng tiền . Chỗ Bưu điện Cầu Giấy bây giờ chính là gần cổng tiền . Ngày ấy thích lắm mỗi lần đến nhà dì . Cái nhà 5 gian ngói cổ đầu hồi cho thuê làm hiệu thuốc bắc áp sát bưu điện còn bên trong bốn gian ninh ních con cháu . Tôi đến thăm dì là chú tôi chạy ra chợ nhoáng cái làm hai bánh đậu chú cháu uống vài chén rượu . Khiếp , ngày ấy mình chưa biết uống chú thì uống cứ khà khà . Ông bố chồng dì tôi cầm cái quạt nam ngồi trên cái sập gụ im lặng như pho tượng cổ chùa Láng . 
Năm 1977 Tôi đi thực tập tốt nghiệp ở Điện Cơ Thống Nhất dưới Hoàng Mai . Chả ai quen biết phải ở nhờ nhà một anh kĩ sư cùng nhà máy ở làng Tám . Cũng năm ấy thằng em trai ôn thi đại học . Hai anh em vừa đói vừa nằm trong cái căn nhà muối uu u như kèn . Hôm em xuống nhìn nó tay chân sây sát nứt nẻ mưng mủ vì lá han . Nó gánh một gánh toàn dễ khoai ăn trầu đỏ chảy nhựa tươi ôi ối . Ngoài chợ cứ hai hào họ chặt cho một khúc như miếng dồi chó , nhìn bó vỏ gần hai yến tươi như thế đồ rằng phải dăm chục đồng . Em trai tôi bảo em đi đào rễ ăn trầu để lấy tiền xuống đây ôn thi dính lá han bóc hết cả da . Nhìn nó thương chẩy nước mắt . 
Hôm sau suốt một ngày từ chợ Mơ lên chợ Hôm chợ Bưởi chả ma nào mua cho . Mấy bà nạ dòng bán trầu vỏ các chợ bĩu môi chả thèm giả nhời . Đói mờ mắt , mà chả bán được . Hai anh em đèo nhau ra chợ Cầu Giấy . Nắng oi ói làm mặt sông Tô Lịch sủi bọt . Chợ vắng hoe . Mấy mẹ nằm lim dim bên sạp hàng trông hoa cả mắt . Nào vải nào bánh nào gạo nào trầu cau vỏ rễ xanh đỏ và những cặp giò mảng bụng tuổi ngoài bốn mươi trắng như lợn cạo . Hai anh em tôi như kẻ chết đói mời hàng rễ vỏ . Họ nhỏm dậy . Nần nẫn những vú vê bụng mông . Rồi thử rồi ngắm rồi xì xì . Mang chỗ khác mà bán . Thương em trai bao nhiêu thì mình cay cú bấy nhiêu . Họ dìm giá đấy em ạ .Thấy mình là kẻ bán lang thang họ dìm . Thằng em bảo , dìm giá là thế nào? họ có mua không ? rẻ cũng bán anh ơi . Tôi nhìn ngoài trời nắng đã sang chiều , nước mắt ứa ra . THôi về đi em , anh sẽ có cái bán một phát được ngay mười mấy đồng . Chỉ xuống chân đôi dép nhựa Tiền phong còn mới thấy em tôi nuốt nước bọt . Biết nó cũng mê đôi dép như vậy lắm …
Hai anh em khiêng bó rễ ra ngoài cầu . Mấy mẹ hàng trầu vỏ nhìn theo . Năm đồng bán thì mang vào đây hai thằng nhà quê kia ! Tôi quay lại giờ hai ngón tay khoèo vào nhau hình quả chám dứ về phía mặt mụ . Tôi bê bó vỏ khoai ném ùm xuống sông Tô lịch . Mấy cái đầu dưới gầm cầu ngó ra rồi nhẩy tùm xuống sông . Nắng xiên khoai tôi đèo em tôi về . Phía đầm Thủ lệ có mấy xe chở phân lấy từ nội thành ra cho cá đứng xếp hàng , mùi hôi nồng nặc . Hai anh em chả ai nói với ai câu gì cho tới khi về đến Làng Tám dưới Giáp Bát .

Nhiều lần đi ngang qua , dừng xe đứng trên Cầu Giấy nhìn xuống sông . Nước sông Tô Lịch nay trong hơn tí chút. Cái chợ ngày xưa dọn đi đằng nào. Con đường Cầu Giấy bây giờ đến là to mật độ gái đẹp tăng lên đến là nhiều. Thích lắm. Thế mà cái buổi chiều nắng xiên khoai năm 1977 vẫn nóng hầm hập như mới đâu đây. Thằng em giờ là Đại tá Tiến sĩ ở Học viện Cảnh sát trên Cổ Nhuế thi thoảng nó vẫn bảo em đi qua Cầu Giấy lại nhớ đến khuôn mặt anh đầy mồ hôi lúc ném cái bó rễ khoai xuống sông. Còn tôi , tôi cứ nhớ những vết lở loét của nó và nét mặt bần thần khi đi theo tôi ra chợ Mơ bán đôi dép Tiền Phong ngày ấy .

No comments:

Post a Comment