Monday, July 6, 2020

Nắng tháng 6 (2)


Nắng trắng cả đồng lúa gặt dở dang. Có nhẽ phải đến mồng 10 tháng 6 mới xong gặt. Rồi còn phải tịnh kho, rồi chia vét, chia rơm chia thóc vét . Sân kho đến đầu tháng 7 mới vắng người. Bố đi nằm lì ở xóm khác. Phải đến khi đóng cửa kho ở đó mới được về. Hệt như người đi cách li Cô vít trong kho HTX vậy. 50 năm sau người Việt Nam chả mấy ai còn nhớ người cán bộ đi kiểm tra chéo các HTX mỗi khi đến mùa thu hoạch nữa. NGày ấy cán bộ đội SX này đến ở ngay tại trong kho thu hoạch của đội SX khác để theo dõi phân chia sản phẩm sau mỗi vụ lúa. Mọi phương án ăn chia và các cuộc phân phối cụ thể đều có người giám sát và quyết định đồng ý hay không . Người ấy phải ở nơi khác không dính dáng quyền lợi gì ở nơi sở tại mới được phân công làm việc quan trọng ấy. Vì phải ăn ở tại kho lúa của HTX sở tại không được rời một bước ra ngoài , không vắng mặt bất kì một cuộc họp và cuộc phân phối cân đong sản phẩm nào diễn ra tại nơi đó nên gọi là cán bộ “ Nằm lì”. Người nhà cán bộ đó phải hàng ngày đưa cơm nước đến chứ không được ăn cơm nơi sở tại. Không một cán bộ nằm lì nào lại ngồi khà khê với người tại nơi mình theo dõi. Tội ấy to lắm. Bố tôi bảo thế. Năm nào cũng đi nằm lì ở các xóm khác.

Khỏi phải nói nhà tôi khổ thế nào khi bố tôi phải đi lãnh trách nhiệm người chia bôi công bằng và bảo vệ cho khỏi sự bất công trong mỗi vụ phân phối lúa mùa. Một mình mẹ và tôi là con trai lớn mới 13 , 14 tuổi cáng đáng cả vụ gặt dưới bom đạn giặc Mỹ và trông nom đàn em lít nhít chỉ biết ăn rồi đánh nhau.
Năm ấy 1966. Tôi thi tốt nghiệp cấp 2 rồi chờ đợi đến ngày được vào cấp 3. Cây nhãn nhà tôi sai xum xuê nhưng còn non. Vườn mít đã chín lác đác. Xóm tôi đi sơ tán vào trong rừng cọ tránh xa đường tàu hỏa và mấy cây cầu trọng điểm. Sân kho vẫn ở nơi hàng ngày máy bay Mỹ dòm ngó. Hôm ấy 31/5/1966 cả làng đi gặt rất sớm . 7 giờ sáng là mặt trời đã chói chang. Cũng 7 giờ sáng là có tiếng máy bay, ngay sau đó là nối đuôi nhau máy bay Mĩ ngóc đầu lên cao đến đúng làng tôi thì chúi đầu xuống thả bom về phía Yên Bái. Dân làng tôi đang gặt lúa trên đồng ai ngồi đâu ngồi đấy . Tôi bò vào bờ ruộng xếp mấy gồi lúa nằm ngửa xem máy bay thả bom. Các bà dìm cả nón xuống ruộng , có người đội mấy gồi lúa trên đầu. Có người nằm ngâm mình dưới nước nóng hầng hậc. Ai cũng nghĩ cố làm sao máy bay không nhìn thấy mình. Bom nổ âm u từ xa vọng về. Phía Yên Bái khói bốc lên từ sáng đến chiều làm thành những đám mây mưa cuối chiều hôm ấy. Đàn trâu xóm tôi hình như cũng đoán biết có chi nghiêm trọng lắm chúng không dám rời khỏi gốc cây rơm trong vườn mắt lo lắng nhìn mỗi người chủ thất thần đây đó.
Nửa thế kỉ qua đi. Tôi lớn lên sau tiếng bom đạn ấy. Tôi vào học cấp 3 thị xã Yên bái sau cái ngày thằng Mỹ Giôn Xơn hủy diệt Yên Bái. Nhưng Yên Bái vẫn sống thản nhiên. Ai lên Yên Bái sẽ thấy rừng quế vẫn thơm nồng, rừng măng vẫn đội mầm trên mặt đất. Ai có sang Bảo Hưng ai vào Thác Bà vẫn thấy người Yên Bái nhẹ nhàng yêu đời và bao dung với mỗi chiến sĩ bộ đội hay TNXP dưới xuôi lên xây dựng sân bay Yên Bái.
Tháng 6 nắng như muốn cháy cả màu vải và khản giọng tu hú kêu. Bây giờ vải không còn loài vải chua ngày xưa mà là vải ngọt vải lai cây vải thấp lè tè khiến tu hú quê tôi không muốn kêu thì phải. Sao bỗng dưng tôi nhớ tiếng cuốc kêu mỗi lúc mặt trời lặn và tiếng tu hú rúc lên trong xóm. Mỗi lần nghe thấy tu hú kêu hay con cuốc tu ra tu ra là tôi lại nhớ những đứa bạn tôi từ hơn năm chục năm trước. Tháng 6 nắng chói trên đồng. Nắng tháng 6. Đồng làng tôi không còn cua chết hay cá chết nữa . Đồng rất trắng và nước rất trong không có con cá con tôm nào cả.

