Monday, July 6, 2020

MƯA NỖI BUỒN


Đời bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu cái mưa ngâu. Đời mình đã hơn sáu chục cái. Cái nào cũng não nề và buồn. Ấy vậy nhưng cũng có vài cái vừa vui vừa buồn. Vài cái ấy chính là thời đánh nhau trong Tây Nguyên. Tháng Bẩy âm lịch là mùa mưa ở Tây Nguyên, vì thế ngâu chẳng có gì lạ. Mưa ngâu là rỉ rả ngòai Bắc chứ ở đây mưa dầm dề, sùng sục suốt đêm ngày và nước ngầu lũ sủi bọt khắp mọi con suối rừng. Ngâu là cái quái gì ở đây, chả cần biết. Cầu Ô Thước cũng chẳng thể dựng nổi với mưa này. Vì thế với người lính, không có khái niệm mưa ngâu, chỉ biết mưa thì ít tác chiến hơn và đấy là thời gian chúi mũi trong hầm, vật vã ở bùn đất với sốt rét. Nhưng vật vã, đói ốm đến mấy cũng không bằng nỗi thê lương mùa tác chiến. Người ta bảo mùa chiến dịch, hoa chiến công nở rộ đẹp lắm trên con đường ra trận. Tôi thì thấy chả đúng. Hoặc nếu có đúng thì đúng cho mấy anh nhà văn thôi. Chứ mùa đánh nhau thì khốn khổ tận cùng và chả ai thích cả.
Hồi ấy tiểu đòan 7 chốt dẫy làng Dịt, còn chúng tôi ở bắc đường 19. Trung đòan bộ ở kiềng Nhà Lá. Chúng tôi học chính trị ở kiềng. Có cái hầm lớn nhất là hầm nhà bếp. Đại đội kéo nhau ngồi quanh bếp Hòang Cầm mà học. Ngọn khói từ nồi cơm ủ cái bao tải ướt bay là là mon men lên khỏi mặt đất là tan biến. Cán bộ đại đội và lính tráng mắt cứ nhìn chằm chằm vào mấy nồi mít non xào mỡ thơm rừng rực. Phát biểu chả thấy vào tai là mấy. Càng mưa càng đói. Càng đói càng sốt rét. Đói và sốt cứ song hành với nhau hành hạ lính Tây Nguyên. Tháng 8 năm ấy học Nghị quyết 21/TƯ. Chắc chả mấy bạn tôi nhớ nghị quyết ấy là gì. Tôi thì nhớ. Lí do tôi nhớ vì hồi ấy tôi thèm ăn quá, vừa sốt dậy, cái gì cũng muốn ăn cho chặt dạ, nhìn cái gì trên nương rẫy cũng nghĩ, cái này ăn được không? Thế là cái nghị quyết lịch sử này gắn liền với sự đói của tôi. Hôm nào trung đội nào hay đại đội nào đi đánh nhau thì được ăn sáu lạng một ngày, người lính ở nhà chỉ ăn một lạng. Cứ mỗi lần đong sáu lạng là anh nuôi rơm rớm nước mắt, thương những thằng xuất kích chả biết có sống mà ăn hết sáu lạng này hay không?
Ngòai trời sụt sùi mưa, những thằng ốm nằm trong hầm nhìn những thằng đi đánh nhau cũng khóc thầm.
Đêm tháng 8, mưa lê thê, tôi chui ra khỏi hầm, bò bết bát qua mũi súng thằng gác ra nương đồng bào bẻ trộm mấy bắp ngô non ăn cả râu ngô, cả lõi bắp thấy ngọt thon thót tận đỉnh đầu rồi bò về hầm. Thằng Đấu Thái Bình nằm cạnh, tôi tưởng nó ngủ. Thế mà nó trở lưng, hỏi: - Mày ăn ngô đồng bào hả? –Sao Mày biết? Nó bảo, tao cũng định đi nhưng mày bỏ đi rồi, tao nằm im sợ B trưởng xuống gọi không có thằng nào trong hầm. Ngòai rừng mưa dậm dựt, có tiếng đại bác Thanh An đùng đùng rồi tan vào mưa. Nghĩ ân hận với thằng Đấu, tưởng nó không biết. Giá mà mang về cho nó một bắp ngô non nhỉ. Ôm nhau, ngửi mùi chua chua mồ hôi của nhau, lìm lịm vào đêm…
Có một loài hoa ở Tây Nguyên rất nhiều trên những sườn đồi hồi ấy, lá to như cánh bướm vẽ tròn. Tôi vẫn nhìn thấy loài hoa ấy trên đường Hà Nội, họ trồng lác đác ở những khu đô thị mới mọc lên. Mưa, lá và hoa dính cụp vào nhau gục xuống bất lực. cỏ dưới mưa cũng gục đầu ràm rạp. Cả đồi cỏ nằm nghiêng về một phía. Cao nguyên chỉ có một luồng gió thổi vào mùa mưa nên cây cỏ cứ dạt nghiêng theo chiều tuyến tính. Chiều nghiêng ấy từ đông sang tây. Mấy thằng dựa vách hầm rỉ nước bảo nhau, mưa rào ngoài mình bay từ tây sang đông cơ mà ? Sao thế? Thằng nào trả lời được cho cái bánh sắn chiều nay. Chả thằng nào trả lời. Sợ cái bánh làm đói bạn mình, rồi lại sợ mình lộ ra sự nông cạn của kiến thức. Ngày ấy, lúc đánh nhau với giặc ngoài trận địa thì chả ai nghĩ ai có nhiều chữ hơn ai. Ấy thế, hễ dừng trận một cái là con người hiện nguyên bản ngã. Cũng kiêu căng muốn hơn người, muốn vượt lên trên người khác. Duy chỉ có điều là ai cũng không vượt nổi chính mình là sợ đói và chết. Con người là thứ động vật kiêu hãnh nhất, ngay cả ở trong ranh giới mong manh nhất của sự chết, vẫn sỉ diện đến đau đớn.
