Monday, July 6, 2020

Của Người


Dạo ấy sau ngày thống nhất vài tháng, lòng người say sưa lâng lâng đến khiếp. Cả nước là một bãi phế liệu, là một kho vật tư chiến tranh hiện đại nhất thế giới tính đến lúc ấy. Là anh lính trẻ tôi chỉ một nỗi duy nhất là mong ngay bây giờ về với quê hương. Ai là lính lúc ấy cũng thế. Chả ước mơ gì, chả có suy tính thiệt hơn nữa chỉ mơ ngày về với mẹ mà thôi.
Đóng quân trong Đồng Dù Củ Chi rộng như một khu gang thép Thái nguyên lúc mới xây dựng. ( 8 km2) chúng tôi khao khát sẽ có ngày rời xa cái căn cứ 15 lớp hàng rào kẽm gai này mà về bắc. Hàng chiều tối hay chủ nhật chúng tôi mấy thằng lính SV tụ tạp ở nhà thằng Phan Duy Lân sinh viên năm 4 trường tôi bên E48. ở đó thường trực có thằng Cận Cơ Điện, thằng Quyền SP Lý người Lạng Sơn. Ngay đầu tháng 5 /75 khi vừa về đóng lại khu gia binh này thằng Cận quét nhà nhặt được một cái ốp vòng tay trẻ em bằng vàng. Cả mấy thằng cùng im lặng chả đứa nào nói gì. Lính chiến đấu kị nhất là nhặt vàng. Rồi thằng Lân lấy tlấy giấy cuộn chặt cái miếng vàng ấy cài sau tấm gương treo trên tường . Chuyện ấy chúng nó quên đi. Tôi sang chơi với chúng nó hôm ấy thì tôi lại nhớ.
Bốn tháng ở lại Củ Chi sau ngày 30/4/75 bao nhiêu là chuyện vui, bao nhiêu là ước mơ bao nhiêu là mong chờ. Ngày 20/10/75 có quyết định tụi sinh viên chúng tôi được về học đại học. Trời Sài Gòn – Gia Định xanh như mơ. Mây trắng và những cơn mưa chiều Sài Gòn ngọt ngào với con trai miền Bắc đến thế.
Một tuần trước ngày ra Bắc chúng tôi nhìn người SG và trời mây SG thân thương bịn rịn hẳn lên. Chúng tôi đến đây, đích đến của cả dân tộc mấy chục năm đổ máu rồi ra về không mảy may tìm kiếm cái gì cho bản thân mình ở nơi bộn bề là của cải vật chất ê hề. Tiền cửa rừng của mỗi người lính là 16 đồng ( mới đổi ngày 22/9/1975) cũng phải khó khăn lắm mới xin ra cổng đến chợ thị trấn Củ Chi mua miếng vải đen cho mẹ và một cái áo len cho em trai là vừa hết. Thằng Hoan cho một an bum nhấp nháy, thằng Thuận cho cái đồng hồ Seiko 5 và thằng Minh cho cái túi phòng hóa của Mỹ làm túi sách đi học. Thế cũng thành một gia tài.

