Monday, July 6, 2020

XÓM MỚI.


Cái xóm này gọi là mới vì nó mới có ngót chục năm nay thôi. Lúc ấy là những năm sáu mươi thế kỉ trước. Xóm chỉ có nhà ông Năm Trận. Qua con suối đến dãy đồi dựa lưng vào tràn dộc Cầu cây Xa là có vài ngôi nhà nữa. Nhà ông Hộ, nhà ông Gia Mậu và nhà ông Nho Hiển. Từ năm 1962 thêm hai hay ba nhà dưới Hà Nam lên khiến xóm này đông hơn. Gọi là đông những cả một sườn đồi mênh mông dài cả cây số chỉ có dưới mươi ngôi nhà khiến xóm mới như một ốc đảo đầy những kì thú mà lũ trẻ trâu chúng tôi mơ ước. Có điều tôi không hiểu là cái xóm này lẽ ra phải thuộc làng tôi thì nó lại thuộc làng Hậu Bổng. Hậu Bổng có ai vào đến đây họa trừ toàn dân Đan Hà hàng ngày đi làm ruộng dộc và làm nương qua mà thôi. Những cũng kì lạ, làng tôi không hề có một nhà nào làm lạt phá. Mà cả xóm này nhà nào cũng làm lạt phá và họ là chủ công của nghề làm lạt đóng bè trên sông Hồng.

Nghề lạt phá phải là vùng có nhiều nứa. Nứa không to và không nhỏ. Nứa làm lạt phá là nứa bánh tẻ. Cây chỉ cỡ to bằng quả Móc Thép quê tôi. Bổ đôi ra thật đều rồi băm mấu cũng thật đều và lột bụng nứa từ ngọn trở xuôi. Lột xong, cuộn cái phá nứa ấy vào bụng nó. Cây nứa dài chừng 7 mét nhưng phá lạt mỏng nên cuộn lại chỉ chừng to bằng cái rế nồi năm người ăn. HỌ lấy lạt buộc chắc lại khiến cái phá lạt ấy trông hệt như cái mũ vành rế con gái bây giờ. Mỗi cây nứa được một phá lạt tươi. Dân làm phá xếp lên Rựa bếp và sấy khô bằng khói lửa khiến mồ hóng ươm vàng những phá lạt như những cuộn phim óng ánh. Khổ nỗi những phá lạt nứa rất nhiều những rườm rằm như những sợi tóc và chúng bén lửa rất nhanh. KHi sây lạt mà không để ý để lửa bén lên rằm thì Bỗng chốc lửa bùng lên phùng phùng . Xóm mới có bao nhiêu nhà thì tôi biết từng ấy nhà đã bị cháy nhà chỉ vì lạt phá. Họ bảo sinh nghề nào tử nghề đó. Chuyện cháy nhà ở xóm mới hay ở ngoài Đồng Lũng Hậu Bổng nó là chuyện cũng bình thường. Ngày ấy quê tôi nói chung và xóm Mới nói riêng tài sản chỉ là mái nhà trống tềnh toàng đó thôi. Cháy nhà rồi chỉ sau vài ngày lại một ngôi nhà mới dựng lên không vách che không giường chiếu chỉ có cái bếp nghi ngút khói với những đứa trẻ cởi truồng lê la chơi với vài con chó và mấy con gà lom dom ăn hoa cỏ và giun mối sườn đồi.
Ở xóm mới, tôi học cùng với cái Mậu con ông Gia Mậu. Mậu lớn hơn tuổi tôi nhưng rất nết na và học chăm lắm. Học hết lớp 7 nó lớn lắm rồi . Nó lấy chồng là anh Phẩm người dưới Hà Nam lên khai hoang. Chỉ có thằng Mão em cái Mậu học sau tôi thì hay đánh nhau với bọn tôi mỗi ngày chúng tôi đi chăn trâu qua cổng nhà nó. Xóm mới có thằng Lại thọt. Nó thọt chân nhưng lại rất giỏi. Nó học cũng giỏi nhưng chỉ lớp 4 là nó thôi không đi học nữa. Tôi nể cái thằng Lại què này từ bé. Trời bắt nó thọt thì lại cho nó đủ thứ giỏi giang khác.
Gần xóm mới có một ngã ba suối. Làng tôi gọi là vũng - Vũng đầm ổi. Nơi đó là ngã ba gặp nhau của hai con suối Bồ Hòn và suối Đầm ổi. Vào năm 1962 huyện nhà đắp một con đập ngăn hai con suối này lại thành một cái đầm mênh mông lấy nước tưới tiêu cho vài xã vùng quê. Cái hồ nước ấy khiến xóm mới trở nên vùng vịnh. Những ngôi nhà tuềnh toàng nay in bóng trên cái đầm trong xanh thật nên thơ. Giữa đầm chỉ nhô lên những ngọn tre như những nét chấm phá thủy mặc và những ruộng nước ven đồi trồng sen thật ngoạn mục. Xóm Mới với lũ trẻ như tuổi tôi vào những năm 1960 đều từ đây mà ra đi tới những công trường và nhà máy và quân ngũ. Lũ bạn tôi như cái Thơm nhà Năm Trận đi dạy học rồi lấy chồng tít tận Yên Bái. Cái Mâu lấy chồng rồi hai vợ chồng đi làm quân khí mãi tận dưới Đông Anh. Nhà ông Hộ bỏ về ngoài Hậu Bổng làm nhà ở ven đường tàu hỏa . Nhà thằng Lại thọt con ông Nho Hiển như một ngôi nhà bí hiểm ven hồ…. Cái xóm mới ngày xưa bây giờ rất nhiều nhà và nhà nào cũng đẹp cũng ẩn khuất sau vườn cây trái in hình xuống mặt nước yên ả quê tôi. Đã vài chục năm nay con sông Hồng không còn thấy những chuyến bè tre nứa gỗ lạt trôi về xuôi nữa. Nghề làm lạt phá và làm con sỏ néo bè đã khai tử từ lâu. Người quê tôi cũng chả mấy ai nhớ làm lạt phá thế nào. Chế độ HTX một thời phá rừng trồng chè trồng sắn đã khiến những rừng nứa quê tôi tận diệt. Vài chục năm nay cái hình ảnh những bụi nứa đuôi én không còn nữa. Hình ảnh đàn trâu vài chục con chiều về tắm mát trên đầm lũ trẻ xóm mới và ngoài làng vừa tắm vừa chửi nhau không còn nữa. Xóm mới đông nhà thật đấy nhưng chỉ toàn là người lớn và người già. Lũ trẻ chả đứa nào thích ở quê . Chúng nó ra tỉnh hoặc về Hà Nội làm thuê hít thở bụi mịn và chấm chóe những bon chen khốn khổ. Chỉ đến tết cái xóm mới quê tôi lại nhấp nhóe những mắt xanh tóc vàng áo đỏ. Những ngày tết quê tôi vui đáo để. Tôi về quê lòng rưng rưng nỗi lòng yêu và nuối tiếc những điều không thể giữ.
24/2/2020

No comments:

Post a Comment