Monday, July 6, 2020

Về Hải Lăng Quảng Trị với thày Hiệu trưởng ĐỖ HỮU PHÚ


Khoảng năm 2010 – 2013 những người lính sinh viên chúng tôi hay viết trên một trang mạng Một thời MÁU VÀ HOA. Những người viết hầu hết là sinh viên nhập ngũ từ 1971 đến 1973 . Phải nói ở trang mạng ấy có nhiều cây viết nổi tiếng của lính. Rất nhiều anh đã có tác phẩm Văn học có tiếng. Anh Như Thìn ĐHTH viết NÓ VÀ TÔI , anh NGuyễn Thế Tường ĐH Tổng Hợp viết HỒI ỨC BINH NHÌ, anh Nguyễn Khắc Nguyệt viết ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH PHỐ, Anh Trung Sỹ viết LÍNH TÂY NAM , anh Vũ Công Chiến BK viết HỒI ỨC LÍNH. Tôi Nguyễn Trọng Luân ĐH CƠ ĐIỆN viết tiểu thuyết RỪNG ĐÓI….. Bạn đọc khắp nơi trong và ngoài nước rất quan tâm đến những chuyện kể của lính của chúng tôi. Cũng như mọi người khác tôi hay viết về trường mình, về thày cô giáo và bè bạn ở trường ĐẠI HỌC CƠ ĐIỆN BẮC THÁI. Các bạn trường khác rất thích chuyện kể của lính Cơ Điện và ai cũng bảo, Cơ Điện là một trường hợp đặc biệt.
Vào năm 2014 , một hôm tôi nhận được một thư bạn đọc.
Bạn ấy viết “ …Anh Nguyễn Trọng Luân ơi, cho em làm quen với anh. Quê em ở xã Hải Tân Hải Lăng Quảng Trị. Có hai điều mà em gắn bó với các anh, một là quê em gần chỗ cầu Bến Đá mà các anh đã viết về trận đấu xe tăng của quân ta và quân VNCH năm 1972. Em cũng ở rất gần bờ sông Mỹ Chánh nơi bạn thân của anh học Đại Học Ngoại Ngữ hi sinh tháng 5/ 1972. Nhưng riêng với anh Luân em thấy gần gũi lắm vì anh Luân đã từng chiến đấu ở Buôn Hồ, Dak Lak và đã từng ở ngay trên mảnh đất huyện Cư M’gar mà bây giờ em đang là Hiệu trưởng một trường PTTH. Hơn thế nữa, làng em là làng Câu Nhi xã Hải Tân Hải Lăng cùng làng với thày Đỗ Hữu Phú mà anh hay nhắc đến đấy ạ. Anh ơi trong làng em, khi em còn nhỏ đã nghe những câu chuyện về ông Đỗ Hữu Phú , nhiều giai thoại về ông và là niềm tự hào của làng em. Ông học cao, ông đi hoạt động cách mạng sớm. Những năm chiến tranh ác liệt ở Quảng Trị quê em, em thầm mong một ngày bác Đỗ Hữu Phú sẽ về. Thật là tự hào sau ngày Giải phóng cả làng biết bác Đỗ Hữu Phú là Hiệu trưởng một trường Đại Học mà chúng em nghe thấy cũng mơ ước. Gia tộc họ Đỗ làng em hiền lành và đức độ ai cũng quí anh ạ. Thống nhất đất nước em mới 10 tuổi . Năm 1976 em được nhìn thấy bác Đỗ Hữu Phú. Bác về quê trông thật đẹp và hiền. Quê em có con sông Ô Lâu chảy qua, em chắc trong mấy chục năm xa quê bác Đỗ Hữu Phú nhớ con sông này lắm. Ngày bác Phú về quê học trò chúng em chạy ra xem thấy bác đứng rất lâu bên bờ sông Ô Lâu anh ạ.
Qua những câu chuyện của anh về trường Đại Học Cơ Điện, thấy các anh yêu quí thày Đỗ Hữu Phú khiến những người quê em thấy gần gũi các anh hơn. Từ ngày đọc anh, mỗi lần về thăm quê em ra thăm mộ tổ tiên nhà em là em lại sang thắp nén nhang cho bác Phú và bác gái. Hai ngôi mộ hiền lành như những người dân vất vả quê em Hải Lăng anh hùng. Qua các tác phẩm của an hem hiểu vì sao bác Đỗ Hữu Phú được thày trò CƠ Điện đúc tượng thờ ở trường. Em càng hiểu lời dân gian dạy lại đời sau thương dân dân lập bàn thờ.
Nêu có dịp anh vào Hải Lăng anh gọi điện cho em anh nhé. Em thu xếp được em sẽ phóng về quê để cùng các anh ra thắp nhang cho bác Phú.
Địa chỉ của em : Lê Chí Khai- Trường THPT Trần Quang Khải – huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lak
Em gửi anh vài tấm ảnh về vùng quê của em cũng là quê bác Đỗ Hữu Phú .
Em chào anh.”
Đọc xong lá thư mà tôi cứ bâng khuâng. Tình người nó lớn lao đến mức vượt qua ước lệ thông thường. Thầy Đỗ Hữu Phú của chúng tôi đã đưa chúng tôi về với quê hương thày cả khi thày đã đi xa. Những người nông dân ở vùng quê Hải Tân Hải Lăng cát bỏng xa xôi ấy chỉ cần nghe thấy chúng tôi là sinh viên Đại Học Cơ Điện là họ yêu họ quí. NHững học sinh khóa 9 chúng tôi đã lên lịch vào ngày 13/8 năm nay 2020 chúng tôi sẽ về thôn Cầu Nhi xã Hải Tân để thắp hương cho thày cô
Chúng tôi sẽ đến mộ thày mà thưa rằng, chúng em nay cũng đã già, càng ngày chúng em càng thấm thía biết ơn công lao của các thày giáo cô giáo, các bác các chú phục vụ ở trường Đại Học CƠ ĐIỆN. Thưa thày Đỗ Hữu PHú. Chúng em ghi nhớ ơn thày và mái trường ĐH Cơ Điện yêu quí.
30/6/2020 NTL.

No comments:

Post a Comment