Thursday, March 26, 2015

Vịt trắng vẫn bơi về đêm


 Thằng Khải học lớp 4. Đêm nào nó cũng ra ngòai đình ngủ với các anh thanh niên trong xóm. Bố nó nhiếc, mới mứt mắt đã đi ngủ lang. Nó cãi, không phải ngủ lang. Con ra đình ngủ cùng các anh dân quân, xem các anh tập bắn súng gỗ và kể chuyện Tam quốc hay lắm. Bố thằng Khải làu bàu, thanh niên với chả thiếu niên tối nào cũng véo von sáo nhị điếc tai, liệu đấy chả lại bị các ông thần, ông thánh vặn ngoéo chân lúc nào chả biết. Mày liệu đấy.
Khải ta cũng sợ, cũng đã thấy trong làng có ông Tư Thềnh chân khập khiễng. Họ bảo vỡ đê năm Ất dậu, nước chìm vào tận nền đình, ông Tư gặt lúa vách ruộng sâu, vác tượng thành hòang thả xuống nước làm phao bơi. Ông Tư Thềnh dìu pho tượng bơi đi bơi về cười ha hả, lúc vác pho tượng lên đình còn bảo, con lau mắt cho ông nhé, ôi dào bèo ong bám cả vào râu ông rồi này. Một con đỉa bám vào một bên chân ông thành hòang, ông Tư gỡ vứt đi, mồm chửi tổ sư con đỉa mày dám cắn cả thành hòang làng tao. Tối về ông Tư sốt vật vã rồi tê liệt nửa người, chạy chữa bao lâu mới thóat chết, nhưng một bên chân ông cứ cứng đơ co rút lên. Con đỉa nó cắn chân tượng bên trái thì ông Tư cũng liệt đúng chân trái. Bây giờ mỗi bước đi của ông cứ giật nghiêng nửa người thập thềnh. Ông mang cái tên Tư Thềnh từ đấy.
Đình làng Đầm nằm giữa đầm nước mênh mang. Mỗi chiều đầm có tới cả cây số. con đường tư trong xóm ra đình là bờ đắp, chỉ vừa cái xe quệt trâu kéo. Cũng con đường ấy chạy qua  cửa đình lên gò cao ra làng ngòai. Thế nên ai đến làng Đầm cũng phải qua cửa đình. Đi qua đầm nước rộng và nắng chang chang, người ta hay ngồi dưới gốc hai cây bàng già tránh nắng. Tít tắp xa là ga tàu hỏa, tiếng còi tàu tu toe lên trên mặt đầm đầy những hoa súng trắng và những bụi ắn nước cắm ngăn làm cõi ruộng. Bông hoa ắn như bông hoa doi thơm nức nở, lá nó thì tanh ngái mà sao hoa nó lại thơm thế? Thằng Khải thắc mắc mãi chuyện ấy không dám hỏi ai.
Trong làng có đến hai chục thanh niên, tối tối là tụ tập ở đình. Mát, vắng vẻ, thóang đãng, nói chuyện thoải mái. Trăng lên, đầm ngát mùi hoa súng, hoa sen, khiến sân đình như một cái thủy tạ đầy những bậc tuấn tú. Anh Tấn cởi trần nhìn về phía ga tàu hỏa nói:
       -Thằng Mỹ cho máy bay ném bom Hồng Gai rồi đấy chúng mày nhá.
       Anh Định mới tốt nghiệp cấp 2 năm ngóai về làm bí thư đoàn quay sang:
       -Lượt này tớ đi khám nghĩa vụ đây. Xã nhà có tới hơn hai chục suất khám.
       Đi thôi đi thôi, tái ngũ còn gọi rồi kia kìa.
   Trăng lên, trăng nhóa trên những tàu sen, tàu súng mặt đầm. Những cái lá có sương đêm trong veo veo dưới trăng.
Thằng Khải ngồi dựa bậc tam cấp nhìn các anh tập võ gậy. dưới trăng nhoang nhóang vù vù đường gậy và hơi thở hầm hập của trai làng Đầm. Khải ước bao giờ mình nhớn bằng các anh nhỉ? Thích thế, mình sẽ tập và làm đòan viên thanh niên như các anh.
Khuya, nửa ngủ lại trong đình coi đó đơm dưới đầm, nửa các anh về ngủ để mai lại đi làm. Hồi ấy hợp tác xã đánh kẻng đi làm vui như hội. Người lớn tính điểm người lớn, người già tính công người già, trẻ con tính điểm trẻ con. Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ai cũng thấy vui vui. Ăn ít nhưng mà vui. Anh Định và anh Tấn về sau cùng. Hai anh không đi theo bờ đắp mà lội tắt đầm về nhà. Quãng đầm lội về nhà hai anh mất chùng bốn trăm mét. Đêm nào cũng vậy hai bóng lực điền khỏa trăng vào đêm, nhìn xa như hai con vịt trắng bơi ban đêm mơ hồ.
