Monday, July 6, 2020

Đường vào Hóc Môn chiều 29/4/1975


12 giờ trưa 29/4/75 Sư đoàn 10 và các đơn vị pháo rầm rầm vượt qua cầu Bông. Trung đoàn tôi lúc này còn giải quyết thương binh tử sĩ ở Tân Phú Trung. Đồng bào Tân Phú Trung đổ ra giúp bộ phận chính sách khâm liệm cho tử sĩ rồi mai táng ngay trong ấp, nơi cánh đồng mà lúc đêm qua chúng tôi tạm dừng chân. 3 giờ chiều chúng tôi hành quân. Nắng nhễ nhại mồ hôi và bùn đất dính nham nháp. Bộ quân phục mới toanh mang ra mặc chiều tối hôm qua hết ướt lại khô. Trên đường số 1 nhiều chiếc xe đò chạy hổi hả từ phía sài gòn lên toàn những gương mặt thất thần. Lúc qua cầu Bông ở đồn Cảnh sát đổ sập có mấy con ngan (vịt siêm) nằm bẹp không dám đi. Chắc nó sợ đạn từ lúc sáng . Tôi bảo Ngô Thịnh , phân công thằng nào bắt con ngan kia mang theo lúc nào dừng thì mổ ăn. Thịnh cử thằng Phương người Thanh Thủy Phú Thọ ít tuổi nhất vừa từ c6 bổ sung lên Trinh sát ôm con ngan cho vào một cái ba lô ngụy vác theo. Kì lạ con ngan không dám kêu một tiếng suốt đường hành quân, mà cũng không ai biết bọn tôi có chiến lợi phẩm đang sống.
Vượt qua cầu Bông là sang đất Hóc Môn. Một cơn mưa rào thật là to. Gió thổi ngược chiều hành quân. Bộ đội không kịp chùm áo mưa cứ cúi gập người mà đi. Mưa chỉ một lát rồi tạnh. Nắng lại loe loe phía chân trời. CHúng tôi đã nhìn thấy nhà cao những 4, 5 tầng. Hoa phượng đỏ thắm sau cơn mưa như chùm lửa. Có đứa kêu lên Sài gòn đây rồi. Một người dân ven đường bảo, chưa đến đâu chú ơi. Đây mới là thành Quan năm Hóc Môn. Lên gần hết một đoạn dốc dài. Có một ngôi nhà 4 tầng ven đường bị 1 phát pháo tăng xuyên bức tường thủng một lỗ to như cái nong từ đầu hồi tường gạc này sang đầu hồi bên kia. Vẫn còn nghi nghút khói. Chắc ông xe tăng nào đó thấy nhà to, tưởng đồn địch bắn luôn 1 phát pháo. ( Ngôi nhà này , họ để nguyên cái lỗ đạn xe tăng ấy cho tới khi làm đường xuyên Á bị giải tỏa mới mất đi. Như một vết sẹo. Năm 1988 , rồi 1993 tôi về lại Củ Chi vẫn thấy còn) .
Mặt trời khuất hẳn, Bộ đội giải lao ven đường. Tôi thấy dân ùa ra rất đông. Cán bộ tiểu đoàn nhắc, không ra khỏi hàng! Không trò chuyện ! Đồng bào mang khoai luộc, trái cây mà không ai dám ăn. Một bà má xách cái ấm nhôm đến chỗ tôi. Em uống nước đi. Lúc ấy tôi đang khát, nhưng nghĩ đến chuyện người trong vùng địch cho thuốc độc vào nước nên chần chừ. Bà má hình như hiểu ý, bà rót nước ra cốc uống luôn rồi rót cho tôi cốc sau. Tôi đưa tay đỡ cái cốc nhựa uống một hơi, ngọt quá. Tôi nói to nước đường chúng mày ơi. Thế là đứa nào cũng nhao lên xin nước. Chính trị viên tiểu đoàn tên Mùi quát, hành quân! Tôi ngoái lại thấy bà má vẫy vẫy.
Tối hẳn chúng tôi tạm dừng ở Hóc Môn để nhường cho các đơn vị sư 10 và pháo binh xe tăng tiếp cận. Chúng tôi dừng lại ở một ven đường nhánh. A trinh sát kiếm được một cái hè ngôi nhà vắng chủ. Dùng thuốc dẻo C4 đun nước làm thịt ngan. Đúng lúc này tôi và Ngô Thịnh đi tìm Tiến US lạc đợn vị. Nó cứ bám theo sư 10 đến tận Bà Điểm mới quay lại.. Tôi và Thịnh rẽ vào một ngôi nhà đóng kín cửa. bên ngoài có chiếc xe đạp. Ngó khe cửa thấy đèn sáng, gõ kệch kêch không ai mở cửa. Bèn nói to cho bộ đội mược cái xe đạp nhé. Hai thằng đèo nhau đi xuôi về phía Tân Sơn Nhất. Giữa trùng trùng bộ đội vào trận vừa đi vừa gọi Tiến ơi. May quá chừng 5 cây số thì gặp thằng Tiến hớt hải quay về. 10 giờ đêm hôm đó tôi và NGô Thịnh Tiến US ăn cơm với thịt ngan trên hè phố Hóc Môn. 11 giờ đêm lại hành quân đến gần An Sương thì ngủ lại. Chả hiểu sao chuyện tôi và Ngô Thịnh đi xe đạp trong đêm ấy ông Chinh móm ban chính trị biết được gọi điện cho cán bộ tiểu đoàn 8. Nhưng anh tiểu đòan trưởng cưng trinh sát nên lờ đi. (Mình thật có duyên với anh Chinh móm từ vụ khẩu súng ngắn trên đường 7) .
Đã bốn lăm năm kể từ buổi chiều hôm ấy. Hóc Môn với kí ức của tôi là hoa phượng đỏ ven đường. Kí ức về cầu Bông là lục bình và dừa nước. Những cái nhà của lính hai đầu cầu nát te tướp . Hình ảnh ngỡ ngàng củ chúng tôi thấy phố sá và nhà sao tầng. Là hình ảnh những người dân ríu rít hỏi chúng tôi, liệu các chú có bỏ đi như hồi Mậu Thân không? Là những ánh mắt thân thương của những người dân vùng mười tám thôn vườn trầu với quân giải phóng.

27/4/2020

No comments:

Post a Comment