Monday, July 6, 2020

Hót cứt


Tôi không biết người ta qui định thời niên thiếu là tính từ lúc nào và đến bao nhiêu tuổi. Nếu tính đến ngày tôi bỏ khăn quàng đỏ năm 14 tuổi thì quá nửa thời niên thiếu của tôi là chăn trâu. Còn nếu tính từ 6 tuổi trở lên đến lúc vào đoàn TNLĐ thì cả đời niên thiếu tôi làm mục đồng. Tôi chăn trâu 8 năm trước khi bàn giao con trâu cho thằng em tôi lên 6 tuổi (mà sau này nó cũng làm đến Trưởng khoa ở một trường Đại học ở Thủ đô) .
Ngày ấy chế độ HTX NN toàn miền bắc phát triển vi vu lắm. Trẻ con như chúng tôi có việc trẻ con. Người trẻ có việc người trẻ, người già có việc người già. Tất cả phấn đấu cho sạch làng tốt ruộng cơm no áo ấm vì miền nam ruột thịt vì chủ nghĩa xã hội ….vân vân mây mây. Nhiều cái hay và vui tính lắm.
Tôi đi chăn trâu cả con. Nghĩa là con trâu đó nhà tôi nuôi tất không chung đụng với nhà khác. Trâu là tài sản của Hợp Tác Xã còn nhà mình thì chăn nó lấy công, lấy phân. Con trâu thì của sở hữu tập thể . Chỉ có cứt trâu thì của mình. còn thì tuốt tuột cái gì cũng của HTX hết . Công chăn trâu cộng với phân trâu bón ruộng gộp lại đủ nuôi một cá nhân. Chính vì thế mà chuyện thằng chăn trâu không thể xem thường. Chúng tôi hồi đó dù còn bé cũng đã tham gia chống Mỹ trực tiếp bởi chúng tôi làm ra vật chất giúp miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược chứ không như trẻ con ở phố chỉ chơi nhông không đâu. Bằng chứng là chúng tôi biết hót cứt trâu.

Ngày ấy người ta không có phân hóa học như bây giờ. Có nhẽ vì trình độ ngày ấy nó thế ( hơn nửa thế kỉ trước có kém hơn ) nên bón ruông hầu hết là phân hữu cơ. ( phân do người hay do súc vật ỉa ra) . Những cánh đồng lúa đại trà thì bón phân chuồng ( cứt trâu). Những ruộng mầu như Khoai, đỗ, rau thì bón phân bắc ( cứt người ) hay phân gà. Còn Phân Lợn chuyện bón cho khoai sọ. HE he . Hết ý.
Có một phong trào mà ngày nay không làm nổi như ngày xưa . Đó là phong trào SACH LÀNG TỐT RUỘNG. Bất kì người dân nào thấy đống phân động vật trên đường cũng đều hót về đổ vào chuồng phân trâu nhà mình để thêm trọng lượng cho đống phân. Hơn nữa đường làng nhờ thế là sạch sẽ phong quang.
Đám chăn trâu của tôi có đến 8 con trâu. Chúng tôi đi thành đoàn. Và tất nhiên lúc về trâu ăn no rất hay ỉa ngang đường. Thử tính làng tôi có tới hai trăm con trâu . Mỗi ngày 200 đống cứt to như cái mũ xe máy HON ĐA kín hàm bây giờ thì một ngày có tới hai tấn cứt trâu trên đường làng. Ở làng có những cụ già chỉ đi hót cứt trâu rồi gánh về nhà, mà cuối vụ cụ thu hoạch hơn một lao động loại khỏe.
HỒi ấy Bố mẹ tôi sắm cho con một bộ đồ hót cứt. Gồm đôi giành lót lá, hai cái thanh tre bèn bẹt to như bàn tay để làm thanh gắp cứt . Những ngày nghỉ học. Tôi gánh đôi quang giành hót cứt chuyên dùng đi khắp xóm để hót cứt trâu. Có hôm chỉ hai ba đống cứt là gánh bễ bãi mới về đến nhà. Có hôm chúng nó hót hết cả đành đi về không. Bực lắm. Ngày ấy mấy thằng hót cứt hay tụ tập gặp nhau ở giữa làng. Tất cả bỏ mấy gánh cứt sang ven đường rồi đánh đáo đến trưa. Có hôm thằng Vân chưa hót được đống nào vay của tôi một giành cứt hẹn hôm khác trả. Nó bảo tao xí được mấy đống rồi mày yên tâm.
Ngày ấy có cái que cắm vào đống cứt là người khác không dám hót nữa vì biết đã có người XÍ rồi. Ôi một thời con người không lấy của nhau đến một đống cứt. Thời xã hội tốt tươi đến thế.
Một lần tôi nghe nhà bên cách nhà tôi vài chục mét, bà Quì đang mắng con Thành. Mày không chịu học thì nay mai chỉ có đi hót cứt con ạ. Con Thành chạy ra gốc cọ vẫy vẫy tôi, ra hiệu nghe bà già chửi kia kìa.
Hôm sau trên đường đến lớp. Con Thành bảo lúc bà già chửi tao. Tao nhớ đến mày với thằng Vân thằng Lợi quá . Tao lại nhớ cái hôm mày cho thằng Vân vay cứt.

Hơn nửa thế kỉ đã qua. Tôi và con Thành 70 tuổi đầu bạc trắng, thằng Vân thành người thiên cổ. Còn thằng Lợi thì làm kĩ sư ở tận nhà máy giấy Bãi Bằng. Đất nước thì tiến lên nhưng chả phải tiến lên tất cả. Có những thứ nó đứng lại và đi xuống thậm tệ. Chỉ nguyên chuyện cứt thôi mà thấy đã kém đứt ngày xưa rồi. Tôi và bạn tôi Tiến Lợi ở Bãi Bằng và cái Thành Quì nhìn nhau mà chỉ mong giá mình lại được như ngày xưa. Cái khoảng đời hót cứt mà đẹp thế.
Hà nội
5/9/2019 

No comments:

Post a Comment