Monday, July 6, 2020

TRỞ VỀ TRẬN ĐỊA NGÀY XƯA


Tôi dậy thật sớm. Mặt trời chưa lên xe tôi đã chạy dưới chân núi Chóp Chài. Cánh đồng màu nâu xỉn tít tắp mãi tới tận phía đường 25. Xe rẽ tay phải về hướng Tây Nguyên . Lòng dạ cũng thấy bồi hồi. Tôi đang đi về phía tuổi trẻ của đời mình. Tôi đi về với đoạn đường 45 năm trước.
Nhìn những cột cây số đề Củng Sơn …km càng gần lại thì tôi lại càng tưởng tượng ra bao đứa bạn. Tưởng như tôi đang ở tuổi hai ba ngày ấy. Sau những ngày đánh chặn địch ở Cheo Reo đuổi địch về đến Phú Túc đánh quận lị Phú Túc rồi không kịp thu chiến lợi phẩm trung đoàn tiến về Củng Sơn. Đêm 23/3/75 trong lúc tiểu đoàn 8 của tôi vượt qua quận lị thì d7 và d9 đánh vào Củng sơn. Trận đánh xe tăng 24/3 năm ấy cũng là trận đánh giải phóng hoàn toàn Quận lị mà bây giờ mang cái tên huyện Sơn Hòa.
Với tôi, trận tấn công giải phóng Sơn Hòa không ấn tượng là mấy, mà trận truy kích đoàn xe qua cầu phao Thạnh Hội mới đáng nhớ. Tôi nhớ không phải vì sự chiến thắng mà vì ám ảnh cả đời những khung cảnh vượt sông của dân di tản của cái nắng ngột ngạt và trận cháy bãi xe bên bến cầu phao năm ấy.
8 giờ rưỡi sáng mà trời nắng nóng hầm hập. Tôi đến xã Sơn Hà hỏi vào làng Thạnh Hội. Ngày nay tấm không ảnh chụp QLVNCH rút chạy qua sông Ba trên đường số 7 ai cũng biết. Nhưng it ai biết nó ở vị trí nào và tên cái bãi sông tang tóc ấy là gì. Xe ta xi chỉ chạy đến cuối làng rồi tôi lội bộ qua bãi soi trồng mía và trồng mì ra bờ sông. Lúc vào làng tôi tìm những người già để hỏi thăm. Có một bà cụ 80 tuổi nói. Đó chú đi hết bãi soi là đến Hào Trung , đó là cái bến cầu phao năm xưa mà người chết quá trời đó. Tôi bước đi mà nghe cụ già thở dài sau lưng
Trang nhật kí đề ngày 25/3/1975 như thế này :
“ … quân địch nhiều quá bọn này đua cả gia đình chạy từ Pờ lay cu. Bắt hầu hết súng ống ném xuống sông nhiều vô kể. Chưa bao giờ mình tấy cảnh đau thương như hôm nay. Bọn trẻ có lẽ chết mất nắng quá.. mà hôm nay mình thấy nhiều HOA nhất, 2 giờ chiều vượt sông Ba đuổi địch. Mồ hôi đổ ra như tắm, mệt ghê quá , buồn ngủ nữa. Đoạn sông này rộng chừng 400 m. Hàng ngàn người bà già trẻ con lội ào ào Khổ quá. Mình đeo một ba lô thuốc lá , gùi đạn . Ướt hết. Gặp Dương phỉ ở bờ sông cho nó hai tút thuốc. Gặp nhau chỉ nhìn thấy răng với mắt. Đã có đến 10 đêm không ngủ chân đã đi mấy trăm cây sô.”
Cái cầu phao chật ních những xe quân sự và lính tráng. 12 li 7 bắn ràn rạt xuống sông. Hàng khối người đổ xuống sông la hét. Tôi nhắm mắt mà hình ảnh ấy trong trưa nắng hôm 25/3/75 cứ hiện ra đau nhói.
Hôm ấy tôi không nhớ ở đại đôi và các đị đội khác họ bế bao nhiêu đứa trẻ mất cha mẹ gửi vào dân ở ngôi làng nghèo này.