Riêng tôi, dấu được chục cuốn sách và cây đàn ghi ta mua ở chợ Củ Chi. ( Cây đàn này trong ngày tập trung lên xe ở trạm Hòa Vinh Đà Nẵng bị mưa ướt , về trường không kêu nữa - tiếc tê tái) Tôi nhớ đó là những cuốn “ Mười khuôn mặt văn chương” của Tạ Tỵ. Cuốn "Thi nhân tiền chiến". Cuốn Truyện ngắn của Lâm Ngữ Đường , cuốn Tình sử Napoleon, Thơ MInh Đức Hoài Trinh, mấy tập nhạc của Phạm Duy -Tạ Thiên Thu....
Sáng hôm lên đường tôi đeo ba lô sang e48. Bọn thằng Lân thằng Cận thằng Quyền đeo ba lô lên vai rồi còn lấy chổi quét nhà. Tôi nhìn vào gương xem mình có đàng hoàng chưa và chợt nhớ miếng vàng hôm nào thằng Lân nhét sau tấm gương. Tôi sờ tay thấy cuộn giấy vẫn nguyên. Tôi sợ, nhưng vẫn cầm lấy miếng vàng ấy và nhét vào cóc ba lô thằng Cận mà im lặng không nói gì. Thằng Cận không hề biết.
Chúng tôi về Bắc. Xe chạy Củ Chi sang Bình Dương rồi lên Trảng bom ngủ lại. Thằng Lân thằng Quyền ở đoàn khác chỉ tôi và Cận cùng đoàn với nhau. Ở Trảng Bom 2 ngày. Lần đàu tiên tôi được vào nhà thờ xem họ nghe giảng kinh, lần đàu tiên nghe họ hát thánh ca có đàn dương cầm. Tôi cứ mê mẩn người. THú thật lần đầu tiên tôi biêt đến công giáo là những tiếng hát thánh thót trong một sáng nhà thờ vừa qua binh lửa. Rồi sau này tôi đọc về tôn giáo này nhiều hơn, nhưng kí ức tôi với họ là sự trong trẻo khó có gì thay thế nổi.
Ngày thứ 2 xe đến Phan Rang ngủ lại ngày nữa và ngày thứ 3 đến Đà nẵng. Lúc ấy là tháng 11/75. Bao giờ cũng vậy cữ tháng 11 là mưa lũ miền trung. 7 ngày không đi được. bộ đội đông ùn lại hơn cả dân. Tôi ở Hòa Khánh đúng vào những ngày thi đại học lần đầu cho học sinh miền nam. Ăn đói , không có tiền bộ đôi bán cả những thứ vặt vãnh như ni lông, tăng võng. Chúng tôi quyết không bán thứ gì. Lúc này tôi bảo thằng Cận. Cận ơi tao nhét miếng vàng ở cóc ba lô mày. Nó gầm lên, mày là đồ tồi. Của thiên đấy mày lấy làm gì? Tôi bảo, Tao tưởng chúng mày quên. Quên thế đéo nào được . Chúng tao bỏ lại đấy!
Tôi xấu hổ quá. Nhưng trót rồi. Đành bảo, thôi đem ra phố bán đi mày ạ. Hai thằng tôi đi qua ngã ba Huế, cứ đi mãi đến một khu chợ có hàng vàng và bán được 41 đồng. Thằng Cận bảo quyết không mua cái gì bằng số tiền này mà sẽ ăn cho kì hết hôm nay. Tìm đến một con phố nhỏ có tên Tôn Thất Thuyết với một nhà hàng kính thưa các loại bánh mà chúng tôi chưa ăn bao giờ, chúng tôi gọi tất cả mỗi thứ một ít … Tôi không hề nhớ là mình đã ăn cái gì và mùi vị nó ra sao chỉ biết là vài tiếng sau chúng tôi vẫn chưa hết tiền liền mua mấy bao thuốc lá cho hết.
Ba ngày sau chúng tôi lên xe trong một sáng mưa tầm tã. Lên đèo Hải Vân nhìn biển đục như nồi cơm sôi. Sang bên kia Lăng Cô trời lại sáng nhểnh ra. Có một xe đi trước bị tai nạn chết mất thằng Ánh Y khoa VB.
Chúng tôi về, trong chúng tôi không có tí gì của người ta nữa. Vậy mà tôi vẫn nghĩ là mình đã lấy mấy cuốn sách của người ta. Nhưng rồi bụng bảo dạ, sách là tài sản của nhân loại
nên là của chung thì chả sợ. Nỗi buồn lo ấy cũng tan đi vì lo học hành trhi cử. Chúng tôi cặm cụi vào học và của cải mang về là kí ức một thời chiến trận mà thôi. Thằng Cận ra trường làm ở Thái Nguyên vừa làm kĩ sư vừa đào ao thả cá và khai hoang đất rừng. Bây giờ nghe đâu cũng khá lắm . Thằng Lân thì sống ở Hà Nội, vợ nó cô SV học đại học tài chính kế toán ngày xưa. Tiếc là Lân đã mất vài năm nay vì bệnh hiểm nghèo. Thằng Quyền về học Sư Phạm rồi về Lạng Sơn dậy học. Nay lại là một doanh nhân khá phết. Thi thoảng gặp nhau cười he he , may mà chúng mình không lấy cái gì của người .

No comments:

Post a Comment