Monday, July 6, 2020

CHUYỆN XỬA CHUYỆN XƯA.


Tôi nhập trường ĐH CƠ ĐIỆN vào đúng những ngày Bác Hồ vừa mất. Chúng tôi 5 đứa từ Yên Bái lần đầu tiên xa khỏi làng. Cứ theo chỉ dẫn trong giấy báo nhập học mà đi. Chiều 5 tháng 9 tới Đông Anh. Chập tối xuống ga Lưu Xá. Hỏi đến xã Tích Lương huyện Đồng Hỷ ( nay là phường Tích Lương) , rồi lại hoỉ xóm Cầu Thông. Trong chiều nhập nhoạng xóm Cầu Thông với tôi in trong trí nhớ tới tận bây giờ. Đó là một xóm làng nhiều dặng tre và nối nhau bằng những ruộng khoai có nhiều ao cá dưới chân đồi. Tôi có nắm cơm nắm mẹ tôi nắm cho mà không dám ăn giữ khư khư trong túi. Trời sập tối, sao li ti trên chập chùng đồi bạch đàn. Cảm giác xa mẹ ngày đầu tiên và vùi vụi trên môt vùng làng đồi xa lạ khiến đứa con gái sụt sịt khóc. Thằng Nhuận hơn tuổi bọn tôi nên cứng cáp hơn. Nó bảo chúng mày ngồi đây tao đi tìm chỗ nào có lửa đèn tao hỏi.
Nó đi, chúng tôi ngồi ven đường đầy những bụi mua và những bụi cây lá nham nháp như loài cây lìu dìu quê tôi. Thỉnh thoảng có chó sủa. Chó sủa hướng nào thì quay nhìn về bóng đêm hướng ấy. Hai tiếng sau có bóng đèn nhập nhoè. Hai người đi với một cây đèn bão. Thằng Nhuận đã về cùng với một người đàn ông cao lêu nghêu sách đèn bão nói giọng Nam bộ. Người ấy vác ba lô hộ cái Hoan và nói. Các em mệt không, đi luôn nhé kẻo khuya rồi.
Chúng tôi đi bộ chừng một tiếng đồng hồ hết đồi bạch đàn này sang đồi sắn khác. Con đường chúng tôi đi là đường vệt hai bánh ô tô chạy lâu ngày trên đồi đất mà thành. Chúng tôi vào một cái nhà lợp phên nứa tường trát đất có ngăn từng phòng bé tí xíu. Người đàn ông Nam bộ bảo, đây là bộ môn toán của trường. Các em cứ nghỉ lại đây mai làm giấy tờ ta sẽ tính sau. các thầy nghỉ hè chưa lên, đừng nghịch sách vở của các thầy.
Ôi thì ra chúng tôi được dẫn vào nơi các thầy dậy đại học Cơ Điên. Đêm ấy mệt, ngủ ngon quá. Ngủ ngay bên cạnh những chồng sách vở cao ngất ngưởng và cao siêu toàn là tiếng tây. Hôm sau thầy nam bộ gọi chúng tôi…dậy đi các em. Phòng bên có tiếng đàn ghi- ta. Một thầy đang hát bài hát về Bác Hồ trên tờ báo Nhân Dân. ( nhũng ngày này các bài hát về Bác Hồ in nhiều trên báo)
Chúng tôi ở nhà bộ môn toán 3 hôm rồi làm giấy tờ về các phân khu tạm thời để thi đầu vào. Thi lần đầu, 3 đứa tôi Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Đức Hạnh, Trần Tiến Lợi đậu vào trường còn Nhuận và Hoan không đậu. Họ cho 2 bạn ấy thi lại. Ngay sau đó chúng tôi đi lên huyện Chợ Mới Bắc - kan chặt nứa cắt tranh để làm nhà ở. Gần 2 tháng sau chúng tôi về trường thì chỉ thấy cái Hoan còn thằng Nhuận thi lại không được đã về quê. Bốn đứa chúng tôi thì 3 đứa vào khoa Chế tạo máy một đứa khoa Điện. Ba thằng con trai chỉ học được 1, 2 năm đều đi bộ đội vào nam chiến đấu và đều sống sót trở về. Cô bạn gái tên Hoan ra trường năm 74. Còn chúng tôi ra sau 4 năm.
Gần nửa thế kỉ sau bỗng dưng nhớ. Thầy đánh đàn ghi ta một hôm mang một cái chậu giặt tôn hoa đưa cho cái Hoan và nói, em dùng cái này mà giặt đừng giặt bằng cái chậu men kia.
Lúc ấy mới lớn chả biết gì. Cứ nghĩ thầy ưu tiên con gái có biết đâu là thầy biết nó phơi mấy miếng xô trắng ngoài gốc bạch đàn. Lại nhớ có thầy trẻ ơi là trẻ. Hỏi thầy bao nhiêu tuổi thầy bảo thầy 22 tuổi. Thầy rủ, ăn cơm bếp sinh viên đói lắm, tối về đi ăn sắn luộc quán nhà bà Bút với thầy. Rồi thầy nói khẽ. Cái thầy cao lêu nghêu người Nam bộ là tổ trưởng bộ môn đấy. Thầy ấy là bộ đội chiến đấu ra tập kết 1954.
Chúng tôi nhìn các thầy như những người hành tinh khác. Các thầy cũng khổ mà sao thầy nào cũng dễ gần. Có lúc, các thầy nói với nhau bằng tiếng Nga. Chiều đến các thày ngồi bên nhau chơi đàn và hát những bài hát Nga mê li.
Vài chục năm sau .
Tôi nhớ thầy trẻ nhất rủ chúng tôi đi ăn sắn luộc tên là Hoàng Sỹ Lâm. Thầy chơi đàn ghi ta là Giáo sư toán học Nguyễn Trần Nhu. Thầy nói tiếng Nam bộ đi hai tiếng trong đêm tối đón chúng tôi lỡ đường đêm ấy tên là Dương Cao Thăng. Khi tôi học năm thứ hai thì thày về làm Công đoàn tỉnh Bắc Thái. THầy Nguyễn Trần Nhu đi nghiên cứu sinh rồi về Viện Toán. Còn các thày khác tôi không biết các thầy giờ ở đâu có còn khoẻ không. Thưa các thầy, Chúng em vẫn nhớ các thầy. Nhớ lắm!

NTL

No comments:

Post a Comment