****
Tôi laị nhớ một mùa nắng tháng 6 vào những năm trước. Bao nhiêu chuyện của thời thiếu niên chúng tôi đều bắt đầu ở sân kho HTX.
Nắng cũng y hệt như bây giờ. Sân kho bốc mùi rơm nồng sực, và những đống thóc lửng lép sũng nước mưa từ hai hôm trước mùi khăm khẳm.

Giữa trưa, thanh thiếu niên đến họp ở nhà kho. Kho HTX rộng mênh mang. Cái gì cũng mênh mang phơi phới. Tháng 6 gặt vẫn chưa xong vì những tràn ruộng sâu nóng rẫy và đầy nước. Nhãn đang chắc quả, mít thì có nhà đã chín bói. Mấy đứa mang cả chùm dâu da đến họp.
Đội sản xuất Tiền Phong của tôi chia tay 2 anh lên đường nhập ngũ. AnhDiệp đang học lớp 9 dưới huyện và anh Định làm bí thư đoàn.
Anh Định thì mấy năm nay đã là phụ trách thiếu niên. Thiếu niên đi làm cỏ lúa đi hái chè anh đều đi cùng. Tối tối sinh hoạt ở sân kho anh dậy hát, dậy chơi cướp cờ, kéo co. Anh có cái thú làm báo tường. Đội thiếu niên làm báo tường dán ở kho HTX cho các bác nông dân trong làng đọc vui lắm. Chúng tôi thích lắm. Anh bảo, làm thơ lục bát để ca ngợi cảnh đẹp quê mình, quê mình đẹp thế phải không các em?
Anh Diệp học cáp 3, anh là con nhà giàu hơn. Cả làng có vài anh học đến cấp 3 thôi. Anh ít về làng, chúng tôi nhìn anh ngài ngại. Anh nói những cái gì khó hiểu bỏ mẹ.
Liên hoan chia tay các anh chị phụ trách đội thiếu niên, thay mặt đội tặng hai anh hai cuốn sổ tay. Hai anh vỗ tay và nói nhời cám ơn.
Bỗng con cái Thành, con ông thợ máy may chạy lên mếu máo:
- Em tặng anh Định cái khăn bố em may bằng vải Pô pô lin có thêu tên anh đấy ạ.
Anh Định cảm động, anh Diệp ngỡ ngàng. Nắng ngoài sân kho tháng 6 chói chang và mùi rơm mùi lúa lép nồng thăm thẳm.

Anh Định chết mãi tận đồng bằng Cửu Long vào năm 1970. Hai mươi sáu tuổi anh là tiểu đoàn trưởng đặc công. Người ta kể bọn chi khu Rạch Giá treo thưởng đầu anh 50 ngàn đồng.

Anh Diệp tuy không phải đi chiến đấu trong nam nhưng cũng lặn lội hết tỉnh này tỉnh nọ liên miên tới tận năm 90 mới về quê. Anh trung tá về quê lương to phết, anh mở quán bán cháo lòng bia chai. Khấm khá và viên mãn.
Một mùa hè chúng tôi về quê họp hội chăn trâu. Không còn sân kho HTX nữa khiến mọi thứ sinh hoạt cộng đồng thường hay ra quán. Chúng tôi lại ra đúng quán anh Diệp trung tá. Anh Diệp chủ quán sốt sắng phục vụ khách hàng người quê là lũ chúng tôi. Trong bữa liên hoan, con cái Thành đầu bạc phơ đứng lên phát biểu.
Nó bảo: Chúng mày có nhớ hôm liên hoan anh Diệp và anh Định ở kho Tiền Phong không? Nhớ ! nhớ chứ!
Nó sụt sịt, lúc làm lễ truy điệu anh Định cũng ở sân kho năm 1976, họ mang di vật về tao thấy có cuốn sổ của đội thiếu niên bọn mình đã tặng anh. Tao xán vào xem. Giở trang đầu thấy anh ấy viết…”các em chăn trâu của anh ơi, anh sẽ chiến đấu để xứng đáng với các em và quê hương”. Thế rồi nó òa khóc, nhiều đứa cũng lau nước mắt. Cả đội thiếu niên Tiền Phong chúng tôi năm ấy đầu đã bạc đều khóc. Trong nhà, anh Diệp trung tá lặng lẽ thẫn thờ. Con cái Thành nói tiếp, họ mang cả cuốn sổ và di vật của anh ấy chôn theo ngôi mộ giả dưới nghĩa trang huyện từ ngày ấy …

Ngoài trời vẫn nắng. Cái nắng quê tôi giống hệt ngày xưa. Tháng 6 nồng nã nắng, nồng nã mùi rơm rạ

1/6/2020

No comments:

Post a Comment