Một tối thằng Khải mân mê khẩu súng trường đẽo bằng gỗ nghe các anh chuyện với nhau.
Anh Tấn:
-Nghe đâu chủ tịch xã sắp cho dỡ miếu Bà dưới ga.
-Đỡ làm gì? Nó dột thì lợp lại chứ sao mà phải dỡ?
Anh Định:
-Chùa còn dỡ lấy cột, xẻ ra làm xương bừa, làm vai cầy cho hợp tác xã kia kìa, miếu thì là cái gì?
Có tiếng ai đó:
-Khéo mà lại thập thềnh cái chân, đừng có mà bỡn cợt với thần thánh.
-Ôi dào, các cậu chả nghe xã đòan phổ biến à? Mê tín dị đoan là kẻ thù của tòan Đảng, tòan dân à? Ai chủ trương mới sợ, chứ mình là thằng tốt đen bảo gì làm nấy chả làm sao đâu.
Cả lũ bỗng giật mình vì tiếng kêu béc béc ngoài cây bàng già. Mấy anh túm gạch ném, ồi ồi huây huây, họ bảo tiếng chim lợn. Khải co rúm người.
Anh Định nói lúc đứng dậy cởi áo may ô để lội qua đầm về nhà:
-Ngày mai chi đòan mình kẻ khẩu hiệu Đả đảo đế quốc Mỹ thay vào cái khẩu hiệu Trồng cây là yêu nước ở đình này đấy anh Tấn ạ. Anh với anh Quỳnh vác thang qua nhà em lấy phẩm vẽ của xã phát cho nhé.
Mấy năm nay lớp thằng Khải vẫn học trong đình. Có lẽ tất cả các anh thanh niên làng Đầm cũng đều biết chữ từ cái đình làng này. Ngồi học mà thỉnh thỏang chim sẻ sà xuống đậu trên góc bảng đen. Mùa gặt tháng 10 chim ri mới đông làm sao, nó nhẩy nhẩy tha thẩn cả trong lớp, nhặt những hạt thóc vương ở túi xách và những bông lúa lùi bọn con gái mang đến để cắn chắt. Khải thích nhất là những cây long đao, cây giáo dài sơn son thiếp vàng dựng đứng trong gian giữa, nhưng lại sợ hết hồn những lá cờ phướn mốc meo mà suốt tuổi thơ Khải chỉ nhìn thấy các vãi rước đi trong đám ma. Đình làng thân thuộc là thế, mà cứ linh thiêng rưng rưng trong tâm trí mỗi người làng Đầm. Đêm nào ngủ lại sân đình với các anh thanh niên là Khải lại nghe thêm một câu chuyện xa xưa với đình với đầm nước này. Họ kể, hai gốc bàng cổ thụ đã chết khô kia, tuổi có đến cả trăm năm. Một ngày có một người khách lạ tha thẩn dưới gốc cây rồi lại ngồi ngây nhìn những dòng chữ Tàu trên thượng lương mái đình. Người khách lạ vài ngày quanh quẩn ở đó, cơm không thấy ăn, chỉ uống tòan nước đầm thôi. Đêm thứ ba, trời sáng trăng vằng vặc, người khách bỏ áo quần òa xuống nước tắm gội rồi treo cổ lên cây bàng cổ thụ ngay sân đình. Sáng hôm sau, dân làng Đầm thấy một người đàn bà áo quần trắng toát lủng lẳng trên cây. Họ hạ người khách xuống, trong tay nải của người đàn bà xấu số kia có cả sơ đồ viết bằng chữ Tàu. Các cụ bảo, đó là hậu duệ của một quan cai trị người Tàu từ mấy thế kỉ xa xôi lắm rồi. Người ấy tìm đến nơi mà tổ tiên của họ đã bỏ xác ở đây mà cùng theo về tiên tổ bằng một đọan dây thừng. Khải lại nhớ những đêm anh Tấn, anh Định lại tắt đầm về nhà, nước làm vỡ tung bao nhiêu là bọt trắng lấp lánh như hai con vịt bơi giữa đêm trắng.
