Monday, July 6, 2020

Bánh chưng sắn sau rằm tháng giêng


Sau tết là vào mùa cào cỏ lúa. Ngày xưa " Ngày một ngày rằm " nó không quan trọng thậm tệ như bây giờ. Cái câu “Tết cả năm không bằng rằm tháng giêng” tôi biết từ ngày đi làm HTX nghe các bủ quê tôi nói. Sau rằm thắng giêng nhà nào cũng hết bánh chưng chỉ may lắm vài nhà mang tiếng địa chủ cũ họ vẫn quen nếp sống ăn uống kế hoạch nghiêm cẩn thì còn. Cả làng lúc này lại nhà nhà gói bánh chưng sắn. Ngày ấy sắn trồng đồi nương đốt rừng củ to và bở tung. Những năm 1960 chỉ có hai loại sắn, chủ yếu là loại sắn tàu ( giống cũ ) cuống lá đỏ thẫm và cứng. còn loại thứ 2 là giống sắn dù củ trắng chỉ lấy bột. Sắn tàu cũ thân cây có thể cao tới hai mét mà củ sắn có vỏ lụa màu đỏ hồng. Giống sắn cũ ngày xưa ăn thơm ngon mà tôi thích .
Tháng chạp sắn rụng hết lá, ngọn cây còn lại những chùm quả khô ngăng ngắc trông giống hình thù quả trẩu nhưng bé bằng ngón tay. Đầu tháng giêng đi nhổ sắn đất ẩm mưa phùn nên cũng đỡ mệt. Tôi nhớ trên mỗi gánh sắn sau tết đều có một vài cành rau đắng cảy xanh mướt để về ăn với muối nướng lúc chiều se lạnh bên bếp lửa hồng.
Chuyện gói bánh chưng sắn để ăn sau tết như là một sự níu kéo mùa xuân. Bởi ngày ấy đói kém đến mức mong tết như " mong mẹ về chợ ". Chỉ đến tết mới có thể có miếng thịt, có cái kẹo và chai rượu chanh Mậu Dịch bán phân phối. Chỉ đến tết hương hồn tiên tổ mới ngửi thấy mùi bao thuốc lá thơm mùi giấy trên bàn thờ. Chỉ đến tết mới được nhấm nháp hạt mứt lạc cứng như hòn bi đất nhuộm phẩm trắng mà bố mẹ nhón tay chia cho từng đứa con. Chỉ đến tết mới có bát cơm chan muôi nước xuýt luộc lòng lợn chiều ba mươi để rồi sau 365 ngày nữa lại mới thấy.

Ngày ấy ở quê tôi khi gói bánh chưng hay để dư một vài chục lá Giong để sau rằm tháng giêng gói bánh chưng sắn. Luộc bánh chưng sắn không háo hức nữa mà là việc miễn cưỡng. Khói từ nồi bánh chưng sắn không bay là là như nồi bánh chưng hôm trước tết, nó bay thẳng lên giời và mùi thơm cũng theo lên giời rất nhanh. Thuở ấy gạo nếp đâu có nhiều. Ngày xưa hai vụ chiêm mùa thì vụ Chiêm chả mấy ai chú trọng đến nếp. Chỉ cần đôi ba yến nếp chiêm để ngả tương còn đến vụ mùa tháng 10 thì lo nếp để ăn tết. Lúa tẻ mới quan trong cho cứu đói . Còn của nếp đâu có thể ăn quanh năm được? Trong cái bánh chưng sắn 8 phần sắn hai phần gạo ấy là nỗi lòng nhung nhớ 3 ngày tết của mỗi người trồng lúa, là niềm vui của nhũng người nông dân muốn nhìn con mình thêm một lần háo hức như tết vẫn đang còn.
Bánh chưng sắn ăn lúc mơi luộc xong cũng ngon. Ăn rồi nóng ruột èo èo. Ăn nhiều đánh rắm bum bủm. Sau tết cào cỏ lúa cùng nhau. Cô bạn gái cùng đội sản xuất bịt mũi ngó sang mình. Hỏi, nhà mày gói bánh chưng sắn hả? Khiếp thối kinh.
Cách nay hai năm gặp “ bà già ấy “ về quê ăn tết. Bỗng dưng mình lại nhớ cái tràn ruộng lúa non sau tết màu trời xam xám một xóm nhà nhiều những ngọn khói rất nhỏ và gió đồng hon hon đã xa lăc.

Hà nội - rằm tháng giêng Canh tí.

No comments:

Post a Comment