Monday, July 6, 2020

HAI BÀI THƠ CỦA MẸ VÀ CON NGƯỜI ANH HÙNG.

HAI BÀI THƠ CỦA MẸ VÀ CON NGƯỜI ANH HÙNG.
Trong lịch sử truyền thống của trung đoàn 52 Tây Tiến Sư đoàn 320 có một người Liệt sĩ Anh hùng rất tài hoa. Đó là Anh Hùng Liệt sĩ Nguyễn Như Trang.
Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150 trung đoàn 52 Tây Tiến Nguyễn Như Trang sinh ngày 27/7/1927 – Hy sinh ngày 21/11/1948 cùng đại đội trưởng trinh sát Phạm Hữu Ngọc một người con của thị xã Sơn Tây tại làng Mu, Xã Tự Do, Huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình trong một trận chiến đấu oanh liệt giữa một tổ đi trinh sát với hơn một trung đội lính Lê dương Pháp.
Nguyễn Như Trang là một học sinh giỏi của trường Thăng Long lại tài hoa đàn hay vẽ giỏi. Anh đi theo cách mạng đầu năm 1945, vào vệ quốc đoàn, là đại đội trưởng của trung đoàn Thủ đô, được kết nạp vào đảng ngay trên mặt trận Hà Nội. Có điều đặc biệt ở người anh hùng liệt sĩ này là sinh ra trong một gia đình có nề nếp học hành chu đáo thời trước cách mạng 1945. Cha, mẹ của anh là giáo học, là nhà thơ có tên tuổi trong văn đàn Việt Nam từ những năm 1930. Các anh em của anh Nguyễn Như Trang đều rất thành đạt. Trong 18 anh em cả dâu rể của gia đình có Giáo Sư, Bác sĩ, tướng lĩnh quân đội và nhiều cán bộ quân đội cấp hàm đại tá. Viết về người anh hùng này đã rất nhiều báo chí và sách vở và cả những ca khúc nổi tiếng ca ngợi anh. Tại xã Tự Do huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình đã có bức tượng đồng để trang trọng tại Ủy ban nhân dân xã. Tên tuổi anh đã thành niềm tự hào của huyện Lạc Sơn Hòa Bình nơi có khu du lịch Thác Mu nổi tiếng. Đến với nơi đây hỏi bất kể người dân nào họ đều biết và kể về chiến công của hai liệt sĩ hi sinh năm xưa tại quê hương mình.
Anh Nguyễn Như Trang là một cán bộ chỉ huy can trường lại là một nghệ sĩ tài hoa. Anh viết truyện ngắn, viết bút kí và làm thơ, viết nhạc rất hay. Tác phẩm “Tiếng cồng quân y “ của anh là sự cô đọng nỗi gian khổ và bất khuất của người lính Tây Tiến bấy giờ. Đặc biệt ca khúc TRẤN BIÊN CƯƠNG viết năm 1947 đã trở thành bài hát truyền thống của bộ đội Biên phòng. Anh có một gia đình tuyệt vời. Một gia đình yêu nước và gương mẫu mọi mặt.
Dưới đây là bài thơ MẸ ƠI mà liệt sĩ anh hùng Nguyễn Như Trang viết tháng 7/1948 trước khi anh hi sinh 4 tháng. Bài thơ là nỗi nhớ mẹ cũng là tự nhủ lòng mình phải chiến đấu đũng cảm chống quân thù.
MẸ ƠI
Mẹ ơi!
Chiều chiều bên án thư
Mẹ ngồi nén sầu tư
Con trai mẹ đi tự bao giờ
Hoa Sói ngạt ngào lên hương xưa
Tóc bạc xòa nhăn má
Tay già run run da
Con dao cau chiều xưa
Còn nằm trên án cũ
Con trai lớn đi rồi
Kinh hoàng thời nhiễu loạn
Mẹ ngồi thấm nước mắt
Tuổi già căm tên đạn
Ai cướp mất nhà tôi
Ai giết vợ con người
Ai làm sa nước mắt
Của mẹ rơi, chiều rơi
Con trai đi báo thù
Mẹ khóc mắt sung u…
Con trai của mẹ 7- 1948.
Anh Nguyễn Như Trang gửi bài thơ về cho mẹ. Nhưng khi mẹ nhận được thư con thì cũng là mẹ nhận tin con đã hi sinh ở xã Tự Do huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Nỗi đau của mẹ anh Trang cũng như nỗi đau của hàng triệu bà mẹ trên đất nước ta qua bao nhiêu cuộc kháng chiến chống ngọai xâm. Nhận bài thơ của con thì cũng là lúc mẹ viết bài thơ khóc con. Tiếng khóc của mẹ già khóc con trẻ đau xé lòng, mãi mãi không thể nào nguôi ngoai. Nhưng cũng trong bài thơ đau đớn ấy Mẹ vẫn tin tưởng các bạn bè con sẽ lại xông lên tiêu diệt kẻ thù. Mẹ khóc con mẹ lại căn dặn các em nối bước chí lớn của anh. Một bà mẹ Việt nam điển hình khí phách anh hùng
Dưới đây là bài thơ của mẹ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Như Trang viết sau ngày anh hi sinh một tháng .
MẸ KHÓC NGUYỄN NHƯ TRANG.
Cuộc kháng chiến còn đương rộng mở
Chữ tình duyên cũng đã chưa thành
Việc nhà nợ nước chưa đành
Mà con đã vội dứt tình ra đi
Nợ non nước trai thì phải trả
Hiếu với tình con đã coi thường
Trang ơi!
Cha mẹ đau thương
Vị hôn thê cũng nhiều đường dở dang
Các em con kinh hoàng tưởng nhớ
Khắp họ hàng than thở ngắn dài
Thương con mà lại tiếc tài
Trời cao sao nỡ hại người thông minh
Hăm hai tuổi đầu xanh trai trẻ
Ngón đàn ca đủ vẻ tài tình
Văn chương rồi lại họa hình
Chiến công rục rỡ nhà binh mấy kì
Con ngã xuống bạn bè nối bước
Chí phục thù trong nước bao người
Riêng phần cha mẹ thiệt thòi
Niềm thương nỗi nhớ khó nguôi được nào
Muốn gặp con chiêm bao máy thấy
Nhớ hình dung đành lấy ảnh ra
Chín em thơ dại cha già
Có con là nhớn nay qua đời rồi
Tình thắm thiết khóc thôi lại khóc
Ôm mối sầu cho tóc bạc dần…
12/1948
Cuối tháng 11 năm 2019 tôi đến Lạc Sơn Hòa Bình. Nơi này có thác Mu và những con đường mới mở để dẫn tới khu du lịch tươi đẹp có một tấm bia ghi lai nơi anh Nguyễn Như Trang đã hi sinh. Tôi đến bên bức tượng anh mà nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã thành kính tạc nên và lưu giữ tại trung tâm của xã Tự Do. Trên con đường làng và ở nơi anh Nguyễn Như Trang anh Phạm Hữu Ngọc ngã xuống đỏ thắm một loài hoa có tên là hoa Trạng Nguyên. Tôi cứ nghĩ anh Nguyễn Như Trang và đồng đội của mình hiện về trong loài hoa ấy.
tháng 4/2020 Nguyễn Trọng Luân.

No comments:

Post a Comment