Bức tường đình làng nổi bật dòng chữ khẩu hiệu mới ĐẢ ĐẢO ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC. Từ xa đã thấy dòng chữ rất to, kéo dài hết cả bức tường đầu đình. Lại có anh nào khéo tay đục tường bức ảnh ông Lênin cằm lẹm trán hói. Chủ tịch xã bảo, tay nào khắc trộm cái ảnh Lênin thế này mà hay! Hồi ấy, Khải chả biết hay ở chỗ nào, nhưng người dân các vùng khác qua xã Khải đều nhớ cái đình ông Lênin. Chủ tịch xã mỗi lần họp nói trước bàn dân quê tôi luôn nói về cái đình mê tín, cái đình có ông Lênin mà tòan thanh niên tụ ba nói xấu chính quyền là không được, là làm hủy hoại thanh danh chủ nghĩa cộng sản. Mẹ thằng Khải đi họp về dặn Khải đừng ra ngòai đình ban đêm nữa, dân quân họ đi tuần ghi tên đấy.
Đám thanh niên không còn hàng đêm ra sân đình tập trận giả, thổi sáo, hát chèo nữa. Chả phải họ sợ chủ tịch xã mà họ lần lượt lên đường nhập ngũ. Cái đận ấy, Mỹ đổ quân vào miền Nam ồ ạt tưởng như nó tràn ra miền Bắc đến nơi, thanh niên trai tráng lên đường vãn cả mỗi cuộc họp xã đòan. Chuyến nào lên đường, thanh niên làng cũng được chủ tịch xã căn dặn giữ vững truyền thống quê hương, phải nhớ câu Ra đi giữ trọn lời thề, chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương.
Vài năm sau, khẩu hiệu trên tường đình lại được thay. Lần này chính là Khải học sinh cấp 3 về nghỉ hè viết dòng chữ ấy. THÓC KHÔNG THIẾU MỘT CÂN, QUÂN KHÔNG THIẾU MỘT NGƯỜI. Cũng năm ấy, Khải lại lên đường đi chiến đấu. Năm mới kí kết hiệp định Pari đình làng bị phá dỡ. Người ta làm theo chỉ thị của trên. Chịu, chả biết trên sợ gì cái đình làng hiền lành bao thế kỉ nay với dân làng Đầm. Ông chủ tịch xã đích thân gõ trống cho dân quân thanh niên xã dỡ đình. Dân làng đứng nép trong xóm, các cụ già chấp tay khấn qua cánh đồng nước mắt lưng tròng. Lúc bức tường đầu hồi có khẩu hiệu và bức tranh ông Lênin đổ ập xuống, tiếng đổ rầm to như tiếng bom, khói bụi bốc lên mù mịt, ấy là lúc tất cả người già làng Đầm khóc rống lên. Họ khóc cái đình, khóc như mất đi người trụ cột trong nhà. Đình chả của riêng nhà ai, nhưng truyền đời nhà ai cũng thấy gắn bó với đình làng. Ngòai đầm nước, cò vạc vịt le bay rộ lên, cá tôm rào rào nhảy lên khỏi mặt nước. Chưa bao giờ dân làng Đầm được thấy hết sự xuất hiện của mọi cư dân dưới đầm nước thân thuộc này cùng một lúc. Sau phút giây lịch sử ấy, mặt đầm mờ sương, tiếng khóc, tiếng chó sủa, gà kêu cứ rần rần mãi không thôi. Cái ngày ấy, cả làng Đầm như có một đám tang. Chỉ có ông chủ tịch là thở phào, ông hòan thành công việc mà không xảy ra tai nạn.
Đêm đầu tiên làng Đầm không còn đính lại rất nhiều người ra sân đình tụ họp. Nhưng lần này không phải là thanh niên và trẻ con như ngày xưa mà là các ông bà già. Bên đống gạch ngói vôi vữa đổ nát lúc chiều, những bô lão ngồi bó gối nhìn về phía nam. Mặt đầm lặng như tờ, càng về khuya mùi hăng hắc từ rêu phong ngai ngái càng rõ. Lâu lắm đêm nay lại có tiếng chim lợn be be vút qua. Rồi lại có tiếng con cuốc kêu từ phía gò nhà anh Định, anh Tấn gõ vác thinh không những dấu chấm than của âm thanh làng. Có con vịt trắng bơi từ gò đình ra giữa đầm. Nó bơi đến bềnh hoa súng thì mặt đầm bốc lên lớp khói, mùi hoa sen hoa súng dịu dàng lan về sân đình cũ. Con vịt trắng chìm màn sương ấy hệt như màu khói lúc mái đình sập xuống ban ngày.
Người ta tháo cột tháo kèo tòan những là gỗ lim đưa về cho đội nông cụ hợp tác xã, rồi thì cưa xẻ liên miên để đóng cầy đóng bừa. Cây thượng lương có chữ Nho nằm còng queo ở sân kho giữa làng, không ông thợ nào dám xẻ. Ông chủ tịch xã đã phân công tòan những là đảng viên ra làm thợ xẻ, mà không đảng viên nào chấp hành. Các cụ già mỗi lần đi qua cây thượng lương đình làng là dừng lại cúi đầu như người mặc niệm liệt sĩ. Chuyện ấy, chủ tịch biết, ông cho thanh niên khiêng giấu cái thương lương ấy sau bức tường nhà kho chứa thuốc sâu.
