Monday, July 6, 2020

Ngày 20 tháng 11 Nhớ một người thày không may mắn

Ngày 20 tháng 11
Nhớ một người thày không may mắn

Bốn mươi mấy năm trước có một ngày 20 tháng 11 tôi vừa ở chiến trường về học tiếp. Anh Đỗ Văn Đạo gọi tôi ra ngoài cửa lóp lúc nghỉ giữa giờ. Anh nói khẽ. Tối nay đi quán nhé ! Tôi vâng. Anh quay vào lớp giảng tiết thứ 2. Cả lớp chả ai biết tôi và anh cùng quê, cùng lớn lên chân lấm tay bùn như nhau. Bây giờ anh là thày giáo còn tôi là học trò.
Năm 1972. Khóa 5 đại học Cơ Điện sơ tán ở xã Phục Linh Đại Từ. Anh Đạo đang dậy lớp tôi phần bài tập vì anh mới về bộ môn Điện. Người dạy Lí thuyết Điện Đại cương chúng tôi là thày Từ Thiên người Quảng Bình. Hôm thi “Kĩ thuật điện Đại Cương” tàu bay Mỹ gầm rú trên đầu. Phòng thi là một cái nhà kho HTX. Đang mùa gặt lúa má đầy sân, bà con chạy ra hầm trú ẩn cả. Đang thi gay cấn nên cả thày và trò không ra hầm mà vẫn thi bình thường. Hôm ấy tôi đã biết mình có lệnh nhập ngũ nên chỉ vào thi cho có lệ. Bài tập làm sai. Lí thuyết không học. Anh Đạo phê không đạt. Thày Từ Thiên khoanh tròn chữ không đạt . Chính vì thế mà sau 4 năm ở chiến trường về, tôi vẫn phải học lại và thi môn của anh Đạo làng tôi.
Tối ấy anh đèo bằng xe đạp cái hòm gỗ anh đóng bằng gỗ thông lấy ở một hòm đựng máy móc nào đó đã sơn xanh rất mới xuống quán nước chè ngoài ngã ba đường ra ga Lưu Xá. Anh bảo, mày mang về mà đựng đồ và làm bàn học luôn. Ngồi dựa lưng vào gốc mít quán ông già hút thuốc lá nhấm nháp chén trà anh em ôn lại những ngày xa nhau vì chiến tranh giặc giã vừa mới hôm qua.
Rồi thi thoảng những ngày học tiếp sau hôm nào đói quá tôi mò lên chỗ anh. Anh có quả cà chua hay nắm hành củ sắn anh cho mang về nấu bát mì mà ăn. Chưa bao giờ anh và tôi nói chuyện với nhau ở trên lớp.
…..Anh Đạo học hết cấp 3 thì tôi mới vào lớp 8. Ở làng, anh Đạo học giỏi và chăn trâu kiếm củi rất tài. Nhà anh gần ga tàu hỏa, gần đầm ao úp cá, lại gần sông Hồng. Bố anh Đạo là cán bộ xã từ hồi chống Pháp đến thời Hòa Bình ông vẫn làm UB, ông là bậc quí nể trong làng. Tôi học trước thằng Phức em anh Đạo một lớp. Thằng Phức giống như anh Đạo, nó học giỏi lắm. Người ở quê giỏi là giỏi chứ không do nhồi nhét sự học. Anh Đạo rất ít học. Nhưng chịu đọc. Anh khéo chân khéo tay và hầu như chân tay mồm miệng anh không lúc nào để yên. Ngày tôi đi bộ đội anh tiễn tôi hết làng Phục Linh lên đỉnh ngọn núi Pháo thì dừng lại. Chúng tôi chia tay nhau và nỗi tự hào ở làng mình có tới tận 3 thằng là Kĩ sư Cơ Điện đã vuột ra khỏi tầm tay. Thằng Trần Tiến Lợi cũng đã đi chiến trường trước tôi ba tháng giờ chỉ còn anh Đạo ở trường. Giảng đường đại học lùi lại sau tiếng bom đạn chiến trường với chúng tôi.
