Monday, July 6, 2020

kí ức vụn vặt ở lính


Đợt quân cùng chúng tôi năm 1972 vào Tây Nguyên có một tiểu đoàn rất nhiều các thày giáo từ cấp 1 đến cấp 3 và cả các giáo viên các trường trung cấp Sư Phạm ở tỉnh Vĩnh Phú ( đó là tiểu đoàn 75 f304B ) .
Điều đặc biệt là tất cả các thày giáo năm ấy đều vào đơn vị trực tiếp chiến đấu. Hầu hết các thày giáo năm đó đều lập công xuất sắc. Tiểu đoàn tôi là d76 hành quân sau d75 có 12 ngày. Nhưng tiểu đoàn 76 đến Tây Nguyên thì sang Khơ me đào sắn. Vậy là chúng tôi vào chiến đấu sau các thày giáo mất 3 tháng. Khi chúng tôi về sư đoàn thì trong lứa lính tiểu đoàn 75 có nhiều người đã thành Liệt sĩ .
Rất giống d76 của tôi, d75 của các thày giáo Vĩnh Phú cũng chia nửa về e48 và nửa về e64.
Trong 3 năm cuối của cuộc KCCM có biết bao nhiêu thày giáo nằm lại ở chiến trường. Bao nhiêu thày mang thương tật sau năm 1975 quay về bục giảng. Gần nửa thế kỉ trôi qua người đời dễ lãng quên còn nhũng người lính chúng tôi thì nhớ . Nhớ các thày giáo trong những trận đánh sát cánh cùng học trò cũ của mình trong lửa đạn. Nhớ tình thày trò trong gian khổ ngày ấy mà ít thấy tiểu thuyết sách vở nói đến. Có lẽ, lứa quân chúng tôi hồi đó rất đặc biệt mà các đợt quân khác không có.
Trên chặng đường đánh giặc của tôi, tình đồng đội tình đồng hương tình đồng chí còn có cả tình xóm giềng tình thày trò nữa. Hiếm có cuộc chiến tranh trên thế giới nào lại như thế.
Tôi nhớ có các thày giáo cấp 3 như thày Nghĩa ( Lâm Thao) thày Hưng ( Vĩnh yên) Thày Kế ( Lập Thạch) Thày Rồng ( Lập Thạch) Thày Lê HỎa ( Hạ Hòa) thày Phạm Hoài Thủy ( vĩnh yên) Thày Nguyễn Đức Vận ( Cẩm khê). Thày Triệu Đấu ( Hạ Hòa) .. nhiều lắm những thày từng là dũng sĩ diệt địch, là những chiến sĩ tài hoa dũng cảm. Ngày ấy tôi vô cùng cảm động hình ảnh chiến đấu dũng cảm của thày Triệu Đấu trên cửa mở trận công kiên Làng Siêu. Hình ảnh thầy Rồng ở trận đánh Cheo Reo. Thày Hưng lính DKZ trung đoàn 48.
Ở Sư đoàn 320 ngày đó còn vang mãi những bài hát thày Nghĩa viết về anh hùng Bế Văn Thành của trung đoàn 48 , bài hát "Thằng Ngụy và con lừa " của thày Nguyễn Đức Vận trung đoàn 64 . Còn nhớ mãi những bài thơ của thày Phạm Hoài Thủy nguyên là GV cấp 3 Trần Phú Vĩnh Yên.
Nửa thế kỉ trôi qua nhiều thày giáo đã hi sinh, đã từ trần và cũng còn các thầy nghỉ hưu ở các vùng quê hương Vĩnh Phú đâu đó. Chúng tôi xin gửi tới các thày người đồng đội của chúng tôi lời hỏi thăm yêu mến, lời của những học trò đồng đội của các thày ở chiến trường.

Tôi giới thiệu dưới đây một dấu tích của các thày ngày ấy ở chiến trường Tây Nguyên:
- Thày Nguyễn Đức Vận dùng mũi dao nhíp vẽ hình cô gái Tây nguyên trên nắp ăng gô của anh Ngọc Liên cán bộ chính trị e64 và một bài thơ của thày Vận khi ở chiến trường.
5/1/2020

No comments:

Post a Comment