Vào cuối cái năm kí kết hiệp đĩnh ấy, xã nhận tới tấp hàng chục giấy báo tử. Tiếng kèn trống não nuột, tiếng khóc của cha mẹ gọi con, vợ gọi chồng, em gọi anh như lửa đốt vào tận mọi ngõ xóm. Cuộc làm lễ truy điệu nào ông chủ tịch cũng đề nghị không ủy mị, khóc lóc ảnh hưởng tới tinh thần cách mạng chung. Người ta khóc nhiều quá, không có dân quân hay cán bộ nào nhắc nhở, khiến ông chủ tịch cũng bực tức. Ông lớn tiếng ngay trong lễ truy điệu, trật tự trật tư. Các người có biết là các nguời thương con mình mà đang làm hại đến cách mạng hay không? Ngay lập tức, người mẹ già nông dân bàn chân nứt nẻ, đứng vùng lên, con ông có đứa nào phải đi bộ đội không? Tôi khóc con tôi, tôi làm hại gì nhà ông? Này, tôi nói cho nhà ông biết! Bà chỉ ra giữa đầm nơi cái đình trầm thế nay chỉ là bãi cỏ gà và gạch ngói hoang phế. Ông dỡ đình, làng này còn mạt, rồi nó sẽ vận vào thân ông. Cả đám truy điệu lặng ngắt. Thằng con trai chủ tịch làm cán bộ chi đòan, đứng cắm mặt xuống đất.
Từ ngày làng Đầm không còn đình thì bỗng dưng hoa sen hoa súng cũng nhất tề lụi hết. Đầm vắng hoe hoe, không thấy vịt le hay cò vạc lội ven bờ kiếm ăn nữa. Làng Đầm quýt ngọt nhất vùng thì cũng năm ấy quýt đổ bệnh hết vườn này sang vườn khác. Lá quýt cứ lấm tấm như mụn ghẻ rồi rụng trút xuống gốc. Chỉ một năm sau, cả làng không còn nổi một gốc quýt. Các cụ già ngửa mặt mà than, mạt rồi, làng ta mà quýt chết, sen chết thì mạt rồi, mạt lắm.
Mấy chục năm sau, Khải lại về làng. Con đường gọi là bờ đắp bây giờ đã là đường nhựa. Nơi gò nổi có cái đình làng ngày xưa bây giờ là tượng đài liệt sĩ. Khải dừng xe đẩy cánh cửa sắt bước vào. Một trăm linh một người làng hi sinh suốt mấy cuộc chiến tranh. Khải đọc thấy tất cả những cái tên các anh ngày xưa đêm đêm vẫn tụ họp ở sân đình, các anh đánh trận giả, các anh hát chèo thổi sao. Khải lại như thấy anh Định, anh Tấn nhà cùng quả đồi đều là bộ đội đặc công hi sinh rừng Sác. Đột nhiên Khải nhớ những đêm hai anh lội từ sân đình qua đầm về nhà dưới ánh trăng. Cái đầm nước ngày xưa bây giờ cạn khô, chỉ có một con mương chạy từ cửa đình ra phía ga là lúc nào cũng có nước, màu nước đục như gạch cua và nhơn nhớt. Khải nghe các em mình kể rằng, mỗi đêm trăng khuya, trên con mương ấy vẫn có một con vịt trắng bơi từ gò đình sang gò nhà anh Định, anh Tấn rồi lại bơi về, con vịt cứ bơi đi bơi về như thế cho đến sáng thì nó lên bãi cỏ ngày xưa là bậc tam cấp đình làng rồi biến mất.
Khải không hỏi nhưng chuyện cứ tự nhiên đập gõ vào tai mình, những chuyện buồn của một làng xã không có đình, không miếu mạo. Làng chỉ còn mỗi cái chùa mới khôi phục, tá túc những ý nguyện của các bà, các mẹ với những câu khấn không ai hiểu là gì. Chuyện ông chủ tịch xã tham ô vật tư bị tù ba năm và chân bị thập thềnh vì ngã thang lúc ông trèo lấy mít.          


                           2014

1 comment:

  1. Hôm nay chủ nhật. Nhớ quê. Nhớ cái đầm nước ở nhà mình ngày xưa cua cá đơm đo. Nhớ cái đình làng gắn bó với tuổi thơ mình. Treo cái bài này lên tâm sự với các bạn già vậy.
    22/11/2014

    ReplyDelete