Anh Đạo học giỏi ở k11 Bách Khoa. Bằng chứng là anh được chọn vào lớp để đào tạo Giảng viên cho các trường đại học Kĩ thuật. Đợt ấy ở BK về làm cán bộ giảng dạy ĐH CĐ có anh Lâm anh Long anh Đạo anh Phấn đều ở bộ môn điện thì anh Lâm anh Long nhập ngũ đi chiến đấu cùng tôi. Những ngày chúng tôi huấn luyện để đi chiến đấu ở Phú BÌnh Thái Nguyên đôi lần anh Đạo xuống thăm chúng tôi. Những lần ấy sao mà thân thương thế. Chúng tôi ngồi bên nhau suốt đêm ở trong bếp nhà bà chủ nơi chúng tôi đóng quân. Chúng tôi cùng hát những bài hát Nga mà cả anh và tôi đều thích. Bốn năm ở chiến trường các ngày tết anh đều đến nhà tôi biếu bố tôi bao thuốc tiêu chuẩn quí giá.
Năm 1978 tôi ra trường về Hà Nội học tiếp 4 năm ở trường Tuyên giáo Trung ương. Đất nước gian lao đất nước lại chiến tranh, lại giặc giã biên giới đằng trước đằng sau, rồi đói kém suy thoái đến tột cùng. MỘt thời vừa ra khỏi chiến tranh “thần thánh”thì lại rơi vào cuộc chiến với áo cơm và nước mắt. Khi tôi nghe tin anh bị "về quê " thì là lúc anh tránh mặt chúng tôi. Tôi chỉ nghe nói anh vay tiền để đi buôn và vỡ nợ. Nhà anh nghèo lắm. Khi anh lấy vợ và có hai đứa con anh làm nhà lá ở riêng một góc vườn nhà bố mẹ. Vợ anh là cô giáo Thành, dạy ở trung tâm bồi dưỡng lí luận của huyện. Bố anh bán nhà để anh trả nợ. Cơ ngơi bố mẹ không còn gì. Anh trở về xác xơ. Cái thời đói kém ấy như một cơn ác mộng với toàn dân tộc đã qua. Ở làng tôi có một ông Kĩ sư điện ốm đau bệnh tật tuổi 60 mà đã qua đời. Anh Đạo ơi, cũng chả trách ai được. Có chăng thì chỉ trách mình sinh nhầm thế kỉ anh nhỉ. Ngày 20 tháng 11 giá mà anh còn bọn em sẽ về với anh. Từ ngày anh mất đi cũng chỉ biết thắp nhang vái anh ngoài cánh đồng lấm láp ven sông hồng nghèo khó. Nhớ anh cũng chỉ nhớ hình ảnh cái trường Đại Học Cơ Điện cũng vất vả như cuộc đời các thày giáo ở trường bên con đường số 3 vật vã còi xe và đất Thái Nguyên luôn mang sắc màu cỏ úa.

20 tháng 11 với các thày giáo cô giáo đang làm nghề vùng thấp vùng cao, đã mất hay đã nghỉ hưu đâu đó. Bao nhiêu thày cô khốn khó rủi ro trong đời, bao nhiêu mảnh đời thày cô nhọc nhằn đến thương tâm trên vùng cao rét buốt. Hoa nào đến với những thày cô nơi biên cương heo hút hải đảo xa xôi.? Hoa nào đến với thày cô không may số phận về với đời thường?
"Em lại nhớ đến anh. Nhớ những bài toán rất khó mà anh cười phơ phơ giải nó ngon lành. THì ra trên đời chữ Thày không chỉ đứng ở chỗ lớp học. Chữ Thày ở chỗ mà các cô gái quên tuổi xuân cõng chữ đến lũ trẻ tô hô ngày rét. Chữ Thày phải ở trong tâm tưởng lòng biết ơn của người đời. Anh Đạo ơi, nhớ anh và lấy vài chữ này vái anh, anh nhé.

Hà nội sáng 20 tháng 11 năm 2019

No comments:

Post a Comment