Monday, July 6, 2020

Phú Yên ơi


Trở về Hà Nội trưa hôm qua. Lúc xe rời núi Thơm chạy dọc bãi biển Tuy Hòa tôi không còn nghe thấy anh em bên cạnh nói những chuyện gì ríu rit trên xe. Tôi nhìn lên Nhạn Tháp nắng sớm dọi vào chính cửa phía đông. Xe qua cầu Hùng Vương nhìn bên trái mặt trời lấp loáng cửa sông nhìn bên phải cây cầu Đà Rằng kiêu hãnh đè lên nắng sớm. Tôi xuống xe vào sân bay, chẳng có sân bay nào gió nhiều như nơi này, gió hiện hữu trên thiết kế nhà vòm sân bay Đông Tác kiểu cách rất riêng. Gió và cát trắng Tuy Hòa.
“Ơ cái gió Tuy Hòa…
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại - lưng chừng
Gió nghĩ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộng”
( Trần Mai Ninh- Nhớ Máu )
Ai từng đến Tuy Hòa sẽ có cái cảm giác với gió biển mà không nói ra được như nhà thơ Trần Mai Ninh. Tôi đã từng đứng ở cửa sông Đà Rằng hít ngọn gió ngày chúng tôi đánh trận Giải phóng Phú Yên 1/4/1975. Lúc ấy với tôi gió không giống như Trần Mai Ninh vì chúng tôi lần đầu tiên thấy biển và sau lưng chúng tôi có hàng ngàn ngôi mộ đồng đội lát đường cho chúng tôi tới được nơi đây. Chúng tôi hít gió vào lồng ngực, chúng tôi lau gió trên má trên khuôn mặt trai trẻ của mình mà khóc khi đứng ở bãi biển Đông Tác nhìn về phía rừng xanh.
."
..Chúng tôi ngồi ở cửa sông hít ngọn gió ầm ào
Đại dương cuốn vào lòng những dòng máu đỏ
Chiến tranh vùi vào đại dương thành quá khứ
Còn chúng tôi quay về rừng nhớ quá khứ chua cay....."

Mỗi người khi đến đây có cảm giác của riêng mình nhưng cái gió thì Tuy Hòa ai cũng thấy , chỉ cảm nhận trong lòng thì riêng biệt chẳng có người nào lại hờ hững với ngào ngạt gió nắng nơi này.
Chỉ có hai tuần thôi mà bao nhiêu là trang viết, câu chuyện trao nhau, lời hứa hẹn về ấp ủ văn chương và chúng tôi nhận ra mình rất rõ. Chúng tôi nhận ra rung động của mình chân thật đến đâu khi được hòa chung vào một bầu không gian có nhiều cung bậc bộc lộ. Chúng tôi chợt nhận ra mình ở mỗi góc vườn ở núi Thơm và cũng nhận ra tất cả ai cùng đều muốn vươn ngực hít thở ngọn gió có màu xanh, ngọn gió Tuy Hòa trong lành yên ả. Ngọn gió văn chương phóng túng hào hiệp mà kiêu ngạo làm sao.
Tôi già rồi các em đương còn trẻ. Các em phăm phái đi lên ngọn hải đăng Mũi Điên trước lúc bình minh. Các em phanh ngực ở cửa Vũng Rô các em dịu dàng bên nhau ở thung lũng hoa vàng trên cỏ xanh mà tôi thấy yêu đời mình quá. Rằng tôi đã không uổng phí thời thanh xuân chiến đấu từ rừng ra biển để hôm nay các cây bút tuổi con em mình đang trở trăn phơi phới vươn lên.
Tôi ngạc nhiên về một ý rất thơ của Đăng Khoa Hoàng
"Chân phập Vũng Rô xanh
Ngưc phồng át cơ đỏ."
Đó là vào ngày mới đến Phú Yên , chứ hơn mười ngày sau lúc chia tay Phú Yên chàng trai này lại bần thần trông thương lắm. Dưới tấm hình chuẩn bị lên xe ra sân bay, Hoàng Đăng Khoa chú thích: …
"..trời cao đất rộng/ một mình tôi đi/ …đời như vô tận/ một mình tôi về. "
Chúng tôi cùng ở núi Thơm dù già hay trẻ đều cùng giống nhau như Sơn Thiên Đặng, tình yêu không có phân định bầu trời, tình yêu hàng ngàn năm người ta vẫn gọi là nàng là em dù cái danh xưng nàng đã vài ngàn năm tuổi.