Bỗng một thằng hỏi, sao lại có Cầu Ô Thước? Mà tại sao cầu tòan là quạ? Tình yêu đẹp thế thì cho mẹ nó một đàn chim bồ câu hay cò trắng bắc cầu cho trai gái gặp nhau có hay hơn đàn quạ không? Tôi quay sang nhìn nó. Thấy nể quá. Có đến nửa trung đội tôi không hiểu cái chuyện cầu Ô Thước. Tôi cũng chỉ lặng im. Trong đầu tôi bỗng nhớ bộ tranh treo ở nhà mình có tích chuyện Ngưu Lang Chức Nữ. Đang buồn, nói thêm về cầu Ô Thước thêm buồn.
Ngày bé, tôi hỏi bố tôi khi nhìn vào bức tranh treo trên vách nhà cũng câu hỏi ấy. Bố bảo, bé đừng có hỏi lẩn thẩn nó vận vào thân. Tôi chợt im. Đàn quạ kề cánh vào nhau nối thành cái cầu cong cứ chập chờn trong giấc ngủ. Tôi lại nhớ lời bố nói khi xưa. Thôi, nói đếch gì chuyện ấy. Mấy thằng trong hầm thở dài. Thằng Đấu bảo, mày kể chuyện gì vui hơn đi. Mẹ kiếp, mưa nát cả đời lính.
Mưa nát cây nát cỏ, nát cả con đường bám địch, chứ nát cả đời lính thì nghe mông mênh quá. Quay sang nhìn thằng Đấu Thái Bình lấy làm lạ. Nó có học hành cao siêu gì đâu mà nói trừu tượng thế nhỉ? Thằng Đấu đã từng kể với tôi, nó tòan đi câu trộm cá ở ao hợp tác xã. Thậm chí hôm nhập ngũ, nó vẫn câu trộm được hơn cân cá rô phi về liên hoan để lên đường. Nó bảo ở Thái Bình, mưa tháng 7 nhiều cá rô rạch lắm. Cánh đồng lúa càng rộng, càng mưa nhiều, thì càng nhiều bờ cho rô rạch ngược. Trong hầm nó sụt sùi, ruộng 5% nhà tao trồng rau muống lại chìm hết rồi, rau ngoi trắng ơn ởn, nhạt tóet, bám đầy bèo hoa dâu… Nó khóc. Tôi ngồi nghe thằng bạn đánh nhau rất dũng cảm nhìn trời mưa khóc vì thương ruộng rau nhà mình bị chìm vì mưa tháng bẩy, trong đầu cứ ung ung nỗi buồn cầu Ô Thước.
… Trở về miền Bắc, mưa vào tháng 7 âm lịch lại mang tên mưa ngâu. Tháng 7 xá tội vong nhân -người đời bảo thế. Tháng 7 là tháng trâu trắng, sụt sùi những là nước mắt, những là nỗi buồn, những là xui xẻo. Bao nhiêu năm cặm cụi đi làm cái anh buôn sắt buôn thép, cứ tháng 7 là bộ phận kế tóan buồn thiu mỗi khi đưa báo cáo tài chính cho tôi kí rồi thở dài. Doanh số kém lãi lời không. Tháng 7 mưa ngâu mà anh, chả ai động thổ, chả ai triển khai dự án vào tháng 7. Ngay cả khai mạc hội nghị này nọ, thậm chí mừng công, cái thứ chả chết ai, cũng kiêng tháng trâu trắng. Ngành ngành chơi, dưới các đơn vị thành viên chơi vì không có khách hàng. Tháng 7, cơ quan tá lả, du hí cà phê và ngồi bình luận mẫu mốt cho mùa thu công sở. Hà Nội lụt chỗ này úng chỗ kia, tháng bẩy bộc lộ những thấm dột trần nhà, tắc cống, tắc bể phốt… Cứ như không có tháng 7 mưa ngâu thì người Hà Nội thấy cái gì cũng đẹp Hà nội thiên dường đến nơi.
Tôi nghe nỉ non đâu đó bọn trẻ hát bài Mưa ngâu. Mưa ngâu là cái cớ để họ tỏ tình thương nhớ cho nhau, vượt qua buồn lo mà đến với nhau. Tôi ngồi nhìn ra đường thấy đời vẫn bộn bề hối hả đấy chứ. Nhớ những thằng lính thuở xưa ở sư đòan 320A thân yêu, nay phiêu bạt phương trời nào? Nhớ thằng Đấu về Thái Bình có còn khỏe mà câu cá kiếm con rô phi, ngồi nhâm nhi lúc chiều ta đau lưng mỏi gối không? Nhớ những ngôi mộ lính mùa mưa ướt bê bết lá khộp, có con thằn lằn nằm trên mộ rình bắt mối rừng. Lạ quá, chiến tranh qua lâu rồi, nhiều cánh đồng xanh đàn cò trắng lại bay về, lại có những đàn cò lội theo người đi bừa trên đồng thanh bình như nửa thế kỉ trườc. Chỉ có đàn quạ đen, hay những con diều hâu vẫn chưa trở lại. Giống chim mà hồi bé tôi phải canh chừng kẻo nó bắt gà con. Nó đi biệt tăm từ dạo bom Mỹ tan hoang quê tôi. Không có đàn quạ, cầu Ô Thước bao giờ mới bắc? Mưa ngâu vẫn cứ là mưa nỗi buồn.
HN 2014

No comments:

Post a Comment