Monday, July 6, 2020

Tàu Bà Quì.


Đường tàu hỏa Hà nội - Laokay qua cửa nhà tôi hoàn thành được 46 năm thì tôi mới ra đời. Từ bé, tiếng tàu đêm chính là tiếng ru những đứa trẻ nhà gần đường sắt như tôi vào giấc ngủ. Còn tiếng tàu chạy ban ngày là niềm mong mỏi kích thích lũ chúng tôi muốn rời quê đi xa tìm những điều mới lạ. Ngày bé, mỗi sáng đi học tôi đều phải bước qua đường tàu hai lần. Buổi chiều đi chăn trâu tôi lại đi qua hai lần nữa . Trong một ngày dễ thường tôi nhìn thấy tàu chạy qua làng tới dăm lần. Chả hiểu sao tôi rất thích ngửi mùi than đốt lò mỗi khi tàu hỏa chạy qua. Nó khen khét, tanh tanh gờn gợn như mùi bùn ao tù, có lúc cái mùi bay hun hút theo những dải khói của đầu tàu vương lại những vòm cây dọc đường nó chạy qua. Tôi rất thích tàu chạy qua chỗ đường cong. Tàu đang lao nhanh bỗng phanh chậm lại, nó nghiêng về một phía rít lên ken két. Bác tài xế nghiêng đầu nhìn lũ trẻ chúng tôi đứng ven đường, mỉm cười thật hiền và hãnh diện.
Ở quê tôi có những những khúc cong nối liền nhau làm cho đoàn tàu uốn vặn mình. Khi đầu tàu đến khúc cong kia thì đuôi tàu vẫn ở bên khúc cong này , con tàu uốn lượn giữa những quả đồi đầy quýt và bưởi mít thanh bình êm ả.
Tôi thuộc từng giờ từng chuyến tàu lên tàu xuống. Tôi thuộc những đầu máy mang tên 141 có những dãy 3 chữ số đằng sau 141. Mỗi con tàu có tiếng còi mà chúng tôi nhận ra như giọng nói riêng cho từng người. Tàu nào là tàu chở khách tàu nào là tàu chở hàng. Chúng tôi còn thuộc chuyến tàu nào có anh tài xế hay cười, tàu bác béo, tàu nào hay hú còi chào lũ chúng tôi đang trên đường đến lớp. Mỗi khi hú còi khói tàu vút thẳng lên giời. Thích lắm.
Từ nhà tôi đến nhà cái Thành học cùng lớp khoảng ba trăm mét. Hồi mới vào Hợp tác xã 1959 nhà nó là tiểu thủ công . Bố nó làm máy khâu còn mẹ nó bán đại lí rượu Văn Điển. Ở làng gọi là nhà ông Quì may. Tôi với cái Thành thân nhau lắm. Tôi toàn gọi nó là mày tao. Nhưng cái Thành thì đã biết gọi cậu và tớ từ ngày ấy. Nhà Thành đẳng cấp hơn vì là người dưới xuôi lên tản cư. Tuần nào nhà nó cũng có người dưới Đình Bảng ngược tàu mang lên những cá khô, muối mắm vải vóc thuốc men. Mấy làng bên cạnh cũng nhiều người Đình Bảng lên ở từ hồi 1946 . Họ lập nên những dãy phố toàn thợ may thợ nhuộm lò rèn ba toa và hàng xén. Không có họ chắc quê tôi chả bao giờ biết đến cái đàn ghi ta, quả bóng và những cuốn tiểu thuyết bìa vàng.
Trở lại nói chuyện về tàu hỏa. Ở gần nhà cái Thành là khúc cong chữ S . ở đấy có cái cột tín hiệu đèn xanh đèn đỏ. Tàu từ Lao kay về đến đó thì đầu tàu nghiêng sang bên phải còn đuôi tàu vẫn nghiêng sang bên trái. CHúng tôi đứng trên đỉnh đồi trường cấp 1 nhìn con tàu uốn như con rắn thích lắm. Một hôm chơi ở sân nhà cái Thành có một đàn gà con đang ăn ven đường sắt. Bỗng con mẹ ngẩng đầu lên mắt long lên sòng sọc , miệng tục tục , oác oác những tiếng ghê rợn. Những con gà con ăn gần đường tàu lao về rúc vào cánh gà mẹ đang dang lên. Chỉ một lát sau có tàu hỏa chạy qua. Tàu chạy qua rồi gà mẹ mới rang rộng cánh để đàn con chui ra lại túa đi kiểm ăn. Cái Thành bảo, gà mẹ nghe tiếng tàu hỏa sắp chạy qua là gọi gà con chạy về hệt như báo động có diều hâu đến đấy chúng mày hiểu chưa? Cả lũ nể quá. Nhưng chuyện nể hơn nữa lại là chuyện con gà mái nhà nó . Khi đàn con đi kiếm ăn rồi con gà mẹ đi thập thững ra bãi cỏ đầu nhà lấy mỏ moi móc cỏ rác kiếm sâu bọ . Nó luôn ngẩng cao đầu nghiêng ngó nghe ngóng . Khuôn mặt gà đầy vẻ lo âu. Cái lo âu của con gà mẹ chỉ biểu hiện ở đôi mắt và màu của cái mào của nó. Có lẽ cả một ngày gà mẹ không một phút thảnh thơi, gà mẹ không bao giờ biết no thì phải. Cái Thành kể, vài năm trước con gà mái ấy bị tàu hỏa kẹp đứt hai ngón chân bên trái. Từ ấy nó đi thập thiềng. Cũng kể từ đó nó rất tinh, nó phát hiện tiếng tàu từ rất xa. Mỗi khi tàu chạy qua là mắt nó long lên, cánh nó xòa ra , nó ngồi sụp xuống thế thủ. Chuyện về con gà mái cụt hai ngón nhà cái Thành chúng tôi bảo là đó là con gà thành tinh vì nó sống đến cả chục năm mới chết. Mà nó cũng lại bị tàu kẹp chết vì đến những năm sau này tai nó điếc hẳn và mắt rất là quáng.