"Tôi về Tuy Hòa gặp em mến khách
Uống bia với mắt cá Ngừ
Nhấm nháp lời thương lời nhớ
Say mèm dưới ánh trăng thơ".
Ở chỗ chúng tôi dựng trại làm văn làm thơ có vườn cây và muông thú. Sáng sớm còn mung lung trong nhợt nhạt nửa hồng nửa tím ngoài hiên đã có tiếng bìm bịp kêu. Khi nắng đổ vào vườn là có những đàn khướu bạc má nhảy nhoi nhoi dưới những gốc cây mận đầy quả chin rụng trên cỏ. Có một người lính dậy sớm lắm và cũng thức khuya lắm ngồi ỏ hiên nhà chơi bản gi ta “ mộng lứa đôi” . Có một họa sĩ tài danh Đỗ Phấn khẽ đến ngồi bên cạnh và đột nhiên cất tiếng liêu trai “ Trong khi nơi này lại nhớ nơi xa” bộ râu bàng bạc rung lên làm nên bức tranh hư thực. Có những sáng, đàn sóc nhẩy rộn rã trên cây xoài ngoài vườn. Nhà Văn Sy Trung và nhà thơ Bách Mỵ mang về những quả xoài to nặng đến nửa cân . Nhà thơ Đà nẵng cầm trái xoài lõi vàng ươm mà con sóc ăn dở nói rằng :
"Con sóc nhỏ cắn mùa hè lỡ dở
Vốc thời gian phân hủy đã kịp vàng. “
Nhà thơ họ giỏi thế đấy. Mà nhà thơ này gọi nhà thơ Nguyễn Giúp, nhà văn Đỗ Phấn là bố còn gọi tôi là bác. Ngày chia tay cháu khóc. Nhà văn Hương Văn Bình Định cũng khóc suốt trên xe. Thì ra con người ngoài cái vỏ bọc "nhà này" "nhà nọ" thì nguyên si là những tâm hồn cần lao mà càng những nhà văn nhà thơ thì lại càng khó làm điều ác lắm. Họ yêu thương nhân quần yêu thương trời đất và yêu thương là một thiên chức thượng đế ban cho lớp người này.

Về với Phú Yên ở bên những nhà văn nhà thơ Phú Yên mới càng yêu vùng đất yên bình hiền hòa võng trên hai đầu đèo núi này. Văn nghệ sĩ Phú Yên nhẹ nhàng và hiền hậu. Họ nặng lòng nhưng kín đáo thâm trầm như tháp Chăm suốt dọc vùng đất nơi đây. Về Phú Yên một lần khỏa nước Đồng Cam lên mặt, cúi bẻ cành hoa sen cửa sông Bàn Thạch, một lần ăn sa lát rong biển Tuy An trên gành đá đĩa nghe trong gió tiếng người xưa những gian truân mở cõi từ 400 năm trước.
Bao nhiêu là nhớ, thương, là riêng là chung nhưng có một cuộc “ rong chơi ” sang trọng này chắc chỉ có tâm hồn mang chất lính. Hay nói như nhà văn Trung sỹ, trại viết mang văn hóa lính hào hoa này của VNQĐ mới cho chúng tôi lưu luyến và yêu quí vùng đất 12 ngày đến thế.
Lên máy bay ở Đông Tác rồi tôi còn kịp đọc một đoan thơ của nhà thơ Lý Hữu Lương Lý với Phú Yên

"Ngày mỏng hơn cả mây Tuy Hòa em
Trời trên vai Đèo Cả xanh lẫm liệt
Nhạn Tháp một nghìn năm chuông nhỡ giọt
Khéo buồn tôi cũng hóa thạch Chóp Chài"

Chúng tôi về nhé Tuy Hòa ơi. Với riêng tôi, tôi không tìm thấy cô Út du kích Tuy Hòa dẫn đường cho chúng tôi đánh trận năm trước những tôi đã gặp lại Tuy Hòa trong giọng hát bài Chòi, tôi đã về với nơi mà tuổi trẻ tôi từng yêu từng nhớ.
HN 21/5/2020

No comments:

Post a Comment