Tuesday, March 31, 2015

TRỞ LẠI CHARLIE (Phần 5).


Nhang rừng rực cháy trên đỉnh 1015

Từ đây, chúng tôi đã thấy rừng thông. Nhưng thông không thể trồng khắp các điểm cao được. Nó chỉ ở những vạt đất đỏ mà thôi còn những sườn dốc đá vẫn là cỏ lau khô sác. Tôi đang cố hình dung ra đâu là M11, M12, đâu là D1, D2 . Tôi đang cố hình dung ra 12,7 li bố trí thế nào mà hôm ấy đại đội 2 D16 của Khuất Đình Nuôi, trong vòng 15 phút bắn rơi 5 máy bay địch và cả trận đánh này, riêng đại đội anh đã hạ 9 máy bay các loại. Chúng tôi dừng xe trên sườn đất đỏ để xác định nơi đại đội 7 bị bom cháy lúc 2 giờ chiều 13/4/72, làm hi sinh 24 chiến sĩ và hơn 10 người bị thương. Tôi nhớ chuyện anh Kiều Thế, người Thái Nguyên bị cháy hôm ấy mà không chết. Sau này anh Thế trở về làm trưởng phòng ở Sở Thủy Lợi Thái Nguyên, vẫn mang những vết cháy sần sùi trên mặt trên tay. Tôi gọi anh Hinh, người đại đội trưởng can trường của D8. Tôi đứng giữa các mỏm M11, M12. Nhìn những yên ngựa hẹp vanh vanh mà bộ đội ta vượt qua để tấn công, hỗ trợ cho nhau. Những yên ngưa ấy, hôm nay toàn là lau lách, vàng như rơm. Máu các đồng đội tôi đổ xuống chảy rẽ sang hai sườn đồi dốc đứng. Gió ngàn ngạt thổi, cỏ lau phất phơ, trong gió có mùi nhựa thông, mùi hoa cà phê từ phía DakTo ngạt ngào. Hít căng lồng ngực ngọn gió cao nguyên, tôi nhìn dòng Pô Ko ở phía mặt trời đang chói chang. Bốn mươi ba năm trước, đồng đội tôi có kịp thấy mặt trời như hôm nay không? M11 đây rồi. Loạt bom B52 rơi đúng sở chỉ huy tiểu đoàn 8 . Chỉ huy tiểu đoàn, trinh sát thông tin hi sinh hết. Trong giờ phút ấy, các đơn vị vẫn xốc đội hình xung phong. Đây rồi, cao điểm hầm hố chỉ còn những vạt đất lồi lõm, mọc đầy lau và có xấu hổ. Tôi như thấy anh Đàm Vũ Hiệp còn đây. Người con trai Phúc Thọ, Sơn Tây học giỏi, làm thơ hay vẫn đang đứng trong nắng vàng Kon Tum. Anh Hiệp ơi, đứa con gái ngày anh đi chiến đấu Tây Nguyên chưa ra đời, nay đã là cô giáo ở trường Sĩ quan lục quân Sơn Tây. Chúng tôi vẫn nghe như anh đọc bài thơ “ Chiếc áo trấn thủ” để động viên chiến sĩ. Hai mươi ba tuổi, anh đã là một Đại uý Tiểu đoàn trưởng, dạn dầy trận mạc. Anh nằm đây nghe rì rào dưới kia dòng Pô Cô vẫn chảy. Chúng tôi vẫn nhớ anh ước ao phá toang phòng tuyến này sẽ nhẩy xuống sông Pô Cô mà tắm cho thoả thích, cho bõ cả tháng trời không một lần tắm giặt.