Tôi đã gần 70 tuổi, lại bệnh Copd đi trong cánh đồng cát thấy ngột ngạt vô cùng. Ra đến bờ sông. Tôi đứng hồi lâu định vị và nhận ra bến phà ngày xưa. Nhìn dòng sông bên lở bên bồi và những ngọn núi bên kia sông. Trí óc tôi lần lần hồi tưởng . Đúng rồi phía bên kia sông có ngọn núi như bị cát cụt ngọn xanh rì. Chiều 25/3/ năm ấy chúng tôi đã nhằm ngọn núi đó mà hành quân tới
Tôi nhìn về phía thượng chừng 2 km tôi nhớ ra chỗ trận đánh chiều 24/3 với xe tăng địch. Tôi nhớ gốc đa cổ thụ mà mình chui vào đó tránh đạn. Chỗ đó có một xóm nhà. Tôi đi về xóm nhà ấy. Khát nước và mệt. Tôi tìm vào một hàng quán giữa xóm. Tôi gọi, ai bán hàng đây! Một lúc sau có một bà già đi ra. Bà già người cao ráo tuổi chừng ngoài 70. Hỏi tôi, mua gì, tôi kéo cái ghế nhựa và chỉ lon Bò húc. Hỏi bà ở đây lâu chưa? Bả lâu rồi trước 75 cơ. Tôi thấy có cơ hội để hỏi chuyện liền tiếp. Ngoài bờ sông có cây đa rất tô đâu rồi bà? Bà nhìn tôi lom lom. Sao ông biết cây đa đó. Tôi nói tôi tùng đánh nhau ở đây. Mắt người đàn bà sáng lên. Cây đa đó người ta chặt mất rồi. Bãi sông đó họ nói nhiều ma quá ….Tôi hỏi, chồng bà đâu? Bà già đứng dạy vô nhà dắt theo một ông già đi tạp tễnh . Người đàn ông nhìn tôi và nói thản nhiên. Ông là lính 320 à? Vâng đúng rồi. Chắc ông cũng là lính hả. Người đàn ông lại cười cười . Tôi là lính đối phương với ông. Đến lượt tôi ngạc nhiên. Nhìn người đàn ông trên bến sông Ba Củng Sơn dò hỏi, ông ta là lính nào trước kia ?
Chợt người lính già ấy nói. Tôi cảm tình với bộ đội 320 các anh. Tôi hỏi Vì sao?
Người lính già chỉ vào vợ mà nói. Vợ tôi khen các ông lính 320. Khi tôi trở về nhà vào cuối tháng 5/1975 vợ tôi nói lính 320 bế trẻ con lạc mẹ trên bến phà ngoài bờ sông vào gửi nhà dân mà các ông ấy khóc quá. Câu chuyện của vợ tôi kể làm tôi nhớ đến giờ. Chung tôi ngồi bên nhau trong một trưa nắng hầm hập.
Người lính VNCH bảo tôi, ông ở lại đây nhậu với tôi. Trưa nay tôi đãi ông món ốc đá sông Ba. Tôi nắm tay ông bạn già nói lời cảm ơn vì tôi còn việc vào thị trấn Củng Sơn rồi về Tuy Hòa trong chiều nay. Vợ chồng người lính quyến luyến chia tay tôi không quên gọi cháu ra chụp ảnh chung với tôi.

Cuối cùng thì những nỗi lo lắng chuyến trở lại CỦng Sơn của tôi nặng nề ám ảnh cũng qua đi. Chiến tranh đã khuất lấp vào thời gian chỉ còn lại tình người sáng trong thì hiện hữu. Nơi những cánh rừng cỏ tranh , rừng khộp ngày xưa bây giờ là cánh từng trồng mía trồng củ mì cho nhà máy đường nhà máy rượu. Củng Sơn ngày xưa là những dãy phố xanh sạch đẹp bên dòng sông Ba. Trưa ấy tôi đến đứng bên cột tên dãy phố mang tên 24/3.
Cái trận đánh để đời của chúng tôi 45 năm trước nay đã thành tên đường phố. Chỉ có những cái tên đồng đội tôi hi sinh hôm ấy thì chìm vào lịch sử. Trưa nay tôi đứng bên sông Ba bùi ngùi nhớ về họ nhớ về tuổi trẻ đời mình.

Củng Sơn - Tuy Hóa 19/5/2020

No comments:

Post a Comment