Monday, July 6, 2020

Ruộng "Cội Đồng "


Tháng 8 năm 1968 tôi gần hết nghỉ hè để vào vào học lớp 10 ( phổ thông hệ 10 năm ). Hồi ấy ai học lên lớp 10 là có số má chữ nghĩa ở làng chứ đâu đùa. Chiến tranh chống Mỹ đang hồi gay go quyết liệt trai tráng lên đường đi ra trận ào ào , khiến lũ học cấp 3 chúng tôi cũng nôn nao chả kém.
Thế mà đê sông Hồng quê tôi năm ấy vỡ to lắm. Làng tôi là làng dưới, làng Hậu Bổng bên trên hứng ngay chỗ vỡ đê. Khúc đê vỡ ấy goi là đê Cầu Lau. Trong vài chục năm trở lại đây đê Cầu Lau đã vỡ nhiều lần. Bố tôi bảo thế. Bố kể năm 1945 vỡ đê Cầu Lau nước thốn về làng tôi khiến cát bồi nên tràn ruộng Cội Đồng. Ở Làng, nhìn từ đồng Gianh dưới ga tàu hỏa lên tràn Cội đồng nổi vống lên cao hơn hẳn cả một mét. Tràn ruộng này toàn là cát. Làng chỉ cấy một vụ còn một vụ bỏ hoang. Lũ chăn trâu chúng tôi buông trâu và chơi đánh khẳng, đào hang hun chuột. Lũ con gái thì lom dom đi hái rau tập tàng. Cánh đồng làng tôi chỉ hẹp độ nửa cây số nhưng dài đến ngót chục cây số nối sang làng khác. Nó cứ chạy giữa hai dãy đồi hệt như lòng một con sông đã cũ. Từ Hậu Bổng xuôi xuống Đồng Gianh xuống Đan Thượng xuống xã Lệnh Khanh xuống Phụ Khánh… Khi vỡ đê Cầu Lau thì cánh đồng tôi kể trên trở thành một dòng sông nước chảy xiết cuốn đi biết bao nhiêu hoa trái và trâu bò lợn gà quê tôi. Đến khi cạn nước dọc cánh đồng này còn lại một con ngòi. Nó chảy qua 5 xã để rồi ra Sông Hồng ở chỗ có cửa ngòi Hiêng cách làng tôi 7 ki lô mét. Trên con ngòi ấy tuổi thơ của tôi là đơm đo bắt cua bắt hến. TRên con đường qua Cội đồng chúng tôi đi đại học,. Rồi cũng con đường ấy đưa chúng tôi ra ga lên tàu đi chiến trận. Con đường lúc bùn đất lúc sỏi cát lúc chìm trong lũ lụt và cả những mùa đông có hoa dâm bụt đỏ đường.
Trở lại tràn ruộng Cội đồng. Lúc còn bé, bố tôi hay kể chuyện vào cuối năm 1948 đơn vị tiểu đoàn 115 bộ đội Yên Bái đã về đây làm lễ truy điệu cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Soạn ( em ruột ông nội tôi) mà tôi gọi là ông trẻ. Ông trẻ tôi hi sinh vào tháng 8/1948 khi đánh Nhật đồn Châu Quế thượng huyện Văn Yên Yên Bái.
Những mùa đông chơi đánh khăng trên những ruộng cát gio đầy nhũng cây rau khúc rau má và rau cải thông. Tôi cứ hình dung ra lời kể của bố tôi có ông cán bộ cưỡi ngựa đeo khẩu pạc khooc tên là Đoàn Khánh Ngọc hai tay kính cẩn tặng tiền cho cụ tôi ( mẹ đẻ ra liệt sĩ). Tự hào lắm. Kể chuyện với lũ bạn chăn trâu chả thằng nào tin cả. Thằng nào cũng bảo : Ở làng oai nhât chỉ có nhõn ông Dương văn Vóc là thượng úy thôi. Tôi về đọc trên cái “huân chương chiến sĩ “ của ông trẻ mình treo trên cột nhà thì chỉ thấy ông mình là Chiến Sĩ.
Qua tràn Cội đồng ngược lên phía bắc là sang làng Hậu Bổng. Chúng tôi cứ gọi đó là làng “ cò trắng “ . Không biết cái tên này uấn ức gì mà mỗi khi người hai làng cãi nhau mà nói đến cái tên cò trắng là người Hậu Bổng ức lắm. Họ chửi váng lên. Họ chửi làng Đan Hà tôi là dân cò mốc. Lũ con gái làng Hậu Bổng cứ nheo nhéo bên kia hồ nước rằng:
…Đan hà ăn gạo đéo đâm
Ăn bát đéo rửa ăn mâm đéo chùi.
Bọn con trai làng tôi tức lắm mà không chửi lại chúng nó. Mùa xuân sau tết, tràn Cội đồng xanh rờn lên. Lúc ấy là mùa của các loại rau tập tang. Tôi nhớ các cô các bà đi hái lá khúc về làm bánh khúc. Mỗi chiều đi chăn trâu về lũ con gái hái rau tập tàng gói vào những cái khoai nước to như lá sen ngắt ở dọc bờ ngòi Vườn Hồng . Những rau rệu, rau chôn chén rau sếu rau cải thông. Chỉ duy một thứ rau mà ngày ấy không đứa nào dám hái đó là rau riếp cá. Đồng làng tôi đến bây giờ các bờ lúa rất nhiều thứ rau này. Lạ thế.
Nửa thế kỉ nay đê sông Hồng không vỡ nữa. Cái khúc đê Cầu Lau bây giờ to cao và hai bên đê là nhà cửa hai ba tầng to vật vã. Nước sông HÔng bây giờ cũng cạn lắm chả ngầu bọt như ngày xưa. Sông quê tôi bây giờ không còn khái niệm “ đổ cây nước” sông Đầm Thi nữa. Sự trị thủy sông Đà khiến sông Hồng trở nên nghèo nàn. Đôi bờ sông HỒng không còn náo nhiệt bè mảng tre nứa như xưa. Chả ai còn phải nhờ đến con sông cần mẫn mà vận chuyển tre tranh nữa lá về xuôi nữa.
Tôi về quê con đường làng chạy qua Cội đồng nay chính quyền chia lô bán nền. Tôi nhìn qua những căn nhà xanh đỏ mái tôn lôm nhôm ra cánh đồng tôi như thấy hiện lên tràn ruộng Cội Đồng ngày xưa leo heo khói hun chuột mùa đông.
Về quê, trên con đường cao tốc lên Lao Kay nhìn sông Hồng với con mắt thương nhớ quá khứ. Nhưng với tôi con sông vẫn như tồn tại cả một trời tuổi thơ và tôi cứ nghĩ rằng cội nguồn họ mạc nhà tôi lớn lên nhờ nước sông hồng và những cánh đồng biến đổi năm này qua năm khác những vẫn mê mải xanh tươi. Cái thứ màu xanh quê tôi hiền lành lắm.
23/2/2020

No comments:

Post a Comment