Chúng tôi thắp nén nhang trên miếu thờ hơn ba mươi công nhân, trồng rừng trên Charlie đã hi sinh vì bom mìn còn sót lại lúc 10 giờ sáng. Nắng vàng như nghệ và gió như ngựa hoang quất đuôi vun vút. Ngước lên đỉnh cao nhất của 1015, một màu sám đen những đá và cỏ khô. Đỉnh cao ấy không có xe nào leo lên được đến chèo bộ cũng khó. Anh Hinh hi sinh trên mỏm ấy. Tôi bỗng nhớ Trần Xuân Lược sau này là đại đội trưởng lúc 19 tuổi. Lúc lên mỏm cao này Lược là liên lạc. Vừa truyền lệnh, Lược vừa đánh địch. Lược nhanh như sóc và bạo gan đánh gần. Ngoài viêc hoàn thành nhiệm vụ của mình Lược tiêu diệt 9 tên địch. Khi đã là đại đội trưởng, hàng đêm vẫn chui vào hầm của tôi, để gạ tôi kể chuyện tán gái. 6 năm sau trận đánh 1015 Lược hi sinh ở Biên giới Tây Nam khi đang là Tham mưu trưởng trung đoàn. Trong hun hút gió, tôi nhìn xuống dốc núi thăm thẳm và thấy như Trần Xuân Lược đang leo lên, leo xuống sườn núi trong bom, trong đạn lửa. Tôi nhớ trong đêm mùa mưa, nằm trong hầm lép nhép bùn ở đường 19 Gia Lai, Lược nói với tôi “Đánh 1015 xong trở về đại đội hành quân không cần truyền lệnh”. Đại đội chủ công của tôi trong tiểu đoàn chủ công cũng chỉ ngót mươi người lành lặn. Người đi đầu có thể ngoái lại nói với người đi cuối đội hình. 1015 Một khúc ca bi hùng. Khúc ca về một vùng đồng đội của chúng tôi.
Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống dòng Pô Cô loang loang trắng ở phía đông. Ngọn núi như cái đầu người hói. Công ty Nguyên Liệu Giấy cũng chỉ trồng cây ở phía dưới chân lên lưng chừng. Đỉnh núi trơ trọi vì bom và chất độc phát quang nhiều quá. Đến nỗi bây giờ cây vẫn không mọc được. Ở đây chỉ có một thứ cỏ lau và cỏ Mĩ khô sác đến nỗi chỉ cần một mồi lửa là cả quả núi sẽ thành núi lửa. Đột nhiên tôi nghĩ tới cái bật lửa của A trưởng Nguyễn Mạnh Khởi, người Văn Giang, Hưng Yên. Khởi bị thương ở 1015. Nằm viện 3 tháng rồi về cùng trung đội với tôi. Khởi có thói quen, cứ đêm đêm là giở ba lô lấy cái bật lửa Zipo ra xem. Chúng tôi gạ đổi cái gì Khởi cũng không đồng ý. Có lần anh gắt. Đừng gạ bật lửa của tao nữa. Đây là cái bật lửa của thằng Nọn cùng làng tao. Nó chết trên mỏm dốc nhất cùng anh Hinh đấy. Tao bò lên nó mở mắt bảo tao, mày mang cái bật lửa về cho bố tao. Từ ấy, không ai dám hỏi gì nữa về cái bật lửa.
11 giờ trưa trên đỉnh Charlie, tôi chọn một chỗ không có cỏ khô, lập bập thắp nhang cho đồng đội. Tôi quay nhìn về phía Tây, ngọn Chư Mom Ray xanh mờ huyền ảo. Dãy Ngọc Rinh Rua thơ mộng thế. Dưới kiam những đụn khói đốt nương le lói. Làng Rờ Kơi có con suối bé như sợi chỉ yên bình. Tôi gọi tên anh Hiệp D trưởng, anh The chính trị viên, anh Hinh đại đội trưởng đại đội 7, anh Cường Chính trị viên đại đội 7, anh Tiến đại trưởng đại đội 6, anh Hoà đại trưởng đại đội 11, anh Hải đại đội trưởng quân y 24, anh Đồng chính trị viên ở D8…gọi những cái tên trẻ già bất tử. Tôi chợt nhớ lời trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến “ Khi nghe báo cáo Hiệp, The và toàn bộ trinh sát thông tin D8 hi sinh chúng tôi bàng hoàng …ngày đầu tiên 12/4/72 ta dã diệt được một phần sinh lực địch và chiếm được một số điểm cao nhưng rõ ràng pháo ta bắn chưa đủ mạnh. Đêm ấy ông Kim Tuấn Sư đoàn trưởng lệnh cho bộ đội dãn ra để pháo bắn tiếp. Họp xong, quyết định xong thì trời gần sáng, tôi xin hoãn lại vì sợ bộ ta thương vong tổn thất . Một ngày 13/4 ,bộ đội ta nằm lưng chừng dốc chịu bao nhiêu là ác liệt nhưng thà thế còn đỡ thương vong hơn giãn ra lúc này. Một ngày lửa cháy trong ruột tôi…Ngày 14/4 ta bắn pháo dữ dội và chiều hôm ấy các mũi xung phong lẫm liệt. Cả D11 dù chỉ thoát ba bốn chục tên.”
Bó nhang cháy rừng rực giữa trưa. Tôi đứng ngước lên đỉnh điểm cao mang cái tên 1015 mà khấn các anh. Tôi quay mặt về hướng tây mà lạy các anh, tôi vái tứ phía các D1, D2, D3, tôi không biết còn những ai đã hòa tan vào đất đỏ Charlie này. Tôi biết hầu như các liệt sĩ hi sinh trong trận 1015 không còn di vật gửi về. Các anh đã chịu bom na pan đốt trận địa, chịu pháo bầy, chịu B52 suốt ba ngày đêm, quần áo rách bươm và ba lô cũng không còn. Tất cả những người lính chịu khát trên núi mà ôm súng, mà gùi đạn lên bình độ 1000, mà đánh địch. Tôi không thể biết màu đỏ đất Bazan này có bao nhiêu dòng máu của những trai trẻ ,từng ngấm vào thớ đất để mùa khô, mùa mưa vắt thành nhựa thông, thành ngô, thành cà phê hôm nay, hương thơm ngan ngát không gian.
Nơi đây, trung đoàn tôi đã xóa sổ một tiểu đoàn dù mang danh “Song kiếm Trấn ải”. Hơn 600 xác lính dù phải bỏ lại không thể mang về. Nơi đây Trung đoàn tôi khai tử cái tự hào của lính dù không bao giờ bị tiêu diệt gọn cấp tiểu đoàn. Cánh cửa tây PO CO mở toang để 14 ngày sau chiến dịch ĐAK TO- TÂN CẢNH tiêu diệt sư đoàn 23 VNCH bắt đầu.
Nơi đây hôm nay có một người lính đã già đứng run run trong nắng gió 1015 gọi tên đồng đội. Nơi đây có một bài hát ra đời, mang tên MỘT VÙNG ĐỒNG ĐỘI, hào hùng mà da diết thương nhớ. Nơi đây, thời hoà bình những người trồng rừng đã đến. Họ phá hoang phát rẫy, trồng thông, trồng cây nguyên liệu giấy. Charlie lại cướp đi tính mạng mấy chục con người. Cái miếu thờ kia là Công ty Nguyên liệu giấy dựng lên, để ghi nhớ công lao những người công nhân xấu số. Còn chúng tôi, sau bốn mươi năm, chúng tôi chưa về đây mà thắp hương cho mấy trăm liệt sĩ trên đỉnh cao này. Chúng tôi có lỗi với hương hồn các anh. Có lỗi với biết bao nhiêu người mẹ, người vợ của các anh.
1015 - Một vùng cỏ cây xác xơ và đất đỏ - Một vùng đồng đội không trở về- Một vùng tâm linh mà những người lính trung đoàn 64 F320 còn mắc nợ. Mắc nợ một tấm bia tưởng niệm trên đỉnh núi. Chẳng có đỉnh núi cao nào mà con người lại không lên được. Chỉ sợ đỉnh núi hiện hữu mà lại bị con người lãng quên. Tôi nghe trong rừng rực bó nhang cháy trưa nay nhắc thế.

Kon Tum đêm 24/3/2015- Hà Nội 2/4/2015










Trên đỉnh 1015 lúc 11 giờ trưa



No comments:

Post a Comment