Vào năm 1963 nhà cái Thành cũng phải vào HTX nông nghiệp chứ người ta không để cho ở ngoài công thương nghiệp nữa. Ngày ấy chỉ nghe nhà này là bần nông nhà kia là tiểu thủ công nhà nọ là tiểu thương là thấy ghê ghê. Những đứa bạn con nhà tiểu thương luôn bị thày cô giáo xét nét, luôn bị trên xã họ để ý. Ấy thế mà khi vào HTX nhà cái Thành làm chả kém nhà ai. Bà Quì làm ruộng làm nương thật khỏe. Cái Thành thì khỏi nói , nó nhanh như sóc và bạo dạn. Mỗi buổi đi làm về mẹ con bà Quì ai cũng một vác củi rõ là to. Ở quê tôi đi làm vào nương dộc cách xa chừng 1, 2 cây số thường là trưa nghỉ luôn trong rừng. Ăn cơm nắm rồi đi kiếm củi hay kiếm sọt bứa nhăt giỏ trám hay chặt vác nứa để chiều mang về. Hôm ấy Bà Quì mẹ cái Thành chặt một vác nứa rồi về luôn không làm buổi chiều. Từ rừng về nắng nhễ nhại , bà Quì nghỉ vài thôi đường mới về đến đường tàu chỉ cách nhà vài chục mét. Lúc ấy chừng hơn 2 giờ chiều . Bà Quì vác vác nứa trèo qua đường sắt thì tàu hỏa cũng gần đến nơi. Tàu hú còi dài , bà Quì sang hết đường rồi chỉ còn đuôi vác nứa vẫn phía sau. Tàu hỏa quệt vác nứa khiến bà ngã lăn ra đường bất tỉnh. Tàu hỏa dừng lại. Đó là con tàu chở hàng, nó chở quăng A pa tít về xuôi. Bà Quì tỉnh dậy lại vác nứa về nhà. Chuyện nhỏ như con thỏ. Nhưng từ ấy tai bà trở thành nghễnh ngãng. Thật tội. Chuyến tàu lúc 2 rưỡi chiều qua làng tôi từ ấy dân trong làng gọi là “tàu Bà Quì”. Thuở ấy tàu hỏa chạy đúng giờ lắm. Có nhẽ hàng chục năm kể từ ngày Hòa Bình lập lại 1954 đến năm 1965 tàu hỏa qua quê tôi không hề bị chậm trễ nhỡ chuyến bao giờ. Chỉ từ hồi chiến tranh ở làng tôi mới biết cau NHỠ TÀU . Phạm trù “nhỡ tàu” đúng cho nhiều hiện tượng xã hội mà chúng tôi phải trải qua phải gánh nhịn. Ấy thế mà những chuyến tàu lặng lẽ cô đơn ngày xưa cứ ăn hằn trong trí nhớ. Tôi về quê đến chỗ cây đèn tín hiệu xanh đỏ chỗ nhà cái Thành ngày xưa nhìn bãi cỏ chúng tôi chơi đùa ngày xưa với cái Thành và một hàng máy may nay mọc lên vài căn nhà nửa lạ nửa quen mà bỗng nhớ tiếng còi tàu ngày xưa quá. Nhớ những bậc cha mẹ chúng tôi nay thành thiên cổ, nhớ bác Quì máy khâu nhớ lũ trẻ chơi đùa chán chê rồi bá Quì lại cho củ khoai quả chuối. Làng tôi đó vẫn hiền lành như con ong cái kiến và tiếng còi tàu thì vẫn còn đây, chỉ những chuyến tàu thất thường qua làng rất chi là hờ hững
NTL

No comments:

Post a Comment